Ngày 01 Tháng 03 Năm Tân Hợi (1971)
                                                                TÁI CẦU GIỜ TUẤT

                                         MINH TÂM KIẾN TÁNH ĐẠO NƯƠNG NHỜ
                                                            Thủ cơ: Dũng Kim Quang
                                                            Đọc giả: Ngọc Ánh Hồng

Thi Vô Vi
Minh Y Đồng Tử giáng đàn tiền
Tử giáng đàn tiền Khá tịnh yên
Tiền khá tịnh yên nghinh Giáo Chủ
Yên nghinh Giáo Chủ giả chư hiền.Thăng.
Thi
Hiểu rõ Ngô Ông Tự tánh mình
Pháp lành Minh Chiếu lộ nguyên hình
Bao niên Chiêu mộ nguyên căn thế
Chỉ dạy giáng thăng trẻ giữ in

Thầy các con, Thầy mừng chung mỗi trẻ. Thầy miễn lễ các con an tọa

Thi
Gần nữa niên qua trở lại đây
Đem lời chân thiện dạy con Thầy
Bền tâm với đạo lo dồi luyện
Rồi sẽ cởi rồng, sẽ lướt mây.
Thi
Thiên điển ban cho mỗi trẻ thơ
Minh tâm kiến tánh Đạo nương nhờ
Cùng nhau trau luyện, dìu nhau bước
Thế giới ta bà lắm bẩn dơ
Chỉ để các con trau luyện tánh
Chứ không ở mãi với bùn nhơ
Nếu con tường hiểu mau tu tỉnh
Học đạo hiểu sâu đặng hưởng nhờ.

BÌNH CHÚ:
Thầy giáng bút giờ nay có đôi lời khuyên nhủ, Thầy cũng để xác định những điều học tập của đàn trước.
Vậy trước tiên Trịnh sanh Thành nghe Thầy giải: nói về thầy trò Đường Tăng con đã bạch trình khá đúng, khoảng 80%. Thầy thiết tưởng các con khi nói đến Tây Du truyện thì đã tường hiểu rất nhiều về bộ truyện ấy. Trước tiên Thầy đã dịch từ nguyên văn ra nguyên lý đại thừa, nhưng việc làm của Thầy chưa chu tất. Thầy tiên đoán là sau này có người tiếp nối dịch giải ra. Điều tiên đoán của Thầy không sai chạy.
Thầy khá khen!…..
Tiếp đến là trò Giỏi nghe Thầy dạy
Thầy cũng khá khen trò có nhiều đức tánh tốt và lòng kiên trì với đạo, Thầy khá khen cho.
Trò Đắc nghe Thầy chỉ: Lời bạch trình đàn trước của con rất đúng.
Thầy cũng điểm phê cho hiền Lưu Thanh cùng tất cả đàn hầu nghe Thầy giải “sơ” về bốn thầy trò của Đường Tam Tạng.
Trần huyền Trang tượng trưng cho chơn tánh hay “tự tánh” bất nhiễm chánh tà.
Tôn Ngộ Không tượng trưng cho “Trí” cũng là Thần bên tam bửu
Trư Ngộ Năng tượng trưng cho Ý cũng là khí đối với tam bửu.
Sa Ngộ Tịnh tượng trưng cho Tướng, tương đương với tinh bên tam bửu.
Những điều này Hà Thanh đã giải rõ các con đã tường chăng ?
Riêng nữ phái Thầy có đôi điều khuyên nhủ đối với những Linh căn con nên gìn tâm học Đạo.
Trước tiên con nên học về Lý đạo, nghĩa là các con cố tìm hiểu ý nghĩa của đạo Đại- thừa, đó là phần đầu của sự “tiến thẳng” trên đường tu cũng là may phúc nếu thuận duyên để tiến; như nghịch duyên không thể tiếp tục thi hành chơn đạo thì chơn lý các con cũng đã hiểu rồi, cũng như các con đã gieo hạt giống chơn đạo vào tâm sẽ có ngày thành tựu tức Bồ Đề sẽ đâm chồi nẩy lá những điều gì các con được nghe đều là bổ ích muôn ngàn. Có người tìm suốt cả đời mà chưa gặp, nếu có gặp thì chỉ gặp vàng lộn cát mà thôi,
đâu dễ gì tìm thấy vàng ròng nguyên y như vậy.
Thầy lấy làm mừng cho các con đó.

