Tâm hạ thận thượng xứ, can tây phế tả trung

Tâm hạ thận thượng xứ, can tây phế tả trung. Phi tràng phi vị phủ, nhất khí tự lưu thông.
(Chỗ dưới tim trên thận, trong nơi phía tây gan phía trái phổi. Không phải ruột cũng không phải dạ dày, nhất khí tự lưu thông.)

[Ở đây tiếp tục ý chương trên, ‘lặng lẽ động hào đầu’ chính là vận chuyển dương khí này, nhưng cách vận chuyển như thế nào, vận chuyển về nơi nào, nếu còn chưa hiểu rõ thì e người ta vì ngờ vực sinh ra làm càn thì sai lầm không nhỏ, nên lại lấy nơi thông khí trong thân để nói rõ. Ở đây không nói nhất khiếu mà nói chỉ nằm ở dưới tim trên thận, phía tây của gan và phía trái của phổi, mà cũng không phải là lục phủ ruột, dạ dày... Có vẻ như nằm ở tỳ chăng!Nhưng chương ba mươi tám ở trên lại nói “tỳ vị không phải là thần thất”, như vậy những chỗ thực sự có trong thân đều không phải là nơi chính khí quay về. Như vậy đây là chỗ hư vô sâu kín, ngang với thái cực, bao trùm cả lục hợp, nhất khí tự biết lưu thông mà không ứ đọng, cũng không nhọc công vận chuyển, luôn dựa vào khí để dưỡng thần, thần liên tục quay về, lâu ngày tích lũy thành dương thần trong khắp cơ thể,

người ta có thể chợt nhận ra nhất khiếu.
Trên đây là chương bốn mươi sáu, ở đây tiếp tục làm rõ nếu con người có thể giữ cho tâm trống rỗng thì khí tự lưu thông, để tránh nỗi hoài nghi về tìm lỗ tìm hang. ]

Diệu dụng phi quan ý, chân cơ bất dụng thời. Thùy năng tri thử khiếu, thả mạc nhậm vô vi.
(Diệu dụng không liên quan đến ý, chân cơ không dựa vào giờ. Ai có thể biết khiếu này thì chớ phó mặc theo sự vô vi.)

