Khí sản phi quan thận, thần cư bất tại tâm

Khí sản phi quan thận, thần cư bất tại tâm. Khí thần nan tróc mạc, hóa tác nhất đoàn kim.
(Khí sinh không liên quan đến thận, thần ngụ không tại tim. Thần, khí khó nắm bắt, hóa làm một khối vàng.)

[Một khối vàng, tức không còn phân biệt ngũ khí hay tam hoa, trong ngoài, định hay sắc..., chỉ dùng tâm thanh tĩnh dưỡng cái vô hình. “Thái ất cứu khổ kinh” viết: “Khí trời quay về thân, đều thành cái thần tự nhiên. Tự nhiên có những thể khác nhau, vốn ở trong động trống. Động trống có dấu vết mà không dấu vết, khắp thể đều trống không. Thứ nhất, cái khí mềm mại uyển chuyển được hình thành; thứ hai khí nhu thuận được sinh ra; thứ ba hình thành vạn pháp; thứ tư sinh ra ánh sáng.” tức nói đến điều này vậy.
Ở đây nối tiếp ý chương trên, nói rằng khí trong thân khi mới sinh còn mềm mại, vốn từ nơi ở là Hư cốc trở về Ứng cốc, không nằm ở thận; cái thần do âm tinh hóa thành chỉ nhờ khí thuận ở nơi ở Ứng cốc mà xoay vòng và trở về Thiên cốc, không nằm ở tim, và điều này cũng có nghĩa là từ  trong sắc thân nắm bắt lấy nó, mà không hề hiển hiện pháp thân. Đây là sắc và pháp đã hỗn hóa (trộn lẫn nhau), để tiến hành công phu ôn dưỡng. Phải biết rằng, thần không có phương hướng, và khí vốn không có thể, nên cái tàn ẩn nơi sâu kín gọi là thần, cái chứa  đầy chỗ trong không gọi là khí. Thần khí giao cảm, chỉ trong động trống không, không dấu vết mà lại có dấu vết; kế đến cảm thấy trong cõi mờ mờ có sự tương phùng, từ trong âm u có biến hóa. Nếu muốn tìm thì khó nắm bắt, nhưng trong khoảnh khắc hư tĩnh có động dậy, một ngọn lửa cháy sáng bay tràn trong hư không, thật sự là một khối vàng chiếu sáng thấu rõ toàn thân. Dùng được nó chân thần hiện ra, bỏ thì nó tàng ẩn trong chỗ như như bất động! Đây là cảnh tượng chân thật, không phải ví dụ.
Trên đây là chương ba mươi sáu, nối tiếp ý chương trên, liên thông với năm chương dưới, đều làm rõ cách ôn dưỡng đúng đắn. ]

Nhất khiếu danh huyền tẫn, trung tàng khí dữ thần. Hữu thùy tri thử khiếu,cánh mạc ngoại tầm chân.
(Nhất khiếu gọi là huyền tẫn, trong ẩn chứa khí và thần. ai biết được lỗ này, chớ ra ngoài tìm chân.)

[Chương này nói rõ khi mới sinh ra, thân thọ nhận khí, đã hình thành lỗ nhất khổng, các bậc tiền bối gọi đây là huyền tẫn, chỉ nhờ ta có thể giữ sự thanh tĩnh mà bảy lỗ quay về gốc, bên trong tinh khí trở về, ngưng luyện thành thần. Lỗ này có thể tàng ẩn chúng, nên gọi là huyền tẫn. Nhưng chủ yếu chỉ nhờ sự khéo kết hợp lúc chính niệm dấy động, thì có được sự ngưng kết trong phút chốc. Do đó Bạch tử gọi nơi ý niệm dấy động là huyền tẫn. Thầy nói rằng: “Khí sinh ở nơi thâm u mà thành thần nên gọi là huyền, tức chân âm trong ly, thực sự là âm tinh trong tâm, khi khí ngưng được liền hoàn chỉnh thiên tính của ta; khí nhờ thần hấp thụ mà hóa thành thần thủy, nên gọi là tẫn, tức là chân dương trong khảm, thực sự là chân khí trong  thân, cùng khí giao hòa mà hoàn thiện bản mệnh của ta; khí và tinh hoà quyện ở nhất khiếu, nên gọi đó là huyền tẫn, ai có thể biết được điều này? Nếu có thể biết được lỗ này gọi là huyền tẫn thì thực sự chỉ có ý niệm này, ngoài nó ra tất cả là giả dối, sao phải tìm kiếm bên ngoài!” Tử Hiền - Tiết tử có lời ca rằng: “Huyền tẫn chân thật, huyền tẫn chân thật, huyền tẫn đều chung một lỗ, không nằm ở miệng mũi và tim, thận.” Đây là lời giảng rõ ý chương này. Thuần Dương tử thì bảo: “Vất vả tìm lấy lúc thân mới sinh ra để thụ khí, chớ lấy làm lạ rằng thiên cơ đã lộ ra rồi.”, lời lẽ càng rõ ràng!
Trêm đâu là chương ba mươi bảy, giải thích vì sao nhất khiếu được gọi  là huyền tẫn. ]

Tỳ vị phi thần thất, bàng quang nãi thận dư. Khuyến quân hưu chấp nê, thử bất thị đan thê.

