THI : CAO thật cao là sổ nét trung,
Cho ĐÀI ngời rạng ánh Tâm Trung. TIÊN ÔNG chừng mức gìn tâm ý,
Vì hiểu Trung Dung diệu tột cùng.
CAO ĐÀI TIÊN ÔNG – NGÔ TIÊN ÔNG. Thầy các con, Thầy mừng chung các con. Thầy ban hồng ân chung cho các con hằng an phận, thủ thường, vui tu.
Thầy miễn lễ, các con khá an tọa và tịnh tâm nghe vài ý đạo buổi lễ đàn.
Này các con ! Hãy nghe :
THI :
Chẳng lệch chẳng chênh chẳng tựa nương,
Trung thời, Chánh vị nhiệm khôn lường.
Trung trong lúc tịnh, tồn thần khí.
Khi động thì Trung sổ thẳng đường.
HỰU :
Sổ thẳng đường là giữ Chánh Trung,
Đem bao sự việc đặt vào khung.
Như răn ý vọng, kềm tư dục.
Thâu lục thất về tại Điểm Trung.
Các con ! Ngàn kinh muôn điển và Triết Hiền xưa nay hằng nói đến : “Không bất cập, không thái quá, đúng lúc, đúng chỗ”. Lại cũng thường nói về thời điểm đúng, hợp thời hay trung thời để bao sự việc được hanh thông và xảy ra cho trọn vẹn. Đó là muốn nói đến Ngôi Trung Chơn Chánh, Điểm Trung Chánh hay Điểm Trung hoặc muốn nói về chỗ tụ hội của các cái nhân duyên kết thành sự việc. Đã là phận tu tâm và tùy vào căn cơ của mỗi trẻ nên các con khá gia công tìm sâu, hiểu rộng về Điểm Trung !
Điểm Trung Chánh hay Điểm Trung là chỗ chứa được đầy đủ tạp thái, vạn thù của bao niệm lự hội tụ lại và đồng thời cũng là chẳng có chi chi cả khi mà niệm lự chưa nảy sanh và xuất phát ra ngoài.
Cho nên tu tập cho đến khi bớt dần và không còn niệm lự nữa hay độc hành được vô niệm rồi thì gọi là đã đạt được Điểm Trung đó. Cũng như lúc người khéo tu tâm đã kịp thời hàm dưỡng được các thứ tình vừa phóng phát ra, rồi lần lượt đem chúng về lại Điểm Trung để hóa giải được chúng thì đó là đã đem cái Tình trở về cái Tánh quang minh, linh mẫn, chí thiện đó.
Vì vậy người tu tâm luôn luôn gìn tâm giữ ý để không cho niệm lự sanh sanh, tuôn trào, chẳng cho lục thất lừng lẫy, nhiễu nhương tâm linh, làm thương tổn đến tinh, khí, thần.
Các con khá nghiệm suy và tập hành !
TRI ! Thầy chứng lòng con đã tùy duyên phục trước bệ giai. Hãy nghe :
THI :
Lẻ đơn vẫn gắng học bần thanh,
Là tập cháu con nẻo thiện lành.
Hằng tưởng Thầy thì thường chuyển đạo,
Cho lòng được tịnh tịnh thanh thanh.
TRI khá nhớ phép lành luyện kỷ !
Tu thân là rèn ý thật đằm.
Định minh sự việc chẳng lầm,
Để kềm ý vọng, toại thầm nghe con.
Các con đồng nghe !
THI BÀI :
Trong cuộc sống thế nhân thường nhựt,
Giữa cảnh đời tiếp xúc lục trần.
Dở hay, vụng khéo, sơ thân.
Lục căn ứng hóa là phần đương nhiên.
Kìa đói khát mong liền ăn uống !
No lạnh thì ý muốn kiếm chăn.
Cái mong cái muốn giản đơn,
Nào phiền hao khí, tổn thần chi đâu ?
Nhưng Từ Bi, lược thao dốc sức.
Tạo ấm no, hạnh phúc cho đời.
Mà luôn vọng động chẳng ngơi,
Thì là thái quá phải vơi khí thần.
Dẫu tự nhiên vẫn cần tiết độ,
Dầu Từ Bi cũng chỗ phải dừng.
Chỗ là niệm Chánh suy Trung,
Chánh Trung mới thật là khung đạo huyền.
Niệm Trung Chánh là nguyền hướng thượng,
Điểm Chánh Trung tột hướng thanh cao.
Điểm Trung tinh nhất, hùng hào.
Toàn thanh toàn bích, ròng màu đạo Cao.
Nên tu tâm lúc nào cũng giữ,
Giữa lòng thiền, mãi tự hỏi mình.
Đó là lẳng lặng làm thinh,
Từ trong yên tĩnh mà minh lấy mình.
Hưởng men Đào, trẻ lành ẩm tửu.
Một đời tu phải tựu được nhàn.