[Khiếu, là nhất khiếu được nói trong chân quyết, là cuống đế kín đáo, không cần hiểu đó là cái lỗ. Yêu cầu trong lời này là lấy thanh tĩnh làm thể, khi tinh đến hợp với khí, thì khí sẽ luyện tinh thành thần. Diệu dụng lúc này là do tinh khí khéo kết hợp mà ngưng lại, không liên quan đến việc ép tim tạo ra ý. Tức giống như việc dương khí phát sinh, chương hai tuy có nói rằng việc hái lấy phải đúng lúc, nhưng cái gọi là đúng lúc chỉ là chân cơ được cảm nhận một cách huyền diệu trong sâu kín, chứ không phải thời gian được tính bằng chuông kêu, nước nhỏ. Như vậy việc đầu tiên là thóai tàng vào lỗ kín đáo, ai có thể hiểu được? Đương lúc giao kết này, chính là có dùng cái vô dụng trong dụng; trước khi giao kết, chỉ thi hành công phu trong công phu không có công phu, lúc này chính niệm của ta đang là vô vi – chưa đến lúc phân thai ôn dưỡng, thì chớ bỏ mặc sự vô vi mà rơi vào mơ hồ, tự bỏ mất đi cơ hội.
Trên đây là chương bốn mươi bảy, nối tiếp ý các chương trên, nói rõ sự xuất hiện của chân cơ, không thể dựa vào sự vô vi, nếu vậy sẽ mất cơ hội và rơi vào nguy hiểm. Cho nên chính niệm của ta phải luôn giữ lấy, tĩnh thì dùng công phu dưỡng dục uốn nắn, động thì dùng lực quan sát cảnh giác, không để xảy ra sai lầm nào. Vạn nhất có sai lầm phải hết sức lo sợ các mối tệ hại nẩy sinh, đan vỡ mệnh nguy hiểm, mọi công phu trước đây đều bỏ đi, luyện lại phải theo đúng lúc. Trước đây, ông tổ thứ năm của phái Nam tông, do chưa ngộ ra yếu chỉ của “Ngộ Chân thiên”, từng luyện ba lần thì hỏng cả ba. Nên tư chất trời ban không dùng đúng sẽ sinh mối hại! (Dương Lâm trước đây luyện công phu, chỉ biết tẩy tâm mà chưa hiểu cách trì giữ niệm và thoái tàng nơi sâu kín. Ví như đuổi kẻ cướp, mà đuổi cả chủ nhà đi luôn. Cho nên tĩnh thì không thể chuyên chú, động thì không thể đúng đắn, gặp việc luôn do dự. Là do tâm này một nửa bị hồn phách làm chủ, và tinh thần cũng không thể dùng ý bao bọc. Đến mùa đông năm tân mão, có được lời của thầy Mông của tôi bên tai, bất giác rượu đề hồ tưới trên đỉnh, nước cam lồ chảy vào tim, liền nghênh đón người chủ quay về, dần cảm thấy tĩnh thì hư trống, động thì đúng đắn, quả nhiên càng ngày càng cảm thấy việc dụng công phu đỡ tốn sức hơn, gặp việc gì cũng thuận theo đó mà giải quyết không phiền phức khó khăn. Nhưng do chưa ngộ được chân cơ, tâm này vẫn khó mà luôn tĩnh luôn ứng, luôn tự đề phòng sự lơi lỏng. Lại qua ba năm sau, thầy dạy cho sách này, khiến bản thân tự giữ tâm, biết lắng nghe bên trong. Đến khi giữ đến cao độ không hơn được thì thấy được nửa chữ ‘diệu’, lập tức đốn ngộ cả. Thầy cố ý dạy sâu về đạo là muốn Dương Lâm tự hiểu ra. Há phải không đúng lúc, cố lắng nghe cũng không nghe ra đâu. Xin kính cẩn ghi lại công phu học tập vất vả như vậy.) ]

Hữu vật phi vô vật, vô vi hợp hữu vi. Hóa quyền quy thủ nội, điểu thố kết kim chi.
(Có vật không phải là không có vật, vô vi hợp cùng hữu vi. Quyền biến hoá quay về trong tay, chim và thỏ kết thành mỡ vàng.)

[Chim và thỏ chỉ mặt trời mặt trăng, để ví với tính tình của trời đất. Kim chi (mỡ vàng) ví với tượng chuyên khí rất mềm mại, như vàng đang nung chảy, mềm mại như mỡ. Tức là điều Bạch tử nói: “Trời đất nhật nguyệt mềm như bông”, Trần Nê Hoàn nói: “Mềm như cục bông cứng như sắt”.Tinh khí là vật, là hữu không phải là vô, khi hống gặp diên sinh ra và cùng ngưng kết, diên được hống và cùng thông thấu, đây đều là những cách hữu vi. Nhưng hai vật của cách hữu vi này nếu để mặc chúng hoạt động, chúng chảy xuống mà chưa chịu dâng lên, như vậy là không tốt. Phải dùng sự vô vi của ta duy trì chính niệm, hợp lấy sự hữu vi của hai vật này, trước tiên tự tàng ẩn thì tâm không bị lôi kéo, mà cùng quay về chỗ kín đáo, như vậy là tốt. Đây là quyền thế tinh vi của tạo hóa đã quay về trong tay nắm giữ của ta, trước sau đất trời người giao hoà tự nhiên hợp lấy, liền có thể cùng tạo vật ngao du và có đời sống vĩnh hằng. Tính tình của ta đã chính thì tính tình của trời đất cũng chính – đây là đạo trung hòa mà Tử Tư Tử truyền giảng, là thuyết mà Thuần Dương tử dùng để cứu đời.
Trên đây là chương bốn mươi tám, riêng nói rõ về công dụng của việc luôn giữ chính niệm, lời lẽ to tác như vậy là để tổng kết ý của bốn mươi bảy chương trên. Mười lăm chương dưới đây, dạy người cách luyện lấy Cốc thần; từ chương sáu mươi bốn đến chương bảy mươi, dạy người cách luyện thành dương thần; từ chương bảy mươi mốt đến chương bảy mươi tám, dạy cách luyện để hợp nguyên và thần, thoát lên biến hóa trở về nguồn gốc. Ý nghĩa to lớn mà cách thức giản dị, người có chí tu luyện dễ bề thực hành, qua nghiền ngẫm lâu ngày mà thuần thục, tự mình có thể nhập vào cõi diệu. ]

