Ngọ Thời, Ngày 01 Tháng 07 Năm TÂN HỢI (1971)
                                        ĐƯỜNG ĐI GANG TẤC KHÔNG XA LẮM

Thi
Minh tâm trau luyện Đạo Trời khai
Y giáo hành tròn chớ lạc sai
Đồng một lòng thiền lo giữ Đạo
Tử hồi nguyên vị đáo Thiên thai.

    Tiểu Thánh chào chư Thiên mạng, Tiểu đệ chào Trưởng Huynh, chào chư Đại Tỷ. Giờ nay Tiểu Thánh được lịnh giáng báo tin có Giáo Chủ lai lâm, chư phận sự thủ lễ tiếp cầu, Tiểu Thánh hộ đàn xuất ngoại. Thăng

Thi
GIÁNG bút đôi lời để dạy khuyên
TIÊN gia chỉ bảo khá y truyền ( Khoán thủ Nghịch )
ĐẠI thừa mật pháp tâm dồi luyện
NGÔ đắc vị phần hưởng quả Tiên.

   Thầy mừng chung các môn đồ trưởng ấu nữ nam, Thầy cho phép các con an tọa. (đãnh lễ, dâng bồ đào).

Thi
Lòng thành Thầy chứng lễ con dâng
Giáng bút giờ nay đổ lệ mầng
Các trẻ thành tâm lo Đạo pháp
Trở về Bạch Ngọc lịnh thừa vâng.
Thi
Lý nghĩa cao sâu trẻ đã tường
Thực hành pháp đạo ráng lo bươn
Đường đi gang tấc không xa lắm
Nếu trẻ bền tâm chẳng ngại đường
Nhưng cũng xa xôi vô tận đó
Với ai nản chí chẳng lo phương
Bước đường tu tiến chơn dùn thẳng
Mãn kiếp khó mong đắc thoát phương
Thi
Bao ngày trau luyện tiến bao xa
Nói rõ Thầy nghe lẽ chánh tà
Sao chánh, sao tà ai biết rõ?
Bạch Thầy tường hiểu lẽ gần xa
Thi
Giỏi lắm là trò, chắc lãu thông
Kim Quang bạch rõ chuyện nâu sồng
Thế nào chân chính không tà vạy
Sao gọi chẳng ngay, bạch đục trong?

           Thầy muốn trò bạch trình: Một người tu chân chính phải có đức tính gì? Bạch Thầy tường!
Kim Quang: Dạ bạch Sư Phụ! Hôm nay Sư Phụ gọi con bạch về cái Đạo Chánh Tà, thì theo thiển ý của con, con là người Đạo Cao Đài đã lâu, con học Chơn Truyền của Thầy, con noi gốc ở Thầy. Thầy đã hạ trần đem cái chân truyền đạo pháp dạy truyền, con quyết theo dấu cũ mà vững bước về nguồn, ngoài ra con không có theo cái phép nào khác hơn nữa. Con tin tưởng cái Chân pháp của Thầy là duy nhất thôi, ngoài ra không cái chơn pháp nào nữa hết và cái tín thành từ bấy lâu nay con sở nguyện học cho được Chân pháp của Ngôi Hai, vì thế con đã hiến thân và hy sinh cuộc đời của con cho Đạo và trau Đạo ...
Hà Thanh chận lại: Đã lạc đề rồi, trả lời không đúng câu hỏi, đừng lý luận dài dòng nữa. Hãy nói ngay là người chân tu phải có đức tính gì? Mầy đã lầm lộn đức tính là đức tánh với đức tin, và Đại Đạo với Tôn Giáo. Đạo là vô danh và duy nhứt. Hỏi ngay cái Chánh Tà của mình sao lại luận bàn ra cái tà chánh của ngoại giáo. Dạ bạch Sư Phụ: Từ ngày con thọ truyền đạo pháp thì con không những ngày đêm công phu tứ thời cho trọn vẹn và tìm tòi học hỏi đạo đức, đó là cái đức tánh của con.
Thầy muốn hỏi con về ý niệm theo con thì một người tu chân chính phải có những đức tính gì?
Người tu phải học hỏi ngày đêm ...
Và theo con thì một người tu chân chính phải đêm ngày học hỏi đạo lý phải chăng? Bạch Thầy tường!
Dạ bạch Sư Phụ: Bởi vì cái Đạo thật là sâu thâm huyền bí, còn về Đạo Lý con cũng nhờ Ân Sư con giúp đỡ, con cũng quyết lòng học Đạo nhờ nơi Thầy, con cũng cần lắm.
Lời bình chú của Hà Thanh: Thầy muốn biết theo câu thi:
                  “Bao ngày tu luyện tiến bao xa”
Hôm nay, một lần nữa Kim Quang trả lời vu vơ không đúng ý câu hỏi. Học Đạo, trau đạo ngày đêm mà chi khi không thực dụng được công phu ấy?
Học thông Đạo lý để tiêu khiển, để nói khoác để dương dương tự đắc cầu lấy tiếng khen của công chúng để thỏa mãn lòng tự tôn của mình hay sao?
Trau đạo cố công gầy dựng, đào tạo cái máy tốt đẹp bên trong rồi khi tiếp nhơn ứng vật, không biết điều chỉnh sử dụng cho đúng phép, bị cái vụng về của lòng phàm tánh tục xen vào chi phối như trước kia, phá hư bửu bối của mình thì đã chẳng tiến được lại oan uổng công phu nặng nhọc, phải nhớ kỹ:
Bề trong khuôn đúc, bề ngoài ra sao?
Bên trong là tánh trí, ứng dụng ra ngoài là hạnh đức cho in khuôn rập.
Trái trong sao thì mặt cũng in
Hạnh kiểm chưa hơn người thế thì sao gọi là TU, là trau học để bổ khuyết mới vài ngày vừa qua, Kim Quang trình bày kết quả nội công, tôi chỉ cách thực tập để có tác dụng cho đủ nội ngoại, lẽ ra đã trúng tủ khi được Thầy hỏi.

