Tuất thời, Ngày 19 Tháng 07 Năm Tân Hợi (1971)
                                                    ĐÀN RIÊNG KỶ NIỆM NGÀY
                                                 QUI LIỄU CỦA BÙI SANH CHÂU
                                                           Thủ cơ: Huệ Quang
                                                        Đọc giả: Ngọc Ánh Hồng

Thi
Nam nhà hữu phúc được Trời ban
Cực khổ bao nhiêu cũng chẳng than
Tiên Thánh xuống lên vì thế tục
Ông truyền Chánh Pháp độ trần gian.

      Nam Cực Tiên Ông, Ngã chào chư hiền nam nữ đàn trung. Giờ nay được lịnh giáng báo tin có Đức Đại Từ Phụ giá lâm, chư hiền thành tâm thủ lễ tiếp cầu, Ngã hộ đàn triều nghinh xuất ngoại. Thăng

Thi
phần mới chẳng ngộ huyền vi
Danh rạng nơi nơi chẳng hiểu gì
Tiên Thánh lâm phàm khuyên với nhủ
Trưởng khai bí pháp độ hồi quy.

        Thầy các con, Thầy mừng chư hiếu tử. Giờ nay vì lòng thành khẩn, dù là một đàn riêng nhưng sự    nghiêm trang cung kỉnh thật nhiều, nên Thầy động lòng thương xót, đôi phút tá cơ chỉ dạy.
Vậy Thầy cho phép các con an toạ, nghe Thầy. (dâng bồ đào)

Thi
Chứng chiếu lòng thành của các con
Thương Thầy mến Đạo giữ lòng son
Giáng phàm đâu nệ nơi trần trược
Vì bởi các con vẫn hiện còn
Hựu
Còn tại thế trần lắm nợ mang
Lao tâm khổ trí đã muôn ngàn
Linh Quang che mất vì u tối
Chẳng biết đường về trẻ khóc than.
Hựu
Than thở lòng đây phải héo sầu
Thương con lệ thắm biết là bao
Đứa nào tỉnh thức nghe lời giáo
Tu luyện trở về khỏi khổ đau
Thi
Trên đời Đạo Pháp phải lo trau
Nam nữ các con thấy thế nào
Hiểu rõ hay chăng đường giải thoát
Khá tìm Lý Đạo để tu mau
Đó vì các trẻ chưa tin trọn
Nên mới dần dừ chẳng bước mau
Thầy bảo các con đừng chậm chạp
Gặp vàng nguyên chất phải mau mau
Thi Bài
Chứng lòng thành đôi giây tá điển
Đem thiện từ đôi tiếng nhủ khuyên
Mong sao các trẻ tu hiền
Dò thanh đạo lý về miền Thiên thai
Thoát khổ não trần ai ô trược
Thoát khổ sầu dun bước đường tu
Để sau vẹt hết mây mù
Trở về cảnh lạc ngàn thu thanh nhàn
Luyện Đạo Pháp liệu toan gìn giữ
Tiến từ từ lớp thứ đừng xao
Pháp mầu tuyệt đỉnh trên cao
Gắng công tu tập cũng mau đắc thành
Đừng nản dạ thiện lành cứ tiến
Đến ngày cùng thấy chuyện hiển linh
Ai tu đoạt đặng nguyên hình
Khi còn mang xác là vinh hiển nhiều
Nhưng mấy khi vẹt tiêu ám muội
Có mấy khi trong buổi sợ hành
Mà THAI đã kết đã thành
Đừng mơ huyền ảo “tâm sanh” vướng sầu
Tu hãy giữ tròn câu phanh luyện
Giữ Tánh Tâm toàn thiện đi rồi
Kim đơn ngưng kết từng hồi
Ngày qua tháng lại xong rồi việc tu
Con đừng tưởng “người tu đắc đạo”
Mang xác phàm để tạo quả công
Ít khi gặp được vẹn xong
Dành riêng Thượng Phụ ân hồng dành cho
Giữ giềng mối mà lo Đại Đạo
Nên ban truyền điển báu vào tâm
Giáo nhơn đuốc sáng chẳng lầm
Chỉ vì muốn giữ ngàn năm Chơn Truyền
Không thông suốt đừng phiền nơi dạ
Đạo là hành ròng rã nhiều niên
Đến khi Hống kết với Diên
Đắc thành ngầm ngấm nơi miền nội tâm
Dù không đạt ân thâm trọn vẹn
Nhưng cũng hành khỏi thẹn với ai
Nhiều năm ôn cố dồi mài
Đắc thành toại hưởng tọa đài Liên Hoa
Lời chỉ dạy gần xa soi thấu
Trẻ nữ nam phấn đấu tu hành
Siêng năng tu tập luyện phanh
Ngày sau được hưởng phước lành hóa công.