Sống đời tâm định thân an,
Thì lòng trẻ đã vào hàng Tiên gia.
CAO ĐÀI TIÊN ÔNG – NGÔ TIÊN ÔNG. Thầy các con, Thầy mừng chung các con.
Thầy chứng giám lòng thiền của các con và lễ các con đã dâng Thầy.
Thầy miễn lễ để các con nghiêm đàn, tịnh tâm nghe !
Thầy ban hồng ân, hồng huệ cho các con cạn sâu suy nghiệm cho được thiểu tư, quả dục là gì ?
Này các con ! Các con chớ quên, lục thất của người là của người hãy để cho người tự lo tự liệu ! Phần các con thì liệu lý tâm ý của mình như thế nào ?
Các con ! Lục trần, tuồng đời luôn luôn thay đổi, nhứt là khi tác động lục thất của thế nhân đang bao quanh các con vừa đã xảy ra. Tuồng đời mới đó, lục trần mới đó thật ra chỉ là cảnh, là vật mà thôi. Đã là vật thì hãy nhớ : vật thường đến, thường đi và cũng thường lại. Tự chúng chẳng có chi hay hoặc dở, chẳng có gì tốt hoặc xấu cả ! Tự chúng chẳng có tri giác gì, hay linh mẫn nào đó để khuyến dụ các con loay hoay với chúng, để phải giam các con vào tục lụy. Đằng sau sự vật, thật chẳng có chi chi cả. Có chi chăng là tự các con quàng tâm, xiên ý dính cảnh mà thôi.
Cái thân tứ đại hãy còn thì người tu tâm còn phải tu thân luyện kỷ, còn phải giữ ý gìn tâm, mới có thể duy trì hay là nâng cao thêm được mức độ thiểu tư, quả dục nào đó nơi lòng, nơi dạ.
Nhìn sự việc như vậy và hiểu được bản thể của cảnh đời thì các trẻ đã cạn, sâu rõ lý nhiệm mầu của tâm ý rồi. Cứ bền chí, cứ lực, hùng, bi mà linh mẫn cứ gìn tâm cho trống, giữ ý cho đằm thì trẻ có lo chi mà phải sai dấu mòn ! Bậc Đại Giác xưa, nay cũng đã trọn đời dày công trui rèn, tập luyện chánh kỷ mới cuối cùng đạt được thanh tịnh nơi lòng. Các con khá nhiếp tâm !
Ba trẻ : CÚC, SẮC, THÀNH đồng nghe !
THI :
Ngàn xa trẻ khá hiệp nương nhau,
Sâu, cạn, nghiệm suy lý nhiệm mầu.
Đạo vốn là gìn tâm giữ ý,
Cho lòng thanh thản thoát ưu sầu.
CÚC nghe !
THI :
Được khéo trồng cho dầu trời nóng,
CÚC vẫn tươi dưới bóng lọng Ngô.
Chứng con đã có liệu lo,
Đem nghe, đem thấy mà so dấu mòn.
Song tu luyện mạng tròn, tánh sáng.
Cho đạo, đời ngời rạng như nhau.
Khó khăn cho mấy chớ nao !
Mẹ hiền, vợ nghĩa, gương Cao dễ thành.
THÀNH, SẮC cùng nghe !
THI :
THÀNH, SẮC nghiệm đường thanh nẻo trược.
Thanh ở đâu ? Và trược ở đâu ?
Trược hào, lục nhĩ di hầu.
Một thanh khiết bản, thanh hào là chi ?
Trọn đời trẻ kiên trì khắc trị,
Khắc ý hoang, trị ý quàng xiên.
Tu tâm giữ mãi lòng thiền,
Đắc thanh tấc dạ, đạt yên đáy lòng.
Các con ! Đàn nay, Thầy nhắc : Thường nhựt, trước mỗi khi các con nói gì, làm chi thì hãy chậm lại một chút để tưởng niệm Thầy, để tưởng Cảm Ứng, tưởng lành dữ như bóng nọ theo hình. Đó là các con tập răn đe lục thất của mình để hằng tập hay, bỏ dở. Ngoài ra, nơi cảnh chùa nhà, các con thường đêm ngày gắn bó công phu. Đó là các con tập tồn Tinh, tụ Khí, ngưng Thần. Nhờ vậy khi rời đơn phòng, cái mức độ tâm an, thần định được nâng cao thêm phần nào sau mỗi thời công phu sẽ giúp các con hàm dưỡng dễ dàng hơn tác động của lục thất từ thế nhân và cả sóng ngầm nơi lòng các con nữa.
Vậy, cốt lõi của công phu là gì ? Các trẻ đồng nghe, nhứt là các trẻ đang bước vỡ lòng :
THI BÀI :
Ngày bốn buổi, ngồi khoanh cho gọn.
Tập định tâm, tập trọn tưởng Thầy.
Quên đi các cái bên ngoài !
