ĐIỀU THỨ XXVIII
                                                             THÂN BỬU BỐ THÍ

        Văn Thù Bồ tát hỏi Đức Thế tôn: “Sao gọi NHỨT THÂN THẤT BỬU BỐ THÍ?”.
        Đức Thế tôn nói: “ Chẳng ham, bỏ đi nghĩa là BỐ THÍ. Mắt chẳng ham xem những việc hoa hòe cùng là sắc đẹp. Vậy mới gọi rằng “Sắc bửu bố thí”. Tai chẳng ham nghe những tiếng vui vẻ là “Thinh bửu bố thí”. Mũi chẳng ham ngữi những mùi thơm tho là “ Hương bửu bố thí”. Thân chẳng hề ham mặc những đồ tốt là “Xúc bửu bố thí”. Lưỡi chẳng hề ham những đồ mỹ vị là “ Vị bửu bố thí”. Ý chẳng muốn ham lợi danh, ân ái là “Pháp bửu bố thí”. Tánh chẳng hề tham các việc vui đẹp nơi trong thế gian là  “Phật bửu bố thí”. Nếu người rõ biết, trong mình có thất bửu nên dùng bố thí, rất đặng phước đức, hơn là thế gian dùng đồ thất bửu: kim ngân, lưu ly, trân châu, mã não, san hô, hổ phách, mà đem bố thí trăm ngàn muôn phần so chẳng bằng một”.

ĐIỀU THỨ XXVIV
VƯƠNG XÁ THÀNH

        Văn Thù Bồ tát hỏi Đức Thế tôn:
        “ Sao gọi là VƯƠNG XÁ THÀNH?” 
        Đức Thế tôn nói:: “Tâm thuộc là , Tánh thuộc là vương. Thanh tịnh trai giới là thuộc vách thành. Lục căn là thuộc lục bộ tể tướng. Lục  trần là thuộc lục tặc cường lương. Lục thức là thuộc lục môn xuất nhập. Ngũ dục là thuộc ngũ đạo tỉnh khanh. Thấy, nghe, hiểu biết là thuộc trụ quốc. Tứ tướng tể quan đồng tá tánh thổ. Thân là nhà nước. Tánh thiệt là vua. Hễ một lần ra ngồi nơi nhà tâm, hằng có lục thần cùng là tứ tướng cũng đồng quốc chánh, y nhau một lẽ.
        Nếu tánh là vua, vua mà có đạo, chẳng thuận tình riêng; hữu công thì thưởng, có tội thì phạt hành đạo theo trời, dầu thác không hờn dường ấy chánh hình hay khiến tại ngoại thành vách kiên cố, sáu cửa dè dặt, lục tặc chẳng khởi, tại nội lục thần đều được thanh chánh, tứ tường thể công chẳng dám tác tệ, trong ngoài như một. Tánh thổ thái bình, nếu tánh là vua, mà vua vô đạo, nghe  sàm dùng nịnh, lấy công làm tư, thưởng phạt bất bình, trên dưới quấy nhau. Tại nội lục thần đều nghịch nhau, tứ tướng tác tệ, tại ngoại sáu cửa, ải quan chẳng ngăn lục tặc khởi loạn, công phá vách thành xâm vào nhà nước bèn cướp công đức, phước hết, phép không, thân tâm sái nhau bèn chịu trầm luân. Bởi vậy cho nên trị thế hữu pháp, trị tâm hữu lý chẳng công, chẳng làm, chẳng chánh, chẳng lập giữ cho ngay thẳng, trong ngoài như một, trên dưới không lỗi, quần thần đạo hiệp Tâm Tánh viên minh, thân thể dùng chánh tánh thổ quân dân, đồng lạc thái bình cho nên mới gọi là Vương Xá thành”.

                           ĐIỀU THỨ XXX
                    PHẬT TÁNH NƠI MÌNH.

