THẦN KHÍ QUI TRUNG

     Không có đủ tam bửu làm sao nên người nên Ðạo ?
Ðây nói thần khí mà không nói tinh vì tinh hàm ở trong đạo khí. Nên viết chữ Nguyệt là quẻ Khãm, mà Khãm thuộc thủy. Thủy là tinh. Thủy do kim sanh. Khí do tinh hoá.

Bắc Tây sanh kim tình (phách);
Ðông Nam sanh mộc tánh (hồn).

Bây giờ lấy quẻ Khãm là chữ  Nguyệt để chỉ trong Khãm có gạch liền là chơn khí. Chơn khí trong Khãm tức là chơn kim thuộc quẻ Kiền. thuận thì kim sanh thủy. Nghịch thì luyện cho thủy huờn kim, nên gọi luyện tinh hoá khí. Tinh đã hoá khí thì mạng bửu sung mãn.

Tinh không hoá khí thì tinh lậu; khí tiết thần hồn thì hồn mê, mạng căn suy hoại. Tinh đã tiết lậu thì tình động, dục sanh, gây họa khổ cho con người; chẳng những trong kiếp sống hiện tiền mà còn nối kéo mãi trong ba nẻo sáu đường, vô lượng kiếp trãi qua, biết bao giờ ngừng nghỉ. Nên phương pháp tu đơn để giữ mạng sống cho người không chi hơn là ngăn tình, chế dục, đoạn niệm để tinh không lậu, khí không hao thì thần được sáng, tánh mạng bền vững, hưởng phước trường sanh.

Khi tinh đã hoàn về khí thì khí mới hoá thần và thần huờn hư. Nghĩa là chiết Khãm điền Ly. Khãm Ly là hậu thiên hoàn phục lại tiên thiên thì Ly thành Kiền, Khãm thành Khôn. Kiền Khôn định vị, ký hiệp với nhau một lần nữa mà thành quẻ Ðiạ Thiên Thái.
Kiền Khôn giao cấu, thủy hoả ký tế là phương nhập thánh
siêu phàm. Phương tu luyện kim đơn là mượn hình Ly Khãm trong lúc sơ cơ để người cầu Ðạo được ý thức qua hai quẻ này bằng chữ Minh, trong ấy ám chỉ có nhiều công phu có nhiều khẩu thọ.

Nói khí sanh tinh, tinh hoàn lại khí (phách) là nói kim sanh thủy, thủy huờn lại kim là ám chỉ “Bắc nhứt Tây phương (kim) tứ cọng chi” ở Hà Ðồ. Trong gạch liền giữa Khãm là Kiền kim, tiên thiên nhứt khí  lạc trong hậu thiên, mà kim sanh thủy lưu tãn dịch hoá trong hồn trần. Khãm là hãm, là hiểm, là biển khổ sông mê. Nguyên khí nằm trong hiểm. Muốn thoát hiểm chẳng phải dễ dàng. Phải luyện lọc nhiều lần; bỏ quặng chì, thiết, thau, đồng mới đặng vàng y thoát ra khỏi khoáng. Muốn luyện nấu phải nhờ lữa trui rèn, lữa ấy là quẻ Ly. Người tu luyện khí không quên đôi mắt chú nhìn vào gạch liền ở giữa Khãm. Thần hồn luôn luôn quán chiếu vào đó để dưỡng kiện và tấn kiện thì khí hoá thần.

Thần khí tương quan, đi ở có nhau. Như mặt nhựt, mặt nguyệt tuy luân chuyển như hai đường khác biệt, song thường hội ngộ nhau ở sao Nguy sao Hư  Nếu dương không tấn thì mặt trăng không hề sáng được. Mặt trăng sáng là nhờ mặt trời vào đêm mồng ba, vòng cầu loẻ ửng..

Ðó là phách sanh hồn (theo khẩu khuyết).

Chỉ có pháp thâu phóng tâm, phản tỉnh nội cầu. Thân ngồi yên thì không vọng động, mà tinh cũng trong lặng qui về gốc thì làm gì có chuyện rắc rối xãy ra. Tâm đạo không ra khỏi cửa sáu căn thì duyên trần khó bề nhiễu nhương ám ảnh. Tâm được định, thần được yên, mạng căn được thảnh thơi lành mạnh ; hai khí âm dương ngưng tụ, thủy hỏa luân chuyển lâu ngày kết tụ nên thánh thai.
Pháp ấy xưa nay nhiều người đã chứng được không ngoài chễ Nhựt Nguyệt hiệp thành Minh. Minh là Trung. Trung mà không có nhứt cũng như quốc thể không có quân vương. Trung ví như vô cực là Minh. Nhứt ví như Thái cực là Lý.

