Ngọ thời, ngày 20 tháng 04 niên Mậu-Thìn.
(04-06-1988)
LÝ NHÂN-DUYÊN
P.N:

THI

NHÂN hành Đạo pháp cứu trần-ai,

DUYÊN hạnh bền tâm gắng miệt mài.

Tỏ-ngộ tu-trì toan thoát-tục,

Chí-thành tịnh-luyện dứt-bi-ai!...


H ỰU

Dứt bi-ai miệt mài tu-luyện,

Lý nhân-duyên thể hiện nơi mình,

Đạo-mầu phục-bổn hồi-sinh

Gắng mà tu-luyện chí tình mới mong.

Lý nhân-duyên huyền-đồng tất-cả,

Giờ Ngọ này mô-tả lời lành,

Đệ huynh hiệp lại bạch-thanh,

Hòa cùng thiên-điễn trọn-lành cùng Cha.

Hỡi thế-gian! Chan-hòa tất-cả,

Lý nhân-duyên hạnh-hạ cứu đời,

Tùy theo hoàn-cảnh ra lời,

Ai người tỏ-ngộ huệ khai mật-truyền?

Xin Đại-huynh diệu-huyền ẩn lý,

Giúp Đệ đây trực chỉ qui-nguyên,

Cùng nhau thầm-thỉ thề-nguyền,

Ra đi cứu-khổ trần miền kỳ tam.

Xin thỉnh Đại-huynh!
XTC: Sao gọi là lý nhơn-duyên?
P.N: Xin Đại huynh giảng!
XTC: Bởi vì do cái bực trung-dung mà ra, phải không? Không cao, không thấp. Vì cao, trung cũng hòa đặng, thấp trung cũng hòa đặng, cho nên mới gọi là lý nhơn-duyên.
Vậy lý nhơn-duyên là sao?
Là tùy theo nhơn-duyên, tùy lúc, tùy thời.
P.N: Đúng rồi Đại huynh, hay lắm, tùy hoàn-cảnh?
XTC: Phải không Đệ? Bởi vì một khi Ngài MA-HA-CA-DIẾP có bạch Đức Thế-Tôn như thế này:
“Tại sao Ngài A-NAN không nghe lời giáo-huấn của Thế-Tôn, bao nhiêu đệ tử tất cả đều nghe theo mà chỉ có A-NAN không nghe, rồi Thế-Tôn chỉ trả lời là: “Bởi vì nhân-duyên”. Do nhân - duyên, do căn-cơ phải không Đệ?
P.N: Sau này A-NAN nhân-duyên với MA-HA CA-DIẾP.
XTC: Tùy nhân-duyên hợp hoặc tùy theo căn-cơ thích-hợp với nhân-duyên đó phải không Đệ?
P.N: Đúng đó Đại-huynh!
XTC: Cũng như Thầy Lão nhân-duyên với bảy huynh đệ Lão, tại sao bao nhiêu đệ tử Thầy Lão không độ đặng mà độ chỉ có bảy thôi, phải không Đệ? Đó là do nhân-duyên. Mà tại sao giờ Lão gặp Đệ mà không gặp bao nhiêu người khác cũng do cái nhân-duyên!
Tại sao gọi là nhân? Tại sao gọi là duyên? Sao gọi là nhân, gọi là quả? Phải phân-biệt rõ-ràng.
Là bởi do từ vô-thỉ đến nay, nhân-duyên kết hợp lại, không phải do cái kiếp hiện tại này cũng không phải do từ lúc đầu hay lúc sau này mà do bởi nhân-duyên vô-lượng kiếp mà gặp nhau; đường tu cũng do cái nhân-duyên. Bởi vì thế, mới sao có người tu ở trong núi tu đặng là bởi có nhơn-duyên. Có người tu tại gia tu đặng bởi nhân-duyên. Có người xuất-gia cũng bởi nhân-duyên. Cho nên Lão mới lấy cái nhân-duyên bậc trung để hành đạo cho dễ-dãi. Còn quá cao đôi khi trình độ, căn-cơ nhân-duyên chưa tới làm sao tu đặng? Vì cái bậc thấp chưa thấu-đáo thì làm sao hợp với phần cao được, phải không Đệ? Còn bậc cao quá mà không có nhân-duyên với phần thấp, làm sao phần thấp nghe đặng? Chi chi cũng do cái nhân-duyên.
P.N: Đúng vậy!
XTC: Chi chi cũng do cái nhân-duyên.

THI

NHÂN quả từ lâu khởi xướng về,

DUYÊN lành mực-thước đạo Bồ-Đề.

KẾT nhau việc đạo cùng tinh-tiến,

HỢP mối Huỳnh-tương giải não-nề.