“Giỏi lắm! Là trò đã lãu thông
Kim Quang bạch rõ chuyện nâu sồng ...”

       Thiệt giỏi, thiệt lãu thông chưa? Hãy chứng minh điều ấy theo phận nâu sồng chớ đừng quen thói cũ, giỏi nói lãu thông để chưng bộ áo gấm rực rỡ lắm màu mà đến cọ sát thật tế, đem ra thực dụng thì bị mưa, nước nhuộm chảy ra làm lem luốc, cái gì không ra cái gì, rõ là thứ giả, không có chơn giá trị.
        Có hội, có đắc mà thấy như không hội, không đắc mới là môn đồ của Lục Tổ Huệ Năng, Kim Quang nên ghi nhớ lời này để tu sửa.
Thầy cho phép Dũng Kim Quang an tọa.

Thi
Kế đến Lưu Thanh hãy bạch trình
Thế nào chân chính trẻ tường minh
Làm sao để trở nên chân chính
Một kẻ tu hành, cố đắc minh.

                     Bạch Thầy: Con biết đã tu hành thì chỉ có một chánh đạo mà thôi, dù đường tu rất có nhiều.            Đi thẳng đường lối: nhứt phá vạn thù, vạn thù quy nhứt là Phật-Pháp-Tăng, Tăng-Pháp-Phật.
Con hãy cho Thầy biết thêm về ý niệm của con!
            Bạch Thầy: Ý niệm của con là quyết chí tu hành để trở về nguồn cội, còn về điển thiên thì xin Thầy hộ trợ cho con.
Thầy khá khen, con an toạ!
   Ghi chú: Lời Lưu Thanh nói vào nội công để chánh chơn hóa cái Tâm, cái chơn ngã để chánh kỷ lấy mình. Như vậy cũng đủ vì chánh kỷ mới hóa nhơn. Chưa xong phận trò mà ham đem ra nói để dạy người là sai.

Thi
Đến lượt trò NÂY hãy bạch tường
Theo con tu niệm có bao đường?
Làm sao tu được đường chơn chánh?
Có sợ mị tà đến nhiễu nhương
Hay trẻ bền tâm không hãi sợ
Khinh thường ma quái chốn trần dương
Bạch Thầy tường hiểu về tâm niệm
Của trẻ hiện giờ chứng quả Dương!

        Dạ bạch Thầy: Đạo pháp chỉ có hai giáo lý về nội tâm là tu chơn, hễ người tu mà đắc chơn pháp là âm dương hiệp nhứt, chơn khí quy tụ tốt đẹp, còn khi mà tu bề ngoài là không phải chánh đạo, trong nội tâm gầy dựng tròn đầy mới là Chánh đạo.
     Cười cười! Sao con dám bảo tu bề ngoài là tà đạo, chưa hẳn như thế đâu? Đó chỉ là hình thức mà thôi, sư cũng có chánh, tà. Còn tu bề trong cũng có chánh cũng có tà vậy, nếu biết thì chánh bằng không thì tà. Điều nào không đúng với lẽ từ bi bác ái là tà, điều nào gồm đủ bác ái từ bi là chánh. Con tường chăng?

