ĐÀN LỄ MỘT TRĂM NGÀY
SAU NGÀY QUI LIỄU CỦA MINH SỬ Đạo hữu MINH CÚC xin keo Nhị Bộ : chưa được.
Chào mừng đàn trung ! Chúng Huynh, Tỷ đồng viếng đàn.
Khoan dâng Bồ Đào, chư hiền đệ muội miễn lễ. Hãy an tọa và định tâm nghe vài ý đạo của Huynh, Tỷ nhơn ngày lễ hội đàn nay.
THI :
ĐẠO ĐỨC VIÊN MINH sống thủ thường,
KHAI tâm trần thế bớt tơ vương.
GIÁC CHƠN học đạo dằn nhơn tục,
KIM cổ Phật TIÊN để lại gương.
Chúng Huynh ĐẠO ĐỨC, VIÊN MINH, MINH KHAI và KHAI GIÁC đồng mừng chư hiền đệ muội.
THI :
Thế nhân GIÁC NGỘ lẽ chơn thường,
MINH chiếu sửa mình lụy bớt vương.
Đạt ĐẠO là thiên NHƠN hiệp nhất,
KIM TIÊN giữa thế đã thành gương.
Hai Huynh GIÁC MINH và NGỘ MINH đồng mừng chư đệ muội !
THI :
Học VÔ VI hiểu lẽ vô thường,
NƯƠNG đạo não phiền ít vấn vương.
NƯƠNG vọng tập chơn tường Thái Cực,
Tỷ huynh mừng SỬ đã nêu gương.
Tỷ MINH NGỮ mừng chư hiền đệ muội ! Huynh ĐẠO ĐỨC, Tỷ đồng mừng MINH SỬ !
Thôi ! Huynh, Tỷ, đệ muội đồng thành kỉnh đón mừng SƯ PHỤ giá lâm.
THI : CAO là TỈNH thức trước vô thường, ĐÀI giữa thế trần chẳng nhiễm vương.
CHÁNH giác, CHƠN hiền hằng giữ ý. TIÊN ÔNG lưu Tánh để làm gương.
CAO ĐÀI TIÊN ÔNG. Thầy các con, Thầy mừng các con !
Thầy ban hồng ân cho các con, khá an phận thủ thường vui tu.
Thầy miễn lễ, các con nghiêm đàn và đại tịnh nghe !
CÚC nghe !
THI :
Duyên được duyên chưa cũng chữ Duyên !
Dính duyên cho lắm phải sanh phiền.
Lúc nào cũng được là không dính,
Giúp CÚC hiểu dần tánh Phật Tiên.
Này các con ! Thầy chiếu giám lòng thành của các con thết lễ hội đàn để tưởng nhớ đến MINH SỬ.
Các con ! SỬ may ngộ được đạo thì hằng lo gìn tâm giữ ý để học tập Gương và Lời Thầy để lại và SỬ đã tròn nửa đời chiêu chương mối đạo tâm.
Cho đến cuối đời và dầu bao quả nghiệp nặng nề đã nhồi lên chiếc thân tuổi hạc, SỬ vẫn kiên gan an phận thủ thường, đảm lược cam chịu biết bao lụy đời, khổ nạn mà SỬ vẫn một lòng son sắt, lặng thinh, hằng minh chiếu dạ lòng để cuối cùng đạt được một mức độ tỉnh thức và tựu chánh, đáng khen ngợi ở nội tâm.
Với quả công đó thì đời tu của SỬ đã nêu gương ! Khi các con tưởng niệm đến SỬ thì hãy nghĩ đến thành quả Tỉnh Chánh là gương SỬ dành lại cho các con.
Đó là lắng trong cho thanh thanh tịnh tịnh, đạt được công chánh, nghiêm minh khi minh định sự việc để tìm tòi, suy nghiệm, hiểu rõ đâu là hư thiệt, nhận biết thế nào là lẽ chơn thường trong cuộc sống đời học đạo. Nhờ đó, tâm linh ngày càng gần vị Chánh, ngôi Trung, hiểu biết càng tiến xa trên đường chánh nẻo ngay và lòng dạ mới dễ dàng từ thanh thản đến gần như nhiên. Các con khá hiểu !
Các con đọc Chốn Bồng Lai để mừng SƯ PHỤ và các Huynh, Tỷ.