Lý hàm một yếu quyết gồm nhiều phương diện, nhưng đây chỉ mượn một phần nào để giải sơ về pháp môn tu luyện, chỉ chỗ bí nhiệm cho khách thiện duyên coi đây mà làm tôn chỉ, quay lại chỗ nguồn đầu gọi là : phản bổn huờn nguyên.

Ðạo lấy Lý làm thế, mượn Minh làm dụng. thể dụng tuy không hai mà hai, không một mà một. Nên chữ Minh và Lý đứng về phương diện  Ðời và Ðạo, hiện tượng hay chơn như, rất là mật thiết không sao tách rời được. Lý là chủ thể Thái Cực, Minh là nhị khí âm dương trong trời đất không chi ra ngoài hai thể đó. Ðó là nhựt nguyệt khi tụ khi tán, khi tương đối khi dương hoà, sanh khắc biến thiên mà vũ trụ trở thành thần diệu, năng tạo, năng hoá không lường.

Ở trong thân người thì thần khí, tâm thần rất quan hệ.: siêu đó, đọa đó. Tâm là nơi thần ngự. Thần là chủ soái muôn quân. Người muốn đứng đắn là người thì phải “Hư tâm thật phúc”(trống lòng phàm, đầy lòng đạo). Tâm  được hư thì thần được sáng; chơn hoả là tánh thuần thiện. Nếu tâm bất chánh thì giả hoả bừng lên làm mờ thể tánh khiến con người tháo cấp cuồng loạn, bất minh.

Tu luyện kim đơn gốc ở chánh tâm thành ý, mượn thế Ðạo mà cầu Thiên Ðạo; quay nhơn tâm trở về với đạo tâm. Tâm rỗng rang là thể của cung Ly. Ly là hoả, hoả do mộc sanh mà mộc
là Chấn thuộc can. Nên luyện thần. Pháp tu là đem thần trở về  gốc, là hoả hoàn lại mộc; thần hồn duy nhất, thể tánh được vượng sanh, không bị tiêu hao mà còn phát nhuận. Sách gọi là: “Trồng sen trong lửa”  là ý nghĩa câu: Ðông tam (tánh hồn) Nam nhị (tâm hồn). Tinh, thần, hồn, phách gom về một mới gọi là tứ tổ qui gia, hoặc nói chiết Khãm điền Ly hay tam huê tụ đãnh thì cũng chẳng gì lạ;

chỉ có Minh và Lý mà thôi.
Tóm lại, đoạn này là phương tánh mạng song tu, hiệp thần khí, tạo nên kim đơn hoàng cực khai thông cửa huyền tẩn để thấy được chơn tâm. Thần ngưng thì khí tụ, tam bửu đủ đầy, hiệp ngũ quy tam để hoàn thành cơ siêu phàm nhập thánh. Nếu biết ngưng thần vào khiếu ấy thì muôn bệnh đều tiêu, nghiệp duyên đoạn dứt, hoạn hoạ cũng tiêu trừ; Có thể nói đó là liều thuốc cải tử hoàn sanh.

Huỳnh bà cũng là chơn ý:do hai thể hiệp thành. Nếu tu đơn mà không có chơn ý thì chẳng sao thành Ðạo.  Biết đâu là dương sanh dược sản, thời khắc non già, tấn hoả thối phù, đại tiểu châu thiên. Chơn Ý thật là quan yếu trên con đường siêu phàm nhập thánh.

            Chơn Ý và trung ương thể:Vạn thù qui nhứt bổn. Tóm lại, người giác ngộ nhận được chơn ý mau mau sớm cầu bí pháp thoát ngoài vòng sanh tử, quay trở về ban sơ hầu xứng với cái danh đồng cùng Trời Ðất mới  khỏi cảnh khổ của con người tối linh hơn muôn vật. Nếu không dừng bước quay đầu, thì âm dương dịch sử, nghiệp chướng đầy mình vào vực thẳm hố sâu. Tuy hình dáng là người mà tâm địa khác nào cầm thú. Bởi vô hình bao phủ làm gì thấy được chính mình, đã bị trốc gốc trôi giạt nổi  chìm nơi biển khổ, quên cái bản lai diện mục quang huy lãng diệu, u tối mà tự cho khôn sáng, ở trong điạ ngục mà nói đó là thiên đàng.
Bởi vậy pháp trúc cơ khẩu quyết cho người trước hết là dứt trừ vọng niệm, thân tâm thanh tịnh, buông xã vạn duyên, hơi thở nơi mũi miệng điều hoà, ra vào nhè nhẹ, núp khí coi như đóng mà không đóng, mở mà không mở, lần lần mũi miệng không còn nghe hơi ra vào trong họng thì ngươn khí mới mong sanh khởi, máy tạo xoay vần không sao biết được do đâu mà thiên địa hiệp bích, nhựt nguyệt đình luân.

