ĐỐN-MÊ KHAI-NGỘ
Khưu-Trường Xuân:

THI

KHƯU hòa đạo-lý tiếp đàn tiền,

TRƯỜNG cửu ngày nay đến Phục-Nguyên,

XUÂN Đạo thơm nồng hương lý lẽ,

CHÚC mừng tất-cả các nhân-duyên.

Lão về đây Phục-Nguyên có chi không?

P.N: Bạch Đại-huynh! Hôm nay xin thỉnh Đại-huynh thuyết một thời pháp, tùy nhơn-duyên Đại-huynh thuyết… thâu chơn-truyền giáo-lý để lại cho đời sau này vậy.
KTX: Bây giờ Lão một bài, Đệ một bài, Lão nhường cho Đệ trước đó!
P.N: Xin Đại-huynh Đệ ra đề-tài: “ĐỐN-MÊ KHAI-NGỘ”

THI

ĐỐN tâm trược-cấu giải si lầm;

tánh làm chi phải đọa trầm?

KHAI Đạo “Vô-Vi” kỳ mạt hậu,

NGỘ truyền chánh-giáo diệu cao-thâm.

KTX:

THI

ĐỐN tâm tục-lụy mãi thăng-trầm;

tánh làm chi nẻo lỗi-lầm?

KHAI lý “Tiên-Thiên Qui Nhứt-Bổn”,

NGỘ rồi trực-giác Đạo uyên-thâm!

P.N: HỰU

Đạo uyên-thâm tri tầm diệu-giác,

Phải tham-thiền giải-thoát Tâm-mê.

Đốn trừ nghiệp-chướng não-nề,

Ngộ hòa Phật-tánh nhàn-quê NIẾT-BÀN.

Đốn làm sao Tâm an Tánh định?

Mê hồng-trần là bịnh chúng-sanh,

Khai nguồn Đạo Pháp tỏ-rành,

Ngộ khuôn Chơn-lý bạch thanh điễn huyền.

Được như vậy, Phục-Nguyên đạo cả,

Rồi tỉnh đời giục-giã tầm tu;

Tu sao vẹt áng mê mù,

Không còn đắm-tục mờ lu Linh-Hồn.

Kỳ mạt-pháp Chí-Tôn khai-Đạo,

Chiết điễn lành lai-đáo Nam-Bang.

Cùng chung đẩy chiếc từ thoàn

Vô-vi hữu-thể bố ban ân lành.

Xin Đại-huynh ý-thanh hòa-khí

Hiệp Phục-Nguyên thầm-thỉ giờ này,

Để mà xây Đạo hoằng-khai,

Cứu-nhơn độ-thế Như-Lai tỉnh hồn.

KTX:
BÀI

Học hữu-nan con đường đạo-lý,

Này Đệ hiền! Suy nghĩ mà ra,

Con đường Lão đã bước qua,

Nay e người thế khó xa luân-hồi.

Đường tu-hành về “Ngôi Nhứt-Khí”,

Bao gian-nguy lắm quỉ nhiều ma,

Cho nên không dễ bước qua,

Lão đây từng bước thiết-tha đoạn-trường!

Không ý-chí hay thường gãy-đổ,

Rất cực lòng lắm khổ Đệ ơi!

Quần tơi chiếc áo rã-rời,

Chân không mang dép ai thời xót-thương!

Còn tu-hành-đào mương-cõng thế,

Hạnh cúi-lòn ai dễ bước qua,

Đạo thời càng bước càng xa,

Dầy công hạng-mã ngã ta đổ rồi!

Này Đệ ơi! Thương đời diệu-lý,

Nên Lão đây thầm-thỉ vài câu,

Ngẫm thương trần-thế não-sầu,

Há đâu chẳng độ qui bầu kỳ tam!

Phải không này Đệ? Vì chữ Đạo không có hình, mà đọc thì khó thuộc lắm phải không Đệ? Khó chỗ đó đó Đệ, phải không? Hãy chịu cực nữa không đặng sướng, mà tình cũng không có, tiền cũng không, danh cũng chẳng đặng, lợi cũng không màng, mới học đặng đạo! Học đến nỗi không quần, không áo cũng được, không dép, không nón, không nhà, không cửa còn bị biết bao nhiêu sự mắng chửi, thành ra Lão thấy khó học lắm Đệ!
P.N: Tầm thường học đâu đặng, bạch Đại-huynh!

KTX:
BÀI

Đường Lão qua ngày nay kinh-nghiệm,

Nói cho đời dùng kiếm huệ-thông,

Lập trường cứ mãi vững lòng,

Dù bao nạn khảo ta không rã rời,

Do nghiệp-chướng nhiều đời nhiều kiếp,

Nay tu rồi nó hiệp đòi ta,

Mau mau cứ bước đi qua,

Chịu cơn khảo-đảo là ta vững lòng.

Nghiệp trả xong thì không có nợ,

Nẻo luân-hồi đâu ở trần-gian,

Đường đời ta bỏ không mang,

Nào gây quả-báo tâm-an tịnh lòng.

Lúc bắt đầu tu, ma nghiệp nó về đòi rất nhiều, nhưng mà làm sao biết chuyển nó đây. Một khi nó phục tòng thì nó làm đệ-tử của mình, Đệ-tử vô-hình đó!
P.N: Đúng!

KTX:
BÀI

Ngày xưa gieo nợ quá nhiều,

Cho nên chủ đến bao điều đòi ta.

Chấp-nhận trả ắt là sẽ nhẹ,

Hạnh từ-bi là kẻ trọn-lành,

Chớ đừng có nói lời hành,

Nghiệp càng vay mãi không thanh tâm lòng.

Nhưng ý-chí mình không oằn-oại,

Giải trần-duyên oan-trái cởi xong,

Đó là nghiệp đến đầy đồng,

Ngày nay chuyển tiếp “Huờn-Không” độ đời.