( đọc đến : …Giọng đờn thấp thoáng dựa tai đưa vào).
Sau đó, chơn linh của MINH SỬ tá cơ. Thầy thượng ỷ …
THI : TỈNH tu đời đạo dễ vuông tròn, CHÁNH tín gìn tâm vẹn sắt son. CHƠN ý hằng thanh cao hướng thượng, TIÊN nhàn bởi dạ tạo Bồng Non.
Huynh MINH SỬ hay TỈNH CHÁNH CHƠN TIÊN mừng tất cả hiền đệ muội !
Huynh miễn lễ, đệ muội hãy an tọa.
Chư đệ muội ! Chơn linh này đã hồi qui, nay được duyên lành trùng phùng lại với đàn trung. Ôi ! Thật là mừng thay chi xiết nỗi mừng ! Niềm vui rất khó mà cạn tỏ!
Đệ muội ! Trong dịp hạnh ngộ này, Huynh mong để lại vài lời :
Hoài bão thanh cao, hướng thượng càng cao thì ngươi tu chơn thành kỉnh càng kiên gan, lặng tìm cao thấp để vượt được qua biết bao khó khăn, tân khổ trên bước đường tu.
Lại nữa, đời người tu tâm vốn là ẩn dật. Mình có tu thật hay không, mình có tự sửa thân mình như thế nào đó hay không thì chỉ có mỗi một mình mình biết, chỉ mỗi một mình mình hay. Mà mình phải tự sửa mình là cho chính mình chớ chẳng vì ai khen, ai chê mà mình phải tu. Vì sao ? Đó chính là mình tự quyết tâm trau tria Thỏi Vàng, trân chuốt Viên Ngọc mà Trời đã ban cho chính thân mình sao cho Vàng Ngọc đó khỏi phải mai một trong tục lụy phong trần. Đệ muội hãy nghiệm xem !
Thôi, để Huynh thêm vài ý đạo nữa, đệ muội có thể tường lãm.
BÀI :
Lễ hội đàn Minh Khai Hải Ngoại,
SỬ chào mừng đệ muội đàn trung.
Niềm vui khôn tả cạn cùng,
Đây Huynh, đệ muội trùng phùng hôm nay.
SỬ may duyên được Thầy dạy đạo,
Bốn bảy năm hoài bão thanh cao.
Thầy hằng dạy phải anh hào,
Thâu tình phóng vạy, tria trau tánh Trời.
SỬ nửa đời, mỏi đời ngán tục.
Vì phong vân chẳng chút nhàn thân,
Vì nhơn dục cứ phiền phân,
Nên Thầy dạy phải mẫn cần gìn tâm.
Đã sống hai lăm năm hành chánh,
Phận việc huynh giữa cảnh đoạt giành.
Đoạt tiền, giành lợi, tranh danh.
Tưởng Thầy, Huynh cứ bạch thanh phận mình.
Nơi quê người càng minh cuộc thế,
Giữ phận an, gìn thế thủ thường.
Lòng tỉnh thức trước vô thường,
Luyện rèn đằm ý thuận đường Thường Chơn.
Rèn chánh niệm rõ Chơn và Vọng,
Vọng là tâm âm phóng ra ngoài.
Chơn thì dạ chẳng lệch lay,
Tợ tâm Thái Cực, sổ dài nét Trung.
Đã tu tâm phải cùng lục thất,
Tranh nhau mà làm bậc Chủ Ông.
Mười ba thắng, đạo khó xong.
Lương Tâm thắng chúng, Non Bồng bày ra.
Lại gia công hiểu là quả nghiệp,
Từ bao giờ bắt kịp hôm nay !
Đến khi tuổi hạc nghiệp bày,
Nhồi lên tứ đại chí ngày hoàn nguyên.
Nay, chơn linh nhàn yên qui vị.
Chốn Thiên Thai, nước trí non nhân.
Yên Hà lạc thú muôn phần,
Tòng reo đệm tiếng suối đàn dịu êm.
Mây năm sắc, êm đềm phiêu lãng.
Cảnh vật thanh điểm vạn màu hoa.
Phụng chầu, hạc múa, chim ca.
Bồng Lai thanh tịnh hài hòa như nhiên.
* * * TỈNH thức ẩn Tiên Thiên Nhứt Khí,
Tựu CHÁNH tàng chánh lý Tiên Thiên.
