Ngọ thời, Ngày Mồng 01 Tháng 04 Năm Tân Hợi (1971)
                                              THẦN THÔNG LINH DIỆU PHÁP
                                                    Đồng Tử: Thiện Minh xuất khẩu

Thi
Thần thông linh diệu Pháp trau dồi
Quang mẫn Linh Tâm hỗn hợp đôi
Đồ thị nhân thân tầm Khiếu huyệt
Đệ trình quả đất rõ tường nôi.

Thần Quang Đồ Đệ (Nhị Tổ), Ngã chào Hà Thanh Đại Sư, chào chư nam nữ linh căn.
Ngã giáng đàn giờ nay để báo tin cùng chư hiền có Đức Đạt Ma Sư Tổ ngự bút, chư hiền thủ lễ tiếp nghinh,
Ngã hộ đàn xuất ngoại. Thăng.

Thi
Chơn Pháp Đạt thành cướp Hạo Nhiên
Tin theo Ma giáo mất chơn truyền
Tuân lời Pháp nhiệm hành trau vẹn
Chẳng uổng tôn chịu lụy phiền
Hựu
Lụy phiền trần trược giáng cùng thăng
Cạn tiếng hết hơi bởi Đạo hằng
Lẽ Đạo bày phô soi trí chúng
Dẫn dìu trở lại những nguyên căn

        Bần Đạo chào Hà Thanh Sư Trưởng, mừng nam nữ đàn tiền, Bần Đạo mời chung an toạ.

Thi
Đạo pháp thâm sâu khó hiểu tường
Trí phàm hữu hạn để đo lường
Những gì cao tột sao tìm nỗi
Chỉ có Trưởng Sư mới hiểu tường
Dẫn chứng biện minh lời ẩn Lý
Sơ cơ nhìn đó để tìm phương
Lên cao phải dụng nhiều thang nấc
Nhờ có Trưởng Sư dẫn lối đường.
Thi
Giáo đạo kỳ ba khó bội phần
Nhân tâm mỗi mỗi chẳng toàn chân
Người cao kẻ thấp không đồng nhứt
Chỉ giải Lý mầu phải giải phân
Các đệ luyện trau Tâm Pháp rõ
Ẩn tàng Thiên Lý khéo cân phân
Trở về Nguyên Vị đi Đường đó
Cố luyện cố trau để hưởng phần.
Thi
Đôi lời Bần tỏ với Hà Thanh
Sư Trưởng Lý chơn đã hiểu rành
Đôi đoạn giải bày Môn đệ rõ
Đề tài Bần chọn “Lý Vô sanh”

Bần Đạo muốn nhờ Hà Thanh minh giải Lý Vô Sanh, muốn thoát khỏi luân hồi thời Con Người phải rõ lý vô sanh và Con Người khi đã ngao ngán thế trần khổ sở, tử sanh, hoạn nạn, muốn thoát khỏi luân hồi.
Vậy Pháp Sư giải rõ: Muốn thoát khỏi sanh tử luân hồi con người phải làm sao?
Bạch Đại Tôn Sư: Đề tài của Tôn Sư vừa nêu ra quá cao siêu mầu nhiệm, cần phải có đủ thì giờ mới thuyết minh nỗi.
Con chỉ giải bày sơ lược đại cương, khi nào ra đàn con sẽ biện minh dẫn chứng sau. Vô Sanh là
Nguồn gốc sanh thành, là Nguyên Lý đơn nhứt tối sơ căn nguyên của Càn Khôn vũ trụ vạn vật muôn loài.
Đã nói là Nguồn gốc sanh thành, thì vô sanh không có nghĩa là không sanh gì hết mà gọi là vô sanh.
Vô sanh mà có sanh cũng gọi Không mà Sắc.
Bản Nguyên là Chơn vô phát động sanh Diệu Hữu thành một Khối Toàn Chơn Vô Hữu, của trạng thái Tinh Thần Phật nói Nhứt Tự Tánh. Vô Hữu hiệp sanh, biểu hiện ra hình hài Vật Thể, một thể gồm Chánh Tà, Chơn Giả, mất Bản Thể Toàn Chơn sa vào vòng Càn Khôn chịu định luật Sanh Diệt của vạn hữu.
Muốn khỏi luân hồi sanh tử, con người phải hiểu rõ Bản-Mạt của chính mình, tìm phương giải thoát diệt khổ, tự lực trau dồi theo hướng tiến đáo bản lai đã chỉ dạy, thực hành Đạo Pháp cho đúng mức để quy hồi khởi điểm là Lý vô sanh gọi là hườn Nguyên Bổn.