        Văn Thù Bồ tát hỏi Đức Thế tôn:
        “Sao gọi là TỰ KỶ PHẬT PHÁP?” Đức Thế Tôn nói: “Mình rõ nơi mình bổn lai chơn tánh, mình là Phật vậy. Phép ở thế gian, phép xuất thế gian, thông suốt không ngăn, pháp tự nơi mình. Tâm dùng lý dưỡng. Phật dùng phép phò;  bởi vậy cho nên vật thực dưỡng thân mạng.
        Đạo lý dưỡng huệ mạng, biết đạo bèn thông, bèn thành Phật đạo”.

                          ĐIỂU  THỨ XXXI
         QUAN ÂM THIÊN THỦ THIÊN NHÃN

        Văn Thù Bồ tát hỏi Đức Thế Tôn:
“Quan Âm Bồ tát sao gọi là:THIÊN THỦ, THIÊN NHÃN?”
        Đức Thế Tôn nói: “Nhãn chủ kiến tánh. Thủ chủ diệu dụng. Nếu người hiểu thông minh tâm kiến tánh, cũng đồng ngàn Phật kiến tánh nhứt ban nên gọi thiên nhãn đồng phóng quang minh. Trong thân tự tánh sanh ra diệu dụng cũng đồng thiên Phật diệu dụng không khác nên gọi thiên thủ đồng dùng làm vậy, mới thành hể dụng, hai diều linh hiển Viên Thông Giáo Chủ Quan Âm Bồ tát”.

                          ĐIỀU THỨ XXXII
                                  TAM ĐỘC

        Văn Thù Bố tát hỏi Đức Thế tôn”
        “Sao rằng TAM ĐỘC?” Đức Thế tôn nói: Ngu si ưa tà là một sự độc – Tham lam chẳng cùng là hai sự độc – Sân, nộ, tật, đố là ba sự độc.
        Ba sự độc ấy thiệt tam ác đạo, nếu người đều đủ ba độc ắt đọa tam đồ, mất một nhơn thân, muôn kiếp khó phục”.

                          ĐIỀU THỨ XXXIII
                                   TỨ ĐẠI

        Văn Thù Bồ tát hỏi Đức Thế tôn:
        “Sao là TỨ ĐẠI?” Đức Thế Tôn nói: “Địa hữu tánh kiên, thủy hữu tánh thông, hỏa hữu tánh diêm, phong hữu tánh động. Tại nhơn thân là tứ hòa hiệp mới đồng một thể. Da, thịt, gân, xương, kết thành một thân mới là địa đại. Tươi nhuận châu thân gọi là thủy đại. Khí ấm huân dung, ôn hòa châu thân goi là hỏa đại. Động chuyển làm ra, vận dụng nhất thân gọi là phong đại. Tứ đại điều hòa, nhứt thân an lạc.
        Tứ đại chẳng điều bèn sanh bịnh khổ nên gọi là tứ đại.

                            ĐIỀU THỨ XXXIV
                               HIẾU THUẬN

        Văn Thù Bồ Tát hỏi Đức Thế Tôn:
        “Sao là HIẾU THUẬN?”  Đức Thế tôn nói: “Hiếu là từ thiện, thuận là chẳng nghịch với điều chánh lý. Kẻ có hiếu từ chẳng hại sanh linh mà nuôi mình sống, chẳng dùng sự riêng mà gọi là công. Tôn trọng Tam bửu, kỉnh trọng cha mẹ, chẳng sai chẳng loạn, không thương, không ghét. Khuyên tất cả nhà đồng làm phước huệ, trong hòa, ngoài thuận, trên cung, dưới kỉnh, cha mẹ hiện tại tâm an thể lạc. Cha mẹ quá vãng, ly khổ về trời, mới là con hiếu, mới rằng cháu thuận. Nếu như đêm ngày sát hại tam sanh, dâng cúng ông bà, cùng là cha mẹ, vong hồn phải bị gia tăng tội nghiệp là đại bất hiếu. Sanh tiền đồng tạo, sau thác đồng đọa, cha mẹ, người dưng, hay là thân thích đồng nhau thù tạc cũng đồng liên lụy, cũng là một bọn đồng vào trầm luân, mất một nhơn thân, muôn kiếp khó phục”.

