TỰA của Cố Bảo-Pháp Nguyễn-Trung-Hậu
Tôi hân hạnh được ông Đồng-Tân trao xem bản thảo quyển LỊCH-SỬ ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ của ông trước tác để nhờ đề tựa.
Tôi tưởng không cần phải biết rõ tác giả thuộc Chi-Phái nào, mà chỉ nhận-chân ở ông một nhân-vật ưu tú trong Đạo giới và cùng một tín ngưỡng như tôi.
Sở dĩ ông cậy tôi đề tựa là vì tôi, tuy kém tài kém đức, vốn là một trong những người có chân trong Đại-Đạo từ buổi sơ khai (Bính Dần: 1926).
Đọc kỹ bản thảo từ đầu đến cuối, tôi nhận thấy tác giả dày công sưu tập nhiều sử liệu đích xác được lưu giữ do các bậc tiền bối trong Đạo ở các Chi Phái. Ông đã khéo sắp xếp lại mọi sự kiện có thứ lớp theo thời gian, dưới một ngòi bút khách quan.
Tập sách này, khi được đem phổ biến sâu rộng, sẽ giúp ích đáng kể, không những riêng cho những người trong Đạo, mà còn cho cả người ngoài đời được biết rõ nguồn gốc và cơ cấu tổ chức của ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ là một Tôn giáo do Đức NGỌC-HOÀNG THƯỢNG ĐẾ dùng huyền diệu cơ bút khai sinh ngay tại nước nhà.
Với tư cách cá nhân, tôi xin vắn tắt đôi dòng giới thiệu./
Gia-định, ngày 28 tháng 5 năm 1961
NGUYỄN-TRUNG-HẬU
Lời Thanh Minh
Năm 1967, tôi đã xuất bản quyển sách thứ nhất nói về LỊCH-SỬ CAO-ĐÀI ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHÔ-ĐỘ, giới hạn trong phần VÔ-VI.
Với tư cách một Tín đồ cũng là người nghiên cứu về nền Đạo, tôi đã phải lặn lội để sưu tầm tài liệu khắp nơi để được diện kiến những nhân chứng lịch sử mà hình như ít ai để ý tới.
Ngay khi mới ra đời, quyển sách đã được sự chiếu cố lân mẫn của mọi giới trong và ngoài đạo. Các Hội Thánh như: Tây-Ninh, Bến-Tre, Tiên-Thiên, Truyền giáo (Trung-Việt) đã được thông tri về sách này, vốn do một cá nhân tín đồ biên soạn, nhưng không phải là không có một tầm quan trọng tối đa khi mà từ trước nay chưa có một tác phẩm nào nói lên tiếng nói trung thực vô-tư đối với Cao-Đài.
Dù dư luận quốc nội đã đến như thế nào, quyển sách cũng đã vượt qua khỏi biên giới Việt-Nam để gây một niềm phấn khởi cho giới trí thức ngoại quốc trong sự tìm hiểu về đạo Cao-Đài.
Để chứng minh điều này, tôi xin lược kể phương danh của những nhà trí thức thuộc giới đại học quốc tế hoặc đã biết tác phẩm của tôi tại nước Việt-Nam hay tại nước họ để có những dịp trao đổi với tôi qua những công cuộc sưu tầm nền Tôn giáo mới từ khi cuốn sách ra đời đến nay.
Có thể kể đầu tiên là ông R.B.Smith, Giáo sư trường Viễn Đông và Phi-Châu thuộc viện Đại học Luân-Đôn. Trong một tập san thuộc viện Đại-Học Luân-Đôn, ông đã căn cứ một phần lớn vào tác phẩm lịch sử để viết loạt bài An Introduction to Caodaism of London. Vol. XXXIII. Part 2-1970) trong đó có câu: ((The most important words used are a history of Caodaism by Đồng-Tân, of which the first volume appeared in 1967………..)) (Tác phẩm quan trọng nhất được dùng là sách Lịch sử đạo Cao-Đài của Đồng-Tân mà quyển I đã xuất bản năm 1967.…..) Từ đó, cũng do Đại học đường Luân-Đôn, giáo sư Jeremy Davidson đã đến Việt Nam tìm tôi, và sau khi được tôi nhân danh Chủ-Tịch hội Văn-Hóa Cao-Đài hướng dẫn đến viếng các Hội Thánh trong Đạo, đã đặt 200 câu hỏi về giáo điều,
hệ thống và triết học Cao-Đài mà tôi đã có dịp trả lời trên Nhựt báo TIẾNG VIỆT năm 1970.