Thi Bài
Đêm thanh tịnh Thầy lai thế tục
Để đôi lời đôi phút dạy con
Dù Thầy xa cách chẳng còn
Nhưng Lời cùng Pháp vẫn còn muôn thu
Qua đợt này đền bù sanh chúng
Đã nhiều năm lúng túng nơi trần
Đạo mầu đã cực tấm thân
Mà không đoạt đặng vô ngần thương ôi!
Nay đạo khai tô bồi phẩm vị
Các con hiền yên trí học trau
Dù cho muôn vạn kiếp sau
Cũng không tiêu mất lời nào ngày nay
Gặp chơn lý nhiều may lắm phước
Dù muôn vàng khó được đổi trao
Một câu chơn lý Đài Cao
Bằng Tam thiên bảo đem vào hiến dâng
Dù phải nói bao lần đi nữa
Cũng không bằng một nữa thực hành
Học đi cho hiểu cho rành
Rồi Làm chẳng muộn đắc thành kề bên
Nếu hiểu được là nền đã đắp
Giống từ lành gìn chặt điểm tâm
Không lâu sẽ thấy nẩy mầm
Bồ Đề xuất hiện Trăng Rằm sáng soi
Với các con hiện noi đường Đạo
Học Pháp Lành chưa thạo chưa tường
Thầy khuyên các trẻ lo bươn
Tứ thời cứ tiến chớ nhường điều chi
Đã biết rõ Vạn qui về Một
Đã rõ tường hiểu tột lý chơn
Thực Hành nào có khác hơn
Chắc đi sẽ thấy bệ đơn Thiên Triều
Những việc chi, những điều không hiểu
Hỏi cho rành chỉ biểu kỹ cho
Hà Thanh hiện diện kia trò
Dạy cho các trẻ vẹn pho Học Hành
Giáng đàn nội giờ lành chỉ dạy
Các con thơ cần phải nghiệm suy
Ra đàn bình lại tìm tri
Lý mầu tàng ẩn vạn nghì thâm sâu
Lời Ta dạy vòng cầu tối thượng
Khó hiểu rành khó thưởng Ý Thiên
Dịch ra giải rõ tận tường
Hà Thanh chỉ giáo cho tường Lý Chơn
Nếu các trò qui hườn Thiên Nhĩ
Nghe được rồi nghe kỹ từng câu
Hợp duyên học đạo cao sâu
Kỉnh Thầy trọng đạo đuôi đầu khá khen
Đạo bí truyền chốt then hiện giữ
Có Hà Thanh nắm chữ tường tri
Như Thầy lúc sống giáo nhi
Thay Thầy nay có trò thì Hà Thanh
Lời đã dặn nhớ rành các trẻ
Khi ra đàn nghỉ khỏe đôi giây
Cùng nhau hiệp mặt đủ đầy
Luận bàn đạo pháp để xây vị phần.