Mà lo tô điểm vòng đai thật nhuần.
Cơ máy tâm muôn phần ở mắt,
Mắt hướng ngoài, ý thoát khỏi lồng.
Thì tâm nào dễ còn Không ?
Thần từ tâm phải tản thông ra ngoài.
Còn nhìn đèn, mắt thôi hướng ngoại.
Nhờ vậy tâm lại phải ở trong.
Và tâm mới dễ còn Không,
Rồi sau thêm định, ngần thêm rõ ràng.
Từng nhịp một, từng làn hơi một.
Nhìn lửa mà mắt thật nhìn trong.
Ý luôn bận bịu vẽ vòng,
Đó là tập mở cửa Không, nghe trò !
Hưởng men Đào, thơm tho ngào ngạt.
Tưởng Thầy mà lo đạt chỗ Không.
Chỗ Không, cao thấp nơi lòng.
Cùng tùy căn trẻ, vọng mong chỉ phiền.
THI : CAO là từ thế xa rời thế, ĐÀI dẫu giữa trần chẳng nhiễm trần. TIÊN Phật gương sen đầm tục lụy, ÔNG thì học đạo, sống thanh bần.
CAO ĐÀI TIÊN ÔNG – NGÔ TIÊN ÔNG. Thầy các con, Thầy mừng chung các con.
Thầy ban hồng ân chung cho các con an phận, thủ thường, vui tu với nếp sống thanh bần. Thầy miễn lễ. Các con khá an tọa và tịnh tâm nghe !
THI :
Thanh là trong sạch, sạch trần duyên.
Bần dục, bần tư đoạn não phiền.
Sống học thanh bần, thường chuyển đạo.
Là phương giữa tục tạo lòng Tiên.
Này các con ! Đã ngộ tâm đạo thì khá hiểu : Hễ dễ ngươi thì lục thất sẽ liên minh quấy nhiễu.
Lục thất luôn luôn thuận hành, sử dụng rất khéo léo và tài tình các cái nhớ, cái quên, cái mong muốn của chính thế nhân, làm cho thế nhân dính dấp vào sự tạp thái, vạn thù của cảnh vật, tuồng đời và ngày càng lạc lõng, đảo điên, vô minh để rồi cuối cùng không hay, không biết chiếc thân đã loay hoay trong vòng tội tình, lầm lỗi.
Dĩ nhiên tùy căn cơ và mức độ tỉnh thức của mình thì người khéo tu tâm luôn cố gắng minh định sự việc để luôn nghịch hành, để cũng dùng nhớ, quên và mong muốn của mình nhưng trong vòng Trung Thời, Trung Điểm. Đó cũng gọi là học đạo cho minh để rành lý đạo, để tận hưởng cho được sự liên quan giữa thân, tâm, ý mà răn đe lục thất.
Chung qui vẫn là hai đường siêu đọa, hai nẻo thăng trầm, hai lẽ cao thanh trọng trược, hai mặt chơn vọng của ý. Các con cũng khá kỉnh thành, chơn chất, thật thà với chính lòng mình thì mới có thể rình rập cái ý, lôi ý vừa vọng trở về nẻo chánh, đường chơn. Đó là lực hùng mà luyện ý cho đằm, để hằng tập hay, bỏ dở. Chỉ có bền lòng, cứng cỏi tập hành như vậy, mới có thể tạo sự thanh thản, thanh tịnh cho nội tâm.
Chớ còn nếu các con dễ ngươi, tự ái, ngạo cao thì chỉ là luôn gạt lấy mình như hàng dối tu, thì e các con cứ phải luân trầm trong tục lụy, mùi đời mà thôi !
KIỆT, Thầy chứng chiếu lòng thành của con. Hãy nghe !
THI :
Ba năm, rẽ ngả bước đường Ngô.
KIỆT đã chơn thành lánh thế đồ.
Chớ vướng ít, nhiều, nhiêu cũng được !
Dần dần trẻ hiểu lý thơ đồ.
* * *
Thanh tịnh được là nhờ chơn chánh,
Chơn dạ lòng và chánh hướng đi.
Lẽ đời lý đạo vẹn nghì,
Thì con đã vững bước đi về Thầy.
Học chữ Cam, đường mây con bước.
Cứng cỏi mà hằng học thanh bần.
Là con tô điểm Chân Nhân,
Toại thầm nơi dạ, thoát trần từ tâm.
Các con đồng nghe !
BÀI (Phú thi) :
Gánh tục lụy cong oằn vai trẻ,
Đá não phiền đè nặng lòng con.
Như vậy mãi, tứ đại phải mòn.
Thân kiệt sức, nào còn thần khí !
Tâm đạo là kiên tâm, trì chí.
Tránh gây nên nghiệp mới tại tiền,
Quên cho được bao mối ưu phiền.
Tháng ngày qua, đá lòng mòn bớt.