Đó là phía Âu-Châu. Về phía Mỹ-Châu có thể kể ông Thomas E. Dutton, một sinh viên ký giả trường Clarmont Men’s College thuộc Đại học California đã qua sự trung gian của cuốn LỊCH SỬ để tìm tài liệu nơi tôi và viết tập CAODAISM AS HISTORY, PHYLOSOPHY AND RELIGION sau khi nhờ tôi giải đáp 31 câu hỏi về Triết học Cao-Đài mà trong bài tục tâsp này ông đã gọi (my not alway easy questions) (những câu hỏi không phải lúc nào cũng dễ giải đáp của tôi). Cũng từ ngả nầy, mục sư Victor L.Oliver, một nhà nhân-chủng-học viện Đại học Nữu-Ước đả tìm đến trụ sở hội Văn-hóa Cao-Đài nhờ tôi hướng dẫn đến Hội Thánh trong đạo với mục-đích sưu tầm tài liệu để soạn thảo một tác phẩm về đạo Cao-Đài cho viện
Nhân-Chủng-Học Nữu-Ước và xuất bản tại Hoa-Kỳ (1)
Chính do sự đòi hỏi của những nhà trí thức trong nhu cầu tìm hiểu mối đạo mới phát xuất từ Á-Đông ; vốn vẫn còn xa lạ đối với người ngoại quốc ấy, mà đã viết xong từ năm 1961 với bài tựa của cố Bảo-Pháp Nguyễn-Trung-Hậu đến nay, tôi mới có dịp để cho xuất bản quyển LỊCH SỬ thứ hai nói về PHẦN PHỔ ĐỘ NÀY, dù đã nhiều phen do dự bởi những sự kiện lịch sử phức-tạp và tế-nhị mà người ngoại cuộc có thể hiểu lầm cho cơ cứu thế của đức Cao-Đài. Dù sao thì sự thật cũng không thể nào che đậy khi nó đã làm nên lịch-sử trong một giai đoạn mà những nhân chứng không phải mất hút đi trước sự tìm tòi của những nhà nghiên cứu. Có những sự xảy ra trên đời này trước mắt mọi người chỉ là những thường tình thế gian, nhưng dưới sự quan sát của những nhà đạo học lại bao hàm một ý nghĩa cần thiết trong sự tiến hóa chung của định luật thành, trụ, hoại, không, của Vũ-Trụ.
Một điều mà soạn giả rất mong là chư tôn độc giả nên xem kỹ quyển I – Phần VÔ-VI (1) rồi hãy xem đến quyển II- Phần PHỔ-ĐỘ này. Tuy chia làm hai phần nhưng chính là một, và hai phần này hỗ tương mật thiết với nhau trong căn cơ thể của đức Cao-Đài, nếu thiếu đi một phần tức là đạo Cao-Đài đã không đầy đủ được những yếu tố cần thiết cho mối đạo trong đó phần THIÊN và NHÂN phải phối hợp nhau hay nói một cách khác là chính hai phần VÔ-VI và PHỔ-ĐỘ TRONG ĐẠO Cao-Đài khi nhìn nhận nhau mới làm tròn sứ mạng ((DUNG HỢP TÂM-LINH CON NGƯỜI VỚI TÂM-LINH VŨ-TRỤ)) vốn là nguồn gốc của nền đạo-học xưa và nay vậy.
Sọan giả nghĩ rằng dù Tôn-giáo nào cùng giống nhau buổi ban sơ. Đó chính là tính chất đồng nhất của các Tôn-giáo. Bởi vì chỉ có cuộc sống tâm linh của vị Giáo Chủ – hay của người tín đồ đầu tiên theo nghĩa hiện nay. Còn những tổ chức bề ngoài chỉ là phần phụ thuộc tùy theo căn cơ của mỗi người có thể lãnh hội được phần nào ý nghĩa trong đó mà thôi.
Tôi thiên về Vô-Vi chăng? Nhưng tôi đang thuộc phần Phổ-Độ. Tôi có bổn phận phải tìm cho đến nguồn cội mối Đạo mà tôi rất lấy làm vinh hạnh đón nhận sự cứu rỗi từ ngót 40 năm nay.
Xuất bản được bộ LỊCH SỬ đạo Cao-Đài, tôi đã thở được một hơi dài nhẹ nhõm vì qua bao năm cưu mang một hoài bão đến nay, tôi rất hảnh diện đã đạt được một phần sức nguyện cầu trong tâm khảm của mình.
Tôi đã rất sung sướng khi nghĩ rằng những bậc Tiền Bối của tôi hoặc đã về trên Thượng giới, hoặc hiện còn lân mẫn nơi các Hội Thánh các chi phái, Vô-Vi hay Phổ-Độ, cũng đều không khỏi bùi-ngùi trước sự hy sinh kiên nhẫn của một đứa em chỉ biết phụng sự chung cho lý tưởng Đại-Đạo, lúc nào cũng tha thiết với tiền đồ Đại-Đạo, làm sao cho được rạng rỡ mới khỏi bõ công khai sáng của tiền nhân, mới khỏi phụ hồng-ân dắt dìu của Thượng-Đế.
Tôi cũng lại nghĩ rằng những thế hệ sau tôi cũng sẽ cùng một lý tưởng ấy, luôn luôn đạt danh dự của Đại-Đạo lên trên danh dự của chi phái, của cá nhân mình.
Ngày nào đạo Cao-Đài được thống nhất trong tinh thần xây dựng đúng nghĩa như buổi ban sơ đức Cao-Đài đã dạy, ngày đó những trang sử bi hùng lại sẽ được tiếp nối sau 12 năm khai sơn phá thạch
được ghi lại trong bộ LỊCH SỬ này.
Soạn giả nghĩ rằng ngày đó không xa, và trang sử đạo lại sẽ điểm những nét vàng son chói lọi huy hoàng khắp trên thế giới, như đã bắt đầu đón nhận niềm phấn khởi mới ngày hôm nay vậy.
Rất mong thay!
Viết tại Thủ đô miền Nam,
Ngày đầu Xuân Đại-Đạo 46
(Tân-Hợi – 1971)
ĐỒNG-TÂN