Này Đệ ơi! Bao lời thống-thiết,

Lão về đây, ấn-khuyết thi-hành,

Độ đời đâu dễ tương-sanh,

Tùy theo duyên thế mà dành sẵn ngôi.

Bởi vì đường Lão đi qua, Lão thấy nó thăm-thẳm, khó lắm đệ! Quyết chí thì xong,
còn người tiểu chí không đặng, do cái lòng đại-chí, lúc mình có nợ rồi mình chấp nhận trả,
thì chủ nợ không có đòi nữa phải không Đệ? Không đòi nữa thì mình lấy từ-bi ban-bố,
tức là mình làm chủ lại mấy cái nợ đó rồi, phải không Đệ?
P.N: Bạch Đại-huynh! Theo tiện Đệ xét thấy trong kỳ tam này hàng chánh đẳng, chánh-giác, chơn-tu, theo tiện Đệ thấy chưa có gặp đó Đại-huynh! HÓA nhân thì nhiều, theo tiện Đệ đa số là hóa-nhân thì làm sao mà thoát khỏi cảnh quả-báo luân-hồi? Bị vì quả báo vô-lượng kiếp nó bị thối chuyển… rồi bây giờ mới tiến hóa làm người, bởi vì nghiệp-quả bao lượng kiếp, rồi kiếp làm người hiện tại, lại gây thêm quả nữa, thì làm sao leo lên lớp “Phật thừa” giải-thoát đặng đó Đại-huynh! Mà leo lên lớp Phật thừa để giải-thoát, nếu đi đến Phật-thừa thì đương nhiên nó nằm trong “NGŨ-UẨN GIAI KHÔNG”, vì cái nghiệp chúng-sanh còn trụ vào chỗ có thì làm sao đặng?
KTX: Cười…
P.N: Nó có Ngã Tướng, Nhơn Tướng, Chúng Sanh Tướng, Thọ Giả Tướng, rồi có Tâm quá khứù, Tâm hiện tại, Tâm vị-lai. Do đó, cái gì nó cũng cầu cho có hết thảy, dầu nó học Đạo cũng khó dạy, không bao giờ định được cái Tâm, vì căn mê đã có vô lượng kiếp, bao quả-báo, nay được chuyển kiếp lại làm người, là hóa-nhân thì làm sao tu chánh-định đặng! Đại-huynh có công nhận như vậy không?
KTX: Đúng!

BÀI

Này bao lời Lão đây xin đáp,

Vì người đời bạc-ác dường bao,

Nhấp-nhô chuyển kiếp ba-đào,

Tánh linh mờ-ám làm sao tu-hành?

Lão biết thế đã dành thiên-lý,

Là nguyện mình độ vị chúng-sanh,

Kỳ tam ân-xá đành-rành,

Tam tâm, tứ tướng, tâm thành nhập nhau.

Phải không Đệ? Vì Lão biết trước, thế cho nên Lão có đại-nguyện trong kỳ tam này Lão sẽ độ hết tất-cả các người tu, vì Lão biết mỗi thời kỳ chuyển kiếp,
mỗi lúc luân-hồi thì tánh linh sẽ mờ!
P.N: Bạch Đại-huynh thế này: bây giờ Đại-huynh đại-nguyện rồi, mặc dầu nó biết nghiệp dầy, nó ngồi tứ thời thì Đại-huynh độ mới đặng, chớ còn đàng này nó không có thời nào thì Đại-huynh độ nó làm sao đặng?
KTX: Cười, tu mà không có thời nào thì tu làm chi?
P.N: Bạch Đại-huynh có công nhận nó nói tu mà chỉ tu cái miệng, không có ngồi thời nào hết, đồng thời không biết ăn-năn sám-hối nữa thì Đại-huynh làm sao độ đặng?
KTX: Như Lão đây tu không còn nói chữ tu nữa, mà tu vô thời luôn, không có nói thời nào hết!
P.N: Đó! Tiện Đệ nói đây là nói căn-cơ tiến-hóa đó, tối thiểu cũng phải tứ thời và khi lầm-lỗi phải biết ăn-năn sám hối, thì chính cái đó mới độ được chớ! Còn không giữ được tứ-thời, không định-Tâm, và có lỗi mà không chấp-nhận cái lỗi thì Đại-huynh làm sao độ được, Đại-huynh có đồng-ý không?

KTX:
THI

Này Đệ ơi! Tùy căn giáo-hóa,

Đem tình-thương mô-tả độ-đời,

Cứu người chìm-đắm luân-vơi,

Nương tùy căn số vậy thời độ thôi.

Người hạ căn siêng ngồi tịnh-tọa,

Niệm Phật lòng không bỏ ngày đêm,

Để mà Tâm Tánh năng kềm,

Quả gây dựng lại đừng thêm ngút trời!

Người đại căn vậy thời tu-học,

Năng định thiền chí dốc ngày đêm,

Đó là tư-tưởng tự kềm,

Tùy duyên hóa độ sẽ bền Đệ ơi!

Thôi Lão có mấy lời chúc tụng,

Cho Đệ hiền hữu-dụng nhân-gian,

Nhập vào với BÁT-NHÃ THOÀN,

Cứu đời hãy gắng tân-toan qua ngày!

Lão có mấy nhiêu lời xin thăng, gặp khi khác sẽ bàn bạc tiếp “Tây-du-ký”.
P.N: Mộ Phật!
KTX: Đệ đồng ý không? Bởi vì Tâm-đạo càng sâu thì thấy mối Đạo càng huyền-bí.
P.N: Đúng rồi Đại-huynh!

KTX:
BÀI

Thôi Lão chúc Đệ hiền ở lại,

Rán độ đời mặc-khải hóa-nhân,

Tùy theo chí lớn chuyên-cần,

Phương-châm giải-thoát sẵn dành chí-chơn.

Tùy nhân-duyên khải đờn đạo-pháp,

Tùy duyên lành ắt đạt lý sâu,

Đó là nương lý giải-dầu,

Cứu đời hãy gắng tâm bào nấu-nung.