Tránh nghiệp mới phải rành hiểu biết.
Sự liên quan giữa ý, thân, tâm.
Rồi luôn rình rập ý âm thầm,
Không cho ý quàng xiên, tà vạy.
Hãy khá nhớ ý là lục soái !
Lại thêm tài lèo lái thất tình.
Dễ ngươi thì lục thất liên minh,
Làm thân khẩu tội tình lầm lỗi.
Kìa gương Phật, ý giam vào túi.
Mới dễ dàng theo dõi lục căn.
Thân tâm mới được chút tịnh an,
Dò Cảm Ứng theo chiều hướng thượng.
Việc đang phiền, thôi vương chớ vướng.
Chuyện đã qua cứ để qua luôn,
Tương lai dẫu mấy cũng chẳng buồn.
Vì Không Sắc, Tái Ông đắc thất.
Tu tâm khá kỉnh thành, chơn chất.
Kỉnh, thành, chơn đối với chính mình.
Đoạn phiền cho nhẹ chính lòng mình,
Nào ai đoạn phiền cho ai được !
CAO ĐÀI TIÊN ÔNG – NGÔ TIÊN ÔNG. Thầy các con, Thầy mừng chung các con.
Thầy chứng chiếu lòng thành của các con trong buổi lễ đàn. Thầy ban hồng ân chung cho các con lạc đạo và hằng lo răn đe tư dục. Thầy miễn lễ, các con khá nghiêm tịnh nghe !
BỜI ! Thầy chiếu giám lòng thành tưởng đến Thầy của con, hãy nghe một vài ý đạo :
THI :
BỜI thử nghiệm tinh hoa đạo bần,
Sắc Không may rủi vốn đồng cân.
Nhìn lòng thanh thản nơi Ông Tái,
Thì hiểu tư bần với dục bần.
Niềm tào khang, nghĩa ân xưa trọn.
Cho nghiệp chung nay trọn vẹn hơn,
Hương hoa Từ đượm lòng con,
Thì nguồn âm chất nào hơn, con à !
Các con ! Đàn lễ nay, Thầy cho MINH KHAI đến viếng thăm, các con khá mừng và lo tiếp điển. Thầy thượng ỷ…
(Tiếp cầu :) THI :
Đạo tâm khá định việc cho MINH, KHAI phóng phàm tâm khỏi chữ Danh.
Cho dẫu mong manh hiền, đức trọng.
Dạ lòng đó thật chửa toàn thanh !
Huynh MINH KHAI chào mừng chung chư hiền đệ muội. Huynh miễn lễ, chư đệ muội khá an tọa và định tâm. Đàn lễ hôm nay, Thầy đã nhắc chung về Danh và Lợi. Huynh giải rộng hơn như sau.
Hãy nghe :
THI :
Danh đời, danh đạo cũng đồng danh.
Có khác nhau vì chỗ để giành.
Danh đạo mồi tranh cùng bạn đạo,
Danh đời tác tệ giữa trần manh.
Này chư đệ muội ! Chư đệ muội đã ngộ đạo, lại được duyên may theo pháp Song Tu Đời Đạo thì hãy khá luôn luôn nhớ là đệ muội sống theo tâm đạo, hay là đệ muội sống đời học tu tâm.
Đó là chư đệ muội hằng tưởng đến Thầy, hằng tưởng niệm Cảm Ứng, hằng lúc lo lắng đọng tâm tư, lo soi tỏ lòng dạ để minh định sự việc, để thông suốt được điều phải quấy, lẽ đúng sai. Rồi từ đó, đệ muội hằng lo gìn cái ý hoang dại để giúp thân khẩu ngày càng bớt vướng đi bao điều lầm lỗi.
Nói chung thì chư đệ muội cũng đã buông đi được miếng đỉnh chung, mồi danh lợi tác tệ trước kia ở chợ đời và ngày nay lo tu tâm.
Có điều trong chợ nhỏ với bạn đạo đồng môn, nếu chư đệ muội cứ ơ hờ, dễ ngươi, chưa hóa giải được cái khí chất buông lung tự tánh. Ví như chư đệ muội còn ít nhiều khí cao tâm ngạo, lòng còn mong chút danh đạo, dạ còn muốn danh hiền đức trọng hơn bạn đạo hoặc muốn phải tu hay hơn bạn đồng môn thì chư đệ muội hãy khá tự hỏi và công chánh, nghiêm minh mà xét thử tâm tư đó, dạ lòng đó có phải một nền thanh thanh tịnh tịnh chưa, một thảm dạ trong ngần chưa hay đó chỉ vẫn là một ao lòng với mặt nước luôn có lăn tăn sóng tư và rì rào gió dục ? Và đã như vậy thì làm sao tựu được phẳng lặng của lòng dạ như nhiên ? Chư đệ muội khá hiểu !
Thôi, chư đệ muội hãy đọc bài Chốn Bồng Lai để cung tiễn SƯ PHỤ.