BÀI

Lý nhân-duyên dạy về tương-hợp,

Do căn-cơ từng lớp ban đầu.

Lý nầy thật rất cao-sâu,

Tùy người diệu-dụng thấp cao độ đời.

Vì có nhân nên lời duyên chứng,

Không nhân lành duyên cũng không chi,

Nhân-duyên hợp lại huyền-vi,

Âm-ba hấp-lực ghi trì trong tâm.

Lý nhân-duyên thậm-thâm vi-diệu,

Hành đạo rồi ngộ liễu càng sâu,

Nhân-duyên đã có từ lâu,

Nào trong hiện-tại trước sau bây giờ!

Phải không Đệ? Có nhân, có duyên mới độ đặng, không nhân không duyên cũng không độ đặng.

Tùy nhân-duyên!

Tùy nhân-duyên bình tâm hiểu Đạo,

Do căn-cơ triệt đáo y-hành,

Cũng do định-luật tương-sanh,

Đề tài giải-thoát nội-hành qui-y.

Do nhân-duyên mà ly tất-cả,

Đem thân này phụng-họa thế-thiên,

Đó là cái lý nhân-duyên,

Tùy thời, tùy lúc gieo truyền Đạo thâm.

Phải không Đệ? Nếu không có nhân-duyên nói cũng không có ai nghe; nếu không có nhân-duyên lời nói mình cũng không có ý nghĩa, dù cho mình thật là cao-siêu, dù cho mình lịch-lãm, phải không Đệ?
P.N: Đúng vậy bạch Đại-huynh!
XTC:

THI

Nhân hành hiệp mối Đạo huyền-vi,

Duyên chủng trồng xưa đúng kịp kỳ,

Hợp Đạo cùng nhau tua giải-thoát,

Trực lòng kiến-tánh hiệp Mâu-Ni.

HỰU

Hiệp Mâu-Ni,

Hạnh huyền-vi,

Phải tu-trì,

Ngộ qui-y,

Đời phải ly,

Đã đúng kỳ,

Đạo thế suy,

Đạo thì ky,

Chiếu huyền-vi

Mở tam-kỳ.

Mở Tam-kỳ thực-thi mối Đạo,

Rán tu-hành lai-đáo bổn tâm,

Nguyện trong đi, đứng, ngồi, nằm.

Tùng theo luật Đạo thậm-thâm cứu mình.

Tự cứu mình hy-sinh một kiếp,

Đường tu-hành hồ điệp tiêu-tan,

Chuyện đời đâu có vương mang.

Nghĩ trong việc Đạo lo toan cứu đời.

Đời lắm khổ trong nơi trược-cấu;

Đời điêu tàn tráo-đấu lường cân.

Đời gây đau-khổ xác-thân,

Đời trong giả-dối muôn phần thê-lương!

Đời giả tạm mình nương tu-học,

Đời gây ra thảm-khốc chiến-tranh,

Đời thường cấu-xé giựt-giành,

Cho nên mở Đạo Tam-Thanh diệu-hòa.

Đạo ra đời khải-ca chơn-lý,

Đạo gieo truyền trực chỉ hành-thâm,

Đạo lòng xét-nét ngồi, nằm,

Đạo khai thực-thể ứng tầm bên trong.

Đạo vi diệu thanh lòng mới thấy;

Đạo độ đời đào-thải âm-ma,

Đạo “TRUNG” cũng xướng chữ hòa,

Dìu nhau giải-thoát vượt qua thảm-nàn.

PHÚ

Vì đời giả tân-toan lao-lý,

Có thân nầy suy-nghĩ viễn-vông.

Vì có thân, nên mới khổ lòng!

Không thân xác nằm trong võ-trụ

Thì làm sao biết ăn biết ngủ?

Đâu khổ-đau tích tụ bao đời!

Nay không thân nghiệp ngã sao rời…

Dù có thân mà đời không nhiễm.

Lấy Đạo lòng tri thiền huệ kiếm,

Để “ĐỐN” trừ đường tiệm đã đi,

Có giả thân cùng khổ ai-bi,

Nay biết giả mình ly tất cả.

Mượn xác phàm mau mau, hối hả,

Tìm Phật lòng giải họa chúng-sanh,

Thoát mau lên trong biển hôi-tanh;

Là biển tục sóng gành đau-khổ!

Đường trần-gian đi qua biết chỗ,

Là trường đời để độ linh-hồn!

Mau quay về học-Đạo là khôn,

Bằng chìm-đắm thì hồn tê-tái.

Đạo ra đời cứu người mặc-khải,

Dùng lý chơn lẽ phải đem ra.

Đạo thậm-thâm vi-diệu khắc hòa,

Vớt chúng-sanh vượt qua biển ái!...

