KHỬ TRƯỢC LƯU THANH
Đức Đông Phương Lão Tổ có dạy trong một đàn pháp:
"Tu là khử trược lưu thanh,
Xét soi thực tướng tịnh thanh làu làu."
Thế nào là khử trược lưu thanh đối với người tu hành?
Khử là khử trừ, diệt bỏ đi một cách dứt khoát.
Trược là chất bợn nhơ, hôi thúi, nặng nề không trong sạch.
Lưu là giữ gìn, lưu trữ cất chứa, tồn lại.

Thanh là sạch sẽ, trong sáng, nhẹ nhàng, không tối tăm, bợn nhơ, hôi thúi nặng nề.
Khử trược lưu thanh là khử trừ, diệt bỏ đi hẳn những chất khí, vật thực nhơ bẩn làm hại cơ thể người tu hành, để chỉ giữ gìn, cất chứa lại trong người ròng chất khí thanh, máu huyết tinh sạch, tinh khiết.Vì vậy,
người tu hành phải ăn chay để cho thể xác được nhẹ nhàng. Đây là lời dạy của Đức Giáo Tông Lý Đại Tiên Trưởng (11-4-1970):
"Đã là mang thể xác phàm trần..., thế nên cần có sự chay lạt, trước tiên là để khử trược phân thanh, không ăn huyết nhục để khỏi chịu ảnh hưởng không tốt từ thú tánh còn lại. Thân thể có được trong sạch, huyết nhục có được khinh thanh, thì tâm hồn tánh nết mới được dịu dàng, trí tuệ mới được minh mẫn, thì lời nói mới được dịu dàng, khả ái, hành động mới được phúc đức, chớ không phải ăn chay để thành Phật Thánh Tiên, mà nó cũng là điều kiện tối thiểu cho khởi thỉ của việc thành Phật Thánh Tiên".
Chúng ta cũng nên lưu ý lời dạy của Đức Hiệp Thiên Đại Đế (25-02-1971): "Nếu việc ăn chay không ý thức được về vệ sinh y học, không ý thức được lòng công bình, quí trọng mạng sống loài vật, không ý thức được lòng nhân từ, không ý thức được sự lóng trược phân thanh, thì ăn chay cũng như ăn kham khổ đối với những người nghèo khó, không tiền mua thịt cá, tôm tép, chỉ mua rau chấm tương hẫm hút thế thôi."
Đức Quan Thế Âm Bồ Tát cũng dạy ăn chay để diệt lòng trần, tánh xấu:

"Ăn chay để làm chi vậy hử?
Tập ăn chay để khử lòng trần;
Bao nhiêu ái ố tham sân,
Bao nhiêu thói xấu rửa lần cho thanh."