Thi
Vô sanh lý nhiệm đã phân bày
Nam nữ rõ tường đó “Lẽ- Ngay”
Khởi điểm Vô Vi sanh Hữu Tướng
Nay hoàn cựu vị Một, Không Hai!
Thi Bài
Đạo Vô Vi không hình không tướng
Đạo vô vi không vướng bụi trần
Ngày đêm thanh tịnh nhàn thân
Luyện trau Đạo pháp trong ngần nơi Tâm
Đạo như thế không lầm lẽ Đạo
Đạo đi gần thiện bảo Trời Cha
Đạo này tột đỉnh cận Già
Đạo này rốt ráo Hồi Gia rất gần
Đạo hữu tướng nơi trần nhìn thấy
Mãi hô hào chuốc lấy hận hờn
Đạo không tròn Đạo khổ hơn
Đạo mà thiếu Nhẫn thiếu Chơn nguy nàn
Rồi những cuộc kinh hoàng thảm khốc
Đạo hữu hình nát óc lao thân
Hiểu rành trẻ ráng gìn thân
Toàn chung học đạo, luyện thân trau dồi
Tu là để phục hồi cựu vị
Tu không cầu, luyện kỹ trau thông
Tu không chác việc trần hồng
Tu không mê nhiễm nơi lòng người tu
Khi đã quyết vẹt mù tiến bước
Hãy dò lần mực thước đường đi
Tự mình soi rọi tường tri
Tự mình trau luyện hoàn qui Pháp mầu
Nhờ Chơn Sư đuôi đầu chỉ dạy
Cố công dồi sai chạy đừng nên
Siêng năng bồi đắp móng nền
Tự mình tạo lấy tuổi tên cho mình
Minh Sư dạy tất tình cặn kẽ
Phần Thực Hành mọi lẽ do mình
Phải đâu kẻ khác đưa mình
Trở về Nguyên vị thình lình được đâu
Cố gìn Đạo Pháp mầu gắng luyện
Bền tâm lo bước tiến ngày đêm
Tứ thời giữ vẹn im lìm
Luyện trau Đạo Pháp thoát miền trần gian
Đã hiểu rõ trần gian giả tạm
Đã biết đời là đám phù vân
Biết tu quý báu nơi trần
Thời còn chi nữa chẳng lần bước đi.
Thi
Đi đến Tây Phương tọa Pháp Thoàn
Bao nhiêu khổ nhọc chốn trần gian
Thật là không uổng bao ngày luyện
Đắc quả thảnh thơi được hưởng nhàn.

      Bần Đạo đôi câu tá bút. Giờ mãn điển, sắc lịnh bãi đàn 10 phút, tái lập Dũng Kim Quang thủ cơ,
       Ngọc Ánh Hồng đọc giả.
      Bần Đạo hồi nguyên vị.
      TÁI CẦU

Thi
Nhựt Nguyệt Linh thiêng chuyển vận hành
Áo mão cân đai Quang chánh thanh
Chỉ có Đất lành sanh thánh thiện
Tử qui gởi xác Đất yên lành.
Hựu
Lành lặng đầu đuôi đã kỹ rồi
Lần này kể chắc sẽ thua tôi
Đoán đi Ông Chủ xem ai giáng?
Nếu sợ bị thua dâng tửu đôi!

