ĐIỀU THỨ III
 GIẢI “TỨ CÚ KỆ”

        Văn Thù Bồ tát hỏi Đức Thế Tôn: “ Trong kinh Kim Cang, Phật hằng khen ngợi những kẻ thọ trì đặng tứ cú kệ.
        Lại nói như vầy : Nếu ngươi hằng dùng được tứ cú kệ mà đi diễn thuyết  gọi đặng phước đức hơn đem thất bửu mà dùng bố thí. Vả như: những đồ thất bửu cả đống, vun đầy, từ đông chí tây, từ nam chí bắc, tứ vi thượng hạ trong cõi hư không dùng bố thí, phước đó không bằng những kẻ thọ trì tứ cú kệ đẳng,  lại thêm nói rằng: “ Hơn phần ngày đầu, phần ngày lúc giữa, phần ngày sau chót, cho đến cả số, trăm ngàn muôn kiếp dùng đem thân mạng hằng hà sa số mà đi bố thí. Phước đó chẳng bằng.Tôi chưa hiểu rõ trong tứ cú kệ nghĩa lý ra sao? Xin Đức Thế Tôn từ bi giải rõ”.
        Đức Thế Tôn nói: “Cả thảy chúng sanh đều có Phật tánh, chẳng sanh, chẳng diệt bởi có kẻ mê cùng là người tỉnh, phải có kẻ thăng mới có người trầm. Bởi dùng cớ sao? Bởi kẻ chúng sanh hằng mê, chẳng biết nên đọa nhiều kiếp; còn các vị Phật thường biết, chẳng mê nên thành Phật hoài hoài, chẳng dứt. Nên có thiện nam cùng là tín nữ nguyện cầu Phật đạo, bước đến đường đạo, lập công bồi đức, quyền phân bốn cấp hiệu tứ cú kệ: một là không thân, hai là không tâm, ba là không tánh, bốn là không pháp.
        1/ - Sao gọi là “không thân”. Thân ấy cũng là phụ mẫu sở sanh, cũng là khí tức, cửu khiếu lưu thông, bởi giống chẳng tinh, hiệp thành thân giả rốt cuộc phải hư, thế nào cũng hoại.Nếu người trai lành cùng là gái tín có trí hiểu biết, xác thân đồ giả. Tuy là còn sống kể như chết. Mượn lấy thân giả học tu theo Phật là gọi “không thân”.
        2/ - Lại xem tâm mình chẳng sanh, chẳng diệt, rất sáng, rất linh, gặp cảnh như có, cảnh diệt lại không. Đây biết chơn tâm, không hề tưởng quấy, chẳng chịu đời đổi, giữ y chơn tánh gọi biết “không tâm”.
        3/ - Lại xem tánh mình, êm lặng, chẳng động, Thần tánh bèn thông, biến hóa vô cùng, oai linh rất lớn, sáng sáng, làu làu, mình biết, mình hay, hiển linh êm lặng, hằng giữ vô vi gọi biết “không tánh”.
        4/ - Lại xem đức Phật thuyết pháp giảng kinh là điều phương tiện, dẫn đường cửa pháp, như nước rửa bụi, dường thuốc trị bịnh là chứng tâm không. Đây là đủ pháp, bịnh thối thuốc trừ gọi biết “không pháp”.
        - Đây là nghĩa lý trong bốn câu kệ siêu phàm nhập thánh là đến cửa đạo. Xưa Phật Tam Thế nơi cõi Như Lai theo đây mà thành; mười phương Bồ tát y đây tấn bộ. Chỗ ấy dùng sao?
        - Biết ý câu đầu, giữ y nghĩa đó dụng công tu hành bèn chứng được quả Dự lưu Tu đà hườn.  Như biết được câu kệ thứ hai, giữ y nghĩa đó dụng công tu hành bèn chứng được quả gọi là Nhất lai Tư đà hàm. Như biết được ý câu kệ thứ ba, giữ y nghĩa đó, dụng công tu hành, bèn chứng được quả gọi là Vô sanh A la hán.
        - Đây là mở hoát các cửa đạo Phật. Nếu người giữ gìn hằng ngày đọc tụng, hay nghe, hay hiểu rõ thấy phép Phật, thông hiểu đạo Phật ắt đặng thành Phật; cho nên đặng phước hơn là những kẻ dùng đồ thất bửu (1) hoặc là thân mạng mà đem bố thí đã nói trên đây. Chỗ đó phước đức trăm, ngàn, ức phần cũng chẳng bằng một. Đức Phật Thế Tôn kêu Bồ tát Văn Thù mà nói như vầy: “Phật trước, Phật sau cũng đồng một thể, đều tại các người minh tâm kiến tánh, tu mà thành đó. Vậy là Phật tánh mỗi người đều có, chẳng kẻ nào không? Cũng bởi tại người chẳng đầu theo Phật, không hiểu nẽo tu nên chẳng thành Phật, là bởi cớ sao? “Không làm công Phật; nếu có cầu Phật dùng công theo Phật.
1 – Là phải chuyên dùng trai giới tinh nghiêm là nền đạo Phật.
2 – Phải đầu minh sư chỉ bày bí mật truyền nẽo công phu.
3 – Thức tỉnh tâm tánh mọi việc phân minh.
4 – Phải làm âm chất đắp bồi nơi gốc, bông mới tốt tươi.
5 – Kết được duyên lành, bèn theo cội tốt.