Hà Thanh bạch…
Bạch Sư Phụ: Có Thầy giáng đàn con xin trình Thầy việc chỉ truyền Tâm Pháp Vô Vi là tối quan trọng mà từ lâu Thầy đã cho con trọn quyền định đoạt khỏi cần đợi lịnh Thầy. Con thấy rằng chính Thầy cũng cần phải có phương tiện hữu hình để dìu nhơn đến mục đích. Vì thế con xin Thầy cho con trọn quyền luôn về phần hữu hình cơ đạo. Thế nhơn bao giờ cũng mong cầu này nọ riêng tư theo tình cảm. Thầy vẫn biết con đã thọ Tâm ấn của Thầy thì tất nhiên không bao giờ làm sai lạc ý Thầy. Ngày mồng năm này là ngày làm tuần Đại Tường mãn phục cho em dâu con là Nguyễn Thị Giang con trình Thầy ngày đó con tổ chức cầu vong cho thím ấy. Dụng ý của con đã rõ: dùng thâm tình của huyết thống, liên hệ gia đình để cảm hóa và mở đường cho hậu tấn. Con đinh ninh trước rằng Thầy không bao giờ từ chối để cho con khó xử với đời.
Con trình luôn ngày lễ kỹ niệm ngày 13 tháng 3 này con phải làm sao? Không có Thầy tá bút hôm nay thì con tự do liệu lượng, có Thầy giáng cơ con thỉnh lệnh Thầy cho chắc ý, xin Thầy từ bi chỉ dạy, con tuy hòa mình với thế gian nhưng bên trong chẳng đồng.
Lời trình của đồ đệ Hà Thanh, Thầy hoan hỷ chỉ tường: việc cầu đàn vào sơ ngũ nhựt tam ngoạt, đều có Thầy chuẩn y.
Thầy khá khen con tuy được Thầy trao trọn quyền nhưng vẫn nhớ tới Thầy mãi mãi. Theo ý con đã trình, Thầy dạy thêm cho con rõ: Ngày lễ kỷ niệm Thầy đăng Tiên tuy trọng đại đối với muôn người, nhưng đối với bậc Đại Thừa như các con chẳng hạn, Thầy dạy các con hãy tập tánh như Thầy tập “đối với những gì hữu hình hữu chất các con nên xem nó như bọt nước” mà thôi. Tuy nhiên Thầy cũng cho con biết hai điều cần thi hành để kỷ niệm.
1. Thập nhị nhựt các con được phép đến Tổ Đình để thăm viếng di tích cũ của Thầy hay Bảo Tháp.
2. Ngọ thời ngày thập tam nhựt các con thiết lập đàn cơ tại Chiếu Minh Đàn Thầy sẽ về chỉ dạy hai điều đó mà thôi.
Ngoài ra ý riêng của mỗi con Thầy không bắt buộc thêm điều chi nữa.
Thầy nhắc lại việc hầu đàn tuy là hình thức nhưng rất hệ trọng nên Thầy khen con đã hỏi ý Thầy trước khi thiết lập đàn cơ, vậy giờ nay những điều chỉ giáo nơi đây đã chu tất, Thầy cho phép các con nghỉ ngơi.
Thầy từ giã các con nam nữ trung đàn.

Ngâm
Mãn giờ Thầy trở Thiên Cung
Giã từ mỗi trẻ toàn chung Thầy hồi.