Thi
Ý Thầy muốn hiểu các con nhiều
Quan niệm mỗi trò được bấy nhiêu
Với việc tu trì trong nẻo Đạo
Các trò cố hiểu kẻo chinh xiêu

            Ghi chú: Bảy Nây cũng như Tư Hóa không trả lời đúng điều Thầy muốn hỏi, chỉ nói có ¼ mà còn sai lầm trầm trọng.
Đạo có ngoài trong, có Sự có Lý, phải biện minh cho rành mạch để dốc lòng làm theo,
bằng không quan niệm đúng, rối nùi, thiếu thứ lớp thì phải chịu chinh xiêu nghiêng ngửa.
      Bao năm tu luyện Chơn dương đã chứng quả như thế ư, không có ánh sáng tri thức sao? Phần vô minh còn thắng thế thì làm sao tránh khỏi nhiễu nhương của mị tà, làm sao dám khinh thường ma quái vì chúng con choán ở nhà tâm và giành quyền chủ động kia mà! Lấy gì để lui chúng, đánh tan chướng ngại vật ngăn đường, để tu tiến. Hãy học tập kỹ lại để hội thông đạo lý, có học có hành mà chưa đem lại kết quả gì ráo.
Thầy đo lường tri thức của Ba trò lớn tuổi, đã trau đạo.
        Đến lượt ba trò còn trẻ để đối chiếu, mượn tiên sanh, hậu sanh để chỉ Tam Tiền, Tam Hậu. Ba trường hợp của Lộc, Đực và Anh khác nhau.
Đực đã làm môn đồ trau đạo, Anh đã trường chay, Lộc chưa chay lạt cũng chưa học Đạo (đủ ba bực.)

Thi
Trò Lộc! Thầy kêu trẻ giải rành
Ý trò tu niệm của đầu xanh
Thế nào là đúng đường chơn chính
Một kẻ tu hành lúc tuổi xanh?

