NGUYÊN TỰ
       Từ xưa đến nay chư Phật, chư Tiên, chư Thánh đều lấy lòng từ bi độ người mà lập công đức, lấy sự qui giới háo học mà hành trì, lấy sự quyết phá phàm tình chẳng đắm hồng trần làm thượng trí, lấy sự phỏng cầu chơn sư chỉ phép tu tâm dưỡng tánh làm đắc đạo, lấy sự thanh tâm quả dục (sạch tấc lòng, ít tình dục) luyện kỷ trúc cơ làm hạ thủ, lấy phép hạ thủ tiên thiên nhứt khí, chơn dương thượng thăng làm đắc dược (đặng thuốc kim đơn), lấy sự kiền khôn giao cấu, Thủy Hỏa Ký Tế làm phanh luyện (nấu luyện), lấy kim mộc bình phân (mỗi món 8 lượng gọi là bình phân) làm ôn dưỡng (nuôi nấng), lấy diên Càn Hống tận (thủy ngân khô châu sa ráo) suốt đủ châu thiên làm thối phù, lấy sự cần tu bất đãi (siêng trau chẳng trễ), lâu xa lòng mình làm khổ hạnh, lấy sự đơn thục hườn nguyên (kim đơn chín, trở lại gốc xưa) luyện kiết kim-thân làm thành đạo, lấy sự tích công lụy đức (lập âm chất) chờ chiếu son trên Thiên Đình triệu về làm chứng quả, lấy sự yết kiến chư Phật mà thọ chức, cùng cứu vớt Tổ-Tông làm đại hiếu, lấy lòng lo cho Trời Đất, ích lợi cho chúng sanh làm tận trung, lấy sự tầm thinh cảm ứng mà cứu khổ cứu nạn làm phương tiện, lấy sự chiêm ngưỡng của nhơn-thiên (dân Trời) trong ngoài ba cõi làm tôn vinh, lấy cái dịp phó hội Bàn Đào cùng liệt vị thượng thừa làm hiển diệu, lấy cái pháp luân thường chuyển (cái bánh xe phép thường xây) để độ tận chúng sanh làm liễu nguyện (mãn nguyện).
       Vã lại hết thảy chư Phật Thiên Tôn đều là người phàm thành đạo. Những bật trí sĩ minh hiền sao chẳng cuối đầu mà suy xét cho đáo để điều ấy! Huống chi trong cuộc sanh tử luân hồi, kể chẳng xiết đều thê lương khổ sở, cải đầu hoán diện (sửa đầu người đổi mặt thú) đâu cần luận đến sự phú quí vương hầu, âm luật sum nghiêm, thưởng phạt vô tư, (thưởng phạt chẳng vì vua chúa cũng chẳng dễ nghèo hèn), lành siêu dữ đọa, xưa nay vẫn là vậy đó.
       Người khôn phải biết hồi đầu cho sớm, đặng tu cho ra khỏi tam giới, cho đến thời kỳ liểu thủ là lúc công thành, thì khỏi bị nhốt trong ngũ hành, lại được tiêu diêu nơi vật ngoại, ngao du trong thiên phủ. Dầu đại kiếp có xảy đến, là khi Trời tan Đất rã, ta cũng chẳng lo chẳng sợ chi.
       Hễ kiếm tìm xa rộng ra thì thấy rằng Phật Quan Âm Bồ Tát vốn là Tiên nữ Châu triều (triều nhà Châu) là một vị cổ Phật lâm phàm. Nhân khi thành đạo rồi, Phật bà có lời nguyện rộng sâu, mới ở lại trấn Nam-Thiệm Bộ-Châu, đặng thuyết pháp mà độ người lưu truyền quyển Tâm-kinh này, là cốt tủy của các thứ kinh, là chiếc từ-hàn (thuyền lành) để độ đời.
       Nhưng tiếc thay! Từ xưa đến nay, nhiều kẻ tu hành cứ lo tụng niệm, ít người biết cái khiếu của kinh này đặng mà làm theo.
       Ta có nghe thầy ta là Thối An Phu Tử nên hiểu rõ cái tánh cùng Thiên đạo. Đến khi xem kinh này thì thấy mỗi mỗi đều có ấn chứng, không có chỗ nào không hiệp, nên ta chẳng vì sự cô lậu mà chú giải cái tiết thứ của kinh này, để làm cây kim chỉ nam cho đơn đạo. Ai có Phật căn chưởng tử, thì tự mình phát nguyện bồ đề, do theo lời chú giải này mà tỉnh ngộ (thấy rõ) cái nhơn thân là giả vật. Tỉnh ngộ rồi thì tìm thầy chỉ điểm tánh mạng căn nguyên cho mà tu luyện, kiết đặng kim đơn xá lợi, chứng quả Vô dư Niết bàn, thiệt là chỗ hậu vọng của ta vậy.
       Triều Đại Thanh, vua Gia Khánh, năm thứ 9, (Giáp Tý) trọng thu ngoạt (tháng 8) ký vọng (qua rằm rồi).

Ông Ngọc Sơn Lão Nhơn
Làm bài tựa này trong quán Dục Tài,
Ở đất Hàng Châu, núi Tử Dương.

 Trở Lại Mục Lục