BÌNH CHÚ:
Muốn rõ Đạo Lý phải luận biện.
Phương pháp Biện Luận là trước phải đặt Nguyên Lý, suy diễn phân tích rồi tổng hợp quy nạp để kết luận. Đặt nguyên lý đúng thì kết luận đúng, bằng sai chạy thì kết luận cũng sai luôn.
Muốn trở lại Cội Nguồn phải rõ thông Nguồn Cội chỗ Diện Mục Bản Lai là cái Nguyên lý đơn nhứt tối sơ, căn nguyên của muôn loài vạn vật do đó con người hạ trần và cũng nương đó con người trở về quê xưa đất cũ. Bạn đã rõ nhiều về lý ấy, không thể nói hết từng chi tiết của đàn nay, tôi chỉ ghi chú sơ lược đại cương mà thôi.
Cái Đại Khối đó mang vô số tên, đã được dùng vô số danh từ để gọi, đừng chấp danh từ ngôn thuyết, cứ hiểu ngay đó là Tông nguyên duy nhứt , tuyệt đối tối cao:
Nho xưng Huyền Khung Thượng Đế
Thích nói là Nhứt Tự Tánh, Nhứt Pháp, Phật Tổ v.v…
Đạo gọi là Nhứt Khí, Linh Quang Chơn Tánh là Lão Tổ, Đạo Tổ
Như bạn đã biết ở trong một vóc thân của người cái đại khối đã phân hoá ra làm Ba, tuy Ba mà Một, tuy Một mà Ba gọi Phật Pháp Tăng, cũng nói Thần Khí Tinh: Thiên Địa Nhơn, bộ ba của một bản thể, Tam Thân của Nhứt Tánh, Ba trò của Một Thầy Cả, ba phần tử của Một khối Linh Hồn (Tinh Thần).
Đó là Nguyên Lý của Bốn Thầy Trò Đường Tam Tạng, một khối Phật Yêu, Tiên Tục. Khi chưa tu, chưa lên đường Tây du, chưa thực hành Đạo Pháp, Thầy- Cha là Phàm Tánh (Bá Tánh) là Chúa Yêu, ba trò còn phân tán mỗi nơi làm Tiểu Quỷ với ba đặc tánh khác nhau: Muội Trí , Mê Tánh, Giả Hạnh.
Khi lãnh chiếu chỉ của Vua, khi thọ Tâm Pháp bí truyền lên đường Tây du Hành Đạo, Giả Sư đã là Chơn Hòa Thượng phải gom ba trò, qui Tam Bửu, Chánh hóa hết thảy để làm công cụ phá mê tìm về với Giác .
Phàm nhơn sử dụng:
          1. Tư Lự Chi Thần là Hầu Vương ở Hoa Quả Sơn.
          2. Hô Hấp Chi Khí là Trư Vương ở Vân Sơn Động.
          3. Giao Cảm Chi Tinh là Quỷ Sa Tăng ở Lưu Sa Hà.
    Ba trò ấy đã làm gì mà trước kia Thầy Tam Tạng phải than thở?

Chư hiền đã rõ căn Bần Đạo
Hiện có Ba trò mỗi mỗi nơi
Tâm tánh khác nhau không giống Một
Thảy đều là Quỷ phải than ôi!

1. Hầu Vương không chịu giữ Ngựa cho Thiên cung với chức Bật mã Ôn, để con Ý Mã phóng túng tự do làm loạn cõi trời, xua đuổi Ngọc Đế, phá vỡ hội Bàn đào, uống vụng ngự tửu một cách gian tà phi pháp, đó là Tà Thần.
2. Trư Vương là tánh con heo của lòng người, hãm hiếp ngang tàng con gái Cao Lão, Khí tánh dấy lên sanh vọng niệm, đó là Tà Khí.
3. Sa Tăng ăn thịt người, giết chết chín sãi tại Lưu Sa Hà lấy sọ làm xâu chuỗi đeo cổ, phạm sát sanh đại tội là Tà Tinh.
Lưu sa là cát trôi, hỗn hợp thanh trược, nước trong là Hà Tiên Cô, đục là Thủy quái đã giải trước kia về cô lái đò bên sông Ngân, cái cửa Thiên Đường Địa Ngục.
Người tu, kẻ Đạo sĩ, Sãi đi Tây Phương bị giết chết tại đây còn lại Chín Sọ đầu là chỉ cái Chơn Dương Tinh Khí, cái Tiên Đồng, Phật Tử không thắng nỗi Thủy quái phải bị hủy diệt tại Hồng Thủy Trận.- Cái Dương Tinh này lợi hại lớn lắm; chết sống đều do Nó.
Là Tà tinh giao cảm, nó có tên Đồ Tể sát nhơn.
Là Chánh dương Ngươn Tinh, chín sọ Cửu Dương kết thành bè báu đưa sãi thỉnh kinh qua ái hà, là Tiếp Dẫn Đạo Nhơn cứu vớt, độ người với “Thuyền vô để”.