Lòng CHƠN chí quyết thệ nguyền,
Gìn tâm giữ ý, Phật TIÊN dạy rành.
Nay gói trọn lòng thành để lại,
Giữa bệ giai, Huynh mãi nguyện cầu :
Hòa nhau, đệ muội dìu nhau.
Tập tu nhiệm lý, cơ mầu Đạo Cao.
* * *
Thôi ! Đệ muội cùng nhau ẩm tửu,
Thầy ban ân tề tựu nhau đây.
Để rồi phân cách từ rày,
Chờ duyên lành hiệp là ngày gặp nhau.
THI : CAO ĐÀI luận giải ý thân tâm,
Trẻ hiểu, khẩu thân khỏi sái lầm. TIÊN chẳng sánh so, không vị kỷ. ÔNG hằng giữ ý để gìn tâm.
CAO ĐÀI TIÊN ÔNG – NGÔ TIÊN ÔNG. Thầy các con, Thầy mừng các con.
Thầy ban hồng ân chung cho các con nhiếp tâm thủ thường, an tâm lạc đạo. Thầy miễn lễ, các con khá tịnh tọa và nghiêm đàn nghe vài ý đạo.
Các con hãy nghe gợi ý !
THI :
So sánh ẩn dung ý chẳng đằm,
Vì là duyên tạo rộn ràng tâm !
Ý càng đằm, dạ càng an định.
Để tựu nhứt nguyên, đạt đạo tâm.
HỰU :
Đạo tâm là tập không so sánh,
Cho ý hằng gần ngôi vị chánh.
Nếu phải so đo rõ Vọng, Chơn.
Ý càng lại phải gần Trung Chánh.
Này các con !
Nhơn sanh có để ý, có chú tâm, có tinh thần để vào thì giác quan mới có thể giúp cho hiểu biết được một cách tường tận và tinh tế hơn nhiều về vật cảnh sự việc.
Cái ý, cái tâm hay tinh thần đó mà thế nhân nôm na đem hai chữ tâm và âm ghép lại để viết xuống thành chữ Ý, lại chính là cái căn thứ sáu hay Ý căn với tất cả mức độ phức tạp của Ý Dục. Vì sao ?
Cái Ý có thể khiến sai và điều hợp các căn khác, lại còn gìn giữ và huân tập được tất cả kinh nghiệm không cho mất đi và ngày càng thêm phong phú.
Nhờ vậy :
- Ý có thể tưởng tượng nhiều cảm giác mà giác quan chưa hề có nhận qua.
- Ý nhớ được sự việc đã qua.
-Ý bàn luận sự việc trong tương lai và Ý phân tích được từng chi tiết một của sự việc đang xảy ra.
Cho nên cái minh linh mẫn hoạt đó làm cho Ý có thể nảy sanh được một chuỗi dài suy nghĩ, một chuỗi dài niệm lự mới lạ, phức tạp hơn.
Ý lại còn tự minh xác được sự tương đối từng đôi một trong thiên hình, vạn sắc của vật cảnh sự việc.
Đặc sắc hơn hết là Ý phân biệt được Ta - Người :
Khi Ý điều hành các căn hay liên kết với thất tình thì Ý rất là thiên lệch. Ý chỉ cứ muốn sao cho ngôn hành của một người cuối cùng luôn luôn chỉ theo chiều hướng phải mang cho được cái lợi gì đó về cho bản thân hay bản ngã của người đó mà Ý luôn nương tựa.
Như vậy, cốt lõi của Ý dục chỉ là phân định cho được tánh cách Nhị Nguyên của vật cảnh sự việc rồi sở hữu cái lợi. Nôm na, Ý là cái Muốn ở nhơn sanh đó.
Vậy thì, Gìn Tâm Giữ Ý là phải làm sao ?
Các con hằng ngày đối cảnh khá quyết tâm không cho :
- Sự Mong Muốn ( tức là Ý dục ).
- Và Mừng, Giận, Buồn, Vui ( tức là đầu mối của thất tình ) liên minh được với nhau. Khẩu thân được an ổn, ngôn hành sẽ bớt dần và không còn phương hại đến Người. Chữ Hòa được chiêu chương và sự Hòa Đồng được duy trì với ngày càng được nâng cao.