  1. Vàng, bạc, san hô, hổ phách, trân châu, xa cừ,  mã não.

6 – Hiểu rõ nhơn quả,chẳng chịu làm quấy.
7 – Đánh đuổi tà ma, xa lìa ngoại đạo.
8 – Dụng thông sự lý, chẳng dựa hữu vi.
9 – Dùng cho tinh tấn, tập đức hạnh Phật.
10 – Phải cho thông suốt mỗi phép tinh minh. Nếu người giữ được mười giống công đức đã nói trên đây, mau thành chánh quả. Văn Thù Sư Lợi! Ta muốn độ dứt chúng sanh đời sau; nhưng mà rốt phép những kẻ trung niên, có nhiều chúng sanh căn cùn trí yếu, Tâm hằng mê muội. Tánh lại say sưa, trí hằng tối muội, tình lại hôn mê; tuy có trai giới mà không trí huệ. Tâm ngu kiêu ngạo, thấy tà bèn ưa, chẳng chịu hạ tâm cầu kiếm minh sư, chỉ truyền chơn phép gắn giữ một nẽo, nhận dối làm thiệt. Hoặc là có kẻ dính theo kinh sách, nghĩa lý văn tự, hoặc ham tụng đọc cho đặng nhiều số; hoặc có nhiều kẻ học đặng một lời, biết được một câu bèn nói xét cùng, chưa đặng nói đặng, chưa chứng gọi chứng, công tu thì ít muốn đặng quả cao, người ấy ngu mê chẳng hạp ý Phật. Những người như thế mình gạt lấy mình, mình che lấy mình. Tuy là hột lành phải sanh trái dữ.
        Bởi dùng cớ sao? – Hột giống chẳng thiệt đâu đặng kết quả, thiệt trái bồ đề, mất một nhơn thân, muôn kiếp khó phục”.

                             ĐIỀU THỨ IV
                      GIẢI VỀ “TỨ SANH”