Sông sâu thăm thẳm biệt ngàn xa
Cách cõi Tây Phương Một Ái Hà
Tự cổ người trần ai vượt nỗi?
Một mình Đạt Mạ cởi lau qua!

Ôi! Có được mấy ông Đạt Ma, có mấy đấng Huyền Trang, nước đất của Lưu Sa Hà tiêu biểu cho Hạ Giới, Tình Cảm của Tăng (Tinh Lực)
Phước Lăng Vân Sơn động tiêu biểu cho Trung giới, Lý Trí của Pháp (Khí Lực)
Hoa Quả Sơn Thuỷ Liêm động tiêu biểu cho Thượng Giới, Tâm Linh của Phật (Thần Lực)
Biết được sự tương quan của vũ trụ thì rõ sự liên hệ chặt chẽ giữa Thân Tâm Ý của mình.
Từ tư tưởng đến hành động, Ba Trò của Tam Tạng đều có liên cang với nhau trong một bộ máy sinh hoạt: kẻ Chủ động, người Truyền động đến cá nhân Thọ động và thi hành đều liên đới trách nhiệm.
Muốn nên Sư Trưởng, bạn cố gắng chế ngự Tâm Khí là Ngộ Năng, đừng để cho Lão Trư đâm thọc rồi dìm Ngộ Không của mình mà mang khốn, chắc chắn bị yêu bắt, ngăn đường đón ngõ, cầm chân bước tiến của mình, hoặc tai hại hơn nữa là lui sụt và hoàn tục, quày về Đông Độ.
Thầy “Trần Huyền Trang” đã tự thuật con đường trau đạo Hành Pháp của chính mình.
Người tu luyện trước kia có rõ gì, đến chừng giác ngộ nhờ Đức Trọng (Quan Âm Bồ Tát, sáng tròn của Trăng) mới qui Tam Bửu của mình để làm dụng cụ đi Tây Phương:
         1. Tướng Soái Ngộ Không đánh yêu với Kim Cô Bảng lấy Chánh trừ Tà , luyện Dương thối Âm, đem Hoả nung Thủy.
         2. Ngộ Năng dọn đường mở lối khai thông Cửu khiếu với Khí Pháp là cây Đinh Ba chín răng nói là Kim khắc Mộc.
         3. Ngộ Tịnh mang đồ hành lý với Bửu Trượng do kết tinh của Thần Khí, Thủy Hỏa mà đặng Tánh Tịnh là Thiền Tánh cũng nói là Thiền trượng nương đó mang Bảo Vật đến Tây phương, nếu Hoá Thân này loạn động (tinh động) thì làm gì hoàn nguyên Thanh Tịnh Pháp Thân cho qui Thần để trở về Niết Bàn Tịnh

Thổ nói là Thuỷ ngưng sanh Thổ.
Về đặng Tây phương nhờ Tử Đệ
Nếu không! khó đặng phép hồi qui
Thì ra là Quỷ, nhưng là Phật
Qủy -Phật khác chăng, ai rõ chi?