Để kêu người mau mau tỉnh lại,

Mà vững lòng châu-tải huyền-linh,

Vì có thân nên mới hy-sinh,

Ngày mai tử ai gìn được nó?

Biết khổ rồi mau mau tự ngộ…

Dùng giả thân mà độ chơn-hồn,

Ánh Mâu-Ni yếng sáng bảo tồn,

Hiệp Đại-ngã huờn chơn-linh-thể.

Hiệp “Hư-Vô” mầu-vi Thượng-Đế,

Độ thân này thoát kế ma vương,

Đường Đạo đi đừng có mãi cương,

Phải diệu-dụng tùy đường, tùy lúc.

Hòa nhơn-duyên ấy là hiểu sức,

Hợp cùng nhau tận-lực tu-hành,

Đường đời ta đã biết càng lanh...

Ngược đường Đạo thực-hành sâu kín!

Miễn làm sao việc đời đừng dính,

Không nhiễm vào những bịnh trần-gian,

Đó là giải-thoát lý Kim-cang,

Hòa vi-diệu để sang Tây-vức!

HỰU

Để sang Tây-vức thực-hành,

Mâu-Ni sáng chói diệu-thanh cứu mình.

Đời đắm-chìm trong nghìn oan-trái,

Đem lời chơn mô tả bao điều…

Độ người trần tục huệ khêu…

Vượt qua bể-ái, cao-siêu lý huyền!

Ôi cuộc đời đảo-điên, điên-đảo,

Như tấn-tuồng giả-tạo gây ra,

Khi cười, lúc khóc thật là,

Lúc vui khi khổ lẫn hòa với nhau.

Đó giả tạm khổ-đau dương-thế,

Nay hiểu rồi lý lẽ huyền-vi,

Mau mau tu học hành-trì…

Mượn thân giả tạm qui-y tu hành.

Đường tu-hành đã dành sẵn lối,

Hãy bước vào mở trói oan-khiên,

Đường tu do lý nhân-duyên…

Tùy căn-cơ hiểu gieo-truyền Mâu-Ni.

Này Đệ ơi! Thực thi cứu-độ,

Dùng nhân-duyên đúng chỗ mới hay,

Đúng trong ruộng tốt lúa khai,

Mọc đơm nở giống mùi bay linh-huyền.

Phải không Đệ? Cũng như lý nhân duyên, tùy theo chỗ, nhưng mà biết chỗ mới hay, cũng tùy ý-thức Đệ thấy chỗ nào tốt thì gieo trồng, không tốt thì thôi, trồng chi cho uổng giống! Cũng là đất, nhưng Lão nói tùy nhân-duyên!...
P.N: Đất chai cứng để giống tốt cũng uổng giống, mắc công mà phí sức mình nữa.
XTC:

THI

Vô-vi hiệp điễn cứu trần-gian,

Thường-lạc chơn-tâm đẩy chiếc thoàn.

Lý lẽ siêu-nhiên mau giải-thoát,

Học rồi trường Đạo hãy bình-an.

Phải không Đệ? Bởi vì mình biết nó vô-thường, thì tự-nhiên, không lo trước mà chẳng nghĩ sau, đã nói chữ vô-thường, vô là không, thường là bình-thường. Đã không bình-thường mình cứ tự để nó như thế. Đã biết chuyện đời không bình-thường!
P.N: Đã biết nó như vậy mà mình còn trụ-chấp nó làm chi?
XTC: Phải không? Thế cho nên cứ bình tâm, phải không?

BÀI

Vô-thường diễn-biến xảy ra,

Cái thân giả-tạm của ta vô-thường.

Ôi! Hơi thở dứt đường phải thác,

Vì vô-thường tan-tác chơn-linh,

Vô-thường có hữu khi sinh,

Tử rồi phải hoại ta nhìn-nhận đâu?

Lý vô-thường thâm sâu lẽ Đạo,

Người tu-hành cởi tháo khổ sầu.

Vô-thường cứ mãi chuốc trau,

Đầu nằm rèn-luyện đi vào chơn-linh.

Vì vô-thường sanh nghìn đau-khổ!

Vì vô-thường phải độ linh-hồn;

Vô-thường sự thể không tồn;

Nay còn mai mất dập-dồn đớn đau!

Vì vô-thường xác nào vĩnh-cửu?

Vì vô-thường không trụ bao giờ!

Vô-thường đau-khổ người ơi!

Có thân phải chịu đến giờ tử ly!

Vì vô-thường không trì được xác,

Vì vô-thường tan-tác luân-hồi,

Vô-thường chấp-nhận quả-nhồi,

Vô-thường chuyển-biến ôi thôi ngày giờ!