Thôi Lão thăng nhập cùng hư thái,

Trả yên lành Đệ hãy bình-tâm,

Đạo thời vi-diệu uyên-thâm,

Tùy cơ léo-lách ngàn năm bia truyền!

Phải không Đệ? Thôi Lão thăng.
XÍCH-THÁI-CỔ: Lão khưu cứ kêu hoài, Lão cứ nhắc kêu Lão mãi.
P.N: Lão khưu cũng hay lắm Đại-huynh!
XTC: Đâu có bỏ Lão đâu, tại huynh đệ mình mắc lai-rai đàm đạo…
P.N: Tại chương trình huynh-đệ mình đang còn Đại-huynh há!
XTC: Giờ lai-rai nữa không hay là nghỉ?
P.N: Tùy Đại-huynh!
XTC: Tùy Đệ chớ sao tùy Lão?
P.N: Lai-rai Đại-huynh há!

XTC:
BÀI

Rượu lai-rai mời thêm Đệ nữa,

Hãy nốc vào mở cửa huỳnh-thiên,

Uống vào chớ có ngữa-nghiêng,

Đất-Trời quay lộn chiếc thuyền Đạo-Tâm.

Khi uống vào phương-châm giải-thoát,

Vẽ họa-đồ Tiên-Phật hoằng-dương,

Rượu linh nhấp cạn mùi hương;

Mùi hương Đạo-Lý thẳng đường cửu-lưu.

Hơi men xông vẹt mù ám khí,

Bay ba nhà mùi vị thơm-tho,

Uống vào Tâm chẳng nghĩ lo,

Rượu tiên mời chén Nam-Mô để vào!

Lão mời, giờ lai-rai không Đệ? Giờ sao? Đề tài chi?
Giờ huynh-đệ mình tiếp đề-tài “Đốn-mê khai-ngộ” phải không?

THI

ĐỐN người luyến cảnh chốn trần-gian,

mãi làm chi chuốc thảm-nàn?

KHAI mở chơn-Kinh huyền-diệu điễn,

NGỘ lời thánh-thiện sẽ tâm-an!

HỰU

Sẽ tâm-an nghe lời thánh-thiện,

Đem vào lòng thể-hiện lý-chơn,

Cao-sâu triết-lý phục-huờn,

Kinh-tâm vô-tự giải cơn não-nồng.

Ai cũng có Phật trong ẩn diệu,

Nhưng vì mình đóng khiếu mà thôi,

Cho nên không trở lại ngôi,

Làm sao hòa đặng tô-bồi linh-đơn!

Phải không? Ai không có Phật tánh, vì mê-muội không thấy lý chơn, thành ra không thấy Phật tánh thôi.
Ai cũng có bổn nguyên hết, vì mê-muội nên mờ-ám, thế cho nên cái bổn-nguyên nó đã sáng, vì không sáng mới muội-mê, vì muội mê mới mờ-ám chơn-linh. Vì vô-minh nó gây ra quả-báo luân-hồi, thế cho nên chuyển kiếp mãi mãi, phải không? Lộn trong ba đường sáu cõi trần-gian này ngày nay phải đốn cái mê đó đi; đốn cái vô-minh, loại trừ nó hết thì tự-nhiên sẽ khai nguồn chơn-lý, phải không? Tức là tìm Phật-tánh ở trong người mình, phải không Đệ? Không xa đâu, trong thân mình tất-cả.

BÀI

Bụi trần nay đã đóng rồi,

Hãy mau lau mãi sáng ngời lưu-ly.

Vì có mê ma trì quỉ kéo,

Nay ngộ lòng thắt-thẻo đi qua,

Ngộ lời chơn-lý Bữu-Tòa,

Không mê, đâu giác tìm ra lý huyền!

Vì có mê đốn liền u-tối,

Khai-ngộ lòng mở lối chơn-như,

Không mê đâu hoại tâm-tư,

Nào ra pháp đốn vậy thời nói chi?

Đó là như thế, vì có mê nên mới có pháp Đốn - Đốn để cho khai-ngộ được tâm-linh, hòa hiệp với vô-hình để trở về cái bổn-nguyên thỉ là Chơn-Linh, phục lại Anh-Nhi bổn-nguyên ban-sơ. Nếu mà không mê thì không có pháp-Đốn trị nó, mà không có pháp-Đốn trị thì làm sao khai-ngộ đặng bổn Phật tánh trong người này. Thế cho nên đề-tài Đệ ra: “Đốn-mê khai-ngộ” Lão sẽ tiếp về đề-tài này.

PHÚ

Này Đệ ơi! Đề-tài Đốn-Ngộ,

Lão ra lời thi-thố đạo-mầu,

Nay minh-triết vạch lý cao-sâu,

Để đánh tan từng câu lý-chướng…

Vì vô-minh muội-mê mới vướng,

Đốn tuyệt lòng tìm hướng siêu-nhiên.

Mau tỏ-ngộ phục-bổn tham-thiền,

Mà khai-ngộ tùy duyên hóa-độ.

Vì có mê, đốn vào đúng chỗ,

Rửa bụi trần lem-ố từ xưa,

Để trở về nhứt-bổn “VÔ-THỪA”,

Khai chơn-lý tìm đưa độ khách.

Hỡi trần ơi! Mình nên tự trách.

Vì mình mê không sạch chơn-linh.

Thế cho nên có cảnh hữu-tình,

Làm mê miết trăm nghìn đau-khổ.

Nay Lão khuyên đạo mòi nên lố,

Phục Anh-Nhi tìm chỗ hư-huyền,

Nhập bổn thái trọn đấng Huyền-Thiên.

Hòa Anh-Nhi trần-duyên cởi hết!

Lời từ-tốn Lão đây đã kết,

Hãy mở ra mà chết lòng trần,

Dù có trược do bởi xác thân,

Nhưng ngộ Đạo hương lâng diệu-điễn.