Mượn Hà Thanh (sông trong phẳng lặng) để truyền ngôn.
Sư Trưởng Huyền Trang (trăng rọi mặt nước) dạy chỉ đường đi lối về, vạch rõ Sanh tùng hà xứ lai, Tử tùng hà xứ khứ, đâu là sanh môn, tử hộ.
                  Cái chỗ sanh mình , nẻo thác mình
                  Mấy ai rõ thấu, mấy ai tin?
Do sự diễn dịch, Thầy kết luận bằng Thi bài đầy đủ.
Tu là bồi bổ cái khuyết của Linh Quang Chơn Tướng là Linh Tánh của mình, lần lần cái giả ngã vô minh đến không còn phần âm, một bóng đen, một chúng sanh trong lòng để nên Ngộ Không Đại Thánh.
Bạn nhận rõ việc làm của Đại Thừa và độ chúng sanh, dụng Tâm Kinh đại Bổ Khuyết Ma Ha Bát Nhã của tín đồ tiểu thừa có đồng chăng? Có thật sự bổ khuyết, có thực sự độ được chúng sanh chăng?
Ôi! Phân biệt giả chơn có dễ nào!
Mỗi lần qua một động yêu là gỡ một bóng đen, một chúng sanh được độ, Chơn Nhơn tiến được một bước, lớn lên một phần như rắn lột da để nẩy nở.
Khi Chơn Tướng đã Thuần Dương, bóng đen đã tột, tận độ chúng sanh, phải Thần Hoá dương khí dùng luyện Chơn Tánh, mà nên Phật nói biến Thái Âm thành Thái Dương, nếu không Nó sẽ khuyết dần và đen tối trở lại theo định luật; không làm gì ngăn cản máy Tuần Hườn của Càn Khôn tương đối cho được.
Sự việc của đàn cơ diễn ra có thứ lớp, kỹ lưỡng minh bạch, nghiên cứu từ lời sẽ thấy rõ. Nhiệm vụ của Thầy đã xong, đến tá danh trò để lường căn, đo trình độ của môn đồ Học và Hành đạo.
TÁI CẦU
Khi ra đi hạ trần Thần sanh Tinh, lúc trở về Tinh qui Thần. Giáng hay thăng đều qua trung gian bầu khí quản.
Bạn đã rõ lý: Thầy là các con, các con là Thầy, Tây Du nói Tam Tạng là Đại Hoà Thượng, khi cạo đầu Sa Tăng rồi thấy giống Thầy chùa nên đặt tên là Sa Hoà Thượng là Tiểu Tăng Sư, con của Phật cũng là Tiểu linh quang, một phần tử của Đại Khối.
Đàn trước tổng hợp Trò-Thầy, đàn này dạy Luyện Khí hoá Thần. Ngộ Năng tới trước, Ngộ Không xuất hiện sau, điện khí hoá điện đăng.
Nhứt Mẫu Khí sanh ra Ngũ Tử Khí ẩn tàng trong ngũ tạng làm động lực, Tứ Khí hiệp về Trung Ương Mồ Kỷ gọi là Tứ Tổ Qui Gia chầu Huỳnh Đế.
Riêng rẽ Cô độc phải nhường bước cho Tứ Khí hiệp Nhứt sanh Thần, Bát Giái phải lui để bực cao hơn là Sư Huynh xuất hiện.
                             Đạo Pháp của Bát Giái có 36- là số 9 của Dương Khí
                             Thần Thông của Hành Giả có 72 –là số 9 của Dương Thần
                             Thần thuần Dương của Thầy là 81- là số 9 của Dương Thuần
                             Gồm Ba với Một của Thầy cả là 90- số của Dương thuần Tử
                             Một xâu vô Thượng Bồ Đề 108 –số 9 Tuyệt Đối tối cao của Vô Cực
Bạn đã hiểu chơn lý của Bí pháp, thứ lớp của Huyền Công luyện Chơn Dương thì không nên mê chấp ngoại cảnh hồng trần, đếm năm tính tháng của ngày trời hữu hạn mà đo lường bước tiến của nội công Hành Đạo.
Làm trúng trật không biết, mau chậm không hay, kết quả hay thất bại bất chấp, miễn tu ba năm là cứ xin keo cầu Nhị Bộ, cho là đã xong “bước đầu luyện tinh” rồi hãnh diện khoe khoan: tôi đã tu 5 năm, mười, hai mươi năm rồi mà! Tôi đã xuất sư mà!