Phải không Đệ? Bởi vì luật vô-thường nó như thế đó, vô-thường có hợp rồi sẽ tan, có tan rồi sẽ hợp phải không Đệ? Vì vô-thường phải có sinh rồi có tử, cho nên đã biết luật vô-thường như thế ta phải rán tu, vì vô-thường hơi thở thấy coi nó như thế rất ngắn-ngủi, vì vô-thường hơi thở đâu có tồn-tại với xác thân của ta đặng mà nó tồn-tại thì đâu có trường cửu?
P.N: Đã nói ngưng hơi thở là bỏ xác rồi!
XTC: Phải không?
P.N: Đã nói là vô-thường mà, cho nên giác-ngộ phải cố-gắng tinh-tấn tu.
XTC: Giờ huynh đệ mình lai rai!...
P.N: Tới đệ nhé!

Lý vô-thường biết bao đau-khổ!

Hởi người ơi! Tỏ ngộ tỉnh hồn.

Tu sao giục-giã bôn-chôn!

Bằng không phải chịu linh-hồn tử-sinh.

Lý vô-thường chỉ rành tất-cả,

Khi ngộ rồi hạnh-hạ tu mau,

Nằm, ngồi, đi, đứng năng trau…

“Hồi quang phản chiếu” làu-làu chơn tri!...

Lý vô-thường ai-bi đau-khổ!

Khi giác rồi tự độ lấy mình,

Tham-thiền quán xét hồi-minh,

Chớ nuôi giả tạo đắm mình trầm-kha!

Lý vô-thường chan-hòa tất-cả,

Phải tri nguồn lắm họa tử sanh,

Tại sao không rán tri-phanh

Cho tròn đạo cả xác hành còn đâu?

Ôi! Thế-gian não-sầu đau-khổ,

Vì vô-thường đoạ chỗ Diêm-phù!

Tiền thân không tỉnh để tu,

Ngày nay phải chịu mịt-mù vô-minh!

Lý vô-thường đắm mình bể-ái,

Nay tỏ rồi tình lại bớ người!

Mượn thân tu-niệm huệ khai.

Không còn mù-mịt đọa-đày bao vây!

Lý vô-thường ai bi chê-chán,

Khi giác rồi soi-sáng lấy mình,

Để mà phục-bổn chơn-linh,

Đến khi dứt nghiệp hữu tình còn đâu!

Lý vô-thường mưu cầu thêm quả,

Phải trói trăn sa-đọa đời đời…

Làm sao tri ngộ lý lời?

Phật Tiên giáng thế ở nơi cảnh này.

Vì tình-thương chuyển xoay đạo cả,

Lấy lời lành giục-giã người mê,

Tỉnh tâm hồn nọ quay về,

Niết-Bàn tự-tại nhàn quê của mình.

Xin mời Đại-huynh.

XTC:
BÀI

Bởi vô-thường mới sanh sự khổ;

Do vô-thường thố-lộ đạo-mầu;

Vô-thường càng nghĩ càng đau:

Dinh-hư tiêu trưởng ta nào tồn lâu!

Bởi vô-thường khổ-đau đau-khổ!

Bởi vô-thường mới có lời này.

Con người khi tỉnh lúc say,

Vô-thường nào biết an bày thế-thiên!

Khi hợp đặng nhân-duyên trần thế,

Tưởng rằng lầm mắc kế khổ than!

Vui vầy sum-họp đàng-hoàng,

Vô-thường chữ tử kéo sang âm-phù!

Đã biết thế hãy tu tỏ ngộ,

Có thân này sống chỗ trược nhơ.

Đừng bao giờ phải hững-hờ!

Tri nguyên trực-ngộ Đồ-thơ gieo-truyền…

Vì có thân là duyên tiền kiếp,

Còn vô-thường chuyển kiếp về sau,

Thiên-hình vạn-trạng muôn màu,

Nào ai biết trước việc nào hay đâu?

Phải không Đệ?

THI

Vô-thường vật đổi với sao dời,

Luân-chuyển muôn đời khổ lắm ơi!

Mãi kiếp trần-gian bao hối-hận!

Tu hành trực ngộ lánh tuồng đời.

BÀI

Rượu tiên thiên mời đây mấy chén,

Hãy uống vào đè nén tâm tư,

Trần-gian tăm tối mịt-mù,

Khổ đau thân giả phàm phu đêm ngày!

Đường trần-gian dặc-dài đau-khổ!

Đã biết rồi tự độ linh-hồn,

Đệ ơi! Tiếp diễn lời ngôn,

Lão đây xoay chuyển bảo-tồn Như-Lai.

Đạo chí-quyết hoằng-khai sáng tỏ,

Cứu đời tàn thoát khổ phong sương!

