ĐỨC THÍCH-CA
THUỞ BAN-SƠ LÀ NGÔI TRỐNG-RỖNG.

Bần-đạo xin chào Phục-Nguyên cùng lưỡng-biên nam nữ.


P.N : Kính Đức Thế-Tô!
THÍCH-CA : Hôm nay Phục-Nguyên thỉnh bần
đạo về đây chắc có điều chi bày-tỏ?
P.N : Kính bạch Đức Thế-Tôn! Xin Thế-Tôn hoan hỉ,
tùy nhân duyên Thế-Tôn thuyết cho thời pháp, để
Phục-Nguyên tiếp thâu Chơn-truyền, Giáo-lý hầu làm lợi tha
khai-ngộ giúp cho hậu-thế sau này.
T.C :
THI
Thích nguồn Đạo-đức chẳng luân-hồi,
Ca-khúc từ-bi trở lại ngôi.
Như khuyết huyền-vi lòng giải-thoát,
Lai tâm ứng-đáo gắng tô-bồi.
Thế-tình lắm chuyện thường đau-khổ…!
Tôn-chỉ Mâu-ni chẳng có lời.
Thị-kiến “Không-trung” nào sắc-giới!
Ngã chào tất-cả lưỡng-ban ngồi.

BÀI
Nay giáng-hạ ngày Rằm Thiên-điễn,
Bần-đạo hòa ứng chuyển huyền-vi,
Phục-Nguyên cần hỏi điều gì,
Về cơ Đạo-pháp hòa-qui nội lòng?
“Khải Chơn-lý gìn trong huyết mạch”,
“Đức ân-lành rửa sạch phàm-phu”,
“Từ-bi gây mối thiên-thu”,
“Đam lòng bác-ái bù-trừ quả-nhân”,
“Đường luân-hồi bao lần tê-tái!”
“Chữ tử sanh gẫm lại ghê mình!”
“Mấy người thoát-cảnh vô-minh”,
Trọn lòng Đạo-đức trồng sinh giống lành?
“Luật nhân-quả đã đành có sẵn”,
“Lý nhân-duyên ẩn-ẩn diệu-huyền”,
“Vì không tin-tưởng cơ-thiên”,
“Lâm vào tả-đạo buồn-phiền đó thôi!”
“Thuở ban-sơ là ngôi Trống-rỗng”,
“Không có hình, không bóng huyễn-đơn”.
Do vì một nỗi giận còn,
Cho nên mờ điểm chấm son, đen vào!
Là đã có ngã chào bản-thể;
Có gây ra trăm kế nạn tai,
Từ đó nhiễm mối lạc-sai,
Càng đi càng bước nghiệt cay càng nhiều…!
“Do dục-vọng làm tiêu Chơn-tánh”,
“Hóa sanh ra nhiều cảnh nhiều màu…”
“Cuộc đời lắm nỗi chao-vao!”
“Có thân là bởi động vào tư-lương…”

Khi sanh ra đoạn-trường tê-tái;
Khóc oa oa! Ngẫm lại đau lòng!
Lúc đầu trần-trụi mình không,
Lần lần vươn lớn theo lần chúng sinh!
“Do ngũ-ấm lục-tình hoại nhiễm…”
“Sắc từ đó xâm-chiếm vào hồn”,
“Con người đã biết dại-khôn”,
“Tranh đua theo thế mất còn chẳng hay!”
“Ngày qua ngày lạt-phai tư-tưởng”,
“Sống trong vòng ngã tướng luân-lưu”,
“Đó là bốn bức tường thu”;
“Khép vào tâm-tánh mờ lu nặng-trầm!”
“Luôn vui buồn tăng mầm đau-khổ…”
“Chữ thất-tình khó độ rời xa”,
“Sanh ly tử biệt khổ a…!”
“Già, đau, bệnh, chết thiết-tha não-nồng…!”
“Ôi! Luân hồi xích tròng quả-báo…!”
“Mãi tạo nghiệp trở-tráo luôn-luôn”,
“Ví như tên kép diễn tuồng”,
“Khi cười lúc khóc mất nguồn thanh-lương!”
“Nên Bần-đạo diệu thường Chơn-khuyết”,
“Khuyên kẻ đời mài-miệt lòng son”.
“Trói thân đâu có trường-tồn”,
“Khép vào định-luật mất còn ai hay!”
“Gắng chữ tu dạn dày sương-gió”,
“Trả nghiệp đời đâu có buồn-phiền…!”
“Không còn danh-lợi tình-tiền”;
“Không còn nhiễm ái triền-miên thảm-nàn!”
“Kìa! Vợ chồng, họ-hàng cha mẹ”,