Lại nữa, các con hằng tập chữ Không. Khá hiểu rằng : Vô minh là niệm hay suy nghĩ nảy sanh. Các con cần tìm dò cho được cái chỗ trong phạm vi nhún nhảy của Ý mà niệm hay suy nghĩ đã xuất phát. Biết rõ chỗ đó thì quyết tâm lìa niệm, dứt suy nghĩ sẽ phải dễ thôi. Các con nghiệm và tập hành !
Các con đồng nghe !
BÀI :
Tu tâm là học gìn cái Ý,
Cho khẩu thân thuần lý đạo Trời.
Cuộc đời tròn vẹn phận người,
Không ngoài Trí Lễ, chẳng rời Nghĩa Nhân.
Khuôn thước đó rất cần cho trẻ,
Làm vỡ lòng để trẻ tập tành.
Nhìn ra xấu tốt, dữ lành.
Vọng Chơn, thấp trược, cao thanh là gì !
Trong từng việc, sự gì đi nữa.
Cảm giác người xảy giữa hai chiều.
Trược thanh, sai đúng, đọa siêu.
Hai phương, hai nẻo, hai chiều, hai bên.
Gọi nhứt thể Nhị Nguyên là đó,
Từ một mà lại có hai đường.
Tựa như một sổ hai phương,
Lưỡng Nghi hai phía, âm dương hai hào.
Dầu Ý giỏi vạn nhào, ngàn nhảy.
Muôn chiều đều xếp lại hai chiều.
Lợi người, vô kỷ, nẻo siêu.
Lợi mình, vị kỷ, theo chiều trầm luân.
Vào tu rồi hằng răn lòng dạ,
Kềm Ý thì chớ thả lỏng tay !
So danh sánh lợi chẳng hoài,
Để lìa bờ tục, miệt mài sang sông.
Sang sông là rèn lòng hiền giác,
Để mẫn minh mà đạt đạo lành.
Chớ quên tình dục tinh ranh !
Đem ham giác quá đổi thành cơn mê.
Mê bờ tục : trước mê bùn đất,
Ham giác bờ : nay thật ham vàng.
Mê vàng, ham đất, hai hàng.
Đều vương phiền não, khác đàng Chánh Trung.
Chẳng Chánh Trung, khó cùng lý đạo.
Cứ hai hàng, sao tạo như nhiên ?
Nhớ là lòng Phật dạ Tiên,
Không thiên lệch đó, chẳng nghiêng chinh này.
Chừng ấy là được Thầy dạy đạo,
Chừng đó rồi lạc đạo thủ thường.
Chữ Trung cần được chiêu chương,
Mới mong hành tập Chơn Thường Thầy Ngô !
Rượu Bồ Đào, ban trò minh chiếu.
Hiểu Ý rồi, trẻ liệu sửa mình.
THI :
Trước ngoại cảnh gìn dạ thản nhiên,
Không ưa không ghét mới nhàn yên. CAO ĐÀI nhìn vật nhìn nguyên vẹn,
Nhờ đó TIÊN ÔNG thoát Nhị Nguyên.
CAO ĐÀI TIÊN ÔNG – NGÔ TIÊN ÔNG. Thầy các con, Thầy mừng các con.
Thầy ban hồng ân cho các con vui tu và hằng nhớ các con là phận tu tâm.
Thầy miễn lễ, các con khá tịnh tọa!
LOAN (1) con !
Thầy chứng giám con thành tâm học đạo thanh bần. Đường đi, hướng đến thì Thầy đã vạch sẵn và thường nhắc nhở. Con cứ y hành cho đến kỳ cùng !
Con nghe !
THI :
Mài miệt chín năm học đạo Cao,
Trong ngoài, LOAN (1) khá mãi y màu.
Trong an định với ngoài thanh thản,
Mới vẹn lực hùng, trọn lược thao.
Nghe lời chinh, con mau quên đứt !
Thấy vật nghiêng, con mặc làm ngơ.
Bền lòng son sắt đồ thơ,
Là con hằng tưởng Thầy Ngô, con à !
Các con ! Đàn nay có chơn linh MINH HUẤN đến thăm. Các con khá tiếp cầu. Thầy thượng ỷ…
MINH HUẤN :
THI : ĐẠO cao giữ ý chẳng quàng xiên, ĐỨC cả gìn tâm, đoạn não phiền.
