Dậu thời, ngày 21 tháng 07 niên Mậu Thìn.
(01-09-1988)
KHAI SÁNG TAM-TÒA QUI-NHỨT THI
Chưởng-Tòa giáng điển xuống trần-gian,
Quản Đạo khuyến tu kíp lẹ đàn.
Hiệp lại, hòa nhau quay trở gót,
Thiên-Đài chờ đợi bước người sang.
Chào Hiền-Đệ Phục-Nguyên !
Hôm nay Hiền-Đệ dời Tệ-huynh về đây có điều chi
đàm-đạo ?
P.N : Kính bạch Đại-huynh! Tiện-Đệ cung-thỉnh Đạihuynh
giáng-đàn xin Đại-huynh tùy theo nhân-duyên mà
Đại-huynh cho bài giáo lý, để Tiện-Đệ ghi lại lập thành
pho chơn-truyền hầu giúp ích cho hậu-thế sau này vậy.
N.M.C :
PHÚ
Thể theo lời Đệ-hiền đã nói,
Huynh tận tường lời hỏi hôm nay.
Xưa Chưởng-Quản hiệp mối Thiên-Đài,
Nay giáng điển tái lai hậu-thế.
Này Đệ-hiền! Cơ mầu đâu dễ,
Tiếp hình đồ Thượng-Đế chi-nguyên,
Phải dụng tâm phục-bổn chơn-hiền,
Rồi quay-quần khuya đêm tu-học.
Mối Đạo Thầy một mai xuống dốc,
Phải làm sao để đốc người tu ?!
Chẳng phụ lòng của Đấng Đại-Từ,
Thường giáo-hóa Đồ-Thư lịch-lãm.
Bởi trần-gian giăng nhiều bụi-bám,
Nên quên rồi sống thảm chết đau !
Tệ-huynh nói chí cốt dạt-dào,
Là tâm-huyết trọn bào tá-thế !
Đúng vậy không Hiền-Đệ Phục-Nguyên ?
P.N : Bạch Đại-huynh! Đúng như vậy !
N.M.C :
Vì có duyên ngộ tri hiệp Đệ,
Ra lời từ truyền lẽ Đạo mầu,
Mà tỏa sáng đi khắp ngũ-châu;
Cùng bốn cõi quay đầu chơn-Đạo.
Hạnh tu-học, ngày đêm chu-đáo,
Hãy năng trừ lục-đạo yêu tinh,
Giữ ba báu, ta gắng năng gìn,
Phá bảy cõi, hồi sinh Đạo-mạch.
Người tu-hành vẹn tròn cốt-cách,
Trọn bổn-nguơn, thể-phách sáng lòa,
Mau mau tu, để đến Trời Cha,
Rồi khai sáng Tam-Tòa qui nhứt.
Máy Thiên-điển tùy cơ tùng luật,
Để răn đời theo sức nhân-duyên.
Này Đệ ơi! Học Đạo thâm-uyên,
Gìn chí chơn định-thiền mở ngõ.
Ôi! Tu đi thoát rồi cái rọ,
Rọ tử sanh nào có lâu dài,
Sống đâu biết để đến ngày mai,
Hòa nguồn Đạo, Bồng-lai lố-dạng.
Đúng không này Đệ ?
P.N : Bạch Đại-huynh đúng như vậy !
N.M.C :
Sống nội tâm tịch-nhiên bậu-bạn;
Quay thân lòng mở sáng chơn-kinh.
Chí quyết tu, tụng chữ Huỳnh-Đình,
Phế đời tàn bỏ mình thơ-thái.
Chí lòng chơn ta đừng quảng ngại,
Thấy trong rồi thoải mái dường bao !
Học Đạo Thầy thuộc chữ làu-làu;
Chữ “Tâm-Kinh” nhìn vào nguyên-bổn.
Mắt của Thầy tận đường chí Rốn,
Mở điều-hòa hổn-độn sơ-sinh.
Đậm vào nét ra chữ in-hình,
Mà bương chảy nguyên-linh tá-thế.
Người tu-học đừng cho mắc-kế.
Kế ma-vương làm bế chơn-hồn.
Tâm quyết định đừng có bôn-chôn.
Chẳng nóng nảy là khôn đó nhé !
Tu chẳng biết chậm mau hay lẹ,
Gắng điều-hòa cho khỏe xác thân,
Đừng lao-nhọc hồ-hải phong-trần,
Sẽ nhiễm bụi bao lần ô-uế !
Thở điều-hòa huyệt đừng có bế,
Mạch khai-thông chưởng khế Huỳnh-Đài.