Vì đời đã mất kỷ-cương,

Đắm-chìm vật-chất chẳng nương tu-trì….

Thế cho nên suy-vi đạo-pháp.

Trong tam-kỳ tháo-vác là ai?

Đạo-mầu mà muốn hoằng-khai,

Tìm chơn chánh-giác ra tay dắt-dìu!...

Nhưng phải biết trương chiêu giả hợp,

Lý nhân-duyên trụ-cột y-hành…

Vô-thường biến đổi trưởng sanh,

Oại-oằn thống-thiết tan-tành gió mưa!

Vì đời mãi thích ưa cảnh giả,

Nên giờ này lã-chã châu rơi,

Đạo thời chẳng nói ra lời,

Tùy cơ ứng-biến vậy thời việc xong.

VĂN BIỀN NGẪU

Nhân-duyên thấu-triệt trong lòng, bởi do tiền kiếp Đạo để dành. Vì bởi thế Tam-Thanh điễn giáng, độ cho người giải nạn phù sinh, Đạo không có vẽ ra hình, ai nhìn thấy đặng bởi minh trong lòng. Đạo thời chỉ một cái vòng, âm-dương chẳng có nằm trong nghiệt đài. Thì đâu có hoằng-khai chơn-lý. Bởi con người buông nghĩ mông-lung, cho nên Đạo phải đem dùng, tùy căn sâu cạn trùng-phùng hiệp nhau. Đạo không nói thấp cùng cao, cứu người khách tục đi vào huyền-linh, đạo đâu có tử hay sinh, đạo nào sắc-tướng không kinh cứu đời. Tùy nhân-duyên ra lời mặc khải, để cho trần tỉnh lại mau mau, để người khách-tục rèn-trau, tu tâm sửa tánh lố màu Như-Lai. Tâm-kinh Bát-Nhã huệ-khai, huệ thông chánh-kiến thiên đài hòa trung, đời thường tranh cạnh vật dùng, đạo “KHÔNG” tất-cả tận cùng lý chơn, vì mê có giác mất còn…. Không mê chẳng giác bảo-tồn Mâu-Ni, vì mê mới sợ sanh ly, giác rồi chẳng ngại thực-thi tu-hành, vì mê vật-chất tranh giành… không mê tu-học trọn-lành điễn thiên, Lão đây lời nói gieo truyền, thậm-thâm bí pháp khai-nguyên tam-kỳ. Đường trần-gian càng đi càng lún, nếu tỉnh rồi diệu-dụng mò lên, quả công hãy gắng đắp nền, công-phu tinh-tấn mà quên chuyện ngoài. Để trọn tu hoa khai kiếp-tánh, mùi đạo lòng sáng ánh huyền-vi, đạo tâm hãy rán thực-thi, Huyền-thiên trợ điễn mà phi tưởng lòng. Đạo thinh hư không không tất cả, đạo diệu-hòa không tả đặng đâu, đạo thời bí-nhiệm càng sâu, càng đi càng thấy leo cao trong lòng. Vạn-thù qui-nhứt tam-tông. Vòng tròn vẽ lại chơn-không y-hành. Vì tán đi nên sanh cảnh giả, nay qui thù tất-cả vào trong, thì tâm đạo mới tròn thông, nếu mà vẽ mãi không xong đạo lòng, vì một âm một dương hiệp lại, sanh bốn nhà tê-tái lòng Cha, bởi vì cứ tán gây ra. Ngày nay hiệp lại ta hòa khắc sanh. Gắng qui-thù để dành chơn-khuyết, chỉ một vòng lưỡng hiệp âm-dương, không còn nói ghét hay thương, không còn cười khóc vấn-vương tình đời. Vì bởi nhiễm xa rời tư-tưởng, không dính thời chẳng vướng bùn nhơ, phải mau lịch-lãm Đồ-thơ, dùng trong Bát-quái đúng giờ thiên-ban. CÀN trong sanh lửa Nhãn-tàng, diệu-kinh chơn-khuyết Kim-cang nội hành. Hòa với KHẢM tan tành mưa gió, để độ hồn mới ngộ lý-chơn, vì đời giành mãi chữ còn, đạo thời hãy mất mới tròn công-phu. Đời thường suy-nghĩ mịt-mù, Đạo lòng đã phát đi từ bên trong, vì sét CHẤN gây lòng đau-khổ, lửa CẤN già không độ được hồn, ngày nay muốn độ được hồn; Khảm, Ly ký-tế vĩnh-tồn thâm sâu. Đạo thường không nói tròn câu, tròn thời đâu nghĩa thật cao vi-huyền. Đạo đâu có chữ tiền mua đặng, cũng không dùng vật - chất bán - buôn, nhưng mà chỉ có một khuôn… đem vào y vậy một luồng điễn-thiên. TỐN thời là gió chẳng hiền, thổi vào lạnh lẽo ngồi yên đặng nào! Vì lửa lòng chao-vao mới khổ, đem nước thần để độ tắt đi, đất kia hãy dụng chữ LY, điền vào ba phát Mâu-Ni nội hành. Cây Bồ-Đề trưởng sanh mộc thảo, động Đào-nguyên rốt ráo mà đi… trong lòng tu-học từ-bi, tình-thương ban-rải mầu-vi hòa đời. Này Đệ ơi! Bao lời đã nói, để đệ hiền cùng lối mở ra, cùng nhau con của một Cha, độ đời phải gắng ta-bà khổ đau! Dù cho thân xác héo xào, nhưng lòng thiết- thạch rèn trau tâm từ. Vì có khổ “An-Lư Lập-Đảnh”, diệt khổ rồi trọn hạnh từ-bi, nào còn có cảnh sanh-ly, diệt đi tử-biệt kéo-trì đặng đâu! Thì đâu nói Đạo thấp cao, không không huờn lại một màu không không. Không trong không sáng chớ không, không đen, không tối trong vòng “hư-vô”.
Đó, Đệ hiểu ý Lão nói không?
P.N: Bạch Đại-huynh tiện Đệ hiểu ý!