Rán tu-tâm ngày đêm tịnh-luyện,

Tẩy trược trần chiếu kiến huờn-đơn,

Hòa linh-tánh nhập máy phục-huờn,

Mà giải-khổ lòng còn u-uất!

Giờ huynh-đệ mình lai-rai.

BÀI

Này Đệ ơi! Đề-tài ra đó,

Sao Đệ im chẳng có lời nào?

Lão đây khai lý cao-sâu,

Tô thêm Long-Hổ một màu Phượng-Loan.

Đạo Tam-Gia kết “thoàn BÁT-NHÔ,

Hòa lưu-ly tan-rã bợn trần,

Hiệp về với bổn Kim-thân,

Long, Lân, Qui, Phụng trăm phần thơm hương.

Nay Lão có chơn-thường lời nói,

Xin Đệ hiền hiệp bối “Tam-Nguơn”,

Cùng nhau trỗi một nhịp đờn,

Đệ nên hòa khí qua cơn não-nồng!

Phải không Đệ?

P.N:
BÀI

Đạo là gốc khai thông trí-huệ,

Phủi bợn trần hầu để minh-tâm,

Không còn vướng bận trược trần,

Đó là giải nghiệp tao-tân vô-thường.

Nhờ tỉnh lòng chơn dương hiệp khí,

Phá lưới mê “trực-chỉ qui-nguyên”,

“Hành-thâm BÁT-NHÃ THAM-THIỀN”,

“Hồi-quang phản-chiếu” vạn-duyên không còn!

Được như vậy điểm son phục-bổn,

Giải u-mê khốn-đốn luân-hồi,

Mượn thân công-quả đắp-bồi,

Đó là cứu-khổ hoằng-khai đạo-mầu.

Tùy nhơn-duyên ra câu mặc-khải,

Để kêu đời tỉnh lại tu-tâm,

Tu sao phủi sạch lỗi-lầm?

Không còn đắm tục tối-tăm linh-hồn.

Kỳ mạt-pháp Chí-Tôn xoay-chuyển,

Rải nguồn ân Thiên-điễn khắp nơi,

Ai người tỉnh ngộ nghe lời,

Quay về tu học an nơi linh-hồn.

Xin mời Đại-huynh!

XTC:
BÀI

Lão hòa Đệ vẫn còn vang tiếng,

Ra đề-tài thoát biển trầm-luân,

Đốn-mê ta phải dò chừng,

Để người khai-ngộ vẫy vùng đi lên.

Nay đốn kẻ vì quên linh-tánh,

Hãy trở về đức-hạnh chơn-tri…

Điểm son phát sáng huyền-vi

Lão thường mặc-khải mà ly tình đời.

Do tình đời ở nơi trược cấu,

Ngọc minh-châu quí báu vô-chừng

Bởi lòng chẳng có đại-hùng

Làm sao sáng chói Huyền-Khung nhập hòa?

Lão khai-ngộ tìm ra chơn-lý,

Nhập độ đời huờn khí Tiên-Thiên,

Vì thương sanh-chúng trần miền,

Đánh tan trược-cấu trọn duyên tu hành.

Lão khai-ngộ tri-rành chơn-lý,

Tỉnh người đời huờn vị mau mau,

Chơn-như mở cổng bước vào,

Chớ nên chậm rãi làm sao kịp kỳ?

Hội Long-Hoa kỳ thi đã mở,

Này thí-sinh còn ở trần-gian,

Làm sao hòa nhập Kim-Cang,

Bài thi sẵn đó mà mang chưa về.

Thế cho nên ê-chề điễn hóa,

Lão xuống trần xin trả bài thi,

Kéo kêu trần-thế kịp kỳ,

Mau mau trổi-gót vậy thì tiến lên.

Này Đệ ơi! Xây nền đắp móng,

Hãy vững bền mở cổng từ-bi,

Đề-tài đốn-ngộ cứ đi,

Để mà khai lối siêu-vi cho đời.

Thôi bao nhiêu những lời đã đáp,

Lão thăng về hội-hạp Tiên-Thiên,

Đệ ôi! Vẹn vẽ Phục-Nguyên,

Độ đời hãy gắng tùy duyên hóa-hoằng.

Đề tài này tiếp lần khi khác,

Mổ-xẻ thêm cho hạp ý trần,

Đệ ơi! Hãy rán cân-phân,

Lão đây rút điễn kim-thân nhập về.

Thôi Lão thăng, đề-tài này tiếp lần khi khác không phải bao nhiêu đây là hết, bởi vì “Đốn-mê khai-ngộ” mà! Nhưng phải đốn làm sao? Mê ở đâu mà Đốn; Khai-Ngộ; Ngộ ở đâu mà khai, phải không Đệ?
Thôi Lão thăng.

Dậu thời, ngày 07 tháng 05 niên Mậu-Thìn.
(20-06-1988)
ĐỐN-MÊ KHAI-NGỘ
(tiếp theo)
P.N: Bạch Đại-huynh, bây giờ huynh đệ mình tiếp “Đốn-mê khai-ngộ” nhé!


TC: THI

ĐỐN kẻ ngu-si chẳng thức lòng,

đời vật-chất đọa nghìn năm.

KHAI-truyền giáo-lý kỳ tam hóa,

NGỘ pháp thiên-cơ diệu điễn hồng.

BÀI

Đề-tài Đệ đã ra lời,

“Đốn-Mê Khai-Ngộ” cho đời tĩnh tu.

Vì còn mê, mịt-mù linh-tánh,

Thế cho nên, đọa cảnh dương-trần,

Vô-minh khốn-lụy xác thân,

Không còn hòa-hiệp tâm thần tĩnh yên.

Mãi lao-lung như thuyền trên nước,

Lắc-lư hoài chẳng được đứng yên,

Biết bao đau-khổ tiền-khiên.

Có thân chìm đắm triền-miên đau-sầu!