Hổ khiếu tây sơn thượng, long ngâm bắc hải đông. Xúc lai tu dã chiến, ký tại Cấn Khôn cung.

(Hổ hú trên núi Tây Sơn, rồng ngân nga phía đông biển Bắc Hải.

Muốn bắt về phải giao chiến ngoài đồng, rồi gửi ở không Cấn và khôn Cung.)

[Hổ vốn ví với thân thuộc âm, nay viết là hổ hú để nói âm tinh sắp đủ. Rồng vốn ví với tâm thuộc dương, nay viết là rồng ngân nga để nói dương khí mới sinh ra. Trên núi Tây Sơn là vị trí Cấn tiên thiên, dần đi đến tượng thuần âm. Phía đông biển Bắc Hải là vị trí Chấn tiên thiên, tượng của nhất dương mới sinh ra. Giao chiến ngoài đồng chính là “chế phục thân tâm” mà Bạch tử nói đến. Thầy nói rằng: “Phương vị hậu thiên, tuất hợi giao nhau, trong đó có càn là dương bao bộc âm, nên hào thượng lục của quẻ Khôn có tượng rồng giao chiến ở ngoài đồng.” Cho nên các nhà Nho lấy càn làm đồng, các bậc tiền bối của phái Toàn chân cho rằng tuất hợi giao nhau gọi là đồng. “Văn ngôn” của Khổng tử viết: “Âm ngưng ở dương tất có giao tranh, nên nói dã chiến.” Cung cấn, khôn, tức là thái âm của tứ tượng. Cấn là cửa khuyết của cung, khôn là đóng cửa, có tượng đóng cửa tàng ẩn sâu kín. Dạy người rằng, lúc này tai mắt miệng đều đóng chặt chớ để thông, đó là bí quyết để nghiền ngẫm và tàng ẩn, tức là cách để luyện thuần thục. Người ta lúc đang nằm nghỉ, khí đêm mới sinh ra, chính là lúc chân âm đã đủ, phía trên tâm khảm đã hội tụ nhất điểm âm tinh bên trong, phúc chốc nhận ra đó chính là âm cực thì dương sinh, bên dưới khôn thể tự có nhất điểm dương khí động lên, âm tinh tự ngưng, giao chiến với dương. Lúc này giữ chặt chính niệm, gấp rút tự thóai tàng vào lỗ sâu kín, chính là chế phục thân tâm, tự nhiên tinh và khí hòa làm một, dâng tràn lên, chính được vị trí, ngưng được mệnh, chuyển vòng liền phát thành thần thủy, lan tràn toàn thân. Ta vẫn ngưng định trong khoảnh khắc, tức là gửi ở cung của Thái âm, là cách thoái tàng vào nơi sâu kín. Viết là bắt là gửi, đều chỉ cảnh tượng hai vật này mới hợp nhau sau đó, do lực tĩnh định của ta hồn hậu như sự bắt lấy và ẩn dấu đi. Khi luyện, bắt bỏ mọi tính toán. “Dịch kinh. Khôn quái. Văn ngôn” viết: “Âm nghi vu dương tất chiến, vị kỳ hiềm vu vô dương dã.” Hai câu này bản cổ viết là: “Âm ngưng vu dương tất chiến, vị kỳ kiêm vu dương dã.” Chữ nghi viết là chữ ngưng, chữ hiềm viết là kiêm, vô là chữ vô. Phái Toàn chân từ đời Hán Đường trở lại đều công nhận theo bản cũ, nên dùng nó làm chứng cứ giải thích sự ngưng kết tự nhiên của đạo luyện đan bậc cao.
Trên đây là chương bốn mươi chín, cho rằng việc kịp thời trì giữ niệm và tàng ẩn để chế phục thân tâm là diệu pháp để hái lấy, giao kết và nung luyện. Nói thì chậm nhưng kết thì nhanh, hoàn toàn nằm ở chỗ có được sự thanh tĩnh. Cảm thấy đã thoái tàng thì ngưng định trong giây lát, đó chính là nắm bắt lại, gửi vào. Cấn khôn cung cũng chỉ lúc ngưng định này, không phải là nơi âm u mờ mịt. Nhất định không được mong đợi dựa theo dấu vết mà lần tìm, như vậy  sẽ làm trái yếu chỉ về Đao khê. ]