                            ĐIỀU THỨ XXXV
                        ĐIỀU PHƯƠNG TIỆN

        Văn Thù Bồ tát hỏi Đức Thế Tôn:
        “Sao là phương tiện?” Đức Thế tôn nói: “Hai chữ phương tiện nói sơ là có mười lăm thứ giống:
- Đệ nhứt phương tiện, chẳng nuôi loài súc cũng không nên giết.
-Đệ nhị phương tiện, chẳng ăn thịt thú cũng không uống rượu.
- Đệ tam phương tiện,chẳng tạo ra hèm cũng không đặt rượu.
- Đệ tứ phương tiện, chẳng xâm lăng nhau cũng không hại nhau.
- Đệ ngũ phương tiện, chớ chỉ sái đường, cho người lâm hại.
- Đệ lục phương tiện, chẳng nên đốt núi, không khá phá rừng.
- Đệ thất phương tiện, chớ nên oán trời, cũng không hờn đất.
- Đệ bát phương tiện, chẳng nên mạng thánh, không khá mạng thần.
- Đệ cửu phương tiện, chớ nên nói trược cùng là tục tỉu.
- Đệ thập phương tiện, phải lo tu nhơn cùng là tích đức.
- Thập nhứt phương tiện, giữ gìn, cần kiệm, phải cho biết đủ.
- Thập nhị phương tiện, kỉnh người tuổi tác, thương kẻ nghèo hèn.
- Thập tam phương tiện, trợ người gấp rút, cứu kẻ tai nàn.
- Thập tứ phương tiện, trau sửa tiền nhơn, vun trồng tiền quả.
- Thập ngũ phương tiện, chẳng hạng người dưng hay hàng thân thích, tế độ bằng nhau, cũng y một bực. Nếu người làm đặng mười lăm phương tiện được mười lăm giống thanh tịnh phước báu hằng sanh làm người, hưởng chữ khoái lạc”.

                        ĐIỀU THỨ XXXVI
                               HẢO TÂM

        Văn Thù Bố tát hỏi Đức Thế Tôn:
        “Sao gọi HẢO TÂM?” Đức Thế tôn nói: Hảo tâm hai chữ, không người làm được. Như thiệt hảo tâm làm điều lợi ích, đặng giúp cho người, chẳng cầu người trả; cho người vật chi, chẳng cầu trả quả; cúng dường cho người, chẳng cầu trả phước; giúp ích cho người, chẳng cầu trả ơn, bèn hạ cái tâm vừa lòng người muốn; những việc khó bỏ phải bỏ cho được; những việc khó nhịn mà nhịn cho được; những việc khó làm phải làm cho được; những việc khó cứu, phải cứu cho được; chẳng luận người dưng hay là thân quyến, tế dộ như nhau, làm việc chơn thiệt, chẳng phải miệng nói, dường thể đứa ngu, miệng nói hảo tâm mà tâm chẳng lành. Người hiền hằng làm những điều hảo tâm, miệng chẳng hề nói, tự nhiên như nhiên, giúp lợi cho người, củng chẳng hề cầu mình đặng danh tiếng mới gọi hảo tâm. Nếu bỏ một tấc mà cầu một thước, giống trồng thì ít mà mong đặng nhiều, thiệt chẳng hảo tâm”.