Sao không tỉnh tầm câu đạo lý?

Giải mộng-hoàng hồi-vị linh-tiêu,

Trần-gian đâu đặng bao nhiêu.

Mê chi đau-khổ lạc chiều tánh linh.

Nay Lão thương vì tình ái-truất,

Muốn độ đời chơn-thật quay về,

Niết-Bàn hư-tịch nhàn quê,

Vô-vi diệu điễn Bồ-Đề chơn-như.

Đốn tâm mê đi từ thân giả,

Khai-ngộ thông đả-phá vô-minh,

Dầu còn sanh chúng nhiễm tình,

Nhưng lòng thơi-thái hồi-minh đạo-mầu.

HỰU

Đạo-mầu trực kiến rất thâm-sâu,

Vì kẻ mê-tân khó đáo đầu,

Khai-ngộ chơn-truyền câu bí-pháp.

Đốn Tâm thức-tỉnh giải ưu-sầu.

Vì đề tài “ĐỐN-MÊ”, thế cho nên phải dùng pháp Đốn. Đốn là cái chi? Đốn để cho người tỉnh, nếu không tỉnh thì mê-muội trầm luân mãi mãi. Do mê-muội trầm-luân nên đời đời, kiếp kiếp không định yên cái chơn-tính. Xuống cõi hồng-trần này nặng-nề trược-cấu biết bao nhiêu, mà ở cõi này là cõi tanh-hôi vô vùng; thế nên phải dùng pháp Đốn, mà Đốn tùy căn-cơ, tùy nhân duyên, phải không Đệ? Bởi vì Lão sẵn có cây búa đây, hễ gốc to cổ-thụ thì dùng cái búa, còn cỏ rác hay những cây nhỏ thì cần chi cái búa, phải không?
P.N: Đúng vậy, bạch Đại-huynh!
XTC: Tùy theo căn-cơ, tùy theo trình-độ, tùy theo nhân-duyên, mà cũng tùy theo cái mực cao thấp đó mới khai-ngộ đặng chơn-lý, phải không?
P.N: Căn-cơ thấp kém, hoặc mới tiến-hóa, mình Đốn nó thì nó tự ái đó, bạch Đại-huynh!
XTC: Sao mà tỏ ngộ đặng chơn-lý?
P.N: Tự-ái không nghe, mà nó còn oán lại mình nữa vậy.
XTC: Phải không? Cũng một câu chơn-lý đó, mà tùy theo căn-cơ, nhân-duyên trình độ hiểu theo cái linh-căn của bổn hư-linh; tùy theo nhân-duyên cạn, sâu mà hiểu đạo-lý như thế nào? Thế cho nên, gọi là Ấn-Tâm hoặc là Ấn-Khuyết, phải không Đệ?
P.N: Đúng!
XTC: Bởi thế mới gọi là truyền Tâm-Ấn là tùy theo cái mức hiểu thấp cao của linh-tánh con người từ kiếp xưa, cái bổn nguyên-thỉ, phải không?
P.N: Giờ huynh-đệ mình lai-rai, tới Đệ đi!

P.N:THI

ĐỐN trừ vọng niệm ý đa-đoan,

-muội luôn luôn chuốc thảm-nàn!

KHAI tánh siêu-nhiên thông mật-diệu,

NGỘ rồi phục-bổn Phật Kim-Cang.

HỰU

Phật Kim-Cang Đạo Vàng siêu-diệu,

Hỡi nguyên-nhân! Chiếu kiến nội lòng,

Phủi mùi tục-lụy cuồng-ngông,

Tâm bình tánh định thoát vòng trần-ai!

Dụng pháp đốn Như-Lai tỏ-ngộ,

Diệt mê trần tránh chỗ tử sanh,

Thuyết-minh chơn-lý ngọn ngành,

Rõ thông tất-cả tri-phanh chơn-truyền.

Đời lắm khổ đảo-điên chê-chán,

Khi ngộ rồi soi sáng chơn tâm,

Để rồi phủi sạch lỗi-lầm,

Không còn vướng-bận tối-tăm mịt-mù.

Kiếp vô-minh không tu lắm khổ!

Phải độ mình thoát chỗ tử-sanh,

Khổ-kham nội-quán tri rành,

Tham-thiền phản-chiếu giải-oan mê trần.

Vì mê trần có thân phải khổ,

Mượn đạo-mầu để độ linh-hồn.

Kỳ tam thiên-điễn Chí-Tôn,

Rải nguồn ân lực dập-dồn giác-tha.

XTC: BÀI

Dùng giác-tha mà hòa độ-thế,

Đem từ bi vớt kẻ mê-lầm,

Không tu hồn phải đọa-trầm,

Vòng qua lộn lại đen ngầm Diêm-Vương.

Vì có thân vô-thường niệm vọng,

Thế cho nên chuốc đọng đau sầu,

Đệ ơi! Thương thế vì đâu?

Không tu gây-quả càng cao chất đầy!

Lão thương người giờ đây giáng hạ,

Mãi kêu hoài giải họa mau đi,

Bình tâm trực-kiến huyền-vi,

Để lòng chơn thật phải ly tình đời,

Do tình đời ở nơi trược-cấu,

Vì vô-minh nên tạo nghiệt oan.

Gia thê đái tử buộc-ràng,

Ruộng vườn vật chất nào mang đặng về?

Đã biết thế vẫn mê cuộc thế,

Biết giả hình vẫn để trường sinh,

Cho nên trong kiếp vô-minh,

Đeo đai phải khổ vì tình thế-gian!

Lão đốn mê tìm sang đạo-lý,

Khai-ngộ lòng huờn vị linh căn,

Bồng-lai thiên điễn chơn-thần,

Linh sơn tự-toại sáng ngần hào-quang.

Nhưng còn mê sao an linh-tánh!

Nhiễm bụi mờ phải đánh bóng mau

Ngộ lời chơn-lý rất sâu,

Thức lòng tu-học rạng màu lưu-ly.