         Thầy nói thêm: Một người tu còn trẻ tuổi phải có những lập trường thế nào để bảo vệ sự tu? Trò hãy lựa lời mà đáp, Thầy hoan hỷ vô cùng. Bạch Thầy tường!
Bạch Thầy: Theo ý con thì tuổi trẻ hiện giờ chẳng biết sống nay chết mai, sanh vào thời buổi này, ở ngoài cuộc sống hụt thiếu, bấp bênh, không thế nào tạo đủ nhu cầu thiết yếu, thế nào được dư dả. Cho nên con ở lứa tuổi trẻ, còn muốn tìm hiểu Đạo lý để hạn chế bớt cái tư tưởng có thể làm hại cho xã hội và lý tưởng đó giúp chế ngự phần nào tư tưởng xấu cũng là việc tốt để cho lòng con đừng xao động. Còn riêng con thì nếu gặp cơ hội thuận tiện con sẽ nương theo Đạo pháp để tu hành theo con đường chơn chính.
Con chỉ có bấy nhiêu lời.
Lành thay, lành thay! Trò Lộc hãy chờ Thầy hỏi thêm…! Thầy mời thêm trò Đực. Thầy cho mời trò Anh.
Các trò hãy nghe Thầy hỏi: Tuổi trẻ nên có những đường hướng nào để tiến tu? Trò Đực trả lời!
Bạch Thầy: Trên con đường tiến tu của tuổi trẻ theo quan niệm của con thì con người chẳng phải sinh ra đời để rồi chỉ để lớn lên rồi chết. Con đã hiểu rằng con người chẳng phải được sinh ra để rồi chết, mà phải làm những gì và sau đó sẽ làm những gì và muốn hiểu rõ con đường đi của mình, của tuổi trẻ cần phải có cái quan niệm lối nhân sinh quan và con đường đó con người phải chọn như thế nào cho có mục đích làm mục tiêu để nhắm tới và không gì khác hơn là con đường tu học để mở mang trí tuệ để tìm hiểu và thấu đáo Lẽ Sống Chơn Thật.
Thầy đại hỷ, nhưng đường hướng đó của con quá cao thâm, không thuận tiện cho Đại Đồng nhân thế.
Trò Anh cho Thầy biết về ý con một đường hướng tu niệm của kẻ tuổi xanh.
Dạ Bạch Thầy: Theo con nghĩ thì tuổi trẻ là một diễm phúc khi đã hiểu Đạo và có trong lòng một lý tưởng về Đạo Pháp vì tuổi trẻ chưa bị vướng vấp nợ trần và gặp khó khăn như những người lớn tuổi có sự nghiệp gia đình. Theo con là một diễm phúc cho tuổi trẻ nhưng cái tuổi trẻ rất có hại khi mình quan niệm không đúng, lập trường không vững là cả một sự nguy hiểm tai hại khi sa vào bến mê trần tục. Lập trường của tuổi trẻ, đứng trên sự nhận thấy của con thì ít nhứt là mình phải lọc lừa trong tư tưởng của mình thật trọn vẹn, hướng về một chánh pháp mà mình tin tưởng và tìm biết ở những tiền bối mà mình biết và như được truyền dạy lại, mình phải trọn lành, trọn tâm với Đạo pháp. Đối với cuộc đời phải sống theo từ bi bác ái và mạnh dạn dứt bỏ những gì có thể là chướng ngại vật trên bước lộ trình Vô Vi Đại Đạo.
Riêng lập trường cá nhân của con thì rất nhiều phúc duyên, xuất thân trong gia đình đạo giáo và được dạy dỗ từ thuở bé thơ cho đến lúc trưởng thành. Tất cả sự việc trải qua trong gia đình và ngoài xã hội giúp con đã nhìn thấy cuộc đời là bể khổ, nhưng phải nương đời để về Đạo cho nên con tự hiểu là dù sống với đời nhưng tâm bất nhiễm và mạnh dạn để xây đắp cho nền tâm đạo vững chắc, luôn dịp học hỏi cho đến ngày thuận tiện hầu lên đường thực hành đến ngày viên mãn mà hoàn nguyên. Dạ bạch Thầy!
Các con vừa bạch trình cho Thầy rõ về đường hướng tu niệm của kẻ tu hành trẻ tuổi thì đây các con hãy nói Thầy biết về mục đích của chữ TU. TU có nghĩa là gì? Trò Lộc bạch.