Người ăn chay trường dùng hoa quả, rau cải, tránh được nhiều chất độc do thịt cá, tôm phát sinh trong cơ thể gây bệnh hoạn, đó là để giữ vệ sinh và sức khỏe, vừa thanh lọc máu huyết cho thể xác, vừa tránh khỏi ảnh hưởng do thú tính của thú vật như nóng nảy, hung hăng, dâm dục, sân si.... và rửa lần lần tánh tình được thuần hậu, lời nói dịu dàng, cử chỉ hiền hòa để cảm hóa tha nhân. Đó là ăn chay để khử trược thể xác và lưu thanh huyết nhục cho ít bệnh hoạn.
Trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Thượng Đế ban ơn truyền pháp cho những người ăn chay 10 ngày một tháng, tuy nhiên muốn luyện đạo phải trường trai. Thầy đã dạy rõ trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển từ buổi mới Khai Đạo vì nếu tu luyện được đắc Đạo mà còn ăn mặn thì linh hồn không thể xuất lên thượng giới đặng do trược chất còn mang và sẽ bị thiên lôi đánh tiêu hủy.
Đức Chí Tôn dạy trong Đại Thừa Chơn Giáo (đàn ngày 22-9 Bính Tý, 05-11-1936, bài "Điều cần yếu của người luyện Đạo") về việc ăn chay: "Sự ăn chay là bổ cho Tiên Thiên, còn ăn mặn lại bổ cho hậu thiên. Các con nếu ăn mặn mà luyện Đạo thì Chơn Thần bị khí hậu thiên làm nhơ bẩn, nặng nề mà khó thể xuất ra cho khỏi vùng trung giới được."
Đối với người thọ pháp luyện Tinh Khí Thần (tam bửu) việc khử trược lưu thanh rất quan trọng ở Thần Khí. Thầy nói:
"Đạo Thầy không chi lạ, Âm với Dương, Thần với Khí (tánh mạng) không ngoài ra lẽ đó. Các con muốn rõ Đạo thì dùng âm dương là căn cơ vậy". (Đại Thừa Chơn Giáo, đàn ngày 01-9 Bính Tý, 15-10-1936, bài "Nền tảng Cao Đài Đại Đạo")
Đức Lão Tổ đã từng dạy rằng Đại Đạo chí giản chí dị, chỉ có âm dương, Thần Khí, tánh mạng. Cho nên luyện Thần Khí, khử trược lưu thanh thần khí là điều hết sức trọng hệ đối với người luyện Đạo. Công Phu hô hấp thường nhựt phải hấp khí thanh vào cơ thể để khử trược khí trong người, tẩy khí trược ra ngoài (hô), chỉ giữ khí thanh lại trong người, theo pháp môn mình đã được thọ truyền, tùy theo cấp bực. Nguyên tắc là chỉ thu liễm khí thanh là khí Tiên Thiên Hư Vô của Thầy vào thân để lọc máu dơ trong người rồi tẩy khí trược ra ngoài. Dụng Thần dẫn Khí không được lìa, Thần cũng phải khử trược, thanh lọc, tức là phải giữ tâm không niệm tưởng. Còn niệm tưởng là Thần bị nhiễm trược rồi thì khí cũng sẽ bị nhiễm trược lây theo. Nên hành giả phải giữ tâm thần cho được hư vô thanh tịnh, mới khử trược lưu thanh được, nếu không, thì khí hậu thiên còn động lại và âm chiếm thể xác.
Thánh giáo Chiếu Minh Vô Vi Tam Thanh có dạy:
"Phép Đạo Thầy truyền là khử trược lưu thanh, dụng Tiên Thiên chi khí mà luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa Thần, luyện Thần huờn hư. Nghĩa là hiệp Tam bửu qui ngũ hành tạo thành một xác thân thiêng liêng thuần dương chi khí, Nguơn Thần mới nương đó mà vĩnh kiếp trường tồn nơi cõi hư linh. Các con nên tường yếu lý ấy mà giữ cho đúng phép khử trược lưu thanh.
Các con nên hiểu rằng, các con tu là lược lấy tinh ba trong sạch, những trược chất trong người đều đẩy ra ngoài. Vậy các con cần phải lưu tâm chú ý về điểm ấy. Những nơi trược chớ khá gần (thây ma, nhà xác...) món ăn vật uống trược chớ nên dùng, lời nói trược chẳng nên thốt, ý nghĩ trược phải đoạn trừ.
Tóm lại, mỗi mỗi đều thanh thì luyện pháp trường sanh mới đắc thành công quả. Các con tu chẳng khác nào như hòn đá nam châm có sức mạnh thu hút một loại kim khác là sắt, tức là trược khí. Vậy các con khá thận trọng trong sự tu hành,
khử trược lưu thanh cho đúng phép."
Đức Ngô Minh Chiêu thường dạy môn đệ của Ngài phải tu ẩn mới bớt đi được sự khảo đảo phần nào.

"Các con phải hiểu phải tàng,
Đạo Thầy u ẩn minh quang tâm điền.”
Cũng như phải giữ hai chữ Bần đạo:
"Bần là tu ẩn tu thầm,
Tu nơi giữa chợ người lầm mới hay.
Bần là tròi trọi rảnh tay,
Chẳng mong phú quí, chẳng say sang giàu.
Bần là chẳng gọi mình cao,
Ngọn đèn của Phật làu làu mới tinh.
Bần là chớ khá khoe mình,
Dở hay, thôi cũng mặc tình khen chê."

"Người hàng thượng thừa không khoe khoang vẻ đạo, chẳng trọng sắc tướng, chỉ dụng vô vi tâm pháp đúng với lý tự nhiên. Bởi tâm là chủ tể, tâm có giữ được chơn không mới thấu rõ máy Trời. Tâm còn vọng động buông ra muôn nghìn hình thức thì dù cho bực Đại giác Kim Tiên cũng bị trược trần ô nhiễm lấp mất điểm chơn như để quanh quẩn trong luân hồi nhân quả... "
Pháp tu khử trược lưu thanh thuộc về khẩu truyền tâm thọ, không được khoe khoang, khinh truyền cho người chưa hội đủ điều kiện của Ơn Trên, không đủ pháp tài lữ địa. Những ai quyết tâm chí thành cầu đạo, sẽ được Ơn Trên điểm nhuận.Tuy người tu hành
phải khử trược lưu thanh nhưng không vì thế mà chê chỗ này trược, cái kia trược, hay pháp môn cao thấp, tỏ ra mình tu cao hơn người. Vì như vậy là thiếu sự khiêm tốn hạ mình của hàng tu thượng thừa. Các Tiền bối Chiếu Minh có thuật câu chuyện này:
Ngài Ngô Minh Chiêu hồi sanh tiền nhận thấy một số môn sanh của Ngài còn có tánh tự kiêu, nên một hôm dẫn môn sanh vào chợ Bến Thành Saigon, xông pha các hàng bán thịt cá tanh hôi, xong một vòng, Ngài kêu các môn sanh đứng lại để nghe Ngài giải thích như sau: "Cái trược mà chư đệ muội vừa xông pha đó vẫn là cái trược ở bên ngoài, có thể tắm gội, tẩy rửa sạch được bằng savon (xà bông), nước nóng đổ rượu vào hay dầu thơm, chớ những cái trược của tư tưởng, của lời nói và của những hành động do chính mình tạo ra, xấu xa tội lỗi, không thể tắm gội tẩy sạch được, vì nó từ nội tâm xuất phát. Vậy ngoài việc xa lánh những nơi ô uế xông lên, trược khí một cách thản nhiên, không lộ vẻ khinh miệt, chê bai; chư đệ muội cần phải thận trọng giữ gìn cho tư tưởng minh được hướng thượng, thanh cao, trong sáng; lời nói mình phải chơn chánh, dịu dàng, êm ái, dễ thương, cử chỉ và hành động phải chánh trực, quang minh, từ ái. Đó là tu tánh hiệp với công phu luyện mạng là đúng theo pháp của Tiên gia:‘Tánh Mạng song tu’ đó."
Người tu thượng thừa luyện đạo, ngoài việc lo khử trược lưu thanh bằng cách chọn nơi nghỉ ngơi có thoáng khí trong sạch để công phu hô hấp, tránh nơi uế trược, ám khí của thây ma, nhà xác..., không ngủ chung chạ với người còn ăn mặn chưa tu. Việc ăn uống phải giữ thanh đạm, trường trai, cử ngũ vị tân, thậm chí đến trầu, thuốc mà Thầy cũng dặn dò rất tỉ mỉ. Còn phải thận trọng việc khử trược qua lục căn tức sáu cửa ngõ: nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý. Phải chận đứng thất tình: mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, sợ là bảy nguồn trược khí xâm nhập vào người làm cho tâm trung bị nhiễm trược đảo điên, không giữ được thanh tịnh cho thiền định, nhứt là tai, mắt là hai tên giặc rất lợi hại. Mắt thấy mà như không thấy, tai nghe mà không biết mình nghe