(đọc đến : …tay nâng bầu cúc…)
BÀI :
Ngộ đạo mà còn theo tâm đạo,
Khá rạch ròi tiết tháo tu tâm.
Định minh sự việc chớ lầm,
Lầm thì e khó mưu tầm Chánh Trung !
Đời và đạo chung cùng sự việc,
Nhưng góc nhìn khác biệt, đối nhau.
Đời theo niệm lự tuôn trào,
Dục danh, cầu lợi mặc bao não phiền.
Tình cầu lợi làm quên nẻo đạo,
Ý dục danh, tiết tháo phải buông.
Ý, tình là ngựa không cương.
Vó tung ngũ giới, bại thương luân thường.
Còn ngộ đạo, thân nương cửa Phật.
Mà kỉnh thành, quyết gác lợi danh.
Càng quên danh lợi trần manh,
Tức tâm càng dễ, càng thanh tịnh lòng.
Nhưng tu mà còn mong danh đạo !
Danh tu cao, danh đạo hơn người.
Là đem ý dục chợ đời,
Chuyển vào chợ nhỏ thi tài tranh danh.
Ao lòng đó dưỡng sanh tư dục,
Sóng lăn tăn, thất dục liên minh.
Mặt ao nào được tịnh thanh !
Ý tâm công chánh, nghiêm minh được nào ?
Ý vọng thì làm sao chẳng dối !
Dối người mà trước dối chính mình.
Làm sao tường tận Chiếu Minh ?
Làm sao lựa đậu cho tinh, cho ròng ?
Tu tâm là tập lòng thanh thản,
Chẳng nôn nao, chẳng ráng, chẳng lo.
Tự nhiên tiệm tiến, lần dò.
Gấp gì quả đắc hay mơ gương thành !
Kỉnh thành mà cho thanh, cho tịnh,
Chẳng vọng cầu, ý định, tâm yên.
Nhược Bồng nơi dạ như nhiên,
Mặc đời lên xuống, trắng đen bên ngoài.
Hè vừa dứt bầu trời như mát,
Còn đàn trung ngào ngạt men đào.
Chờ chi ? Đệ muội khá mau !
Chung vui hoan ẩm, cùng nhau tưởng Thầy.
THI : ĐẠO ĐỨC là khi gặp khó khăn,
Dạ lòng gắng giữ được thăng bằng. KIM TIÊN mới dễ tìm ra được,
Cách xử việc cho bớt ngổn ngang.
Huynh MINH HUẤN tùy duyên viếng thăm đàn trung.
Huynh chào mừng tất cả hiền đệ và hiền muội.
Huynh miễn lễ, chư đệ muội khá an tọa, tịnh tâm và hãy cùng Huynh lướt qua một vài ý đạo trong buổi lễ đàn nay. Trước hết, hãy nghe Huynh gợi ý !
THI :
Sự thế, việc đời được tạo thành.
Gần như chỉ bởi có nhân sanh.
Ta, người : ngoại cảnh cho nhau đó.
Hiểu vậy, dạ lòng dễ tịnh thanh.
Này chư đệ muội ! SƯ PHỤ hằng dạy : “Người tu tâm khá minh định cho được sự việc, thế tình xảy ra quanh quẩn bên mình.”
Đệ muội ! Đó là trong khó khăn, khảo đảo trên bước đường tu, đệ muội nên nhận xét, suy nghiệm, tư duy để tìm ra cho được ngọn nguồn sự việc, gốc nhánh thế tình. Nhờ đó mới thấy đâu là phải quấy, đâu là đúng sai. Có thành kỉnh, nghiêm minh, công chánh đối với chính mình thì đệ muội mới có thể nhận thức được là : cái nhân duyên chính yếu đã làm thay đổi được cảnh vật thiên nhiên và luôn luôn gây biến chuyển sự thế, việc đời chính là nhân sanh đó. Vì Người vốn là sinh vật linh thiêng nhất trong vòng Trời Đất. Càng quan trọng hơn, chư đệ muội sẽ thấy rạch ròi là : Ta và Người chính là ngoại cảnh cho nhau đó. Khá hiểu ý đạo này !
Hãy nghe thêm !
THI :
Nhiều lúc Ta, Người đồng quấy lỗi.
Lắm khi đây đó lại sai lầm.
Lỗi người thì để người lo liệu,
Sửa chính lỗi mình ấy đạo tâm.
HỰU :
Đạo tâm công chính với nghiêm minh,
Thành kỉnh chiếu minh, xét nét mình.
Trút lỗi cho người, chiều trọng trược.
Lỗi mình mình sửa rạng tâm linh.
Chư đệ muội ! Minh định sự việc để biết đây sai đúng, đó quấy phải.