Bạch Thầy: TU có nghĩa là trau tâm sửa tánh (Thanh nhắc: mục đích của chữ TU là gì?
Theo con là vâng lời Thầy dạy và để giúp ích phần nào trong việc trau sửa của con. Con chỉ có bấy nhiêu lời.
                  TU có mục đích giải thoát
                  TU có nghĩa là trau sửa.
Vậy một người tu phải hiểu rằng mình nên trau sửa để được giải thoát. Khi thực hành ý nghĩa để đến mục đích của chữ TU, hành giả gặp chướng ngại ngăn trở không thể tiến phát được, đang lủng củng tâm linh, khó lòng giải quyết, giờ đó hành giả phải làm sao? Bạch Thầy tường, trò Anh!
Dạ Bạch Thầy: Khi hành giả gặp những trở ngại trên bước đường tu tiến, theo lập trường của con, con xin giải từng phần: nếu gặp phải chướng ngại của vật chất trần gian ngăn chặn con sẽ bình tâm và giữ vững lập trường lý tưởng của mình cũng như sự học hiểu từ lâu để dứt bỏ tất cả chướng ngại và những trở lực của cuộc đời hầu mạnh tiến trên đường tu học. Còn về phần tinh thần khi vướng phải khó khăn khủng hoảng, con quyết tận dụng tất cả khả năng trí lực và tâm đạo để chiến thắng cho bằng được. Nhưng con luôn tin tưởng rằng lúc nào cũng có sự hộ trì ám trợ của Đấng toàn năng, toàn thiện sẵn sàng dìu dẫn chúng con trên đường Đạo pháp. Con đặt trọn lòng vào niềm tin tuyệt đối đó. Lành thay, lành thay!
Bao giờ mục đích chữ TU cũng là giải thoát. Điều đó cần ở các con một sự bền tâm, một sự vững lòng.
          Thầy rất toại lòng về sự giải quyết chướng ngại của trò Anh. Riêng về trò Đực thì trò giải quyết thế nào khi gặp chướng ngại?
Bạch Thầy: Người tu theo phép Đại Thừa, phải ý thức trước những điều khó khăn trên đường đầy gian khổ ấy. Chưa bước lên đường Đạo phải lượng sức mình lập chí xung thiên để phòng khi đối phó. Khi gặp chướng ngại phải nỗ lực phi thường, gom góp khí lực, tập trung ý chí giúp thần lực đủ sức dũng mãnh để vượt qua. Nếu không thắng nổi thì cố lỳ mà chịu đừng lui sụt, chờ Thiên trợ khi đã tận dụng khả năng của mình. Cố gắng dằng co, mầy kéo tao trì như Tam Tạng, qua đêm tối, bình minh sẽ đến.
Về ý chí của các con, Thầy đã rõ, Thầy cho phép các con an tọa, nghe Thầy:
Mục đích của chữ TU là giải thoát, ý nghĩa chữ TU là trau sửa. Các con làm thế nào để giữ được hai điều ấy, các con phải luôn luôn trau sửa bản tâm để chực giải thoát. Luôn luôn Tâm các con đừng bao giờ để vướng phải ưu sầu, Tâm đã vướng phiền não tức là vướng vào chỗ địa ngục âm u, Tâm các con yên tịnh như như là Niết Bàn Cực Lạc. Các con hiểu rõ ý nghĩa thì các con đừng bao giờ lo sợ, đừng bao giờ ngao ngán.
Các con là những mầm non của nhà Đạo,
muốn bảo vệ sự tu được bền bỉ thì các con nên hiểu rành ý nghĩa của chữ TU.
                 Thứ hai là các con luôn luôn ngăn chặn đừng cho các chướng ngại xảy ra như các con ngừa bịnh, chớ như để khi gặp chướng ngại rồi mới đương đầu thì các con khó vượt nổi. Giờ nay điều cần thiết Thầy đã khéo léo chỉ dạy các con cựu tân để các con hãy cố gắng học tập giữ gìn hầu xứng danh là đệ tử của
CAO ĐÀI THƯỢNG ĐẾ.