Phục cấu tư minh hối, Độn Mông trực hiểu hôn. Đan lô ngưng bạch tuyết, vô xứ mịch viên tâm.

(Quẻ Phục và Cấu chủ về sáng và tối, quẻ Độn và Mông rõ là ban mai và hoàng hôn.

Lò đan có ngưng tụ tuyết trắng, không tìm thấy tâm vượn ở nơi đâu.)

[Phục là quẻ âm cực thì dương sinh ra, ví với thân người ta tĩnh đến cực độ thì động, chính là lúc dương khí bắt đầu sinh. Cấu là quẻ dương thịnh thì âm sinh ra, ví với tâm con người ta động đến cực điểm thì tĩnh, lúc âm tinh tự sinh ra. Quẻ Độn gồm Chấn dưới Khảm trên, Chấn là động, Khảm là nguy hiểm, để thể hiện dương khí ở thân người mới dấy lên thì đã có âm tinh ngưng nhiễm vào, chính là lúc nguy hiểm đang ở trước mặt, phải nhanh chóng tàng ẩn chính niệm, thoái lui để cho khí này phá hiểm trở mà dâng lên, vậy mới thông suốt được. Quẻ Mông gồm quẻ Khảm ở dưới, quẻ Cấn ở trên, Khảm là nguy hiểm, Cấn là dừng lại, tượng trưng cho nhân tâm gặp khí mới sinh ra, tức thì lòng dục ùa đến, đây là lúc nguy hiểm, lập tức che lấp cái tâm, tự tàng dấu đi, chớ đoạt lấy khí này, đây mới đúng là cách dưỡng lấy sự chính trực. Sáng tối, hoàng hôn, ban mai đều nói về động,như trời từ tối chuyển sang sáng là ban mai; động rồi lại tĩnh, từ ngày chuyển sang đêm là hoàng hôn, đều dựa vào khí tự lưu chuyển. “Chủ về” hay “chính là” đều để nói chính khí có thể tự điều chỉnh, tức biết tĩnh biết động. Ta luôn giữ lấy thân tâm chớ để dao động, như Trương tử nói: “Khoan dung để người làm chủ, ta làm khách”. Người chỉ khí, ta chỉ tâm, thì lò luyện đan tự nhiên ngưng thành, tuyết trắng phủ khắp thân, không còn chút tạp niệm vướng víu. Cho dù muốn tẩy tâm lúc này cũng không tìm ra vết tích để tẩy. Tuyết trắng chính là thần thủy, nghĩa của nó đã nói ở chương thứ năm. Tâm vượn tức lúc chưa được chân quyết, nó là tất cả những chủ kiến sai lầm và tất cả những vọng tưởng, tạp niệm.
Trên đây là chương năm mươi, nối tiếp ý chương trên, giảng rõ cách hái lấy và giao kết. ]

Hắc hống sinh hoàng diệp, hồng diên điện tử hoa. Cánh tu hành hỏa hậu, đỉnh lý kết đan sa.
(Hống đen sinh ra lá vàng, diên hồng nảy lên hoà tía. Càng phải vận hành hỏa hậu, trong đỉnh sẽ kết được đan sa.)