“Khi có hợp ắt sẽ lúc tan!”
“Nghĩ sâu động mối can-tràng”,
“Càng luôn tư-tưởng bàng-hoàng chiêm-bao!”
“Kiếp hồ-điệp ta nào nắm vững…!”
“Dứt hơi rồi thì cũng hoại-vong!”
“Xác người lạnh-lẽo như đồng”,
“Họ hàng quyến thuộc xa lần tránh ngay!”
“Kìa lạnh-lùng nghiệt-đài trả quả!”
“Nghiệp đã vay lấp khỏa chen vào”,
“Nay đà thức-tỉnh mau mau”,
Trở về “Vô-ngã” không nào hoại tiêu.
“Nay Bần-đạo cho liều thuốc bổ…”
“Uống đi vào điều-độ linh-hồn”,
“Ăn sâu lục-phủ thấm son”,
“Chạy trong ngũ-tạng ăn mòn trí linh!”
“Nguồn Đạo-đức trưởng-sinh pháp-thí…”
“Hạnh Đồ-đề diệu-lý Ma-Ha”,
“Sắc không, không sắc hiệp-hòa”,
“Nhưng là sắc giới tìm ra lý mầu”.
“Dụng thân xác làm cầu linh-điễn”,
“Để tu-hành thâu-luyện chơn-dương”,
“Trở về nơi cảnh phi-thường”,
“Sống hằng diệu-hữu tầm phương thoát đời”.
“Nuốt Ma-Ha chớ lơi trong da”
“Nguồn tịnh-thủy trọn cả Huyền-ưng”,
“Tu đi chớ có lưng-chừng”,
“Nghiệp xen phải khổ bập-bùng trái ngang”.
“Đà quyết chí tháo oan gỡ xích”,
“Phải đại-hùng hữu-ích Linh-đơn”.

“Kẻo không chùn bước lạnh chơn”,
“Ương ương dở dở vẫn còn vô-minh!”
“Dùng đại-trí tâm-linh diệu-hữu”,
“Hòa “Chơn-Không” kết tựu Mâu-ni”,
“Trở tùng thiên-điễn huyền-vi”,
“Đạt thành xá-lợi kiên-trì Trung-ương”.
Thôi mấy lời mùi hương bay tỏa,
Gởi trần-gian lấp khỏa cơn sầu;
“Cơn sầu do bởi vì đâu?”
“Do lòng điên-đảo dãi-dầu trái-ngang!”
“Nay thức-tỉnh tìm sang Chơn-lý…”
“Gắng tịnh lòng diệu ký điễn-thiên”,
“Nhập vào bổn-thể tham-thiền”,
“Không không cảnh sắc vi-huyền biết bao!”
Thôi Bần-Đạo ngã chào tất cả;
Chào Phục-Nguyên lui giả gót ra,
Mau tu hiệp chữ ái hòa,
“Từ Bi Hỷ Xả” ấy là tình thương.
Thôi Bần-đạo chỉ có bấy nhiêu lời, nếu Phục-
Nguyên không có chi để hỏi, Bần-đạo xin lui.

Trở lại trang chánh