          Các con nghe sắc lịnh: bãi đàn 10 phút, tái lập Dũng Kim Quang thủ cơ, Ngọc Ánh Hồng đọc giả. Thầy ban ơn chung mỗi trẻ Thầy thăng.
TÁI CẦU

Thi
Bùi tộc nhờ tu Minh lý thiên
Y như Sanh chúng giữ tâm thiền
Đồng tâm Châu báu gom đầy đủ
Giáng thế luyện trau Tử phỉ nguyền.

          Điển ký bên phải đoán thử ta là ai? Nhớ nói rõ khoán thủ, khoán tâm, khoán cận vĩ.
Nếu nói sai sẽ phạt, nghe chăng?
Bạch: câu đầu khoán thủ là Bùi, cận vĩ là Minh
Câu kế khoán thủ Y, khoán tâm Sanh
Câu thứ ba khoán thủ là Đồng, khoán tâm Châu
Câu thứ tư khoán thủ giáng, cận vĩ là Tử
Là Minh Y Đồng Tử Bùi Sanh Châu Giáng

Thi
Khen thay điển ký đã phân rành
Đúng lý Sanh Châu dạ rất đành
Nếu đó lỡ thua thời rót rượu
Còn đây thua lỡ khổ chưa anh.
Thi
Mỹ con vắng mặt khổ cho Cha
Thua lỡ rồi ai rót rượu đa?
Như vậy đàn trung mau tọa vị
Tam bôi của Ngã hãy dâng ta! (dâng tửu)
Thi
Ánh Hồng giúp Ngã rượu cầm tay
Điển ký hữu ban hãy đặt ngay
Mời Ông tạm dùng bồ tửu đó
Thưởng tài điển ký thật là hay
Giúp ta nghe đệ, ta thường tưởng
Sẽ giúp chị hiền một chuyện hay
Cuộc thế lẫn nhau, ta cậy giúp
Đừng buồn nghe đệ, giúp phen này!
Thi
Huynh Tứ đệ đây biếu một chung
Hiền Cang giúp đỡ rượu trau dùm
Rồi sau Ngã sẽ đền công khó
Hoan hỷ cùng nhau hãy hưởng chung
Thi
Bồ đào nhứt trản Chị Hai ơi!
Cầm lấy một chung Đệ kính mời
Ẩm tửu cho vui ngày kỷ niệm
Kỳ này nhàn nhã được về chơi
Thi
Còn hết? Bồ đào hãy rót ra
Mời chung nam nữ lẫn trong nhà
Uống cho vui dạ ngày sum hiệp
Rồi sẽ cùng nhau học đạo Cha.
Thi
Trước hết hiền Lưu đệ thỉnh cầu
Đố hiền biết được lẽ cao sâu
Liên trì bao lớn, nơi đâu vậy?
Hãy chỉ đệ xem, đệ chấm câu.

Hiền Lưu bạch tường!
          Bạch: Trong châu thân thì Diêu Trì ở trên đầu, Liên trì ở dưới bụng, chỗ hội Phật lại, nhưng không biết bao lớn, khó đo lường.
Cười, cười!

Thi
Liên trì bao lớn chẳng tường sao?
Đã biết chốn nơi, có khó nào
Chỉ tại nơi hiền không xét cạn
Nên không biết được, chẳng hề sao.
Thi
Hiền Cang nghe rõ những lời đây
Đố biết tại sao danh của Thầy
Lại chẳng dùng danh như trước đó
Bạch tường Lý nhiệm, đúng là hay!