(Tỳ và vị không là thần thất, bàng quang chỉ là chỗ kéo dài của thận.

Khuyên anh chớ trông vào chúng, chúng không phải chiếc thang giúp luyện thành đan.)

[Ở đây nói tỳ vị là nơi tàng trữ khí, không phải là thần thất, không thể đóng lại khiến khí khó vận hành chuyển hóa; bàng quang chỉ là chỗ kéo dài của thận, lưu trữ nước đục, không thể ngộ nhận là dương tinh mà đẩy tràn vào hà xa. Chiếc thang bấc nhịp trong đạo luyện đan, hoàn toàn không nằm ở đây, chớ câu chấp vào chúng.
Trên đây là chương ba mươi tám, nhân ý chương trên răn người ta không tìm bên ngoài, e người ta kiếm bên trong, nên ở đây nói thêm, dạy mọi người chỉ lo dưỡng cái vô hình, là chiếc thang chân chính mà thôi.)

Nội cảnh thi thiên thủ, trung hoàng tửu nhất tôn. Tiêu dao vô vật lụy, thân ngoại hữu càn khôn.

(Cảnh bên trong chứa nghìn bài thơ, “Hoàng” bên trong có rượu một chung.

Tiêu dao không vật gì ràng buộc, ngoài thân còn có đất trời.)

[Cảnh bên trong là cảnh tượng bên trong sắc thân. “Hoàng” bên trong là Hoàng đình trong cõi trời. Ngoài thân còn có đất trời là ánh sáng, có khi thống nhất bảy lỗ thành một – sau khi đột nhiên tung đỉnh, thấy trong ngoài sắc thân đều là một thể vàng. Đây là do hai khí tiên thiên bẩm thụ từ trời đất của ta kết thành. Nó lớn không gì nằm ngoài, nó nhỏ không gì ở bên trong. Nhìn thấy toàn bộ sắc thân (thân xác) của ta cũng ở trong nó, nên chỉ ra thể do trời đất hợp thành là thân bên ngoài thân. Muốn nói, lúc này cảnh tượng trong thân không thể nắm bắt, “Hoàng” trong trời cũng không thể tiến hỏa, tốt nhất tức cảnh ngâm vịnh, lấy tính tình vui vẻ trong trời đất, mượn rượu hòa vào để làm thông thần khí âm dương. Tình vui vẻ thì giảng giảu không chán nên làm đến nghìn bài thơ mà không trở ngại, dưỡng khí không nên quá mức nên rượu chỉ một chung chứ không nhiều. Như vậy, thần khí mới tiêu dao trong pháp thể. Tuy sắc thân này bay chín vạn dặm, nghỉ ngơi sáu tháng, mặc sức bay lượn cũng không ra ngoài pháp giới. Đây là cách giao kết, dưỡng lấy trong ngoài. Trương tử nói: “Trong thông ngoài cũng thông” chính là đây.
Trên đây là chương ba mươi chín, mở rộng ý hai chương trên, quét sạch trong ngoài, lúc này đang cần trong ngoài dưỡng lẫn nhau, chỉ cần gạn tình lọc tính sẽ dưỡng được khí hạo nhiên của ta, thì tất thảy lễ nghi, uy nghi đều là sự trung hoà mà thánh nhân tôi luyện được trong trời đất, khiến cho chúng luôn có được điều chính yếu của tính tình. Chúng đều vốn là loại nhạc vô thanh, cái lễ vô thể, ung dung theo đạo Trung, lên xuống cùng lưu thông với trời đất, há còn có ngoại vật làm lụy đến thần của ta sao! ]

Điểu thố tương tiến chử, quy xà tự nhiễu triền. Hóa thành đan nhất hạt, ôn dưỡng tác thai tiên.
(Chim thỏ cùng nung nấu, rùa rắn tự quấn nhau. Hoá thành một hạt đan, ôn dưỡng thành thai tiên.)