PHÚ

Vì đời mê ma trì quỉ kéo,

Cho rằng là thật để dưỡng nuôi,

Kìa! Trần-gian đã nếm biết mùi.

Không chịu nhả ôi thôi! Phải khổ!

Lão thương đời điễn về thường lộ,

Máy thiên-cơ dạy dỗ bao lời,

Nhưng ai tỉnh trần thế luân-vơi?

Do vọng niệm cuộc đời sa-ngã!

Đừng trách đời mà do ta cả,

Đời thế tình phải trả, trả vay.

Tu hay không do bởi vì ai?

Không thức tỉnh mà quày đạo-lý!

Đường thế-nhân nếm rồi đúng vị,

Sao không huờn, về khí hư-linh?

Bởi còn mê, chẳng đặng hồi-minh,

Mà huờn giác, đoạn tình ái-nhiễm.

Thì làm sao đạo lòng thâu-liễm?

Kiến ngộ lời chiếu-kiến huyền-linh.

Này Đệ ơi! Réo mãi lời kinh,

Đệ cứu-khổ trọn gìn chơn-bổn.

Lão đã từng dùng bao pháp đốn,

Để khai truyền nơi chốn hồng-trần,

Đánh tan mê tẩy trược xác thân.

Huờn linh vị tinh-thần trực-ngộ,

Nhưng bởi đời cứng đầu cứng cổ,

Đã nghe rồi bỏ đó không hành,

Thế cho nên, cuộc diện tan-tành,

Vì sát-phạt Lão đành chịu vậy.

Do ơn trên làm sao Lão cãi,

Máy thiên-cơ bao đãi bọc rồi,

Thương cho Đệ, độ thế luân-vơi!

Bao cực khổ vì đời chê-chán!

Lão thương Đệ nên về làm bạn,

Cùng lai-rai lý sáng chơn-kinh,

Để cùng nhau hòa-ái chút tình;

Tình vô, hữu là tình bất-diệt.

Lão thương Đệ không bao giờ tuyệt!

Cùng nương nhau bổ-khuyết tâm-kinh,

Đoạn Bát-Nhã nào có ra hình,

Nhưng huynh-đệ phải gìn nguyên-lý.

Đã hứa rồi tâm đầu tri-kỷ,

Chẳng thất lời khó bỉ Đệ ơi!

Lão mong Đệ mau trở lại ngôi,

Vì cuộc thế, ôi thôi chê-chán!

BÀI

Lão thương Đệ mãi thăng-trầm,

Hy-sinh xác giả mà tầm chánh-chơn!

Nhưng Đệ ơi! Đời còn chi nữa,

Bởi người mê chẳng sửa tánh tâm,

Gây bao nghiệp-chướng nặng trầm,

Thế nên quả-báo mê-lầm nghiệp sâu!

Nhưng độ đời ta nào có bỏ,

Tùy căn-cơ ai ngộ lý lời,

Tu sao phách sáng chiếu ngời,

Chớ còn lung-lạc vậy thời trầm-luân!

Đường tu-học lừng-khừng mãi khổ,

Quyết-chí mau mới độ linh-hồn,

Đời đây đã thấy không tồn,

Có chi chẳng học lời ngôn diệu-huyền?

Ôi! Cuộc sống đảo-điên, điên-đảo;

Vì giả hình, giả-tạo làm sao,

Thương đời Lão nói tâm-bào,

Cứu người độ-thế rèn-trau chơn lòng!

Chớ còn Đạo không tầm chánh-giác,

Vì không không giải-thoát qua rồi

Thương đời Lão xuống bậc ngôi,

Giảng lời triết lý tô-bồi Như-Lai.

Vì thương đời đắng-cay cuộc sống,

Nhiễm giả vào tồn-đọng bên trong,

Ngày qua tháng lụn mắc vòng;

Mắc vòng oan trái không không kiếp này.

Uổng kiếp người đọa-đày hồn xác,

Có thân này để lạc nó đi,

Ôi thôi! Khi thác ma trì,

Luân-hồi cứ mãi vậy thì xuống lên.

Sao không quyết kề bên đạo-lý,

Trọn kiếp này “Trực-Chỉ Qui-Nguyên”?

Có thân là trọn nhân-duyên,

Không tu phải uổng lời nguyền hôm xưa.

Phải không Đệ? Có thân này mà không tu thì uổng lắm!
P.N: Đúng vậy bạch Đại-huynh!
XTC: Biết bao nhiêu linh-hồn muốn tu lại không có thân, còn mình đây có thân, sao không tu?
P.N: Đúng vậy, Bạch Đại-huynh!
Mắc mê quá, vô-minh, ngu-ngốc, để cho vật-chất giả tạm này nó gạt cám-dỗ, lợi-dưỡng xác thân, làm vô-minh u-tối, lại tạo quả thêm nữa, biết đâu lại thối hóa!
XTC: Thì kiếp này không tu là phải thối hóa rồi, phải không? Nếu là lương-thiện, có phước thì chỉ hưởng hết cái phước đó mà thôi!
P.N: Trái lại, tu mà tu cái miệng, không tu cái tâm lại còn nặng tội nữa!
XTC: Phải không Đệ?
P.N: Đúng vậy Đại-huynh!


XTC: BÀI

Này Đệ ơi! Đề tài Đốn-Ngộ,

Lão thuyết-trình từ chỗ lý sâu,

Thương đời Lão cứ dạt-dào,

Đắm chìm bể ái lộn nhào tánh-linh!

Vì còn mê sanh tình ái-nhiễm,

Thế cho nên không tiến đường tu,

Lỗi-lầm chẳng biết đoạn trừ

Ma-hồn quỉ-xác nát nhừ kéo ta!

Vì không chí nào hòa thư-thái,

Mãi buông trôi oan-trái nghiệp hành,

Nên ngoài miệng nói tu-hành,

Mà Tâm rối-loạn mãi sanh vọng tình.

