Quyển Lịch Sử này nối tiếp quyển LỊCH SỬ ĐẠI ĐẠO TAM-KỲ PHÔ ĐỘ – PHẦN VÔ-VI, mặc dù thời gian khai diển của hai phần Phổ-Độ và Vô-Vi đi song song nhau.
Có thể nói khi phần Vô-Vi của đạo Cao-Đài xê dịch trong im-lìm sâu sắc của sứ mạng tâm pháp bí truyền giúp cho những nguyên căn tìm bề tự giác giác tha, thì một hệ thống tổ chức không kém phần trọng đại được phổ truyền sâu rộng trong quãng đại quần chúng với mục đích đem người đến chỗ tu học hầu tự cứu lấy mình cùng một lúc giác ngộ toàn thể nhân loại.
Đó là hai con đường đã đi song song nhau trong sứ mạng dẫn Người đến bờ giác của Đạo Cao-Đài. Tuy nhiên những sự gãy đổ ban đầu đưa đến những mâu thuẫn có tính cách làm lệch lạc nhiệm vụ cứu thế, khiến cho nền đạo hầu như đã bị chinh nghiên mà những trụ tâm cũng do dó mà mất hẳn tư cách
xây dựng tốt đẹp của buổi ban đầu.
Thật ra, đối với một tôn giáo, nền tảng cứu thế miên viễn không phải do một Người hay một nhóm người với thế-lực thế gian nầy dựng nên mà phải do bao nhiêu nguyên nhân lảnh sứ mạng nơi cõi Vô hình giáng thế tạo lập. Nhưng sự giáng trần của các Ngài lại hoàn toàn trong bí nhiệm không phải dễ dàng cho ai cũng biết được. Ta có thể nói cuộc đời là một trường thi mà đề tài là sự cảm thông giữa Người với Tạo Hoá. Cho nên, những đấng Cứu Thế bao giờ cũng tự mình nêu lên những thành quả của sự cảm thông kia mà dù đã khai giáo từ nơi đâu ta cũng đều thấy rõ.
Trong quyển 1, tôi đã tìm ra được chân tướng của vị Ngôi Hai với những thành quả cảm thông đã đạt được, mà một phần lớn tín đồ từ trước nay, do sự độc tôn vị lãnh tụ tư phương thuộc Chi Phái mình, hầu như không biết đến. Trong quyển này, tôi lại xin trình bày sứ mạng và công việc của những Vị có công thành hình cơ Phổ Độ ban đầu. Nếu chư độc giả xem tường tận, quí vị cũng sẽ nhận thấy như tôi, chắc không khác nhau mấy: một bên đức Ngô-minh-Chiêu, Chơn Linh của đức Cao-Đài có nhiệm vụ khai sáng và làm chủ phần Vô-Vi với những bằng chứng thành đạo tại thế không chối cải, một bên quí vị phò loan và các nhà khai cơ Phổ-Độ, có tính cách như những bàn tay sắp đặt của Vô hình để hình hiện những điều cơ bút chỉ dạy, đúng hơn là những nhân thân thị hiện phần Đạo pháp mới của đức Cao-Đài.
Qúi vị độc giả sẽ thấy trong quyển này cả một hệ thống tổ chức không kém phần sâu rộng và mới mẻ, không phải do sáng kiến của người phàm mà đã do sự chỉ giáo của Vô hình. Không một ai dưới thế gian này dám tự phụ cho mình đã làm nên mối đạo, hoặc dám tự xưng mình ngang hàng với đức THƯỢNG-ĐẾ CHÍ-TÔN trong cái nghĩa của đấng Cha chung vừa là Thầy của nhân loại.
Thế nên, với tư cách một hậu sanh tìm hiểu công việc của tiền bối, tôi chỉ dẫn chứng sau đây phương danh của các vị khai đạo và lãnh đạo hệ thống cơ Phổ độ mà không đề cập đến chức vị, bởi vì, theo tôi hiểu, chính vì những chức vị ấy mà nảy ra sự bất đồng thương tổn cho nhà đạo mãi đến bây giờ.
Tôi không do dự chép ra đây những sự thật đã xảy ra trong lịch trình diễn tiến nhà đạo, dù sự thật có làm người đọc phải hoài nghi về nền Chánh Pháp, tôi cũng không vì thế mà không dẫn chứng ra đây để làm cho sáng tỏ diệu dụng của các đấng Vô hình trong sự phối hợp giữa Thiên-ý và Nhơn-tâm.
Quyển sử này chỉ ghi lại sự việc của 12 năm đầu khai đạo. Nhưng không phải vì thế mà không bao gồm được tất cả phần chính yếu của căn bản giáo lý và hệ thống tổ chức nền Đạo. Kể từ năm Đại-Đạo thứ XIII nền Đạo cơ hồ bị phân chia không còn nguyên vẹn như buổi ban đầu. Cho nên cũng kể từ đó, Lịch sử nhà đạo đã trở thành lịch sử của các chi phái thành hình theo những nguyên nhân và sự kiện không in hệt nhau. Cho nên, tôi xin nhường cho các chi phái nối tiếp phần khai triển Chánh pháp đức Cao-Đài với những tài liệu của tư phương mình, không dám bày biện ra đây những tương-quan riêng rẽ của các chi phái dù cũng trong một mục đích bảo tồn cơ cấu cứu thế của đức Cao-Đài.