Chẳng vướng Nhị Nguyên trong cuộc sống,
Nên KIM TIÊN đã đạt nhàn yên.
Huynh MINH HUẤN mừng tất cả hiền đệ, hiền muội ! Huynh miễn lễ, hiền đệ muội hãy an tọa và tịnh nghiêm đàn.
Đàn nay, Thầy vừa nói đến Thản Nhiên và Nhị Nguyên. Vậy Huynh thêm vài lời để lược giải rộng hơn.
Này chư đệ muội ! Đối với phận tu tâm, ngoại cảnh là vạn vật đang bao quanh mình kể cả thế nhân và cái lợi. Lợi thì nào có khác hơn là Tình, Tiền, Quyền, Danh mà lục soái hay cái Muốn nơi một người đã linh mẫn vẽ vời tạo ra và mẫn hoạt đem về cho chỉ riêng người đó, hay cho tập thể thế nhân nào mà trong đó có cả người đó. Đệ muội thử nghĩ :
Giữa chợ đời hay trong chợ nhỏ, đệ muội đã nhận biết có một lời nào hay một sự việc gì thì hãy đơn giản cứ chỉ biết đến đó mà thôi, chớ có việc gì mà đệ muội phải nghĩ xa xôi hơn nữa !
Chớ còn nếu lòng đem ngôn hành đó mà so sánh với ngôn hành nào đã nhớ lại từ trong quá khứ hay đã được tưởng tượng vẽ vời cho tương lai, rồi thêm bước nữa là so sánh lại và cảm nhận có điều hay, điều dở, cái tốt, cái xấu hoặc lẽ đúng lẽ sai… thì ý dục đã tung tăng phân biệt, quàng xiên chọn lựa một trong hai chiều linh mẫn của ý rồi ! Đó gọi là thân trong cảnh và lòng dính cảnh. Hãy nghe :
THI :
Ý sổ chẳng ngay, ý lệch thiên.
Rộn ràng làm dạ khó nhàn yên.
So qua đo lại, lòng nào định ?
Ý sánh so là ý Nhị Nguyên.
Vậy thì đệ muội khá nhuần nhuyễn khái niệm về Thái Cực đã lồng vào vạn hữu tức là xem cho được trong Càn Khôn vũ trụ vạn vật đều là đồng thể, đều là Thái Cực y như nhau.
Cái ý Nhị Nguyên hay ý vọng chỉ chuyên đem hai vật kề nhau rồi so sánh thuộc tánh nào đó có cùng trong cả hai vật, hầu giữ lại vật này hay xua đuổi vật kia, hoặc ngược lại. Đó là ý vọng chỉ mãi chạy theo vạn thù biến thiên của vạn hữu để rồi cuối cùng phân biệt đây Ta, đó Người, lòng dạ luôn luôn rộn ràng, vương lụy, vướng phiền mà thôi ! Còn ý Nhứt Nguyên hay ý Chơn Thường đã lìa bỏ được hình
sắc thay đổi của vạn vật để đến chỗ không phân cách Ta - Người, lòng dạ an nhiên.
Tập tành mãi như vậy, đệ muội rời được tục lụy phiền toái đó gọi là thoát được cột rào Nhị Nguyên. Đệ muội hãy suy nghiệm !
Thôi ! Hãy đồng nghe !
BÀI :
Niệm Thái Cực, chơn hiền chánh giác.
Hằng dùng trong mật sát lục căn.
Để phòng lục thức đa đoan,
Làm cho nảy ý xiên quàng nghênh ngông.
Trước ngoại cảnh thì lòng dính vướng,
Thì lòng muôn hình tướng, sắc màu.
Sắc hình lại đối với nhau,
Thành từng đôi một, cột rào Nhị Nguyên.
Vật đến đi, lòng nên thanh thản !
Giữ tự nhiên, dính dáng mà chi ?
Đằng sau vật, thật chẳng chi !
Đem lòng lưu luyến, xua đi làm gì ?
Xua hay giữ bởi vì đã lựa,
Lựa Nhị Nguyên, lòng tựa một bên.
Đã không thấy vật trọn nguyên,
Lòng đà khiếm diện, như nhiên được à ?
Nhìn mỗi vật theo đà nhứt thể,
Thuộc tánh đều chẳng thể phân hai.