Hiền Cang bạch! Cang ú ớ.
     Thanh nhắc: Chơn nhơn hỏi tại sao Thầy chẳng xưng Cao Đài, Thượng Đế, Ngọc Hoàng Thiên Tôn v.v... mà lại xưng Vô Danh Tiên Trưởng, có dụng ý chỉ điều gì.
Cang bạch ... Thanh nhắc ... Vô Vi ...
Cang bạch: Đạo là Vô Vi Vô Ảnh, trước kia Thầy dùng giáo lý mà dạy nên phải có mượn danh xưng, nay đến lúc Cơ Vô Vi Đại Thừa hoát khai Thầy dạy Đạo lý nên xưng Vô Danh Tiên Trưởng vì hữu danh hữu tướng giai phi Đạo, vô tướng vô danh tài thị chơn.
Hiền bạch rất đúng nhưng còn thiếu sót đôi phần, sở dĩ Thầy xưng là Vô Danh Tiên Trưởng vì Thầy muốn các con hãy chú trọng đến Vô Vi là cái CÓ TRƯỜNG TỒN bất diệt: vô sắc, vô hương, vô thinh, vô xúc, vô pháp v.v... Khi đã đạt đặng Vô Vi thời lo chi không thành Đạo. Riêng hiền Cang! Nghe kỹ thêm: theo nguyện vọng của hiền muốn mỗi niên được hai lần cầu đàn tại tư gia. Điều đó Thầy đã cho phép Hà Thanh định đoạt, nhưng hiền cũng nên hiểu nay thời kỳ hạn chế cơ bút. Những cơ quan kém quan trọng, Thầy đều rút hết đàn cơ, chỉ một vài nơi được coi là quan trọng mới còn cơ bút mà thôi. Không phải vì thế mà không chấp thuận sự mong muốn của hiền. Hiền cứ sửa sang tư thất, sửa sang cho có thể thiết lập đàn cơ rồi dịp nào Thầy sẽ chuyển, không nhứt định trước được, cũng không là thường lệ được mà cũng tùy Thầy uyển chuyển. Hiền tường chăng?
Bạch: Con đã rõ tường.

Thi
Hiền Nây! Tiểu Thánh hỏi đôi câu
Xin đó bình tâm chớ thảm sầu
Giáo lý đôi câu ta học hiểu
Đừng buồn đừng sợ chớ lo âu!
Hiền ơi! Có biết trên Diêu Điện
Hiện có vị nào chốn báu châu?
Đã học lý sâu hiền rõ hiểu
Bạch trình nguyên lý chớ lo âu.

Điển ký bình!
         Bạch: trên Diêu Điện có Tây Vương Mẫu Nhưng Bà Tây Vương Mẫu là ai, bạch thử xem?
Bạch: cũng là Diêu Trì Kim Mẫu. Thanh nói: sao trả lời lẩn quẩn như thế, phải cho biết không phải là một bà già như ngoại giáo quan niệm, mà là cái gì chứ.
Bạch: mượn giả danh để chỉ Tiên Thiên Mẫu Khí, mẹ đẻ muôn loài vạn vật và Từ Mẫu của Phật Thánh Tiên.
Cười, cười! Như thế cũng đủ lắm rồi!

Thi
Ánh Hồng cười hả! Chẳng lo sao?
Riêng đệ hỏi đây hãy đáp nào
Có mấy Bảo Châu trong một túi?
Vạn nang mang xuống chốn trần lao
Ngày xưa rời khỏi nơi Diêu Điện
Túi Vạn Bửu Nang, hiểu lẽ nào?
Nói rõ ta nghe từng món một
Biết là Tám Món, nói cho mau!

           Bạch: Con không biết cho hết và kể ra không đặng.
Cười, cười! Hiền phải biết vì hiền thường nhắc đến kia mà!
Hiền hãy bình tĩnh để nhớ lại những gì mà hiền đã học hiểu qua, chỉ khác chút ít danh từ mà thôi!
Bạch: Tuy nói là vạn bửu chớ có một báu mà thôi.
Cười, cười! Hiền bảo là hiền biết túi vạn bửu nang nhưng chỉ có một món báu mà thôi phải chăng?
Bạch: Con biết có một thứ báu ...
Cười, cười! vậy thứ gì mà hiền biết hiền hãy bạch thử xem?
Bạch: Là Tiểu Linh Quang
Cười, cười! Tiểu Linh Quang đó chỉ là một cái túi. Trong Tiểu Linh Quang còn nhiều bảo vật, vậy hiền phải biết những bảo vật đó là gì?
Bạch: Con xin để học lại cho nhớ rồi sau sẽ trả lời.
Cười, cười! Chuyện ngày nay thì giải quyết ở ngày nay, vậy hiền cố suy nghĩ!
Thanh nhắc: Trong khối tinh thần có Tam Bửu Ngũ Hành ... Cười, cười!

Thi
Tức chăng Huynh Tứ lại xen vô
Sao chẳng để tôi hỏi rõ vô
Xem có tìm ra hay chẳng được
Rồi tôi buộc nó phải ghi vô
Như thế là rồi không việc nặng
Ánh Hồng thấy khỏe, khỏe bồi tô
Nhưng chẳng phải thôi, nghe đệ nhỏ
Kỳ sau sẽ rõ, rõ lời mô.