Thi
Tu hành giải thoát các con ơi!
Cố gắng mới mong trở lại Trời
Chẳng khéo tu hành nhiều khổ lụy
Vướng sầu chác họa khổ chơi vơi
Thi
Giải thoát muốn nên, trẻ phải tu
Vững tâm chặt dạ dứt mờ lu
Bền lòng hết dạ trên đường tiến
Mới khỏi chữ TU hóa lại “TÙ”
Thi
Nam nữ đã tường lý nhiệm sâu
Vững tâm tu niệm hết oan sầu
Thiên đàng tâm địa nhiều quang đãng
Tâm tịnh lòng an phước đức sâu

           Thầy chỉ dạy cạn lời, các trò nghe sắc lịnh bãi đàn 10 phút, tái lập Dũng Kim Quang thủ cơ,
Ngọc Ánh Hồng đọc giả, sẽ có vong Nguyễn Công Bằng lai bút. Thầy từ giã chung các môn đồ.

Ngâm
Mãn giờ trở lại Ngọc Kinh
Giã chung nam nữ điển linh phi đằng.
Thăng

BÌNH CHÚ:
   Chữ TU tuy có một nhưng có nhiều cách quan niệm vì có nhiều duyên BA trò đầu xanh, đứng trên lập trường khác nhau và tùy đường lối của hiện tại mà trình bày.
Lộc, đang ở hạ cấp, bị kẹt giữa lưỡng nan nên không dám dứt khoát quyết định và đặt mục đích của hướng tiến tuy vẫn biết rõ: giải thoát ra khỏi tham vọng mới là TU.
                   Tu hành cũng muốn lên thành Phật
                   Theo Đạo thì con lại tiếc đời
Đực là đồng chơn, độc thân, chưa sa vào tạp nhiễm, đã thực hành Đạo Pháp đúng lúc vóc Tiên Thiên tròn đầy, lại có trí thức đủ giúp cho sự Hiểu biết sâu rộng nên quan niệm theo Cao Đẳng Thượng Học của hiền triết, quá tầm tay nhơn thế. Đại phúc duyên như vậy rất khó kiếm, hiếm có.
Ngọc Anh, ở giữa hai cực đoan, giữ nẻo trung dung, không tột cao, quá thấp, trình bày rõ rệt khá đủ đầy hạp trình độ đồ chúng được Thầy khen ngợi. Thầy khéo chọn lựa ba trò,
đủ ba cấp bực, hợp từng vị trí, đời hay Đạo, mầm non mới có nhiều tương lai, mới là quan trọng thiết yếu.
Là bực Sư Phụ, dĩ nhiên rất chú trọng đến tuổi trẻ đầu xanh, nhiều nhiệt huyết, dồi dào nhựa sống tâm điền màu mỡ, có nhiều năng xuất, thừa hy vọng ở ngày mai. Con gần căn cội, nên chưa ô nhiễm, cỏ dại dù có cũng mới mọc lai rai ăn bạ trên mặt đất rất dễ nhổ tận gốc, khác hẳn kẻ đã bị Ngũ Hành Sơn đè nặng dù tài ba như Tôn Hành Giả cũng khó vẫy vùng. Cây si mê biến thành đại thọ rễ đã châm sâu vào đất tham vọng, cố ráng bứng lên phải lắm công phu mệt nhọc, tâm phải rướm máu, chịu đau đớn lòng mà dấu vết còn lảng vảng mãi trong ký ức khó bề bôi xóa. Tai hại hơn nữa là hột giống xấu đã nằm im dưới mặt đất chờ có mưa xuống là nẩy mọng đâm chồi, nguyên hình xuất hiện.
Hạng môn đồ lớn tuổi hãy ý thức kỹ lưỡng, nỗ lực để vớt vát lại thời gian đã mất. Siêng năng gấp bội để trèo dốc, lên đèo. Phải ráng sức già, đừng quen lối bê tha, mang nặng trần duyên hao mòn bảo vật, thần lực suy đồi đến đuối sức thở phì phào, giãn gân mỏi gối, lom khom như cóc, bò bốn cẳng như rùa, đầu đít ngang nhau, khó coi lắm và rốt đời tu mà không đạt được mục đích.
Bản chất thanh niên đầy hăng hái, rủi có vấp phạm, té ngửa lăn cù cũng đủ sức nhanh nhẹn, phản ứng kịp thời, mạnh dạn vùng dậy, đứng lên tiếp tục hàn gắn vết thương, đâu như người già trợt chơn nhào hớt đứt gân máu á khẩu chết luôn làm gì hồi sinh nổi?
Thế mà rất nhiều người thuộc hạng trí thức, vẫn còn vọng chấp, mê muội vô minh, luyến tiếc lợi quyền mãi giữ tánh trì trí khoán khoan đến chừng nước tới trôn ăn năn đà muộn.
“KHỔNG TỬ” lúc đêm lâm chung, ngẩng đầu lên không trung thấy vũ trụ bát ngát, điểm điểm trùng điệp những ngôi sao xanh đỏ. Ngài muốn cho mặt trời “mọc trể một chút”. Ngài muốn cho sự điều hòa của tạo hóa phải đảo ngược đi giây lát để cho Ngài được hân hạnh mà ngắm cảnh Thiên nhiên và chiêm nghiệm thêm đôi chút.
Nhưng than ôi! Ánh sao điểm trên nền trời lần lần mờ đi, bình minh xuất hiện. Ngài ao ước cho buổi đêm “mau trở lại” nhưng các vì sao kia khi mọc lại sẽ không còn soi sáng Khổng Tử nữa.
Trọn đời hy sinh cho sự nghiệp vĩ đại, cho “Thế Nhơn chi đạo” phút cuối cùng mới ý thức Lẽ Sống Trường Tồn, thấy rằng mình sẽ ra đi với tay trắng chịu luật giả tạm, vạn hữu hườn vô, cảm thấy mình vừa trải qua cơn mộng dài, và lúc tỉnh thức thế là đã hết.
Gieo gì gặt nấy, khi sanh tiền lập giáo dạy người trau sửa Nhơn Tâm để: tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
Nhơn Tâm là Thức Thần cái nguồn gốc của sinh tử, thế nào dùng phép tắc bên ngoài để đem lại quân bình, an ninh trật tự cho nội tâm là thiên hạ. Thức thần, vọng tâm không phải là Bản Lai Nhân kia mà. Suốt đời hoạt động không ngừng cho chủ thuyết của mình chỉ nghỉ ngơi có một ngày, do kẽ hở đó mà nội đêm ấy cả nước Lỗ từ vua chúa tới quân hầu đều loạn hành, lễ nghi luật pháp đổ sụp tan tành, không còn ai kính nể, buộc lòng Ngài phải bỏ ra đi với hai trò: Tử Lộ, Tử Công với con chó vàng tượng trưng cho lòng trung tín của riêng mình là bộ ba: Thân, Tâm, Ý...Sinh thời, làm “Thầy tế lễ cả”
chung cuộc được đưa bằng tế lễ theo giáo luật, giáo điều của mình trước tác. Thân vào lòng đất lạnh của cảnh âm u, bài vị đặt lên bàn thờ trong tôn miếu với danh xưng “VẠN THẾ SƯ BIỂU” chỉ có thế thôi. Thật là!

Khổng Tử thiên sanh chơn kỳ trí
TÁNH MẠNG công phu thỉ bất minh
Vãng Trần lộ ngộ sư HẠNG THÁT
Lão, tát đồ ty, thiểu vi tôn.

        Trò “vô danh” mà là Thầy, Thánh sư của vạn đại lại làm trò.
        Sao có chuyện nghịch thường như vậy?

Vô phân Lão, thiểu dữ bần phú
Hữu Đạo tiện năng độ chúng sanh.