        Văn Thù Bồ tát bạch Đức Thế Tôn: “Sao gọi tứ sanh? Bởi chước nghiệp nào phải đọa tứ sanh, thân mạng chẳng đồng?” Đức Thế Tôn nói cả thảy chúng sanh từ kiếp vô thỉ, đến sau mỗi thứ hằng sanh điên đảo, tính việc chẳng lành. Tánh bèn mê muội, cứ mến trần duyên theo tham, sân, si, làm điều sát sanh. Tánh lại gian tham, đắm sa tửu sắc, chước tạo tôi nghiệp vô lượng vô biên, phải chịu luân hồi trả quả đền tội; phải sanh nhiều loại, thân thể khác nhau nói sơ đại lược là gọi “tứ sanh”, phải tùy theo nghiệp:
        1/- Một là noãn sanh, người ấy tiền thế tâm tham cơ mưu, tánh hay kế xảo, cho nên phải đọa vào nẽo noãn sanh những loài đẻ trứng: giống cá cùng chim. Người tính mưu cao phải đọa làm chim, hễ thấy dạng người thì bay lên cao. Kẻ bày kế sâu phải đọa làm cá, gặp người phải lặn trầm xuống cho sâu.
        2/ - Hai là thai sanh, người ấy trên thế tham luyến dâm dục cho nên phải đọa theo loại thai sanh. Loài người cùng súc, bổn phận tham dâm, đầu thai làm người, đứng đi hai cẳng, dâm ngang hãm dọc, làm súc bốn giò, chạy ngang mặt đất. Ba là thấp sanh, người ấy tiền thế tham ăn rượu thịt, , ó ré làm vui nên đọa thấp sanh những loài dòi tửa, cùng là mòng muỗi.
        4 -; Bốn là hóa sanh, người ấy trên thế, tâm đa biến cải, tánh hay dời đổi, trước mặt nói phải, sau lưng nói quấy, phải đọa hóa sanh, loài mọt trong lúa, hóa ra bay đi, cùng là sâu bọ.
        Đức Phật Thế Tô kêu Bồ tát Văn Thù mà nói như vầy: “ Trong đường lục đạo, duy có loài người rất quý rất linh. Phật cũng là người biết tu mới thành, cơ nghiệp cũng người tao lập mới nên. Người hay làm phước ắt đặng lên trời. Người hay tạo ác ắt đọa địa ngục. Có đức làm Thần, có đạo làm Thánh; còn vào năm nẽo: bần cùng, thai, noãn, thấp, hóa; loài đó, lẽ phước cùng tội; bởi chưa định trước, đến lúc mạng chung đọa theo nghiệp báo. Nếu người chẳng biết theo đường nhơn đạo, đạo khác chẳng rồi, mất một nhơn thân, muôn kiếp khó phục.

                             ĐIỀU THỨ V
                    HỎI VỀ “NGŨ NHÃN”

        Văn Thù Bồ tát hỏi Đức Thế Tôn: “ Mắt xem thế  nào mà gọi ngũ nhãn?”
        Đức Thế Tôn nói:
        1/- “Một là nhục nhãn, con mắt kẻ phàm thấy được chỗ sáng, chẳng thấy chỗ tối; thấy được trước mắt chẳng thấy sau lưng.
        2/ - Hai là thiên nhãn, con mắt của trời, trước, sau, trong ngoài, núi cao, vách đá cũng không ngăn che đều thấy tỏ rõ.
        3/ - Ba là huệ nhãn, con mắt phát huệ, minh mẫn, sáng láng, hay thấy văn tự, nghĩa lý sâu xa, kiếp tước, đời sau, thiện ác quả báo đều thấy tỏ rõ, như nắm trong tay.
        4/ - Bốn là pháp nhãn thiệt con mắt phép, hay thấy phép Phật, Tam Thế như lai, mỗi điều phương tiện, lượng căn truyền đạo, chẳng mất lúc nào.
        5/ - Năm là Phật nhãn, con mắt của Phật, viên minh phổ chiếu, kiếp trước vô thỉ, đời sau mạt kiếp cả thảy nhơn quả như đưa trước mắt, chẳng sót mải lông, đây là ngũ nhãn. Bèn theo cả thảy các điều thiện căn mà được phước trả, chỉnh Phật biết trọn người khác chẳng bì; tuy phân ngũ nhãn soi chung nhất tâm, kiến tánh tu hành mỗi người có phận.

    Trở Lại Mục Lục