          Tuy hiền không đáp được câu hỏi của ta nhưng nhớ công hiền dâng rượu dùm khi nãy, ta cũng thương tình mà cho hiền rõ một điều: Khi nãy Đại Từ Phụ đang về có gởi lại ít lời, nhờ ta chuyển hộ vì đàn chung nên không thể nói riêng.
Vậy hiền nghe:
          “Thầy thừa hiểu lòng con, khuyên con đừng buồn thảm, những điều gì oan ức nơi lòng, con đừng buồn phiền nơi dạ, dù ai không biết nhưng con cứ quả quyết rằng Thầy biết tâm con. Như thế có an lòng hay chăng? Thầy Vô Danh Tiên Trưởng.”

Thi
Các trẻ Hùng, Chi vắng mặt rồi
Sợ ta gạn hỏi chuyện lôi thôi
Nên Chi trốn mất không chường mặt
Cười trẻ vô cùng, chỉ thế thôi!
Thi
Chị TƯ nghe đệ một đôi câu
Thăm hỏi chị sao có vẻ sầu
Có phải tại vì không khỏe khoắn?
Nên buồn có phải, chớ lo âu!

Chị nên kiếm thuốc này mà uống: CITROSODINE. Cách uống có chỉ rõ.

Thi
Các cháu nữ nam lắm bận lòng
Vì ai, sắp xếp cả ngoài trong
Bao nhiêu khó nhọc đây ghi tạc
Ban phước nữ nam các cháu đồng.
Thi
Giáng đàn mừng lễ chứng lòng thành
Mãn điển giã từ rút điển thanh
Từ giã nữ nam chư đệ muội
Giã từ tôn tử, Chị và Anh.
Thăng

BÌNH GIẢI:
          Tìm hiểu Thánh ý: Tuy là đàn riêng nhưng quan trọng cho người trau Đạo, dụng ý rất sâu xa để dạy chung môn đồ Đại Thừa.
ĐẠO là chúa tể càn khôn vũ trụ, vạn vật muôn loài là Đại Từ Phụ của tất cả.

Đạo bổn vô danh nguyên Vô giáo
Chấp giáo tu hành Đạo bất thành

          Vì thế Thầy xưng Vô Danh Tiên Trưởng để môn đồ ý thức Nguyên Lý. Là Hiếu Tử mới đem tất cả năng lực gầy dựng “căn cơ bản dạng” gọi là vì Thầy vì Đạo cũng là Từ Phụ cùng Diêu Mẫu.
Bạn đã hiểu nhiều rồi, đừng chấp danh từ theo ngoại học, đừng kiếm Trời Phật ngoài lòng. Tôi thấy cần phải nhắc các bạn mãi mãi điều này.
Vì lòng thành khẩn, vì sự nghiêm trang cung kỉnh thật nhiều, nên Thầy giáng, nghĩa là Có Trí Định Thần An, trang bằng phẳng lặng thì Linh Quang hiển hiện nơi Tâm Đạo, nơi Tiên Đàn của ta, chớ đâu do cái sự việc bên ngoài của Chiếu Minh Đàn này mà có Thầy giáng.
Mượn ngoài rõ trong, chớ cái ngoại lai từ Hư Vô giáng xuống chỉ tạm thời rồi hết như trên không sanh nhoáng điển, nào phải cái Tự Hữu của ta, nó trường tồn mãi mãi, khi ứng dụng là có liền.
Thi bài Thầy dạy thực hành đạo pháp theo thứ lớp, phải tiến từ từ, đừng vội mong kết quả, mau chậm do mình, cứ gắng công tu tiến đừng nản dạ thì lo chi không đắc thành.
  1- Người THÀNH ĐẠO, đắc nguyên hình Kim Thân khi còn mang xác thịt là tột bực vinh hiển.
  2- Có mấy khi NGƯỜI SƠ HÀNH, chưa vẹt tiêu ám muội mà Thần Thai kết thành được, nếu sanh tâm tham cầu, là ảo mộng, phải vướng khổ sầu vì vọng chưa phá được thì Chơn làm sao hiển lộ.

TU hãy gìn tròn câu phanh luyện
Giữ Tánh Tâm “toàn thiện” đi rồi
Kim đơn ngưng kết từng hồi
Ngày qua tháng lại xong rồi việc tu.