Quí vị không nên vội vàng đưa ra một kết luận sau khi xem hết quyển này. Nhà đạo chưa đến thời kỳ xương minh giáo pháp rộng ra cùng thế giới., nhưng những manh nha làm mầm mống xây dựng cơ Phổ-Độ đã dẫn ra đây củng đủ chứng minh tính cách bất diệt của căn cơ cứu thế rồi. Tuy nhiên, nhà đạo còn trong thời phôi thai nên không khỏi đượm màu nhân tính. Đó là phần khác biệt có thể làm lu mờ Chánh Pháp, nếu không có tính cách trầm lặng cao khiết do các nguyên căn lãnh hội Đạo Pháp thuộc phần Vô-Vi làm sáng tỏ ra.
Cho nên, trước khi đề cập đến phần Phổ-Độ, ta phải tìm căn cơ phát hiện Chân lý đạo mầu nơi phần Vô-Vi để quan niệm cơ cấu cứu thế của đức Cao-Đài một cách cụ thể đầy đủ hơn. Cũng do lẽ này mà tôi đã phân chia lịch sử nền đạo ra làm hai Vô-Vi và Phổ-Độ để hai phần sẽ bổ khuyết và
phụ giải nhau trong chơn truyền Đại-Đạo vậy.
Có người lại cho rằng trong đạo Cao-Đài, không có Vô-Vi và Phổ-Độ riêng biệt, mà chỉ có Chơn truyền và Đạo pháp đi đôi với nhau làm một. Nói thế có nghĩa là một người vừa tu theo hàng giáo phẩm cũng có thể vừa tịnh luyện để tạo Tiên tác Phật cùng một lúc. Tôi e rằng như thế chỉ lặp lại những đường lối của các Tôn giáo đã có trước. Đi tìm Vô-Vi trong sắc tướng, thì không khỏi những điều mâu thuẫn trong đường hướng tu học hằng ngày, khó mà thành tựu được.
Phần Vô-Vi và phần Phổ-Độ trong đạo Cao-Đài phải được xây dựng riêng biệt – nhưng không phải vì thế mà không có chỗ giao tiếp với nhau, mhư lịch sử đã dẫn chứng cụ thể trong quyển này – chính vì sự đòi hỏi của một nhân sinh trong hoàn cảnh thế giới xô bồ hiện nay cần đến, không thể lẫn lộn được. Dù ở trình độ tu học nào, bất hoặc thoát thai từ một lý thuyết Tôn-giáo nào, người đời đều nhận biết trong đạo Cao-Đài sự cứu độ đã không bỏ sót một ai. Con người đến mức độ được giải cứu những nguyên căn thì có phần Vô-Vi. Cho nên, tất cả mọi người ai củng có thể tìm trong đạo Cao-Đài một phương tự cứu thích hợp với phương vị của mình. Như thế mới đúng với tôn chỉ và mục đích của ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ trong cái nghĩa độ tận chúng sanh.
Viết xong hai quyển Lịch sử – Vô-Vi và Phổ-Độ – tôi đã rất sung sướng như đã trút được một gánh nặng. Tôi tự gnhĩ bổn phận của kẻ hậu sinh là phải biết ơn của các bậc tiền bối trong sứ mạng truyền Chánh-Pháp, nên dù khổ công đến đâu, tôi cũng không nản lòng. Tôi xin chân thành kính gởi nơi đây lời cảm tạ đến quí Vị Chức sắc Thiên phong và Đạo Tâm thuộc các Chi Phái đã giúp tôi tài liệu còn ghi trong đây.
Xin ghi ơn Anh lớn Thượng Sanh Cao-Hoài-Sang, Chị lớn Chánh Phối-Sư Hương-Hiếu thuộc Toà-Thánh Tây-Ninh – Quí vị Chức-Sắc và riêng Đạo-Trưởng Trần-chí-Thành – thuộc Hội Thánh Bến-Tre – và Anh lớn Trần-văn-Huế, Chủ-trương Hội Thánh Truyền-Giáo Cao-Đài, người đã giúp tôi rất nhiều tài liệu tản mác các nơi, Anh lớn Bảo-Pháp Nguyễn-trung-Hậu, người mà tôi được hân hạnh đón nhận bài tựa quyển Lịch-Sử –
Phần Phổ-Độ này.
Công việc sưu tầm tuy nhiên còn nhiều trở ngại, nên không hoàn toàn đầy đủ cho lắm, vậy xin Quí Vị Tiền Bối có gì cần bổ cứu cho.
Kẻ hậu sinh này đang chờ đợi những lời chỉ giáo hầu xây dựng cơ cấu đạo sử được vững bền tốt đẹp hơn.
Rất mong thay !
Miền Nam nước Việt mùa hè Đại-Đạo XXXVI (6-1961)