Thành thật, công chánh, nghiêm minh mà minh chiếu dạ lòng mình là chẳng phải để đổ lỗi cho người và chìu tự ái vì tư dục nào để bảo vệ mình. Mà phải chính là học tập tránh lỗi của người, tập tành bắt chước cái phải của người là tự sửa chữa cái sai của mình, kiên gan tiếp tục hành cái hay, cái đúng của mình.
Đó mới thật là tu tâm, mới thật là chắt chiu cái hoài bão chí ư chí thiện tinh thần phong quang của mình đó. Chư đệ muội khá nhớ !
Lại nữa, Chiếu Minh là học tập Từ Bi - Công Bình. Không trút lỗi cho người được yên để un đúc tinh thần tự vượt qua khó khăn của người mà lại nghiêm khắc với chính mình để tự sửa mình, sửa lỗi lầm của chính mình. Thôi, chư đệ muội hãy nghe Huynh giải rộng thêm như sau :
BÀI :
Phong vân hằng điểm tô thế cảnh,
Làm đầy vơi, ấm lạnh lòng người.
Tạo nên thế thái tình đời,
Khác nào giọt nước dòng đời xưa nay.
Duyên chính yếu đổi thay cuộc thế,
Là nhân sanh tô vẽ muôn màu.
Nhưng dầu biến dịch đến đâu,
Cảnh đời vẫn có hai màu mà thôi !
Màu trọng trược, màu đời trầm đọa.
Màu thanh cao, màu đạo nhàn thanh.
Hai màu ác thiện, dữ lành.
Đều do tư dục thuận hành hóa sanh.
Có điều giữa trần manh chung sống,
Nhân sanh hằng tác động lại qua.
Người là ngoại cảnh của Ta,
Còn Ta thuộc cảnh bày ra cho Người.
Nên song tu chớ lơi suy nghiệm !
Để luyện rèn chánh kiến, tư duy.
Mới mong cách vật trí tri,
Mới minh định sự, chi chi ngọn nguồn.
Trong khó khăn, minh hơn, định thiệt.
Nhận xét chiều sự việc hanh thông.
Dở hay, xấu tốt, đục trong.
Đây sai, đó đúng hay không, Ta - Người ?
Một đời tu một đời hướng nội,
Có lo gì sửa đổi ai đâu ?
Chỉ hằng xét nét đáy sâu,
Nơi lòng dạ để tria trau tánh Trời.
Lỗi của người để người liệu đó !
Lỗi của mình chớ đổ cho người !
Huệ minh tha thứ cho người,
Gương thành là tựu một đời tỉnh thân.
Hãy khá nhớ thế nhân là cảnh,
Người chính là ngoại cảnh của ta.
Ta tu ta sửa thân ta,
Nào vì ai đó mà ta sửa mình !
Thôi đệ muội ! Để Huynh mời rượu,
Mời đàn trung ẩm tửu, vui tu.
Trời thu nhớ cảnh trăng thu,
Gìn cho Tánh tợ trăng thu trọn đầy.
Kìa Thầy ân hộ đàn nay,
Đệ huynh, tỷ muội tưởng Thầy lo tu.
THI : CAO môn khuyến nhủ đạt Chơn Tâm,
Giữ ý chính là để giữ tâm.
Tâm của ĐÀI TIÊN, ai thấu đáo ?
Nên ÔNG cột ý để gìn tâm.
CAO ĐÀI TIÊN ÔNG – NGÔ TIÊN ÔNG.
Thầy các con, Thầy mừng các con. Thầy ban hồng ân chung cho các con
thường nhựt vui tu và luôn suy nghiệm thế nào là đạo lý tu tâm ?
Thầy miễn lễ. Các con khá nghiêm đàn và đại tịnh nghe !
Đàn lễ nay, Thầy ôn một vài ý đạo về tâm linh và ý. Các con hãy nghe :
THI :
Thể đời biến chuyển vốn vô thường,
Ngoại cảnh đổi thay chẳng nể nương.
Chẳng kịp kềm lòng, lòng dính cảnh.
Vì chưng Ý Mã được lơi cương. HỰU :
Lơi cương là ý dục tung hoành,
Sai khiến lục căn cứ thuận hành.
Thêm nỗi thất tình gièm xiểm mãi,
Ao lòng gợn sóng xóa nền thanh.
Này các con ! Đối với người tu tâm, ngoại cảnh là bao gồm luôn cả người với lục thất của người đang quanh quẩn bên các con và ngoại cảnh thì chẳng ngừng biến thiên vạn thù.
Cho nên hễ người tu tâm mà lơi lân mẫn gìn tâm, kềm ý, giữ lòng, nén dạ thì chỉ trong giây phút vô minh, một suy nghĩ nhỏ, một niệm mọn dễ dàng nảy sanh. Đó gọi là tâm đã xao động và thật rất nhanh cái tâm âm đó hay cái ý trong một phần thoáng giây được phóng phát ra, và cái ý thì luôn luôn nhanh nhẹn và rất linh diệu.