Cứ đo chỉ mỗi vật này,
Vật này chỉ phải bấy dài mà thôi !
Có vật khác kề đôi vật đó,
So sánh rồi, cảm có vắn dài.
Còn so sánh, niệm dấy hoài.
Thừa cơ, ý vọng miệt mài hoành tung.
Cảnh, Người, Lợi chung cùng lẽ đó.
Đều là vật chớ có chi đâu !
Mặc đi ! Cảnh giác mới cao,
Là rèn luyện ý đượm màu Nhứt Nguyên.
Đạt Nhứt Nguyên là quên vạn hữu,
Quên vạn hữu mới được tựu nhàn.
Nhàn tâm, nhàn ý, nhàn thân.
Đệ muội thường thủ phận an, nghe à !
Nhắm rượu Đào, mặn mà ngon ngọt.
Đệ muội vui tập đạt Chơn Thường.
Nhị Nguyên lụy vướng, phiền vương.
Nhứt Nguyên hướng thượng, Chơn Thường thanh cao.
THI : CAO ĐÀI nhắc nhở trẻ tu tâm,
Chớ để khẩu thân cứ sái lầm !
An phận, thủ thường dằn ý vọng. TIÊN ÔNG giữa thế đạt thanh tâm.
CAO ĐÀI TIÊN ÔNG – NGÔ TIÊN ÔNG.
hầy các con, Thầy và chư Tiên Phật đồng mừng các con.
Thầy chiếu giám lòng thành của các con đã tề tựu trước bệ giai để tưởng đến Thầy trong khi thế nhân đang kỷ niệm mừng ngày giáng sinh của Chúa.
Thầy ban đại hồng ân cho các con để trong cuộc sống thường nhựt,
các con hằng nhớ lo mật sát dạ lòng các con.
Này các con ! Thầy miễn lễ, các con khá an tọa và giữ cho đàn được tịnh nghiêm nghe !
Đàn nay, Thầy có vài nhắc nhở. Các con hãy nghe qua vài luận thi gợi ý sau :
THI :
Thủ thường, an phận không so sánh.
Thì dạ bớt minh, lòng dễ chánh !
Bớt muốn, bớt mong ý sẽ đằm.
Ngôn hành mới dễ noi Hiền Thánh.
HỰU :
Cứ mong cứ muốn lợi về mình,
Liên hệ Ta - Người mãi lệch chinh.
Chớ nói Từ Bi vì quá khó !
Bởi đâu đã đạt nổi công bình !
Này các con ! Vậy thì an phận thủ thường là nếp sống thanh bần, tịnh dục, giúp các con giới hạn được dạ muốn, lòng mong quá đáng, giúp lục căn bớt rộn ràng để được tịnh định hơn, giúp cho các con đạt huệ trí ngày càng mẫn linh, sáng suốt hơn. Nhờ đó, thân khẩu có cơ may bớt dần dần điều sai lẽ quấy. Cho nên tâm đạo hay con đường Tiên Phật là con đường mòn xuyên qua tâm nội mà từ ngàn xưa Hiền Giác nào cũng phải lần qua.
Đó là năng tịnh dục, hằng tiết chế thất tình tức là luôn luôn bền chí răn đe lòng mong muốn để đem Ý trở lại cho đằm và dần dần Ý sẽ đến gần điểm Chánh Trung.
Vì vậy trong cuộc sống đời, nếu phận tu tâm thật thà chơn chánh thì lìa bỏ được não phiền, xa rời được tục lụy trần lao, không còn bị luật Vô Thường trong Càn Khôn vũ trụ ràng buộc nữa.
Chớ còn nếu các con cứ để lòng dạ luôn vọng động, nay mong này, mai muốn nọ, Ý cứ mãi tung tăng, nhảy nhót thì lục thất nào mà chẳng liên minh với nhau để vỗ mạnh, tung cao sóng biển ái hà ? Các con khá nghiệm thử ! Thôi ! Các con đọc Chốn Bồng Lai để tiễn đưa chư Tiên Phật.
(đọc đến : …Trải qua mấy cuộc phong vân)
Các con đồng nghe bài !
BÀI :
Vào kiểng Thánh, thủ thường an phận.
Tập thanh bần, đại ẩn thanh cao.
Trong ngoài tô điểm mỗi màu,
Cái màu thanh thản, môn Cao Thầy truyền.