XTC:
TR ƯỜNG THIÊN

Đệ ơi! Uống rượu bày phô,

Đệ tường lý Đạo điểm-tô trọn lòng.

Đạo-mầu đâu có tam-tông,

Gượng lời mà nói trong vòng khắc sanh.

Vì đời trong lý Ngũ-Hành,

Mượn thân giả-tạm mà thành “CHƠN-KHÔNG”

Cho nên Lão vẽ cái vòng;

Cái vòng “vô-cực” chấm trong một đường!

Để mà phối-hợp Âm-Dương;

Âm đen, Dương đỏ bốn phương sanh liền.

ĐÔNG, TÂY, NAM, BẮC khôn-kiền,

Để xoay Bát-quái, định yên trong lòng.

Đó là “TỨ-TỔ QUY TÔNG”

Nối hai đen đỏ hiệp vòng CÀN-KHÔN.

Trung ương MỒ-THỔ độ hồn,

Phát sanh sức nóng bảo tồn Chơn-Linh.

Để mà đi trọn HUỲNH-ĐÌNH,

Đó là mấu chốt trưởng-sinh đạo-mầu.

Đường tu không nói lâu mau,

Tùy căn-cơ thấp hay cao tỏ-tường.

Chữ tu chẳng nói ghét, thương,

Nhân-duyên hiểu đặng phô-trương đạo mầu.

Giờ Đệ lai-rai với Lão hay Lão đọc xướng một mình?

P.N: Giờ Đại-huynh tiếp luôn!...

XTC:

Vì âm-dương sanh ra cuộc sống,

Thế cho nên lắng đọng tâm-tư,

Đừng thường than-thở bấy chừ!

Đó là lý-lẽ đi từ nhân-duyên.

Như Lão đây vì duyên kiếp trước,

Trọn tu-hành mới được hôm nay,

Đệ huynh ta hãy lai-rai,

Độ đời cứ mãi hoằng khai chánh-truyền.

Đạo tùy lúc, tùy duyên khai-ngộ,

Đạo tùy thời mới lộ thiên-cơ,

Lão đâu có để hững-hờ,

Bởi thương trần thế còn ngơ trong lòng.

Biết nó giả tròng vòng cái giả,

Gỡ không ra lã-chã châu-rơi!

Biết rằng cái giả cuộc đời,

Nhưng mà Đệ diễn ôi thôi! Thảm sầu!

Phải không Đệ? Lão nói như vậy Đệ thấy sao?
P.N: Đại-huynh nói đúng như vậy!
XTC: Đó, biết nó giả mà không gỡ đặng, phải không?
P.N: Đó là cái nghiệp, mà biết nghiệp mình, cố chuyển nghiệp cũng giải đặng. Cũng như xưa kia Đại-huynh KHƯU-TRƯỜNG-XUÂN biết nghiệp mà có ý-chí cũng giải nghiệp đặng!
XTC: Biết nó như vậy mà cũng khó là bởi vì do cái lý nhân-duyên. Đó là do Lão nói cái lý-nhân-duyên.

THI

Ác tà lặn bóng tuổi đời cao,

Sanh tử thường khi chẳng hẹn nào!

Biết thế thanh lòng mau trỗi bước,

Tu-hành vẹn chí hãy rèn trau!...