Nghiêm chỉnh được thân tâm, niệm niệm tự đoạn, ngoài không nghe thấy trời đất, người vật; trong không còn dấu vết thân tâm thì lòng được an ổn mà phát xuất một khí xung hoà. Khí ấy đầy dẫy khắp châu thân, khiến lòng như hoảng như hốt, đồng cùng thái hư, đem tam bửu tinh khí thần vào trong khí huyệt; lấy âm hoả ở cung Ly đem xuống cung Khôn đốt nóng đít nồi; Khãm Thủy bốc thành hơi gọi là hoả bức kim hành, tinh hoá khí, khí hoá thần, hoàn lại hỗn độn thái hư nhứt khí. Ấy là phương tu phản bổn phục sơ.

Nói một cách khác, sự thiên biến vạn hoá, nhứt bổn tán vạn thù, mà phép cách vật trí tri, không phải suy cầu từng nhánh nhóc đa thù, mà nắm cho được then chốt ở người là thần khí. Bởi đó mà khởi ra đường đọa, đường siêu, bên phàm bên Thánh. Hể chia lìa thì sanh tử luân hồi lộn quanh trong lục đạo, bằng hiệp nhứt thì đặng Thiên đắc Thánh . Tạo hóa đồng quyền, hễ phóng tâm với vạn vật thì tiêu hao mờ tối, bằng thâu hồi trong nhứt khiếu thì hồn còn viên giác.

Vạn thù qui nhứt là thâu phóng tâm, ngăn loạn tưởng, tánh mạng thành một thể bất phân, ấy là âm dương trong Thái Cực, thần khí trong kim đơn, chẳng có chi ngoài Kiền, Khôn, Ly, Khãm, thủ phúc thận tâm mà chi tiết phải theo  khẩu quyết  trong chín tiết công phu, tiệm tu tiệm ngộ.

Nhưng khẩu quyết dầu hay đến đâu, minh sư dầu được hoàn thiện, cũng phải do một phần căn đức tiền căn và phát tâm nhứt thành chung thỉ thì Đại Đạo dễ thành. Còn kẻ nặng nợ oan gia, kết nhiều nghiệp chướng cũng phải phát tâm hành thiện, tác phước lập công, thân cận cùng người thiện trí chơn tu, đè nén hỏa tâm kiêu khí, luyện cửu chuyển chi pháp.

Ðối với xã hội nhơn quần, cảnh có thuận nghịch làm sao cũng không bộc lộ quá vui quá buồn. Rèn luyện mình mọi thử thách không núng nao, nghĩa nhơn xử trọn, thì khi bước vào mật thất cầu tu tưởng không còn khó mấy.  Thế thì pháp tu đâu phải riêng dành cho bực thượng căn, mà kẻ hạ ngu nếu biết giác ngộ thì vào nhà Tiên Phật  tưởng cũng dễ dàng.

Nguyên đạo Trời là âm dương, đạo người là tánh mạng. Âm dương tức là Kiền Khôn, tánh mạng tức là Thần Khí. Mà thần khí không phải là hai tên, kiền khôn có đâu nhị thể. Gốc là một. Một mà phân ra có động tịnh, có giáng có thăng, khi trưởng, khi thì thành hình, khi thì hoá khí.

Tu luyện kim đơn Đại Đạo vốn ở thần khí. Thần khí là tánh mạng. Tánh mạng phải song tu thì con người mới trường sanh , chứng quả.  Trường sanh đây không có nghĩa là thuộc về thân thể hữu hình này tồn tại mãi mãi như Trời Ðất, vì hữu hình tất hữu hoại. Dầu sống lâu như Bành Tổ cũng chưa phải là chơn phúc của con người.
           
            Những người tu luyện giữ được nguyên khí thì không đến nỗi phải yểu vong, mà cuộc sống thể chất cũng được tráng kiện, hào hùng. Họ ngăn chận phong hàn thữ thấp xâm nhiễm; bá bệnh tiêu trừ và tâm trí được vui, sáng suốt lạ thường, vượt ngoài kiếp nạn. Chẳng những thế, mà tinh thần còn được cu diệu, chơn tánh siêu xuất ngoài tam giới, đồng cùng Trời Ðất, không bị một định luật nào làm trở ngại, che lấp được tuệ mạng, diệu tinh, chơn tâm.

Thư Viện 1      4   5