   Chư hiền có rõ là ai tá cơ chăng? Bạch tường!
   Bạch:- Vừa xem qua câu đầu Nhựt Nguyệt là Minh
- Câu kế chữ Áo là Y
- Câu thứ ba Đất lành sanh Thánh Thiện là Tâm không, sanh ánh sáng là Sanh Châu.
- Câu thứ tư mượn chữ Tử quy là chết về, có lẽ là để đồng âm với chữ Tử con là đồng tử hay Tiểu Thánh.
Thấy như vậy mà chưa chắc là Minh Y Đồng Tử Bùi Sanh Châu.
Nếu như vậy là dễ dàng quá làm sao kể chắc ăn được.
Có gì trớ trêu tránh né gạt gẫm đây vậy anh em có ai thấy được điều giấu giếm nói giúp xem nào.
Chư hiền nam nữ hãy cố tìm cố ráp để biết rõ Ta là ai? Nếu một lần để ta hướng dẫn là mỗi lần phải rót rượu thêm cho Ta một lần.
(Chư nho xầm xì tìm kiếm mà không ra.) Cười! Cười! Hãy nghiệm kỹ lại! Đoán đặng chăng?
Hà Thanh nói: Hé mở, bề ngoài mượn áo Minh Y để che đậy một vóc hình khác, khó đoán trúng, đành chịu thua rồi đó, bất quá hao rượu chớ gì! (cười)
Đại Sư đã chịu thua, vậy tất cả chư hiền đều chịu thua hết thảy phải chăng?
Bảy Nây cười nói: Đại Sư còn chịu thua, thì đàn em chịu thua hết.
Cười! Cười! Hiền Nây nói như thế là sai! Ở nơi đây phải có sự cố gắng của mỗi nhơn tâm dù tiến nhiều hay tiến ít cũng phải ráng, vì mỗi tâm là mỗi vũ trụ càn khôn chớ không đồng nhứt chớ không có liên hệ như vậy. (lý cao quá) Vậy tất cả có hiền nào tìm đặng hay chăng?
Bạch không có ai tìm đặng!
Nếu tất cả đều chịu thua thời mỗi người đều phải dâng cho Lão nhứt trản Bồ đào. Lão chỉ rõ nơi đây.
Thanh nói: đành chịu thua, xưng Lão là không phải Minh Y rồi. Thôi ráp nhau dâng rượu (dâng bồ đào)
- Khoán tâm cận thủ, khoán tâm cận vĩ …
- Thanh cười nói: Rồi, tìm được rồi! Tôi đã nghĩ nên viết câu thi thứ nhứt chữ Linh viết hoa và có gạch đích, rõ là Linh Quang Thổ Địa.
Cười! Cười! Sư Trưởng thử giải xem!

- Câu đầu khoán tâm cận thủ là Linh
- Câu kế khoán tâm cận vĩ là Quang
- Câu thứ ba khoán tâm cận thủ là Đất cũng là Thổ
- Câu thứ tư khoán tâm cận vĩ là Đất cũng là Địa

Thật tế nhị: khoán tâm có thủ có vĩ, ám chỉ Đạo Tâm Viên Tròn, đầu đuôi Hiệp Một, chung Nhứt điểm; Rồng rồng trở lại cắn đuôi! Hay quá! Cười! Cười!

Thi
Bồ đào tam trản đã dâng Ta (tam hoa tụ đãnh)
Mới kiếm được Tên, ngộ quá đa!
Địa mới chỉ qua liền Thấy Rõ (thấy Tâm)
Chắc là Ông ngỡ tự tìm ra!

Thanh nói: Nhờ sự rọi sáng của Linh Quang, thấy liền Tâm Địa.

Thi
Đáng lẽ Địa đây bảo rót thêm
Ba ly ít quá, phải châm thêm
Đàn nay tá bút phân đôi đoạn
Ẩm tửu chung vui dạ chẳng hiềm
Thi
Cho phép chư hiền được toạ an
Đôi lời Địa sẽ nói chu toàn
Những gì cần phải nêu lên trước
Những thứ ích nhơn Địa sẽ bàn
                        Phú Tứ Tự
Xuân tàn Hạ đến              Nóng bức vô cùng
Nam nữ toàn chung          Hết lòng vì Đạo
Lòng mang hoài bão         Diện kiến đàn tiền
Nghe rõ lời Tiên               Chỉ rành Chơn Lý
Đạo mầu quyết chí            Học hiểu trau dồi
Địa thấy kỹ rồi                  Hộ phù tận lực
Quyết lòng giúp sức          Những kẻ đạo tâm
Đạo đức cao thâm            Hưởng nhiều phước báu
Ngày đêm rốt ráo             Trau luyện Tánh Tâm
Địa hộ độ ngầm                Những ai chân thiện
Địa sợ cúp điện                 Lòng tối như đêm
Thật khó nói thêm             Cho cùng lý lẽ
Những ai vẹn vẽ               Gìn đạo trau dồi
Thời hãy tô bồi                 Tăng thêm phẩm vị
Đôi lời dạy kỹ                   Cố gắng tuân hành!
Địa tá cơ giờ nay               để chỉ đôi điều.

