TIỂU DẪN
              Nhân quyển thiệt-hành tam ngũ ra đời, tôi có lược luận đến việc tu đơn. Anh em đồng đạo nhiều người vì không thấy chi phân biệt chơn ngụy, nên tôi phải phiên dịch quyển Quan Âm Tâm Kinh bí giải để nêu chứng cớ.
       Nhiều người tu tưởng tụng kinh mà thành Phật. Nay tôi học kinh, như xem đến lời bí giải của ông Ngọc Sơn Lão Nhơn, là người tu thành đạo, thì thấy rõ rằng kinh này cũng như các đơn kinh khác đều nói muốn thành Tiên tác Phật tức phải tu đơn.
       Vậy anh em đồng chí muốn tu đơn cần phải xem nhiều thứ đơn kinh (1) tìm cho hiểu rõ ràng đạo lý rồi cầu chơn sư chỉ cho minh Đại Đạo, cho biết chừng nào hườn hư luyện kỷ mà đắc pháp, chừng nào dương sanh dược sản mà thể thủ phanh luyện, chừng nào chơn dương thượng thăng mà tấn hỏa thối phù, chừng nào kim mộc bình phân mà ôn dưỡng mộc dục, chừng nào là thời kỳ hành đại châu thiên mà hườn đại kim đơn, chừng nào là thời kỳ thoát thai thần hóa mà đại định, chừng nào là thời kỳ luyện tựu kim thân mà thành đạo, chừng nào là thời kỳ đãi chiếu phi thăng mà chầu chư Thiên.
       Đọc kinh cũng như đọc sách, phải đọc đi đọc lại, dầu đến trên trăm lần mà chưa hiểu, cũng phải đọc hoài, đến chừng thấu lý mới thôi. Phép đọc kinh phải suy nghĩ từ câu từ chữ. Tiên Phật hay dùng dụ ngôn ẩn ngữ, nhưng chẳng có lời nói nào vô ích cả. Anh em đọc kinh như vậy mà học đạo, thì chắc có ngày thành tựu. Người nhập thất tu đơn cũng như tên học sinh vào trường thi. Trước khi vào trường thi, tên học sinh phải bát lãm quần thơ, mới có thể làm bài vở được, mới có thể đối đáp xong. Trước khi nhập thất người tu muốn tu đơn cũng phải bát lãm đơn kinh, hoặc phải có khẩu truyền tâm thọ, nhiên hậu tu đơn mới chắc thành công. Nếu manh tu hạt luyện (tu như đứa đui, luyện như thằng mù), thì luống công vô ích.
       Sau này về việc mầu nhiệm của Quan Âm Tâm Kinh, tôi khỏi tán dương (tôi chẳng cần khen), vì anh em đồng đạo ai cũng chắc rõ là kinh tối thượng nhất thừa. Chư Phật đều nhờ đó mà minh tâm kiến tánh cũng như chư Tiên nhờ kinh Tham Đồng Khế Châu Dịch Kinh mà tồn tâm dưỡng tánh vậy. Thế thì tâm kinh cũng là cốt tủy của Phật thơ, cũng như Tham Đồng Khế là cốt tủy của đạo thơ, cũng như Châu dịch kinh là cốt tủy của Thánh thơ vậy.

                                            Bến Tre, le 30 Juin 1930.
                                              Thiện-Pháp Cư-Sĩ
                                               Mộc thủ kỉnh dịch

 Trở Lại Mục Lục