Ngoài ra, nói đến tâm hay nôm na là lòng dạ của nhơn sanh thì nào có ai dễ thấy cái tâm hay lòng dạ của ai bao giờ ? Có điều nếu các con gia công suy nghiệm, tìm hiểu để minh định lời nói và hành động của một người nào, cho dầu có những lúc ăn nói trái ngược với việc làm thì các con cũng có thể tùy theo căn cơ của mỗi con mà nắm được ít nhiều cái ý hay tánh tình nơi người đó.
Cho nên tu tâm phải hiểu cho rành ý nghĩa của bốn chữ Gìn Tâm Giữ Ý. Đó chính là phải giữ cái ý để mà gìn cái tâm. Đó là giữ và luyện cái ý cho được đằm thắm và luôn luôn hướng theo chiều thanh cao. Các con khá nhiếp tâm mà suy nghiệm ! (đọc ! )
BỜI ! Thầy chứng chiếu con hằng tưởng Thầy năng hộ độ. Hãy nghe :
THI :
Trả chút nghiệp chung giữa hiện tình,
Là hơn tạo nghiệp mới riêng mình.
Trả xong dạ nhẹ, lòng thanh thản.
Và ánh Từ Bi bọc lấy mình.
Ở những lúc nghiêng chinh tâm nội,
BỜI hằng tưởng Thầy rọi sáng con.
Con là Thầy, Thầy là con.
Thì Từ Bi đó làm con giống Thầy.
(đọc ! )Các con đồng nghe :
THI BÀI :
Thầy hằng dạy gìn tâm giữ ý,
Để nhắc con đạo lý tu tâm.
Nào ai dễ thấy cái Tâm ?
Đã không nhìn biết, sao Tâm được nhìn ?
Tâm thanh trược, lung linh, tịnh động.
Tợ kho nhà thoạt trống thoạt đầy.
Trống như còn chứa mảy may,
Đầy mà cứ chất chứa hoài chẳng sao !
Tâm bao la tợ bầu Trời Đất,
Tâm hẹp hòi, hẹp chật đường tơ.
Tâm Không vắng lặng như tờ,
Nào ai cùng cạn bến bờ thủy chung ?
Nhưng khi động phóng tung thành ý,
Thành tâm âm thì ý lộ bày.
Tung hoành cân đấu thật hay,
Khẩu dời, thân dạc, lòng bày, dạ phô.
Xuyên lời nói để dò tánh ý,
Qua việc làm nghiệm kỹ tánh tình.
Công nghiêm định việc thật minh,
Thì tường tận ý thuận hành hay không ?
Kềm cái ý chẳng rong hoang dại,
Là phép mầu hóa giải Thập Tam.
Lục căn mới được định an,
Tánh Trời dần phục, tánh phàm dần tiêu.
Mật, giác, sát minh chiều hướng thượng.
Luyện ý đằm theo hướng thanh cao.
Phật Tiên đồng thể đồng màu,
Lòng màu thanh thản, dạ màu an nhiên.
Giờ Thầy thưởng trẻ hiền rượu lễ,
Giữ ý chính là để giữ tâm.
Cái tâm lòng dạ diệu thâm,
Ngộ Không, lục nhĩ, đọa trầm siêu thăng.
Đạo hữu MINH HIỆP xin keo 100 ngày : chưa được.
Đạo hữu MINH LOAN (2) xin keo 100 ngày : chưa được.
Đạo hữu MINH NGUYÊN dâng lễ 9 năm.
KỆ : KHAI thiên lý, tri ân ôn cố.
Bờ GIÁC mê hằng ở trong thân. CHƠN là dục thiểu tư bần, TIÊN ngôn ngụ ý cũng ngần ấy thôi.
Bần đạo KHAI GIÁC CHƠN TIÊN báo đàn và chào mừng tất cả hiền hữu. Khá nghiêm tịnh đàn để cùng nhau đón mừng SƯ PHỤ. Bần đạo xuất cơ hầu. Nhớ đọc bài Mừng !
THI : CAO thật xem thân chết chửa chôn,
Cho ĐÀI dễ vẹn dưỡng phần hồn. TIÊN ÔNG rộng hiểu thân hơn nữa,
Và chửa chôn mà chăm sóc luôn.
CAO ĐÀI TIÊN ÔNG – NGÔ TIÊN ÔNG. Thầy các con, Thầy mừng chung các con và chư Tiên Phật cũng đồng mừng các con.
Thầy chứng chiếu lễ và lòng thành của các con tưởng đến Thầy nhân mùa lễ mừng Giáng Sinh của Chúa.
Thầy ban đại hồng ân cho các con để hằng nhớ là phận tu tâm phải chăn chừng cái ý, để kịp thời lôi kéo lại được cái ý vọng hay ý lệch lạc trở về nét sổ Trung tức là ngôi vị ý chơn thì mới có thể đạt đạo thanh bần. Thầy miễn lễ cho các con đại tịnh nghe dạy. Hãy nghe :
THI :
Xem chửa chôn là khắc Thập Tam,
Khinh thường thân để trị lòng ham.