         Tánh tâm con người chịu luật tương đối: Có thiện có ác, có giác có mê, gồm Chánh Tà. Phải luyện chế đúng phép mới nên VÀNG RỒNG nguyên y, toàn chơn toàn thiện. Toàn thiện là không thiện không ác, lìa giác lìa mê, chánh tà đều chẳng chấp, đó là vô dư Niết Bàn cảnh.
3. Cũng đừng tưởng rằng TU là mang xác thịt đi làm công quả, một ít khi được tròn xong việc rồi Thầy dành riêng ban cho ân hồng Đắc Đạo, nếu hiểu sai lầm như nhiều người đã quan niệm thì uổng đời tu. Đạo đâu ngoài mà kiếm, phước và Đạo không đồng giống.
Kết luận Thầy dạy phải lo trau Đại Đạo, giữ gìn giềng mối Vô Vi cố gắng thực hành ròng rã nhiều năm đến khi Âm Dương ngừng kết, Đắc Pháp ngấm ngầm nơi nội tâm.
TÁI CẦU
Học Sư bất như học Hữu, Bề trên dùng Minh Y Đồng Tử để cho môn đồ ít ngán, vừa vui đùa vừa học tập.
Đồng Tử là sinh viên trau đạo để đắc huyền công Y Pháp, khoác cái Minh Y lên mình, cũng nói là Minh Tâm, cái Khinh khí trùm bao Nguyên Tử. Có sáng lòng mới “Sanh Châu” là Kiến Tánh, Đồng Tử Minh Y chính là các bạn đó! Đừng chấp là Bùi Sanh Châu em ruột của Bùi Hà Thanh. Trước tiền đồ người học đạo tìm được Lý sâu của Minh Tâm (Minh Y) Kiến Tánh (Sanh Châu) gồm trong một vóc, một túi, là trong một bài thi. Phải biết Thủ, Vĩ và Trung Tâm, kết hợp cho đúng phép, đầu đuôi giáp nhau một điểm nhờ giữ Nhứt Tâm không xê dịch.
           Lưỡng Long đâu đầu Sanh Châu ở giữa, học đồ nói đúng Lý ấy được thưởng bồ đào là Điển Huệ, nói trật bị phạt là chịu vô minh.
Rượu vào mới có lời ra! Uống cho vui đi rồi bạn ve chai chúng ta tha hồ Lý Luận. Trước tiên mời Thượng Lưu Thanh, phải kỉnh nhường bực trưởng thượng như thế mới đúng lễ nghi chứ. Hay chưa? Đúng điệu quá!
Liên trì ở đâu và bao lớn? Nói dùm cho tôi ghi nhớ từng câu coi?
Là Thượng Lưu Thanh mà nói không rõ được vì trong ao bùn lầy hỗn hợp đục trong, chưa khử trược, mất “Lưu Thanh” làm sao thượng phù, hỏng luôn chữ “Thượng”. Không biết được cũng chẳng sao, đã hiểu chốn nơi cứ lo gieo trồng, chờ ngày SEN mọc sẽ rõ tường minh.
Kế tiếp nghe Sáu Cang là “Sáng Cao” giải bày Lý Vô Sanh của Vô Danh Tiên Trưởng. Bám sát Vô Vi Đạo là đúng là hay. Cang phải giải bày Lý ấy.
Khoảng không làm trung gian cho trên dưới, Liên trì và Diêu trì cũng là Diêu Cung, Diêu Điện.
Phần sau thuộc môn đồ cao niên là Bảy Nây bạch trình Nguyên Lý, thân Tâm của ta là một quyển kinh của tất cả kinh. Muôn kinh ngàn sách chẳng nói ngoài LÒNG chỉ vì mục đích duy nhứt Minh Tâm Kiến Tánh, giải thoát ra khỏi xiềng xích vô minh, khải mê hoàn giác.
Hễ thấy khác sự, khác lời là các bạn quan niệm chẳng đồng một thuyết rồi.
Lục Tổ nói: NGU hiểu ra làm Hai, làm nhiều, TRÍ thấy là Một.
Bảy Nây, Sáu Cang, Tư Hoa đã lãnh đủ búa rìu của tôi rồi, khỏi phải nhấn lại nữa. Hôm nay, lần thứ nhứt tôi thấy cần cho Pháp đàn Lưu Thanh một bài học đích đáng. Khi lãnh chơn truyền hạ thủ công phu, Thầy đã căn dặn: “... rồi thường thường con lui tới với Hà Thanh để học hỏi LÝ mầu ...”
Trước kia, bao nhiêu năm chạy theo ngoại giáo, quanh quẩn trong rừng sâu u tối, đến khi vào hàng môn đồ Vô Vi Đại Thừa vẫn còn tiêm nhiễm lý thuyết nhị nguyên, chui rúc trốn vào bụi rậm, làm sao hưởng thụ ánh thái dương, buộc lòng tôi phải dùng kỹ luật sắt của quân sự, lôi ra giữa sân tập, dang nắng nửa ngày cho quen ánh sáng, sức nắng, và phạt chống hai tay, xoạc đôi chơn “hít đất” nửa giờ cho tởn. Không trui rèn mài giũa làm sao nên vật hữu dụng được, có đau mình nhức óc ráng mà chịu. “Sĩ quan huấn luyện” nay nghiêm khắc có tiếng đa nhé! Không làm như vậy không được. Ngựa mới tra hàm thiếc hay đâm đường, hay chòi đạp lắm. Người cầm cương tập luyện đã nhiều lần than thở:

Kham thán “Dung lưu” tùng ngoại học
Đinh đông khảo đả náo thân ngấm
Bất văn Vô thượng thậm thâm pháp
Chánh pháp nhãn chung bất đắc minh.