Chớ trọn tu không nhìn ngoại cảnh,

Dòm trong lòng sáng ánh mâu-ni,

Phục-Nguyên bổn tánh Anh-Nhi,

Hoát khai võ-trụ trọn đi một vòng.

Do giả tu không đồng thiên-điễn,

Nếu ứng lòng cảm hiện thần cơ,

Bởi thường đắm-tục lãng ngơ,

Bỏ câu đạo-pháp dật-dờ hồn-linh.

Thế cho nên, ái tình đắm lụy,

Bởi vì tu mà khí chẳng thanh,

Ma trong giành-giựt lộng hành,

Người không công-đức khó-khăn vẫy-vùng!

Lão mãi khuyên đại hùng thệ-nguyện,

Xả thân này tịnh-luyện trọn đời,

Nhưng ai đã đáp đúng lời?

Thí-sinh còn đứng cổng chờ ai đây?

Mở trường thi chọn tài Thánh-Đức,

Tìm người hiền lãnh-vực thiện-lương,

Nhưng không giữ vững lập-trường.

Tâm-viên ý-mã buông-cương chạy hoài.

Thì làm sao đạo khai mật-diệu?

Bởi sanh lòng liễu-lộ dường bao,

Muốn đi mau đến động-đào.

Mà chơn chìm bước làm sao về Thầy?

Miệng cứ nói thật hay lý Đạo,

Nhưng tâm lòng chẳng tạo chánh-chơn,

Thì sao diệu-điễn phục-huờn,

Hào quang xá-lợi sắt-son vẹn gìn.

Phải không Đệ? Đòi đỗ, đỗ cho cao, mà lười biếng học làm sao đỗ được, phải không Đệ?
P.N: Muốn giải-thoát không tu sao giải-thoát?

XTC: BÀI

Lão đây thương thế nghiệp hành,

Mãi tu cái miệng luận tranh cuộc đời.

Đây trường thi mở lời tuyển-trạch,

Mà nguyên nhân đèn sách không dùng,

Làm sao cơ Đạo trùng-phùng,

Trả bài đã học Huyền-Khung mở đầu.

Học từ-bi nhiều câu yếu-lý,

Trọn tình thương hòa vị ái nhân,

Học đi mau bỏ xác thân,

Học cầu đạo-pháp chuyên-cần ngày đêm!

Đã không học, bồi thêm lười-biếng.

Thì làm sao thi tuyển vào đây?

Tên mình chẳng hiệp về Thầy,

Hư-linh khí-thái ngất-ngây lụy đời.

Thầy dạy rằng học lời Đạo-lý,

Phủi thân này đừng nghĩ viễn-vông,

Đoạn trần ái-nhiễm trong lòng,

Hãy dùng huệ-kiếm trừ xong yêu tà!

Trừ lục-dục là ma ác-Đạo;

Đoạn thất-tình để tạo lưu-ly.

Chớ đừng phiền-não bị trì.

Đó là câu học trường thi của Thầy!

Nhưng nào thấy người hay học đặng?

Tuy học rồi nhưng chẳng nhập tâm,

Cho nên gây mãi lạc-lầm.

Trả bài quên hết sao tầm chánh-chơn!

Phải không Đệ?
P.N: Bạch Đại-huynh đúng vậy!
XTC: (Cười…), bởi vậy học mà nó học miệng không đâu có thuộc.
P.N: Rốt-ráo ý rốt-ráo mà không tu, là óc nó đã chai rồi, Đại-huynh há! Phật, Thánh, Tiên xuống trần giảng thế này mà không tu thì ngu-ngốc, vô minh đó!

XTC:BÀI

Thầy dạy rằng bỏ đi vật-chất,

Là đề-tài đúng thật nguyên-sinh,

Dù cho cuộc sống khổ mình,

Nhưng hòa tất-cả thuộc kinh trong lòng.

Nhưng đâu thấy tâm-kinh chí-mật,

Học Đạo Thầy chơn-chất từ đây,

Lão thương cuộc thế còn say,

Tu ngoài miệng nói hằng ngày không yên.

Phải không Đệ?
P.N: Đúng vậy!
XTC: Nói tu mà trong lòng chẳng sửa… Học mà không thực-hành sao đặng! Bởi vì học thì phải trả bài, mà trả bài là bài gì? Học phải trả bài với Thầy, muốn về với Thầy đặng thì phải làm sao?
P.N: Mình tu, mình học thì phải trả bài bằng cách thanh-tịnh, dứt lòng trần, hiệp với đấng huyền-vi, hiệp lại với bổn-nguyên của mình, tức là đã thuộc bài rồi đó!
XTC: Phải không Đệ?
P.N: Chỉ tô bồi cái lớp giả bên ngoài, tu theo sắc tướng âm-thanh, tu theo cái miệng thôi, chuốc bao câu kinh để nói, nói rồi mang theo nghiệp, có sướng ích gì, chớ hàng chánh giác đâu cần cái việc bên ngoài.
XTC: Rồi sao? Huynh-Đệ mình lai-rai tiếp, Đệ đi.

P.N BÀI

Lấy đề-tài “Đốn-Mê Khai-Ngộ”,

Hòa Đại-huynh để độ khách-trần;

Khách-trần lắm nỗi mê-tân!

Dùng lời chơn-lý chí-chân tỉnh đời.

Đời lắm khổ dùng lời mặc khải,

Hỡi người ơi! Tỉnh lại mau mau,

Tu luôn năng gắng hằng trau,

Lòng trần phủi sạch làu-làu chơn như!

Được như vậy Đại-Từ trợ điễn,

Hoát huệ khai ứng-hiện tại trần,

Để mà phục-bổn Kim-Thân,

Chơn-dương xán-lạn nguơn-thần tiêu-diêu!