Giảm đi tự ái, chừa tham vọng.
Dễ triệt nhơn tâm, phục thánh tâm.
HỰU :
Thân cần khỏe mạnh, đạo trong thân.
Tiết chế, liệu lo, chăm sóc thân.
Để chuyển thường mà thân ít mỏi,
Mới mong dễ tụ khí ngưng thần.
Này các con ! Tu tâm thường nhớ nói đạo trong thân. Đó chính là vì cái thân là nơi xảy ra sự tranh chấp, trì kéo giữa lục thất hay Thập Tâm yêu với lương tri hay tâm tức là lòng dạ của chính một người.
Bậc Đại Giác nhìn thân như chết để nhắc nhở hậu học luôn luôn tỉnh giác đề phòng và cố gắng hóa giải lục thất. Mặt khác tu cũng có công phu tìm hiểu để học đạo cho minh. Gọi là Song Tu Tánh Mạng, kỳ thật các con khá hiểu là trong thân của nhơn sanh đã cùng có Tánh và Mạng. Cho nên người tu tâm vẫn phải chăm sóc sao cho chiếc thân tứ đại được luôn mạnh khỏe. Thân có mạnh lành, kiện tráng thì mới tương ứng với một tâm hồn mẫn huệ, minh linh. Lại nữa, thân có sức thì công phu thường chuyển mới ít mỏi mệt, dễ tụ Tam Hoa.
Cho nên kinh điển thường mượn lời cưỡng ngôn để trao ý đạo cho người sau, ví như Cư Trần Bất Nhiễm Trần hay sống trong cảnh mà lòng không dính cảnh. Nếu các con cứ kẹt vướng ngôn từ, không xuyên đích là lý đạo thâm sâu thì hiểu đạo khó khăn, đường tu phải nhiều gian nan đó. Ấy thật là chưa suy nghiệm thấu đáo bốn chữ Ý Tại Ngôn Ngoại. Các con khá hiểu !
HIỆP, LOAN (2) đồng nghe !
THI :
HIỆP, LOAN (2) theo dấu Cao Tiên.
Luyện lòng thanh thản con hiền rõ không ?
Đợi chờ duyên để thử lòng,
Chí bền mới dễ ngược dòng phàm phu.
Tưởng Thầy, trẻ sẽ vui tu.
Pháp luân thường chuyển, dục tư giảm dần.
Mới mong tụ khí ngưng thần,
Nội tâm lạc đạo thanh bần đó con !
NGUYÊN nghe !
THI :
Đã chín năm, NGUYÊN học đạo bần.
Khá nhuần nhuyễn nữa, ý thân tâm !
Mới thông suốt lý tu tâm đó,
Mới tận tường hơn lẽ thoát trần.
* * *
Nắm chặt túi, lục căn dần định,
Nhốt vọng rồi, được tịnh thanh lòng.
Tượng hình Di Lặc gia công,
Khu trừ lục thất, ngoài trong lạc thường.
Các con đồng nghe !
THI :
Trẻ minh quyết không tương nhượng vọng,
Thì tâm an, lòng trống não phiền.
Đó là hiểu Phật rành Tiên,
Không thì giữa thế, triền miên lụy đời.
Các con khá đọc Chốn Bồng Lai để tiễn đưa chư Tiên Phật.
(đọc đến câu : …Tiếng vàng nắm đất thêm ghê anh hùng)
BÀI :
Thân tứ đại, lục căn gom trọn.
Đạo thì mong thân trọn tịnh thanh.
Lục căn khá vẹn ngược hành,
Là phương đạo đạt, gương thành nhờ thân.
Đạo khó nếu ý gàn, ương dở.
Hằng nịnh trân, mượn cớ vì thân.
Để xui khiến mãi lục căn,
Cam đành cấu nhiễm làm thân lụy nàn.
Triết Hiền nhìn chiếc thân tội nghiệt,
Năng xem thân như chết chửa chôn.
Là mong khu lục thất luôn,
Cho thân nên nết cho hồn tỉnh tươi.
Đồng thời lại chẳng rời chăm sóc,
Liệu sao cho thân được mạnh lành.
Công phu dễ được tinh anh,
Chuyển thường ít mỏi, ba nhành kết liên.
Bao kinh điển Triết Hiền còn đó,
Thường cưỡng ngôn khi ngỏ lý mầu.
Vướng từ khó thấu lý sâu,
Đường tu khập khiễng, đạo mầu khó nên.
Hưởng men Đào, trẻ hiền cạn nghĩ.
Thiếu huệ minh đạo lý khó tầm.
Điển kinh mật mã diệu thâm,
Được duyên ngộ đạo, khá tầm lý chơn.