XTC: Đặng một hột Kim-đơn là như thế!
P.N: Tiên, Thánh, Phật cũng có một pháp thôi.
XTC: Phải không? Bây giờ Lão lấy cái đề-tài này Lão giảng để cấu-tạo Anh-nhi trong bổn sơ của người mẹ mà ra, trở về với cái “Khí Thái-Hư” huyền-huyền tẫn-tẫn ngày xưa.
Trong thân mình, ĐƠN-ĐIỀN là chỗ quan-trọng chánh yếu đó Đệ, nó là cái lò để nấu thuốc đó!

BÀI

Lão ngâm bài thuyết vào cảnh giả,

Tùy nhân-duyên hối-hả tu-hành,

Tùy mà cây Đạo trưởng sanh,

Đơm hoa kết trái Tam-thanh điễn lành.

Cảnh phù du hôi-tanh trược-cấu,

Ở trong đời nung-nấu mới hay,

Mượn thân giả-tạm đêm ngày,

Để tu thiệt-tướng hoằng-khai trong lòng.

Kiếp trăm năm thật không chờ đặng,

Cái thân này lận-đận lao-đao,

Khi còn thơ-ấu biết nào!

Lúc lên khôn-lớn nhập vào đời mê.

Bao nhiêu cảnh ê-chề cuộc sống,

Đã nhiễm rồi không chống đặng đâu,

Càng đi càng bước càng sâu;

Càng đi càng đến mịt-mù chơn-linh!...

Vì dòng đời Lão nhìn tê-tái,

Còn thói đời nghĩ lại gớm-ghê!

Đường đời Lão học ê-chề!

Ngày nay Lão nói thuyết về nhân-duyên.

Như mối tơ kéo liên chặt lại,

Tự do mình chí phải tháo ra,

Đời thời càng bước càng xa,

Càng mê càng chán phải qua não-nồng!

Ôi! Ái-hà sống trong cảnh khổ!

Tứ đại này trong chỗ nhớp-nhơ.

Thuở kia đâu hẹn đến giờ!

Tử thần kêu gọi ôi thôi! Thảm-sầu!

Lúc xuân-xanh ta nào nghĩ đặng!

Nhưng tuổi già thì chẳng suốt thông,

Tay run, gối mỏi, lưng còng,

Mắt mờ, tai điếc, lòng không tỏ-tường !...

Nên nghĩ thế mà thương trần-tục,

Lão nói ra bao phút thở-than,

Chỉ thương cảnh giả trần-gian;

Nghĩ rằng nó thiệt mà mang vào lòng!

Khi có hợp ta không nghĩ lại,

Cảnh biệt-ly tê tái lòng người,

Lúc nào ta bỗng chợt cười,

Đến khi khóc mếu ôi thời thở-than!

Lúc phú-quí vinh-sang chỉ nghĩ!...

Khi thất thời mất vị công-danh,

Ôi thôi! Cuộc sống tan-tành,

Gây ra chán-nản mà sanh trong lòng!

Đã biết thế mà không cạn nghĩ,

Đường tu-hành trực-chỉ giải-đau!

Trường đời đã học làm sao?

Ngày nay hiểu lại đi vào thiên-thư.

Đường giải-thoát từ-từ mở rộng,

Sống trong đời trống rỗng tâm-tư,

Thì đâu ý nghĩ mịt-mù,

Chơn-linh tỏ-ngộ Đại-Từ liễu thông.

Phải không Đệ? Thì giờ mình trực-giác, thì cái chuyện sanh tử đối với mình không có gì chướng-ngại, dù sanh hay tử mình cũng giải-thoát rồi, không sợ; dù đói hay no mình cũng đã giải-thoát rồi, không sợ đói mà cũng không nghĩ đến lúc no. Thế cho nên, đã hiểu rồi thì cảnh đời này là giả hết, mà đã nói cảnh giả thì phải hiểu thế nào là giả, phải không?
Không giữ được nó thì nó là giả, nếu giữ được nó thì nó không phải là giả, bây giờ mình giữ cái gì đây? Mình giữ cái gì thật của mình, mình mới giữ đặng.
P.N: Mình giữ cái chơn-tâm.
XTC: Phải không? Cái không thấy mới là cái thật còn. “hữu hình hữu hoại” mà thôi.

BÀI

Cho nên khi đã hiểu rồi,

Ta nay hãy rán tô-bồi công-phu.

Đừng đắm tục mờ lu chơn-tánh,

Đừng mê-lầm trong cảnh khổ-đau,

Làm cho tư-tưởng dạt-dào,

Biết rằng giả tạm làm sao thoát vòng?