Ngược bằng không nuông chiều vật-chất,

Nên ma lòng đầy tật chúng-sanh,

Thế nên trí huệ không phanh,

Làm sao thấy Đạo trọn lành chơn-như?

Vì phiền-não lao-lư u-tối,

Vì lỗi-lầm chuốc tội dầy thêm,

Làm cho lắm khổ khuya đêm,

Âm-thần mù-mịt tạo niềm khổ-đau!

Mang giả thân lộn-nhào lao-lý,

Rồi tâm-hồn làm quỉ làm ma,

Ấy là lạc Đạo với Cha,

Cam đành phải chịu thiết-tha oại-oằn!

Người chánh-giác tầm-phăng yếu-lý,

Mượn tham-thiền trực chỉ Tây-đài,

Định Tâm huệ-tánh hoằng-khai,

Không còn nhiễm tục Như-Lai phục-huờn.

Xin thỉnh Đại-huynh.

XTC:BÀI

Này Đệ ơi! Lão còn triết giảng,

Về đề-tài giải nạn nhân-gian,

“Đốn-Mê Khai-Ngộ” vạch đàng,

Trực truyền bến giác đẩy thoàn cứu-tai!

Vì cõi trần hằng ngày diêu động,

Thì làm sao mở cổng chơn-như?

Con đường đi đến thiện-từ,

“Tam-Trung Chiếu-Kiến” vẹt mù phong-đô!

Nhưng người mê điểm-tô vật-chất,

Thế cho nên Đạo mất bên lòng,

Lão thương thiên-điễn thông-đồng,

Hòa cùng Hiền-Đệ trọn vòng Như-Lai.

Này Đệ ơi! Hoằng khai cứu-thế,

Nhập vào đời hầu để tùy-duyên,

Khai nguồn chơn-lý chánh-truyền,

Tam-gia qui nhứt Phục-Nguyên ban hành.

Phải không Đệ?

Này Đệ ơi! Nguyện lành khai lối,

Lão thương đời cằn cỗi đạo-tâm,

Gây chi đau-khổ thậm-thâm,

Ngày nay gặt quả nghiệp mầm sanh ra!

Nguyện tu-học dung-hòa hai nẻo,

Mà không hành đục-đẽo thanh-tâm,

Lão thương cứ mãi ca ngâm,

Quyền-năng đốn kẻ mê-lầm xác thân.

Dụng thiên-điễn rìu thần Lão đục,

Lấy quyền-oai búa vụt bên đầu,

Để mà tỉnh-ngộ đạo-mầu.

Đánh tan ác khí đứng nhào văng ra.

Phải không?

P.N: Đúng, chí lý lắm! Bạch Đại-huynh!

XTC: Nói hoài không nghe thì phải đánh, phải đục!

P.N: Đúng kỳ sát-phạt vậy!

XTC:BÀI

Vì có thương Lão già mới đánh,

Đánh điễn thần lập trận hư-linh,

Độ cho người thế huờn-minh,

Quay về đạo-đức đón nghìn lời chơn.

Rán học đi vẫn còn kịp đó,

Để nhập trường tuyển-độ Long-Hoa.

Không vào ắt sẽ là ma,

Hồn phi phách hoại lìa xa bây giờ!

Bởi hạ-nguơn chần-chờ không kịp,

Chuyến đò chiều chẳng tiếp ai đâu,

Mau mau học Đạo tròn câu,

Kẻo đò tách bến khổ nhào sông-mê!...

Lão thương thế diệu đề phải nói;

Nói lời lành bỏ thói chúng-sanh,

Không tu ắt chịu tan-tành;

Tan hồn lẫn xác chỉ mành treo chuông.

Lão vì thương giảng nguồn chơn-lý,

Khi nghe rồi thấm vị đài-mây,

Không nên để thế cuồng-say,

Lụy tình hãy dứt bi-ai chẳng còn.

Chớ đã nghe véo-von lời Đạo,

Khen hay rồi rốt-ráo bỏ qua,

Thì mê vẫn mãi làm ma,

Tấm lòng điên-đảo không hòa lý-chơn.

Nghe phải hành sắt-son tâm-ý,

Trọn dung-hòa bế khí Ma-ha,

Tâm-kinh BÁT-NHÃ mật-đa,

Giải sao huờn-tục ắt là khổ-đau!

Hãy diệt bỏ cống-cao, tật-đố,

Mãi giận-hờn ái-ố sân-si,

Não-phiền, ma quỉ lôi-trì,

Buồn, vui, cười, khóc nào ly tình đời.

Đã nói học đạo Trời không pháp;

Hòa hư-linh phải thoát tánh-tâm,

Cớ sao hành mãi lộn-lầm,

Khổ-đau trong kiếp oại-oằn nhân-sinh.

Phải không Đệ?

P.N: Đúng, chí lý lắm, bạch Đại-huynh!

XTC:

Thôi mấy lời vì tình nhân-loại,

Lão ra bài mở trói oan-khiên,

Hư-linh bất-diệt diệu-huyền,

Nghe mà đoạn tướng triền-miên đọa-đày!

Hãy nghe đi cái bài chơn-lý,

Nghe phải hành trực-chỉ qui-nguyên.

Sửa Tâm gìn Tánh lúc thiền,

Diệt trừ vọng ngoại là yên tu-hành.

Cho tròn câu tử-sanh ly biệt,

Thân giả hợp ai biết khổ đau;

Nó là tứ-đại hợp vào,

Một khi tan-rã ta nào về đâu?

Đã biết thế không trau luyện tánh,

Hiệp mạng lòng thoát cảnh tử-sanh,

Buồn cho đời mãi khôn lanh,

Thương đời Lão nói tri-phanh lý tình.

Thôi giã Đệ trọn kinh BÁT-NHÃ,

Tiếp đề-tài để phá vô-minh,

Đệ mau chơn-bổn giữ-gìn,

Hôm sau tiếp Lão hòa minh đề-tài.

Thôi Lão thăng.

  Trở lại Mục Lục