Không nên hiểu lầm!
       Đứng trên lập trường “Thiên Lý”, cái Sống không chết, cái Trường Xuân là Vô Tướng Tánh là Sư Phụ, Linh Hồn chủ động.
Đứng trên lập trường “Nhơn Luân” cái có sanh có diệt, cái lệ thuộc thời gian không gian, cái hữu hình hữu tướng là môn đồ, xác thân thọ động, nói là lão già thọ giáo với trẻ nhỏ.
   Câu chuyện Khổng Tử, Hạng Thát là đặt ra vì lý ấy, chớ nên tưởng có sự thật như vậy đâu, cũng như việc Lão Tử sanh ra tại “Cội cây Lý”, vừa chào đời bạch phát phất phơ, tu mi trắng xóa, để ám chỉ Nguyên Lý tối sơ (cội lý) của người (tu mi).
  1.Thể xác cận kề cái chết, cũng gọi là lẽ chết chưa chôn là “LÃO”
  2. Linh hồn trai trẻ trường xuân, là “TỬ”, gồm cả tánh danh của Đạo Tổ: Lý Lão Tử.
       Hiểu theo lời truyện ghi chép, chắc chắn sa vào dị đoan và thế nào tin được, vì xa thực tế lấy gì chứng minh khi bị bài bác.

Để kết luận tôi nhắc các bạn:
Học Đạo bất phùng Minh Triết chỉ
Manh nhơn hắc dạ nhập thâm khanh
Tùng lai tam giáo chư kinh điển
Lưu vi tu hành tát chứng bằng
Chúc phú hiền lương chư hậu học
Hội thông tam giáo, bổn nguyên nhơn
Đạo bổn vô danh, nguyên vô giáo
Chấp giáo, tu hành Đạo bất thành
Vạn giáo thiên môn, đô thị giả
Thánh, Hiền, Tiên, Phật diệt hư danh
Hữu danh hữu tướng, giai phi Đạo
Vô tướng vô danh, tài thị chơn ...

    Đàn hôm nay, Thầy đưa ra nguyên lý: cũng già mà cũng trẻ, trẻ mà già, già mà trẻ. Thỉ là chung, Chung là Thỉ, Lẽ duy nhất của Đạo.
Cố gắng thậm tư chi khi thực hành Đạo Pháp!
Có dịp tôi sẽ cùng các bạn bàn bạc, so sánh Giáo pháp của Khổng Tử và Đạo pháp của Lão Tử, tuyệt đối của Tông bổn và tương đối của Nhị nguyên.
Thiên tạo và nhơn vi phải biện minh cho rõ.

MÙI THỜI, TÁI CẦU VONG NGUYỄN CÔNG BẰNG
                      Thi
H     Hay chữ đố ai Giáng bút nầy- giáng
    Nói đi kẻo nặng đi a thầy- Địa ( Nghịch Đọc Quang )
      Im im lặng lặng Thô nhiều hỏi- Thổ
L      Lắm chịu rối ren Quang trí đầy
                     Thi
Điển văn tả hữu ráng tìm ra
Để biết tá cơ thấu hiểu ta
Chớ tưởng tầm thường mà đoán trật
Mỗi người chỉ được một lần nha!

Vậy trước hết điển văn bên trái biết là ai tá cơ chăng? Bạch tường!
Đực Bạch: Thô hỏi là Thổ, Đi, a nặng là Địa – Thanh nói: chưa đủ.
Lấy chữ đầu bắt dưới đọc lên: L.I.N.H là Linh, phía sau nghịch lên là Quang, thổ, địa,
là Linh Quang Thổ Địa . Khá lắm! Cười cười! Còn một chữ nữa cố tìm ra?
Thanh nói: chữ Giáng.
Như thế bài thi đó gọi là gì, bạch thử xem!
Khoán thủ mỗi chữ, khoán tâm cận vĩ ... nghịch
Đúng lắm, đúng lắm! vậy Địa chịu thua, Địa mời chư hiền an tọa. (dâng bồ đào)

Thi
Bồ đào Địa ẩm nhứt chung thôi
Điển ký hữu ban ẩm nhứt bôi
Điển ký tả ban mau ẩm một
Thế thì tam trản Địa tiêu rồi.

Chư hiền tiếp cầu vong Nguyễn Công Bằng, Địa giã từ.

Ngâm
Vui tính bày trò hại thay!
Tưởng ăn thêm tửu, nào hay mất phần
Giáng đàn chỉ dẫn làm ân
Vong về tiếp rước Địa cần ra đi
Bồ đào uống ít khó đi
Nhưng thôi! Địa cũng hồi quy bây giờ!
                                          Thăng.
Thi
Nguyễn tộc phước duyên được giáng đàn
Công bình thiên địa phước ân ban
Bằng tâm lương thiện lo tu niệm
Lai đáo đàn trung gặp họ hàng.