                      ĐIỀU THỨ XXXVII
                 TRÍ – MÊ – NGU – NGỘ

        Văn Thù Bồ tát hỏi Đức Thế tôn:
        “Làm sao là TRÍ, làm sao là NGU, làm sao là MÊ, làm sao là NGỘ? Xin Đức Thế tôn từ bi giải rõ”.
        Đức Thế tôn nói:
+ Trí là biết. Hễ là người trí biết có Phật đạo khá tu! Biết có thánh giáo khá học! Biết có minh sư khá cầu! Biết có phước đức khá làm! Biết mình có tội khá xin sám hối! Biết có thế gian lo ra cho khỏi! Luân hồi nhơn quả như trời có ngày, như tối có đêm, hay thấy, hay biết, thiện ác báo ứng. Thấy biết thân sau bèn hay bỏ ác, kíp mau tùng thiện, cải tà qui chánh, lẽ quấy chẳng nói, sự quấy chẳng làm. Đạo quấy chẳng hành, vật quấy không dùng, hằng tưởng trung chánh, lần lần chơn thiệt, tích đức nêu danh, lưu truyền hậu thế, ấy gọi người trí.
        + Ngu ấy là tối vậy. Người ngu tâm ám, chẳng biết cao thấp, chẳng có Thiên đường, chẳng hay có địa ngục, chẳng tin có tội, chẳng biết có phước, chẳng tin luân hồi, cứ giữ một nẽo, tham huê, luyến tửu, sát sanh hại mạng mà ăn ngon miệng, chứa cho đầy bụng. Trong một kiếp sanh, sát hại trăm, ngàn, muôn, ức chúng sanh. Vậy thì phải trả trăm, ngàn, muôn, ức kiếp sanh tánh mạng mà thường mạng trước. Luân hồi gặp nhau, đua nhau, ăn nhau, không có kỳ rồi. Bởi cớ sao vậy?
        Cả thảy những loài: trâu, ngựa, heo, dê, cùng là chúng sanh đều có bà con, hoặc là người dưng, cùng là quyến thuộc, lành dữ lụy thế, đọa nẽo luân hồi, cải đầu đổi mặt, làm lại súc sanh. Người ngu giết ăn bèn giết nhằm cha, hoặc là mẹ mình, hay là quyến thuộc mà ăn thịt đành. Cha bị con giết, con bị cháu giết, luân hồi nẽo ấy, cha con chẳng biết, giết nhau ăn nhau, hoài hoài không thôi, mất một nhân thân, muôn kiếp khó phục.
        Người mê luyến thế, ham mê tửu sắc, theo nẽo lục căn, ham mến lục trần, dùng tánh khoái lạc, tà ngụy nhiều mối, điên đảo vô số; cứ ưa trước mặt mà dùng ăn uống, chẳng đoái thân sau. Chiêu ương tạp họa, mê chơn trục vọng, sau biết hiệp trần, dẩu gặp Thánh hiền, chẳng hay cứu độ, chìm hoài biển khổ, lâu mất chơn tánh, vào nẽo luân hồi muôn kiếp chẳng phục.
        + Ngộ là biết vậy, người biết rõ thông, tâm mình là Phật, tam nghiệp không dính, lục căn thanh tịnh, có điều phương tiện, không ta, không người, độ mình độ người, đồng thành Phật đạo. Tuy ở trong thế, chẳng nhiễm mùi thế, ngồi trong trần lao, chuyển đại pháp luân, hóa cõi ta bà, làm nước cực lạc; biến cõi Địa ngục, làm chốn Thiên đường, chỉ kẻ mê đồ đặng thấy tánh Phật, làm các việc Phật, độ thoát những kẻ, có tình có chí, giữ nẽo từ bi, thề cứu rỗi nhau. Nếu có chúng sanh, đặng cúng dường ấy, thửa đặng phước đức, như thể cúng dường, Tam Thế Chư Phật, công đức một bực. Bởi cớ sao vậy? Mình biết lấy mình và biết lấy người, gọi là thiệt biết. Thuyết pháp lợi sanh, thần thông diệu dụng, cũng y như Phật, khai hóa chúng sanh, rõ biết là Phật, hay chỉ chúng  sanh, thấy rõ biết Phật, hay dẫn chúng sanh, vào nẽo tri kiến, hay cứu chúng sanh, rõ thấy thành Phật là bởi nơi đây.