Chớ nhược điểm cứ động lung-lay,
Biến thành ưu qua ngày qua buổi.
Hạnh người tu gắng tâm lầm-lủi,
Dục vọng thường là củi đốt tiêu.
Làm cho phách lung-lạc hồn-xiêu;
Gây náo động tiêu-điều Thần-Thất !
Đúng không Đệ ?
P.N : Bạch Đại-huynh đúng như vậy !
N.M.C :
Chớ động xao, tâm đừng vướng-vất,
Nếm mùi đời khốn ngặt Đệ ôi !
Gắng mau lên, đắp quả vun-bồi,
Làm việc Đạo, theo lời Thượng-Đế !
Không dính chi tiền rừng bạc bể,
Chẳng nhúng vào vai-vế công hầu,
Mà đượm nhuần linh-khí trọn bầu,
Hòa âm-dương gồm thâu quyền-lực.
Rồi sẽ tu gìn không phí sức,
Hiệp diệu-huyền qui-luật mà thôi.
Nay Tệ-huynh chỉ có bao lời,
Mong Hiền-Đệ chớ dời ý chí !
HỰU
Ý chí Thầy ban lúc buổi đầu,
Mong người học Đạo gắng chìm sâu.
Gìn lòng nghị-lực đừng quên mất;
Thần-khí ngày đêm hiệp trọn bầu.
HỰU
Trọn bầu khí-lực tinh-hoa,
Tệ-huynh tiếp điển mà ra thơ vần.
Thương cuộc thế vô-ngần biến-cải !
Bởi con người từng-trải phong sương,
Làm cho nhuộm mất Thiên-đường.
Quên đi linh-tánh Bổn-nguơn khi nào.
Đệ ơi Đệ! Làm sao Đệ hỡi !?
Cứu đời tàn đã tới Hạ-nguơn,
Trần-gian đã mất kỷ-cương,
Bỏ quên Đạo-pháp lạc hương lý nồng.
Do tham cầu trong vòng mê lợi,
Vì dục-tình đi tới khổ đau,
Gây nên cuộc chiến ba đào,
Biết bao thảm-cảnh lời nào chứa-chan.
Ôi! Ngó nhìn bàng-hoàng tất-dạ !
Lời Tệ-huynh nay tả chơn lòng,
Thương cho cuộc thế bình-bồng,
Sống trong biển khổ nhấp vòng mãi theo.
Ôi! Đời tàn hiễm-nghèo lắm đó ?
Mà mấy ai thoát rọ luân-hồi ?
Sống trần cứ mãi chơi-vơi,
Người mê cứ mãi chiều mơi đua đòi.
Vì đua-đòi bỏ mòi đạo-đức;
Vì mê trần vinh-nhục phân hai,
Quên đi hai chữ Cao-Đài,
Quên đi tịnh-luyện hoằng-khai chơn-truyền.
Thương trần-thế chưa yên đâu Đệ !
Lâm ngày tàn mấy lẽ đảo-điên,
“Đệ-tam thế-chiến” lụy-phiền,
Người trần phải khổ liên miên thảm sầu !
Sao không nghĩ vì đâu đau-đớn ?
Vì quên hồn thâu gọn thân-tâm,
Cho nên xảy cuộc âm-thầm,
Một mai bùng-nổ bao năm đọa-đày !
Huynh đã nói lời ngay ý thật,
Này Đệ-hiền! Giành-giật thiên-lương.
Tô-bồi đạo-đức thêm-hương,
Chuyển lời Huynh nhé! Trần dương hiểu nhiều.
Đó này Hiền-Đệ Phục-Nguyên !
P.N : Vâng !
N.M.C : Này Phục-Nguyên ! Chẳng hay Phục-Nguyên
có điều gì hỏi Tệ-huynh nữa hay không.
P.N : Bạch Đại-huynh! Tùy theo nhân-duyên Đại
huynh giúp ý-kiến.
N.M.C : Tạm dừng nơi đây, Huynh xin thăng. Mai Đệ
tiếp Tệ-huynh, sẽ có vài lời nhắn-nhủ !
THI
Xin thăng hẹn tiếp buổi chiều mai,
Nhắn-nhủ vài câu chớ để phai.
Này Đệ! Y lời tua chuyển Đạo,
Giáng đàn vấn đáp lẽ Cao-Đài.
Thôi Tệ-huynh xin thăng, mong hiền Đệ tiếp.
Huynh vào đàn sau, Huynh có nhiều câu, lời giải về chữ
“Cao-Đài Đại-Đạo”.
Huynh xin thăng.