PHẬT THÍCH CA THUYẾT PHÁP
                                                ĐẶT RA QUYỂN KINH NẦY

                                                                  GIẢI NGHĨA

        Ta nghe như vầy: Lúc Phật Thích Ca ở núi Linh Thứu, trên đài thanh tịnh cùng chư Bồ tát, bát bộ thiên long ở vây giáp vòng, nghe Phật thuyết pháp. Lúc nầy cũng có nhiều kẻ phát tâm như là chư tăng cùng chư ni đều lòng tin tưởng các lời Phật thuyết. Ý là chưa biết, muốn cho đức Phật giảng bày cặn kẽ các điều phương tiện đặng bọn chúng rõ đường chánh giáo, đều thành quả đạo nên muốn xin hỏi, ngặt ở ngoài xa chẳng gần phía trước.
         Lúc nầy, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát biết trong tứ chúng có dạ yêu cầu những điều phương tiện. Đương ngồi bèn đứng lên dùng lời biện bạch, xin Đức Thế tôn đại từ đại bi giảng rõ thỉ chung, các điều phương tiện những máy ban sơ mới vào cửa đạo cho đến cuối cùng, chỉ thẳng bày ngay, chúng sanh tường tận, kiến tánh thành Phật, cùng đời mạt thế người mới nhập môn, chúng sanh cầu đạo hiểu được đường chánh, khỏi bị bọn tà chẳng uổng nhiều công làm theo bọn giả, bèn thành đạo quả. Lời Phật Thế tôn khen Bồ tát Văn Thù: “ Rất hay, rất giỏi, Văn Thù Sư Lợi! Nếu có điều chi thiệt nên phương tiện, xin người hỏi rõ. Ta sẽ chỉ bày tường tận cho tứ chúng hiểu rõ đường ngay, và để lưu truyền đời sau mạt thế, kẻ mới nhập môn tu hành chánh lộ cũng nhờ theo chỗ công người tầm hỏi nên ta phải nói”. Trong các tứ chúng lẵng lặng mà nghe! Đức Phật Thế tôn kêu Văn Thù Sư Lợi Bồ tát mà nói như vầy: “Cái Đà la ni gọi Kim Cang tâm” hay khiến chúng sanh thấy đặng, nghe đặng bèn thành đạo quả. Những người trai lành tâm gọi kim cang là bởi cớ sao? Tâm đây như thế, người người đều có, kẻ kẻ chẳng không, thiệt các chúng sanh bèn biết, bèn hiểu. Tâm đó là gốc là bởi làm sao? Cả thảy điều lành cùng là việc dữ cũng bởi nơi tâm.
        Tâm làm điều lành khiến thân an lạc, tâm tạo sự ác khiến thân chịu khổ. Tâm chủ cái thân, thân dùng cái tâm, chỗ ấy dùng sao? Phật bởi tâm thành, Đạo bởi tâm học, Đức bởi tâm tích, Công bởi tâm tu, Phước bởi tâm tạo, Họa bởi tâm vi. Tâm hay khiến người đặng lên Thiên đàng, tâm hay xui kẻ phải sa địa ngục. Tâm cũng hay làm được thành Tiên Phật; tâm lại hay giục phải làm chúng sanh. Bởi vậy cho nên tâm chánh thành Phật, tâm tà thành ma. Tâm từ là Trời, tâm thiện là người, tâm độc la sát, tâm ác quỉ vương. Tâm là hột giống cả thảy tội phước, như người hiểu biết nắm giữ tâm mình được cho bình định, làm chủ cái tâm chẳng tạo sự ác, hằng làm việc lành, y Phật tu hành, noi Phật lập nguyện. Phật nói người ấy ắt mau thành Phật. Nếu kẻ trai lành, cùng là gái tín, cầu thành Phật đạo, chẳng rõ tâm mình ắt chưa thành Phật. Nếu người rõ đặng cái tâm của mình, hiểu được tánh mình, giữ y theo Phật, phát nguyện tu hành, gắng chí cho cần, chắc được thành Phật; hơn là đọc tụng quyển kinh Kim Cang ba mươi muôn biến, công đức khôn sánh là bởi cớ sao? Cả thảy chư Phật thành tâm đắc quả cũng do nơi tâm không hao, không mòn, không hoại, không tạp như vàng đúng tuổi, chẳng phai, chẳng lợt. Tâm được như thế mới gọi Kim cang, rõ biết tâm ấy thiệt là tâm Phật. Phật cùng chúng sanh tâm tánh một thứ; bởi tại người tu cùng là không tu, bởi tại người tin cùng là không tin nên người thành Phật, kẻ làm chúng sanh là vậy”.

                              ĐIỀU THỨ II
               GIẢI CHỮ “KIM CANG KINH”

        Văn Thù Bồ Tát bạch Đức Thế Tôn : “ Sao gọi Kim cang kinh?”. Đức Thế Tôn nói: “ Kim cang thuộc tánh, kinh thuộc là tâm. Người rõ tâm mình, thấy đặng tâm mình. Người ấy trong mình có Kim cang kinh.
        Đóng chặt sáu cửa, trên đầu hằng thấy hào quang tỏ rạng, soi trời soi đất, công đức đều đủ rất nhiều vô số, sanh ra bốn quả, phân ra bốn hướng, được mười ông thánh, gọi ba ông hiền, đến cõi Như lai ba mươi hai tướng, tám mươi giống tốt, cả thảy công đức đều theo nơi tâm là chỗ tu thành chẳng ngoại tâm mà đặng bao giờ. Dùng bởi cớ nào? Bởi tại nơi người minh tâm kiến tánh, hằng hiểu tâm mình ấy là tâm Phật, mỗi giờ phải lo tầm độ chúng sanh, mỗi giờ phải lo tập luyện thần thông, mỗi giờ phải lo làm việc cùng Phật, đặng như lẽ ấy gọi kinh Kim cang; đặng Kim cang thân chẳng hư, chẳng hoại là vậy”.

 Trở Lại Mục Lục