Điều thứ nhứt là đàn kỳ tới sơ nhứt nhựt ngũ ngoạt được ngưng đàn để hành hoá Sa Đéc.
Điều thứ hai là từ nay đàn cơ mỗi kỳ đều nên thiết lập vào giờ Tuất, như thế sẽ thuận tiện hơn.
Địa xin góp ý với Hà Thanh một điều là những ý muốn của Hà Thanh đều vẫn được chuẩn y tất cả, nhưng sau này đã có lịnh của Giáo Tòa cho hạn chế đàn cơ nên đã lần lượt thu hồi ở nhiều nơi không quan trọng.
Riêng Chiếu Minh Đàn là nơi mà Ơn Trên đã đặt trọng tâm nên mỗi tháng đều có đàn lệ một kỳ. Riêng những đàn kỷ niệm không quan trọng xin Sư Trưởng chớ bận tâm đến việc thiết đàn, Địa chỉ xin Sư Trưởng có ý nghĩ chi cho Địa rõ.
Bạch: Con tuân theo các điều đã dạy, chỉ có một điều là con đã định tổ chức cầu vong một đạo hữu đại thừa tu đã lâu năm, đã qui liễu 8 năm rồi là Huỳnh Văn Nhung vào ngày 23 tháng này, con đã cho thân nhân của vong ấy hay rồi, con không thể đổi ý được.
Địa đồng một ý với Hà Thanh Sư Trưởng trên điều đó: Nhị thập tam nhựt được phép thiết đàn Ngọ thời, Địa đã chỉ dẫn, Địa cần nhắc rõ thêm vì nếu không thì chư hiền sẽ hiểu lầm lịnh hành hóa Sa Đéc chỉ được phép hành hóa vào lễ kỷ niệm của Kiến Đức Thiên Quân mà thôi. Địa hỏi thêm Sư Trưởng định hành hóa Sa Đéc ngày nào?
Bạch: Con đã định trước khi có lịnh là ngày kỷ niệm Sư đệ Minh Cơ con sẽ hành hóa Sa Đéc như từ trước đến giờ. Nay có lịnh ngưng đàn lệ Chiếu Minh ngày mùng một, con hỏi rõ lại là phải hành hóa ngày mùng một hay là mùng sáu, hoặc phải luôn cả ngày mùng một đàn lệ và ngày mùng sáu đàn kỷ niệm.
Theo ý định của Đức Đông Phương Chưởng Quản đã sắp thì Sư Trưởng hãy hành hoá Sa Đéc vào sơ lục nhựt ngũ ngoạt, có mặt trước Ngọ thời và đàn sơ nhứt được miễn. Sư Trưởng còn chi cần bàn hay chăng?
Như vậy đã rõ rồi, không còn chi để bàn bạc nữa.
Sơ nhứt được nhưng đàn lệ Chiếu Minh Đàn, nghĩa là các con dùng đàn lệ để làm đàn kỷ niệm.
Địa đã phân tường, chư hiền khá hành y, Địa từ giã chung đàn nội, Địa lui. Thăng
                                                   SƠ GIẢI LÝ VÔ SANH
Nguồn gốc của vạn vật là vô vi, sanh ra hữu tướng, Phật gọi là nguyên lý vô sanh. Nguyên lý là Nhứt tông nguyên biến sanh ra Ba Hạ Thể: Một Tự Tánh với Ba Đặc Tánh là Một Thầy Ba Trò.
Bổn Tánh là nguồn gốc của nhân sanh, hoạt động của sự vật.
Nếu liên lạc với Chơn Như Tự Tánh thì ứng dụng Vô Niệm, Vô Tướng, Vô trụ.
Lục Tổ đã dạy: Pháp môn ta đây trước lập Vô Niệm vi Tông, Vô Tướng vi Thể, Vô Trụ vi Bổn.