             Đệ tử kính trình Thượng Phụ, trình Kim Mẫu Diêu Trì, tôi chào chư đạo hữu, Cha mừng các con, mừng hiền thê. Giờ nay vì lòng thành khẩn của tử tôn gia nội nên được Thượng Đế gia ơn cho lai đàn đôi phút.
Tôi mời chư đạo hữu cùng nam nữ tọa an.

Thi
Bao niên vắng mặt chốn phàm gian
Gẫm lại nhớ thương đổ lệ than
Dương thế nào ai tưởng cớ sự
Diêm phù u tối khổ muôn ngàn
Tại tiền tu niệm âm cung khỏe
Nếu chẳng biết tu phải nặng mang
Tội lỗi vướng vòng nơi địa phủ
Phước phần thoát khỏi khỏe muôn ngàn
Thi
Khuyên nhủ tử tôn đạo đức gìn
Hưởng nhờ thân xác thoát vô minh
Gieo trồng phước huệ sau an hưởng
Tạo phước lập công khỏi khổ hình
Thi Bài
Về dương thế tá cơ đôi phút
Nhờ tử tôn phút chút nguyện cầu
Lòng thành Trời chứng tâm sâu
Ban truyền pháp lịnh ngõ hầu giáng lai
Mong hiệp mặt lời đây phân cạn
Trẻ liệu lường đường thẳng tiến tu
Lập công bồi đức ôn nhu
Tránh xa nghiệp dữ thiên thu thọ hình
Nhiều phước đức muôn nghìn an khỏe
Lắm tội tình nhiều kẻ đau thương
Mấy ai nơi cõi trần dương
Biết suy biết nghĩ tầm đường tu thân
Tạo phước đức hưởng phần mai hậu
Lo trau dồi soi thấu bản tâm
Lòng thanh tánh tịnh ngàn năm
Tiêu diêu khoái lạc khỏi lâm khổ hình
Khuyên dạy trẻ tất tình thân phụ
Ráng liệu lường hội đủ điều may
Hữu căn hữu phúc lắm thay
Lời này dạy bảo đoái hoài nghe con!
Tạo phước đức thời còn gặp mặt
Nếu các con chẳng chặt lòng mình
Mải mê vật chất hữu hình
Thời con khó gặp bóng hình của Cha
Lời sau chót mà Cha khuyên nhủ
Các con nên ký chú làm theo
Chớ nên sợ khó sợ nghèo
Cố lo tu niệm dầu nghèo chẳng sao
Nhưng con hiểu Trời cao có mắt
Không để cho khổ ngặt vây con
Lòng thành chứng chiếu tâm son
Chứng lòng con thảo bồng non Cha về.
Thi
Về đàn đôi phút để thăm con
Nhắn nhủ tử tôn hãy mót bòn
Đạo đức chặt gìn đừng nản chí
Bao ngày Cha đã chạm bìa son
Theo gương đạo đức xưa Cha đó
Sẽ được an thân phước đức còn
Dẫu phải gặp nhiều cơn khốn khổ
Vẫn còn trông cậy tấm lòng son.

         Vì thời giờ không nhiều lắm, nên Cha để đôi câu, các con khá suy nghiệm để tập tành đạo đức, nếu các con có chí tu hành, sẽ được Ơn Trên gia hộ, giờ đã mãn Cha từ giã các con.
Pháp đàn bạch: ...
Điều đó sẽ được giải quyết ở đàn kế, tôi từ giã chung chư đạo hữu, chư phận sự tiếp cầu có Ơn Trên tá bút.

Ngâm
Mãn giờ điển rút về quê
Giã từ đạo hữu, hiền thê, phi đằng.
TIẾP CẦU
Thi Vô Vi
Minh Y Đồng Tử giáng đàn trung
............................. khá thính tùng
............................. nghe thánh lịnh
............................ cả đàn trung.

         Tiểu Thánh thừa sắc lịnh, chư phận sự y hành; đàn thập cửu nhựt thất ngọat cầu Tuất thời.
Lời thỉnh nguyện của Thiên Đức được Ơn Trên dạy như vầy: Lễ khánh thành cứ tiến hành bộ phận Hiệp Thiên Đài không tới được, chờ dịp khác. Đàn kỳ tới cầu Tuất thời, chư hiền khá y thiên ý. Thăng.
                                      

                                                                  Trở Lại Mục Lục