Trẻ chiêm ngưỡng chơn Hiền bước Thánh,
Trẻ thệ nguyền minh chánh lòng mình.
Thì trong sự việc quẩn quanh,
Từng chi tiết một, trẻ minh cho rành !
Trong cuộc sống trần manh thế tục,
Sự, vật, người tương tác lẫn nhau.
Ngôn hành ứng hóa cảm giao,
Nên chi phải chút lợi nào xảy ra !
Xảy tiền tài hay vì tình cảm,
Xảy danh, quyền, vị, phẩm, thứ, ngôi.
Được đưa đến trọn một người,
Hay là trọn nhóm có người đó luôn.
Minh được vậy thì tuồng lục thất,
Giữa thế nhân mới được phô bày.
Vô thường cũng hiển lộ ngay,
Vì tài Ý vọng đổi thay khôn lường.
Tu tâm là chiêu chương tâm đạo,
Chiếu minh lòng để tạo thanh tâm.
Lòng nơm nớp sợ sai lầm,
Nên hằng tịnh dục, vun mầm siêu sanh.
Trẻ biết đủ khỏi sanh so sánh,
Dễ Nhẫn Hòa để tránh rẽ chia.
Ý đằm hằng giữ chớ lìa !
Dập lòng tam muội, trau tria tánh Trời.
Tâm đạo dạy thoát đời tục tử,
Dạy phận an thường thủ đó con !
Dạy con mật sát lòng con,
Bớt đi mong muốn mới còn Tánh Linh.
Lời Kim Thạch, con minh hiểu ý.
Tưởng Thầy là khắc kỷ làm theo.
Suối tư, đèo dục, lặng trèo.
Là đang giữa thế con leo thang Trời.
Thưởng rượu Đào, ban lời huấn dụ.
Thầy nhủ con tuân thủ nhiếp tâm.
Quyết lòng tránh được sai lầm,
Là dằn cái muốn, cái ham của mình.
THI : CAO thật là tường tận chữ Duyên,
Duyên làm cho vật đổi triền miên. ĐÀI TIÊN chẳng lụy theo hình tướng, ÔNG thản nhiên nhờ thoát khỏi duyên.
CAO ĐÀI TIÊN ÔNG – NGÔ TIÊN ÔNG.
Thầy các con, Thầy mừng các con. Thầy ban hồng ân cho các
con để các con chớ quên tâm đạo là con đường bồi dưỡng tâm, quán tưởng vào tâm!
Thầy miễn lễ, các con khá tịnh tọa, nghiêm đàn và định tâm.
Này các con ! Khá hằng nhớ ngoại cảnh chỉ là vật mà thôi. Mà vật gồm luôn cả người với sự và việc nữa. Vật lại còn không bao giờ ngưng biến chuyển, đổi dời.
Kìa ! Ở đâu đó, đúng điều kiện và đúng lúc nào đó, một hay nhiều vật gọi là duyên sẽ giúp một vật khác gọi là nhân trở thành một vật khác nữa gọi là quả. Mà quả là một vật mới, lại tiếp liền theo đó, liên tục thay đổi nữa vì một hay nhiều duyên khác.
Đó là khái niệm nhân duyên ràng buộc với nhau, làm cho vật hình thành vạn hóa vạn thù. Cho nên, tựu trung, Càn Khôn vũ trụ chỉ là một tổng hợp muôn ngàn hiện tượng, dạng, tướng, hình, màu mà thôi ! Hãy nghe :
THI :
Vật gồm người, sự, việc trần lao.
Vật vốn nhân duyên của lẫn nhau.
Tác động nhân duyên thay đổi vật,
Nên Càn Khôn hỗn hợp hình màu.
Ngo ài ra, từ ngàn xưa, Thánh Giác cho sự vạn hóa là do vật không bao giờ cứ thường như vậy. Vật luôn luôn biến chuyển và kinh điển gọi đó là luật Vô Thường. Có điều :
Điểm dễ hiểu là Vô Thường khi thật chậm, hồi thật nhanh, lúc thật rõ ràng, khi lại không rõ rệt chút nào cả ! Cần phải có phương cách tân kỳ, tinh xảo mới có thể phát giác thay đổi nào đó.