           Phần Hồn là phần sinh hoạt bên trong, tinh thần chủ động. Nguồn gốc của nó là Toàn Linh,
Tiên thiên Mẫu Khí. Hạ sanh ngọn ngành là Tử Khí, hỗn hợp trược thanh: 

Tâm hồn có giác, có mê
Giác theo đường chánh, mê về nẻo cong
Linh Hồn bị án vào trong
Mê Hồn cám dỗ theo vòng trầm luân.
Giác hồn yếu thế khó nưng
Nên chi phải chịu theo chừng đường quanh.
.............................

             Nên hiểu cho thông suốt, phân biện kỹ lưỡng LINH HỒNTÂM HỒN.
     1- Linh Hồn gồm một khối duy nhứt: Linh Tánh Chơn Tâm gọi tắt là CHƠN LINH ở trên thượng giới, thượng điền là đầu, là Đức Mẹ Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Đại Từ Tôn.
    2- Tâm Hồn phân chia Mê, Giác, nhị nguyên mất cái Ngươn Linh Độc Giác, ở Hạ Giới, hạ điền là dưới bụng, nước lộn bùn, chỗ ở của Con gọi là Liên trì. ĐẦU chứa tinh thần, BỤNG chứa vật chất. Phân ra, luận theo tướng mà nói, chớ Tâm ở khắp nơi, chỗ nào cũng có nó, mà chỗ nào cũng không có nó, biết rằng có mà kiếm thì không.
       Như các bạn đã rõ, trong ta có hai ao (trì) được liên lạc và nuôi nấng lẫn nhau bởi một con sông có hai dòng xuôi ngược, và được dùng nhiều danh từ để gọi: Thông Thiên Hà, Huỳnh Hà, Tây Giang, Tào Khê, v.v... thuận là ra đi, là hạ trần Mẹ nuôi Con. Nghịch là trở về, Con nuôi Mẹ.
Tâm thuộc Khí, Tánh thuộc Thần, một khối bất phân.
Phải dùng lời phương tiện phân tích ra để chỉ dạy cho hiểu lý. Đã nói tâm là khí, là Đạo, ở trời là Thiên Tâm, vô lượng vô biên, ở người là Nhơn Tâm là hữu hạn. Tùy nhơn tâm có rộng hẹp, Hẹp là Liên Trì của con là Khí huyệt, Huyệt tinh. Rộng là Diêu Trì của Mẹ là Khí Hải, cái KHÍ nó lớn vô cùng mà nhỏ cũng vô tận. Không có cái gì lớn mà ở ngoài nó được. Không có cái gì nhỏ mà chung vào trong nó được. Khi phóng ra ứng dụng thì bao trùm, ôm chầm tất cả. Khi thâu về hoàn không, vô nhứt vật, miếng tâm điền năng sanh, năng xuất ấy rất hạp cho các giống, tùy mình lựa chọn mà gieo vào. Dùng SEN để chỉ giống cư trần mà bất nhiễm trần, cái Bồ Đề chủng của Phật.

Ngoài đồng gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại xen nhụy vàng
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn ...