Chỉ có Nhứt, Nhị bộ rồi thôi sao? Chẳng thấy ai dạy Tam bộ, Tứ thiền và v.v…
Ông Thầy hữu hình làm sao dạy được những điều ngoài khả năng của mình và thuộc quyền năng của Chơn Sư Bồ Đề Bát Nhã trong Tâm Nội.
Nói sao cho cùng, phá được mê lầm đến đâu hay đó, bạn thấy diễn ra sự của đàn nay rất chu đáo, có trật tự thứ lớp kỹ càng.
Tá danh, đứng trên quan điểm của trò, phải kính nể người ở lập trường Sư Trưởng nên Ngộ Năng, Ngộ Không có lời kiếu lỗi trước khi dạy môn sanh.
Phạm vi của Ngộ Năng là Khí Pháp, nên trước hết gọi Duy Phong là môn đồ sơ cơ, Luyện Tinh Hoá Khí, thật là một dụng ý hay vô cùng. Với Duy Phong là Ông hỏi…
Kế đến Sáu Cang tu lâu năm, khí đã hoá thần, cấp trên hơn nên Ông chịu cho hỏi. Cang hỏi ngay giai đoạn Tiểu lôi Âm, phạm vi tranh đấu của Ngộ Không làm kẹt cho sự dạy dỗ của Bát Giái vì đã thua Huỳnh Mi đồng tử kia mà! Tuy nhiên Ông vẫn giảng giải và cho rằng việc ấy đạo cao mới hiểu nỗi vì phải dụng Thần Hỏa đưa vào trong Âm Thần mới trị Yêu Chúa ấy. Kế đến hỏi Ánh Hồng là đồng tử và Lộc là người chưa tu, mới tìm học đạo lý.
Ngộ Năng lui, Ngộ Không đến bắt đầu hỏi Trịnh sanh Thành là môn đồ đại thừa cao niên và rõ thông Tây Du truyện, kế đến Hồ văn Giỏi rồi Đắc, sau cùng là Lưu Thanh. Tuy là danh tánh tự nhiên của môn sanh nhưng sắp đặt có ý nghĩa lắm. Phong là Gió: Duy – Phong là Chỉnh có cái Khí ấy mà biết gầy dựng cho Trịnh trọng để Sanh –Thành và Giỏi Đắc cái Lưu Thanh là nên việc, là thuần tịnh khiết bạch, trở về bản thể duy nhứt. Thầy trò Đường Tăng lấy đặng bảo kinh phản hồi cố quốc, thọ lãnh sắc phong.
Đối luận với Nam sinh xong mới nói riêng nữ phái, nghĩa là trong khi chú trọng trau luyện Chơn Dương, không nên nâng đỡ phần Âm rất bất tiện, mặc dù chung hợp đủ âm dương làm phương tiện chuyển pháp luân, nhưng mục đích tấn dương để thối âm đến không còn một chút đen tối.
Đến phiên Nữ phái Ông gọi một nữ Đồng Chơn tuổi trăng tròn Tiên Thiên nguyên vóc và một Bà Lão đã hoàng hôn cuộc đời để đối chiếu .
Có cái gì thúc đẩy bà già ứng khẩu hỏi: Ai thọc lũng ông trời mà Nữ Hoa phải vá? Thật là lý thú với sự ngẫu nhiên ấy. Không tự biết mình thì làm sao biết được Trời nơi mình. Tự mình mê muội làm con vật hy sinh cho nhơn dục, đem cái sở thọ chi y cái quả bóng Càn Khôn của mình làm bia hứng muôn ngàn mũi tên bắn vào đến nỗi thành như cái rổ bung vành, vô phương dậm vá mà còn chưa hay biết lại cả tiếng vặn hỏi “Ai thọc lũng” mà không hỗ thẹn. Thật đáng thương hại cho người đời si mê quá mức!
Rốt đàn cơ, kết thúc bằng việc đem Chơn Đồng Ánh Hồng ra làm con cờ chung cho đám tuổi trẻ chưa bị Ngũ hành Sơn chôn nhốt để luận bàn đạo lý.
Tái cầu - Đại Từ Phụ tá bút điểm phê và dạy dỗ .
Còn sanh tiền, Thầy có giải một phần Tây Du Ký rồi ngưng và có bút ký rằng:
“Ngày sau sẽ có người tiếp tục giải”

                                                                  Trở Lại Mục Lục