(thị chi bất kiến, thính chi bất văn).
"Bởi tai mắt từ từ niệm khởi,
Bị trần căn bám víu ý căn,
Thức Thần chủ sử đón ngăn,
Càn Khôn thất vị khó khăn phục huờn."

Mắt không xem những hình ảnh thất lễ tồi bại khiêu dâm, tai không nghe những lời ngọt bùi, nỉ non hoặc thêu dệt nói xấu người khác, mũi không tìm ngửi mùi thơm, lưỡi không nếm món ăn vật lạ khoái khẩu chứa chất trược, ý không tưởng đến những việc tài sắc, danh lợi, quyền hành, thân không va chạm vào điều thất lễ hèn hạ. Người tu luyện phải chịu khổ cực vô ngần, chịu khảo đảo triền miên, nên Đức Ngô Minh Chiêu khuyên ai muốn tu thọ pháp Đạo của Ngài phải chịu ba điều khổ. Nếu cam kết chịu được, Ngài mới thâu nhận làm đệ tử. Ngài nói:
"Đạo Thầy dạy các con tu đặng giải thoát tứ khổ đời đời kiếp kiếp, vậy các con hãy rán chịu ba điều khổ trong kiếp này là:

- Qui giới khổ
- Công phu khổ
- Ma khảo khổ

Biết vậy cứ trì tâm, chi chi có Thầy, Thầy không bỏ. Đạo Thầy là lưu thanh khử trược. Vậy con tùy tiện mà lánh trược tầm thanh nghe, ăn ở trược cũng nên lánh, nói cười trược cũng nên xa. Thầy cắt nghĩa sáng cho con rõ (Ngài dạy một môn đệ) vướng vào trược khí mà tu thì chẳng khác nào trồng cây đất xấu khó mà phát cho đặng, còn gặp được thanh khí như tỉa hột đất phân, mau tấn hóa. Con hiểu lời Thầy dạy nghe."Để kết luận bài này, xin mượn lời của Đức Chí Tôn dạy trong
Đại Thừa Chơn Giáo (đàn ngày 25-8 Bính Tý, 10-10-1936, bài "Tu phải luyện Đạo"):
"Đạo là phân thanh khử trược. Hễ nhẹ nhàng trong sạch thì được hiệp nhứt cùng Thầy, còn nặng nề mê muội phải chìm xuống đáy. Vậy các con phải luyện cho đắc tánh thuần dương mới ở vào cảnh thiêng liêng đặng. Nơi cảnh thiêng liêng, không khí nhẹ nhàng hơn trăm ngàn lần không khí ở gần các con, nếu các con còn nhơ bợn một chút cũng không thể ở đặng.
Thầy nói sự di sơn đảo hải là chuyện thường của Tiên Thánh, nhưng dời non đổi biển thì dễ, chớ đem các con trở lại thì khó lắm. Non biển tuy nặng nề nhưng không có mang thất tình lục dục, chớ xác phàm con người, tuy nhỏ nhít, mà vì lẫn cả sự dục vọng tà tâm, nên nặng nề hơn muôn ngàn hòn núi. Thầy có thương các con cũng không thể ẵm bồng cho đặng. Vậy các con phải dùng phương pháp tu tánh luyện mạng, khử trược lưu thanh mà thoát khỏi luân hồi lục đạo.  
 

      Trở lại Mục Lục