                         ĐIỀU THỨ XXXVIII
                CHẲNG TU, CHẲNG THÀNH

        Văn Thù Bồ tát hỏi Đức Thế Tôn:
        “Bạch Đức Thế tôn! Cả thảy chúng sanh đều có Phật tánh, bởi sao chẳng tu lại chẳng đặng thành?” Đức Thế tôn nói:
        “Chẳng phải chẳng thành, chình bởi oan trái, tội nghiệp rất nhiều. Bởi cớ sao vậy? Cả thảy chúng sanh mê muội, ngoan ác, tánh tình điên đảo từ thỉ chí chung, chẳng chưởng căn lành, cứ tạo ác nghiệp, oan oan dính nhau, nghiệp nghiệp truyền nhau, mầy chẳng tha tao, tao chẳng tha mầy, kết thành lưới nghiệp, dẫy đầy cõi thế cho nên vào ra trong nẽo tam đồ, vãng lai lục đạo, gặp nhau hoài hoài hại nhau, giết nhau, báo ứng đưa nhau, không có kỳ xong. Vả như: Vay trả đầy đủ, sanh trong đạo người lại không căn lành, chẳng gặp chánh pháp, dẫu mà đặng gặp, căn cùn, trí ám, trùng trùng ma chướng, chẳng chịu tấn công. Vậy nên chẳng thành Phật đạo chánh quả.
        Đức Phật Thế tôn kêu Bồ tát Văn Thù mà nói như vầy: “Chẳng giữ sát sanh, chẳng chừa thực nhục, đoạn giống từ bi. Chẳng bỏ lòng tham, chẳng chừa trộm cắp, đoạn giống phú quý. Chẳng bỏ điều quấy, chẳng chừa dâm dục, đoạn giống thanh tịnh. Chẳng bỏ vọng ngôn, chẳng chừa xảo ngữ, đoạn giống thành thật. Chẳng bỏ say rượu, chẳng chừa hôn mê, đoạn tuyệt hột giống thông minh trí huệ.
        Bởi vậy cho nên, ngũ giới chẳng giữ, dứt nẽo Thiên đàng. Ngũ giới giữ bền, dứt đường tam ác. Lành dữ nơi mình, mình làm mình chịu, chỗ ấy dùng sao? Ông tu ông đặng, bà tu bà đặng. Tu nhiều đặng nhiều. Tu ít đặng ít. Đồng tu đồng đặng, chẳng tu chẳng đặng. Nếu người kia tu, công quả đặng nhiều, người khác xin chia, thiệt là chẳng đặng. Người kia tạo tội, kẻ khác chịu thế cũng không đặng.
        Bởi vậy cho nên, muốn khỏi địa ngục phải trừ ác tâm. Muốn khỏi ngạ quỉ, trước bỏ tham lam. Muốn khỏi làm súc, chớ ăn thịt súc. Muốn đặng thân người, trước học hiếu từ. Muốn về Thiên đàng, phải trì ngũ giới. Muốn thánh Phật đạo, phải dụng minh tâm. Hễ tâm sáng láng, nhơn quả chẳng muội. Kiến tánh thời đặng, thành Phật khỏi nghi”

                      ĐIỀU THỨ XXXIX
                             LỜI THAN

        Văn Thù Bồ tát có than rằng:
        “Rất hay, rất giỏi. Thân người khó đặng, trung thổ khó về, chánh pháp khó gặp, tri thức khó thấy. Thân người khó đặng, nay đã đặng rồi. Trung thổ khó về, nay đã đặng về. Chánh pháp khó gặp, nay đã đặng gặp. Tri thức khó thấy, nay đã đặng thấy. Mỗi việc đều đủ, mỗi giống hiện thành, nếu chẳng phát tâm thì Phật khó cứu.
        Lúc nầy trong đạo mới phát tâm tu, những Tỳ kheo tăng và những Tỳ kheo ni, những vị sư ni và sư cô, rất nhiều vô số Thiên long bát bộ đều biết tự mình bổn lai tánh Phật. Cả thảy công đức cũng ở tâm mình. Thành tựu huệ thân cũng do nơi tâm. Cả thảy tứ chúng nghe Phật thuyết pháp đều đại hoan hỉ, tin chịu, vâng làm”.
        Đức Phật Thế tôn giảng đạo, đặt ra quyển kinh KIM CANG ĐẠI THỪA luận đã đủ rồi.

                                                                       CHUNG

 Trở Lại Mục Lục