Nay gắng bước nội-công luân-chuyển,

Đốt âm-phù tinh-tiến luyện-đơn,

Ngày đêm nung-nấu không sờn,

Tâm không thường-trụ mót-bòn quả-công.

Tu làm sao đứng nằm cũng vậy,

Tu làm sao đào-thải trược trần,

Tu sao chẳng nghĩ đến thân,

Không trong nóng, lạnh, mười phần xum-xuê.

Bây giờ tới Đệ lai-rai một chút đi!

P.N: Giờ tới Đệ, nhưng thỉnh Đại-huynh tiếp…

XTC:
BÀI

Kỳ mạt-pháp vô-vi vận-chuyển,

Rải ân-hồng thiên-điễn trợ duyên…

Ai người tỏ-ngộ tinh-chuyên?

Trau tâm sửa tánh mở xiềng trái-oan!

Tu phải biết sang-ngang bể-tục,

Dòm vào trong chơn-thức khai ra,

Để mà trừ quỉ với ma,

Không còn vướng bận Diêm-la buộc-ràng.

Tu như vậy Kim-Cang yếng sáng,

Phá vô-minh tỏ-rạng đạo-mầu.

Gìn lòng triết-luận cao-sâu,

“Hồi-quang phản-chiếu” não-sầu tiêu vong.

Người tu-học thanh-lòng tự-tại,

Dứt bợn trần thơ-thái tâm-cang,

Đó là lên Bát-Nhã thoàn,

Không còn chìm-đắm trần-gian não-sầu!

Tu hãy rán quay đầu trực-giác,

Dùng thanh lòng mới đạt lý-chơn,

Không còn thương, ghét, giận, hờn.

Thất-tình lục-dục nào còn trưởng sanh!

Kỳ mạt-pháp đã dành thiên-điễn,

Để người trần ai khiến quầy tu,

Mau mau hiệp lại Đại-Từ,

Long-Hoa chuyển-biến ôn-nhu can-cường.

Còn ba phần trọn đường giải-thoát,

Bảy phần trên đã lọt đi rồi,

Người nào trực-giác năng ngồi,

Khai truyền tu-học tô-bồi chánh-chơn.

Phục-linh tánh huờn-đơn nhứt-bổn,

Hoát Mâu-ni xa chốn Diêm-phù,

Đó là mới trọn người tu,

Dù cho cảnh giả không gì gạt ta.

Ôi! Lão đây nói ra mặc khải, …

Nhưng người đời nào phải nghe theo,

Sau này vướng cảnh hiểm-nghèo,

Chớ đừng trách Lão héo xèo tâm-can!

Vì oan-nghiệt dấy loàn trần-thế,

Cơ trả vay chuốc lệ điêu-tàn!

Diệt-vong sát-phạt lan-tràn.

Bởi do ác tặc đã mang bên lòng.

Lão vì thương lời không thú-thật,

Để người đời đừng mất tánh linh,

Rán tu mà độ cho mình,

Khai-truyền chơn-giáo huyền-minh trong lòng.

Để thoát cảnh não-nồng nhân-thế,

Giải-âm rồi hiệp bệ kim-giai,

Để mà đường đạo hoằng-khai,

Không trong cơn họa có ngày đến vây.

Cơ sát-phạt do Thầy chỉ-giáo…

Hội phong-thần lục-đạo tiêu-tan,

Lão càng nói đến nát-tan…

Thương đời giáng điễn thở-than Đệ hiền!

Vì thương đời gieo-truyền Đạo-lý;

Vì thương đời không nghĩ chuyện chi,

Mở ra chơn-lý huyền-vi,

Hợp thành tôn-giáo, thực-thi cứu đời.

Đẩy chiếc thuyền ra khơi vượt sóng,

Mà vớt người chèo chống vào trong,

Đó là hiệp nhứt qui-tông,

Vớt người khách-tục não-nồng nắng mưa!

Thuyền đã đắp sao chưa độ khách,

Hỡi Đệ hiền! Có tách bến không?

Nhiều ghe chèo chống đầy sông,

Nhưng thuyền Bát-Nhã lướt dòng biển khơi.

Phải không Đệ?

Lão thăng chiều tiếp điễn đàn,

Đệ hiền hãy gắng Tâm an cứu đời.

Gieo chơn-lý mà khơi lố dạng,

Để cho đời tường hãn căn-nguyên.

Đạo Tâm hãy gắng gieo-truyền,

Bổn-nguyên nhứt khiếu tham-thiền giác Tâm.

Thôi giờ nầy thậm-thâm ra Pháp,

Lão thăng đàn để hạp Thiên-cơ,

Đệ ơi! Cứu thế đừng ngơ,

Vớt người khách-tục hững-hờ ra đi.

Thôi Lão thăng.

  Trở lại Mục Lục