          Muốn đo lường tri thức của người trau Đạo sơ cơ là Ông Lưu nên hỏi Liên Trì ở đâu và bao lớn?
Theo quan niệm của Tâm tướng quen thuộc từ lâu, ao sen ở chùa này lớn, ở chùa kia nhỏ, ngoài đồng ruộng lớn hơn, ở Campuchia Lung-sen chạy dài mút tầm mắt. Tưởng tượng nơi đất Phật chắc lại to rộng lắm vì bông sen dại như xa luân kia mà! Vì thế nên không trả lời được mặc dù là môn đồ Vô Vi Đạo, nhưng bị kẹt ý tưởng không biết đặng bổn tâm, là Liên trì của mình thì nơi ấy tha hồ cho rau muống, cỏ lác, bông súng, mã đề ... mọc lên và nảy nở choán trọn. Điều này Ông Lưu đã chứng minh rõ rệt khi ra đàn với một tràng tư tưởng vu vơ theo ngoại giáo: “Phật không có nói Linh Hồn, chỉ nói có Tâm Tánh và dạy tu hành cho Minh Tâm Kiến Tánh để nhập Niết Bàn Tịnh Độ mà thôi.
Thân người gồm Tứ Đại giả hiệp và ngũ uẩn, khi chết là tan rã hết”.
Tư Hoa lập tức hỏi: “Chết là hết, vậy Phật dạy tu hành mà chi?
Thân tứ đại tan rã rồi còn lại cái thân nào để hưởng thụ Cực Lạc Niết Bàn? Tâm cũng là Hồn, cái Linh Quang của Chơn Hồn là Linh Tánh của Chơn Tâm tức là phần Chơn Linh của mình, nhờ nó mà sinh sống và hoạt động. Linh Hồn, Linh Tâm là một. Tại chấp danh từ rồi nói có Linh Tâm không có Linh Hồn như Tôn Hoành nói với Đạt Ma: “Ta tu theo Tiên là dùng Tam Bửu Ngũ Hành, ngươi theo Phật thọ Tam Qui Ngũ Giái, không đồng nhau làm sao dạy cho ngươi được?” Chắc Anh đã nghe lý thuyết của môn phái nào đó nói có tinh thần chớ không có Linh Hồn rồi cho là đúng và bắt chước nói theo bởi sa vào dị đoan, tưởng linh hồn là cái gì như bóng ma, có hình tướng, tay chơn mặt mũi, mang danh tánh của con người sau khi chết để nhiễu nhương phá khuấy, hoặc để siêu thăng nếu có tu v.v...”
Hai người cãi nhau, tôi phải xen vào giải quyết, nhưng dường như Ông Lưu chưa lãnh hội nổi vì bàn môn tà thuyết đã ăn sâu vào tâm, không có chỗ hở cho ánh sáng rọi vào, tôi đành phải lập lại lời than chí lý của Trang Tử: “Ta biết tìm đâu được người biết quên lời để cùng nhau đàm luận”.
Tôi ghi sơ vài điểm như trên mà thôi, nói sao cho xiết.
Đến lượt môn đồ cao niên là Bảy Nây giải việc nơi Diêu Trì Cung: Trên Diêu điện có vị nào?
Thật đáng buồn cười cho câu trả lời ngớ ngẩn của người nhiều tuổi đời luôn tuổi đạo, giống như trẻ con đi lạc gặp được cảnh sát vấn hỏi: Em là con ai?
- Con Thầy, Mẹ! Thầy Mẹ em tên gì? Tên Thầy Mẹ.
- Thầy Mẹ ở đâu? Nhà số mấy?
- Thầy mẹ ở nhà Thầy Mẹ. Đường nào? Đường đi xe chạy.
Cụt lối, dầu muốn đưa trẻ con ngu khờ ấy về sum hiệp gia đình trước sự đón tiếp nồng nhiệt của Mẹ Cha, người có trách nhiệm cũng khoanh tay mà chịu.
Số 3 là số mầu nhiệm Đạo, dùng 3 trò đã hành đạo để chỉ dạy:
  1. Môn đồ sơ cơ là Lưu Thanh ở hạ cấp nói về Liên trì
  2. Môn đồ bực cao là Bảy Nây ở thượng cấp nói về Diêu trì
  3. Môn đồ bực giữa là Sáu Cang ở trung gian liên lạc cho Trời Đất là khoảng không nói Lý Vô Sanh của Vô Danh Tiên Trưởng.
Phải nương Đạo Pháp để về nguyên, hạ hoàn thượng.

Đại Đạo Vô hình sanh dục Thiên địa
Đại Đạo Vô tình vận hành Nhựt Nguyệt
Đại Đạo Vô danh trưởng dưỡng vạn vật
Ngô bất tri kỳ danh cượng danh viết Đạo.

            Sau rốt dùng Ánh Hồng là đồng tử phò loan phát ngôn viên của Tiên Phật, chớ chưa hành pháp, chưa đồng hóa với Đồng Tử Minh Y, chưa lãnh Y Pháp. Tá danh Tiểu Thánh Minh Y để cố nhắc nhở cho mầm non đủ điều kiện hãy mau nhận rõ mình đang mang một vạn bửu nang, một kho tàng bảo vật, nếu không sử dụng được thật là rất uổng. Ánh Hồng chưa biết rõ bởi:

Đó vì các trẻ chưa tin trọn
Nên mới dần dừ chẳng bước mau
Thầy bảo các con đừng chậm chạp
Gặp vàng nguyên chất phải mau mau.