Lại nữa, ở sinh vật, nhứt là ở nhơn sanh thì Vô Thường lại vô cùng phức tạp vì có sự mẫn linh nơi người. Đó là Ý dục hay sự Muốn rất tài giỏi khiến sai, kết hợp được lục thất. Mà tuồng lục thất có khi chậm có khi mau, có lúc ngắn lúc dài, khi âm ĩ khi nổi sôi, lúc như làn sóng lăn tăn đập đùng lúc lại như sóng vỗ long trời lở đất.
Cho nên, lớp lang lục thất rất ư vô thường. Hãy nghe:
THI :
Thay đổi sắc hình thật khó lường,
Giác Hiền gọi đó luật Vô Thường.
Vô thường bậc nhứt nơi nhân thế,
Vì mẫn linh bày vạn nẻo đường.
Vậy thì trước ngoại cảnh, phận tu tâm phải làm sao ?
Nghe !
THI :
Đạo đời dạy trẻ giữa trần ai,
Chớ lụy vô thường lục thất bày !
Lục thất nhân duyên gây sóng gió,
Làm cho thảm dạ cuốn nhăn hoài.
Các con ! Đã hiểu là vật vô thường, cảnh tạm bợ thì tội gì các con cứ chịu lụy,
khổ, lao vì hiện tượng sắc màu ?
Hãy mật sát, rình rập cái Ý cho lắm, hãy nhất tâm quyết không cho ý cứ quàng xiên mong này, muốn nọ. Tập mãi thì ý phải đằm, lục căn an định thì trò lục dục đọa trầm sẽ bị tiết chế, tuồng thất tình sẽ yên lặng và không phóng phát nữa.
Đó là các con luyện cho dạ quả dục, lòng thiểu tư. Theo năm tháng và tùy căn cơ của mỗi trẻ, lòng dạ sẽ phải ít nhiều thản nhiên, điềm đạm mà thôi !
Các con khá suy nghiệm ! Các con đồng nghe !
BÀI :
Ngộ đạo thì dưỡng nuôi hoài bão,
Đạt thanh cao, tiết tháo gìn tâm.
Hằng lo mật sát tâm âm,
Răn đe cái muốn, cái ham tục trần.
Trẻ nhứt đức băng ngàn vượt suối,
Tìm sống đời theo lối Phật Tiên.
Thì tua hiểu rõ chữ Duyên,
Duyên làm ngoại cảnh triền miên đổi dời.
Ngoại cảnh là tuồng đời thế cuộc,
Gồm người và sự việc đó đây.
Là trần duyên cả chẳng sai,
Gây cho vật cảnh đổi thay vô thường.
Đổi thay đó ai lường trước được ?
Lường ở đâu, sau trước thế nào ?
Sắc hình, bóng dáng, tướng màu.
Là muôn hiện tượng trong bầu Càn Khôn.
Vô thường lại rõ hơn vạn bội,
Ở nhơn sanh, giữa cõi đất Trời.
Vì là linh mẫn của Người,
Đa đoan, phức tạp muôn đời xưa nay.
Linh mẫn đó, ở loài cầm thú.
Thường giản đơn để đủ sống còn.
Săn mồi thường chỉ mỗi con,
Còn nhường nhịn dưỡng, cái con đói mà !
Riêng ở người lại là vô hạn,
Vô bến bờ, ai cản nổi ai ?
Chiến tranh ác liệt xưa nay,
Mức lề tàn khốc chẳng ngoài cái Ham.
Đạo Trời dạy định tâm, tịnh dục.
Giữa thế trần chiêu phục Tam Yêu.
Ý càng đằm được bao nhiêu,
Ngôn hành càng tiệm tiến chiều thản nhiên.
Kìa Cảm Ứng, trẻ hiền nhuần nhuyễn.
Việc phải làm, uyển chuyển làm nên.
Còn tọa vong giúp trẻ quên,
Quên trần cấu để xây nền thanh tâm.
Trần duyên là kho mầm, vựa giống.
Tu tâm gieo mầm giống Như Lai.
Chuyên cần vun tưới hằng ngày,
Nụ thanh tâm nở, trong ngoài ngát hương.
Hưởng rượu Đào, men hương ngào ngạt.
Trẻ chớ quên lục thất vô thường !
Đạo Trời là hướng hằng thường,
Dạ hằng quả dục, lòng hằng thiểu tư.