Vô tướng ấy: là nơi tướng mà lìa Tướng
Vô niệm ấy: là nơi niệm lìa Niệm

Vô trụ ấy: là Bổn tánh của người, nơi thế gian lành dữ, tốt xấu cho đến kẻ thù người thân, cùng khi lời nói xúc phạm đều coi như không có, chẳng lo trả oán hại người v.v…
Nơi trên các Pháp, niệm niệm chẳng trụ, tức là không bị trói buộc vậy, ấy thiệt lấy vô trụ vi Bổn (Tâm Bổn). Ngoài lìa cả thảy tướng gọi là vô tướng. Hễ lìa được tướng thời “Pháp Thể thanh tịnh, ấy thiệt lấy vô tướng vi Thể (tâm thể) gồm cả các cảnh, lòng chẳng nhiễm tới mới rằng: Vô niệm vi Tông (Tâm Tông). Ba hạ thể đều Vô, đều Chơn Chánh hiệp về Gốc hình thành Nhứt Tánh Thể, Một Chơn Chánh Tánh Tâm, là một Sãi Cả, một Đại Hòa Thượng, là Chơn Như Bổn Tánh, Tánh chơn như là cái Vóc của sự niệm, mà niệm là chỗ Dụng của tánh chơn như. Chơn như tự tánh mình dấy niệm, chẳng phải mắt, tai, mũi, lưỡi hay niệm được: Chơn như Có Tánh để dùng dấy niệm nói Vô mà Sanh, Chơn như bằng không tánh thì mắt, tai sắc tiếng lúc đó liền hư nát như cái máy bất động, vô tri vô giác.
Chơn như tự tánh khởi niệm, sáu căn tuy có thấy nghe rõ biết, muôn cảnh chẳng nhiễm, mà Tánh Chơn Thường tự tại. Kinh có câu rằng: “Hãy khéo chia rành các pháp tướng mà ở nghĩa thứ nhứt “chẳng động”.
Sống giữa hồng trần đầy cám dỗ, nơi cả thảy đều chẳng có thiệt, người học đạo, trau đạo phải biết ứng dụng “cái thiệt” của mình là Chơn Tâm. Khi tiếp xúc với ngoại cảnh phải thấy như không thấy, nghe như không nghe, phải đậy lấp phong trần nhìn cảnh lạc, ngó về bến cũ (bản lai) sẵn con đò.
Chẳng phải không thấy, không nghe, không phân biệt, không hiểu biết gì hết. Bất động như thế đồng với Vô tình chẳng động là cây đá vô tri vô giác. Cũng đừng chấp tướng, trụ tướng rồi sanh vọng niệm mà sa vào Hữu Tướng, hữu trụ, hữu niệm rồi mất nguồn gốc “Chơn Vô” kẹt vào Giả hữu, sống với Giả tâm cũng gọi là

Thức Thần hay Tư lự chi thần.
Học Đạo chi nhơn bất Ngộ Chân
Chỉ vị tùng tiền nhận Thức Thần
Kiếp kiếp Bổn lai Sanh tử Bổn
Ai Nhơn oán tác “Bổn lai Nhân”

Kẻ mê si lầm nhận thức thần là cái bản lai của sanh tử, cho là bản lai nhân.
Đã gặp đặng Chơn Pháp phải biết rằng tự mình Có Thiệt, phải lìa Giả là Bổn tự “hữu sanh”, kim diệc “hữu diệt” để lìa sanh diệt trở lại Chơn Không Bản Thể mà sanh hoá “Diệu Hữu” là Huệ Giác, là Ngộ Không Tâm, nên Đại Thánh ghi nhớ lời đã dạy: Một niệm ngu, Bát Nhã tuyệt; một niệm trí , Bát Nhã sanh.

Lìa giả tướng để thấy Chơn Tướng
Lìa giả cảnh để trở về Chơn Như
Lìa giả niệm để sanh Chơn Tri

Như thế chẳng động Đạo Tràng, bảo tồn Tam Bảo để:

Lần Lục Chuyển, Tam diêu Bất động
Tâm Vô Vi trống lỏng Căn cơ
Bụi trần không thể đóng nhơ
Linh đơn Hai phẩm giựt cờ Thánh Tiên.

   Đến đây Tinh đầy Khí đủ (Lưỡng túc Tôn) Thần Khí đã được cái máy Định cũng gọi là Bất Động,
   đã nên Thần Quang đồ đệ chờ ngày Đắc Nhứt, “Nhị Tổ Ngôi Hai” trở nên “Sơ Nhứt”.

Đạt Ma Tổ Sư theo câu thi:
Nay hoàn Cựu Vị , Một, Không Hai …
Muốn được vậy, môn đồ phải:
Ngày đêm rốt ráo Trau luyện Tánh Tâm
Địa hộ độ ngầm Những ai Chân Thiện
Địa sợ cúp điện Lòng tối như đêm
Thật khó nói thêm Cho cùng lý lẽ…
Bạn đã hiểu nhiều, nên nghiền ngẫm kỹ lưỡng

                                            Trở Lại Mục Lục