           Tóm luận, trích yếu đàn nay như trên cho vắn gọn chớ nói sao cho hết cùng Thánh ý. Hôm nay gặp cơ hội đã nêu ra, tôi thấy cần có ít lời về Ánh Hồng, một mầm non được chú ý và nhiều lần vặn đi hỏi lại khi Thiêng Liêng dạy dỗ, buổi ban sơ phải nương theo giáo lý công truyền của ngoại đạo để tầm về Vô Vi nguồn cội, đó là phương thức thông thường mượn làm đà tiến.
Trước kia còn ấu thơ, tuy theo đường đạo nhưng với sở thích của tuổi trẻ, ham làm Đồng tử phò loan, say mê huyền diệu mầu vi của cơ bút. Vì thế, chỉ đặt tiêu chuẩn của chữ tu nội khoảng đường ngắn đó, chớ làm sao biết được mục đích Giải Thoát. Do đó từ trước đến giờ, kinh nghiệm cho thấy hầu hết nam nữ đồng tử cơ bút đều hoàn tục rồi đắm say còn hơn nhơn thế. Đặc điểm đáng chú ý, gây sa ngã, phần nhiều do sự bắt bồ, kết hợp giữa nam nữ đồng loan vì cớ gần gũi rồi cảm nhau,
không sao cưỡng lại nổi sự xúi dục mãnh liệt của mầm non giàu nhựa sống.
Riêng Ánh Hồng có duyên lớn, được khai mở và ý thức Lý Đại Thừa, có nhiều hy vọng thoát ly tình trạng vướng vấp tai hại của đồng bạn.
Ánh Hồng hãy chăm chỉ nghe đây:
Đầu tiên ngày 06 tháng 05 năm Canh Tuất, nhơn đàn cơ kỷ niệm tại Sa Đéc, Thầy đã gởi gắm mầy cho tao, lời tuy vắn tắt nhưng ẩn ý rất nhiều, kết cuộc bằng câu: “Nó rất cần được luyện Đạo”. Bao nhiêu lần mầy được Ngộ Không chất vấn và nói mày không thuận với Ông và đồng hóa với Trư Ngộ Năng, mầy đã hiểu ý rồi. Giờ luận đạo hào hứng cũng tại Sa Đéc do câu hỏi của Ngô Duy Phong: “Thiện Minh lãnh y pháp chưa? Và cũng do đó xảy ra câu chuyện cá he vàng và hột cam, mày vẫn nhớ không bao giờ quên chứ?

Thổ Địa cũng có nhắc chung đồng tử:
Muỗi cắn ở trên           Giữ dùm cho Địa
Chơn đồng thấm thía    Thức giác Địa dông
Khổ nỗi cho Ông         Chơn đồng chịu hẹp ...

   Tao đã giải: Muỗi là giống thuộc “Âm” , hút máu nhơn vật trong đêm tối, tuy là từng giọt, nhưng sức mạnh như voi cũng không làm gì diệt trừ được và phải chết với nó. Hễ là giống ăn đêm như loài Cú Vọ nghe tiếng kêu đã rởn ốc, báo tin chẳng lành, mày có ghê sợ chưa hay thích nó xuất hiện cho vui? Hôm nay mầy phải giải Vạn Bửu Nang là Hậu Thiên Đại cũng là Hột cam của mày. Thầy chẳng nói ngay với mày, nhưng khi trở về còn nhắn gửi mấy lời, mầy hiểu gì chăng? Sao không chú ý tìm hiểu, cứ mãi lờ đi, không lo ngừa chướng ngại. Tôn Hành Giả không chịu cho mầy Thần Chú phá sơn vì mầy chưa tin trọn giá trị của nó. Việc gì phải đến sẽ đến, đã “đúng hạn kỳ” rồi, đến đây nguy hiểm lắm. Mê muội dại khờ, bị động lực của âm sanh thủy rồi “đái vất” xuống ao trì, hột cam bị cá he vàng đớp mất, Ngũ Hành Sơn chụp đè, cái máy bị kẹt nằm im bất động. Thấy mầy đến sát hố sâu, Bề Trên sót ruột, liên tiếp gióng chuông ầm ỉ báo động: “Giờ sắp đến”. Sở dĩ tao phải làm phận sự chẳng riêng gì một mình mầy mà còn nhiều Ngọc Ánh Hồng của ngày mai nên phải nhọc nhằn ghi chép.

Khuyên đàn môn đệ gắng gìn
Luật kinh chép để vắng hình còn tay
Ngọc Lành trau chuốt dồi mài
Siêng năng gắng chí có ngày đăng cao
Dầu cho muôn vạn kiếp sau
Cũng không hư mất phai mầu Lưu Ly.

       Ai có bổn phận nấy, nhiệm vụ Thầy giao phó, tao cứ thi hành, việc của mày phần mày lo liệu!
                                     
                                                                  Trở Lại Mục Lục