[Tinh ở tâm đã thuận theo khí của thân bay lên, nên ví von là hống đen. Khí của thân đã hấp thu được âm tinh mà thành thần nên nói là diên hồng. Khi sinh ra lá càng là lúc hống đen đã ngậm khí dương cùng quay về trong khôn thổ thuần âm, khi ngưng định đã có thổ khí vun bồi nên sinh ra lá vàng - tức lá non khi mầmvàng mới nảy ra. Đó là câu Cù Quân nói: “Lá bẩm thụ cái âm mà có được dương khí nên tươi tốt, để ví với âm ngưng ở dương mà báo hiệu sự kết đan.” Nảy lên hoa tía tức diên hồng cũng dựa vào hống đen, cùng trong phút chốc đã được hỏa khí hun hấp, nên nảy lên hoa tía – màu giữa nước và lửa là màu tía. Cù Quân cho rằng: “Hoa tía là phần bao bọc của quả để ví với lúc thủy và hỏa đều dồi dào và có được nền cơ bản để kết đan. Lúc này nếu phóng túng bỏ mặc ý tung hoành ra ngoài thì thần khí tan biến, sao có thể định vĩnh viễn để thành Thần cốc? Lập tức buông thân tâm ra, kiên trì tàng ẩn chính niệm, lặng lẽ che đậy ánh sáng để làm hỏa hậu nung luyện. Như khí của đứa trẻ hết sức mềm mại, không bận tâm can thiệp vào, thấy rõ rệt thì tâm khí đã đầy đủ, như trong đỉnh đã kết thành đan sa. Tính của đức đã mạnh mẽ và ngưng tụ thì tình của khí chất cũng an định, đây mới có thể gọi là Cốc thần, nhưng chưa thể giữ cho Cốc thần bất tử.
Trên đây là chương năm mươi mốt, nối tiếp ý chương trên, giảng rõ cách giao kết và nung luyện. ]
Mộc dịch tu phòng thố, kim tinh cánh  kỵ kê. (Mộc dịch phải đề phòng thỏ, kim tinh phải kỵ với gà.)
[Mộc vốn ví với tính, tâm do tính sinh ra nên gọi là mộc dịch. Thỏ là mão trong địa chi, vào giờ này khí của quẻ có cái thế “sấm đánh mạnh trên trời” - quẻ dương vượng quá mức. Tượng trưng cho người tu luyện đến đây, tâm đã chính đại, vừa thấy kẻ tiểu nhân liền ghét thậm, giận dữ sinh ra, hỏa bốc lên ở mộc, lập tức khắc lại với tính, nên cần đề phòng. Nếu đợi sau khi phẫn giận sinh ra rồi mới trị thì tính đã loạn và Cốc thần gặp nguy! Cho nên người quân tử nếu không đúng lễ thì không làm, nên mới định được tính. Tính đã định thì to lớn và mạnh mẽ! Đề phòng gạt bỏ chướng ngại. Kim để ví với tình, thân nhờ tình mà sinh ra nên gọi là kim tinh. Gà là dậu trong địa chi, vào giờ này khí của quẻ có cái thế “quán xét gió và đất”, quẻ âm mạnh quá mức, tượng trưng người tu tới đây, thân đã cường tráng, vừa tiếp xúc với vật đã hiếu sắc, dục tình động lên, thủy tiết ra mất, kim khô khốc, sẽ khó chế ngự tình, nên phải kỵ nó. Nếu đợi lòng dục đã động lên rồi mới dập tắt thì tình đã bị lôi kéo mà Cốc thần nguy hiểm! Nên người quân tử quan tâm đến mệnh của mình, dẹp hết dục vọng quên mọi thứ tình. Tình đã quên thì trở nên tự tại!

Kỵ nhằm cắt bỏ sự quyến rũ của tình.

Trở lại Mục Lục