[Chim vốn là hồn của mặt trời, để ví với tính lúc này; thỏ là phách của mặt trăng, dùng để ví với tình lúc này. Cùng nung nấu tức là dùng tính bắt lấy tình, tình đã đi theo tính, có tượng thủy hoả đã tiếp nhau. Rùa giỏi tàng ẩn dùng ví với thần, rắn giỏi cuộn vòng dùng để ví với khí. Tự quấn quýt tức là thần điều khiển khí, khí tự dưỡng thần, có dạng âm dương quấn cuộn vào nhau.
Ở đây nối tiếp ý chương trên, dạy người ta gạn tình lọc tính, có thể uống rượu làm thơ phú, nhưng còn sợ người học câu chấp vào hình ảnh thân tâm, trong ngoài, nên giảng lại rằng để quên hết hình thì tính tình mượn việc đào luyện làm nung nấu, khí và thần lấy động và định tĩnh làm riền quấn, tự nhiên hỗn trộn hoá thành một hạt đan – nó lớn không gì nằm ngoài, nhỏ không gì nằm trong, trí tuệ bao trùm vạn vật, thần thông biến hóa không trở ngại, lẫn vào thái cực nên luôn tồn tại. Trần Nê Hoàn nói: “Bắt chim thỏ làm dược liệu, đem thái hư làm lò vạc”, chính là cách khôi phục tính để hợp với nguyên. Tử Hiền - Tiết tử có lời ca: “Chim không có hình, thỏ không có bóng, chim thỏ chỉ là tinh của mặt trời và mặt trăng, khi chim thỏ giao nhau, trời đất lâu dài mãi mãi,” lại ca rằng: “Rùa không có hình, rắn không có vết, rùa rắn chỉ là hình của mặt trăng mặt trời, hai khí âm dương giao hòa thành một.” đều để ví với tính tình, thần khí. Đó là đạo, có nhiều lần chuyển biến, cần hòa quyện chặt chẽ để dưỡng lấy nhất điểm đan tâm, tùy cơ vận động biến đổi, động và tĩnh hợp lẽ, hợp trong ngoài để làm cái thể. Không thể chỉ chấp vào một cái mà cầu luyện thành đan.
Trên đây là chương bốn mươi, nối tiếp ý chương trên, giảng rõ lúc này âm dương, thần khí biến động không yên, cũng không có sự phân biệt trong ngoài. Nói rằng minh (sáng) là lễ nhạc, u (tối) là quỷ thần, đều quy về sự gạn tình lọc tính của ta để ôn dưỡng huyền cơ biến hóa của chúng, thuần hóa cho đến khi không thanh không mùi mà thành đan! ]

Vạn vật sinh giai tử, nguyên thần tử phục sinh. Dĩ thần quy khí huyệt, đan đạo tự nhiên thành.

(Vạn vật sinh ra rồi đều chết đi, nguyên thần chết rồi lại sống lại. Đưa thần quay về huyệt khí,

con đường luyện đan tự nhiên thành tựu.)

[Thần tức là nguyên thần, khí chính là chân khí nguyên dương trong vô cực. Người có thể giỏi dưỡng như vậy, tựa như có thể trường sinh bất tử, vui vẻ tiêu dao, hà tất phải trông mong thành đan, thành tiên? Nhìn khắp vạn vật chứa đầy trong trời đất có sinh đều có tử, chỉ có nguyên mệnh mang dương thần của ta trước đây từng chết đi, nay nhờ được bí quyết mà sống trở lại, sau này cũng khó giữ cho nó không chết đi lại – ôn dưỡng như vậy cuối cùng không có kết cục như mong đợi. Lúc này cần tự tiến lên một bậc, tức sau khi ôn dưỡng thành công bốn bước đầu mới có thể ra tay. Sao lại thế? Thần khí của ta từ khi mở quan khiếu, luôn dưỡng đúng cách không có hại, đã lắp trời đất và thông với cõi Tam thanh. Chỉ đợi ta trở lại thái cực ở trong tự nhiên hư vô, lại phát lên một điểm chân khí nguyên dương tiên thiên vô cực, ta liền ngưng định như ban đầu, tức là đưa thần quay về huyệt khí, một phen rạch đất lật trời, kết cứng không thể phân tách. Dùng công phu trong khoảnh khắc như vậy, dương thần đã được nguyên khí tưới đẫm, liền hiện hình, có thể bay lên và biến hóa. Có thể giữ sự tịch tĩnh an định, nói về thể chất thì tai nghe thấu chín trời, mắt nhìn suốt vạn dặm, không ăn không đói, uống rượu không say, miệng có thể làm cạn hống, bụng có thể hấp bánh; nói về ứng dụng thì thân có ánh sáng vạn thần quay về bái lễ, chó thể sai khiến sấm sét, làm trời sáng hay đổ mưa. Quỷ quái nhìn thấy liền lạc phách, tinh quái gặp liền sợ đến mất bóng. Tự mình đối cảnh mà vô tâm, như như bất động, bao chứa tất cả, ôn dưỡng nguyên thần, tự nhiên hợp đức cùng trời đất, hợp minh cùng nhật nguyệt, đây là hợp nguyên. Nguyên thần thành tựu đợi lúc để thoát đi, hợp chân cùng đạo, đây là điều mà “Đạo đức kinh” nói “Việc đã thành công, trăm họ đều cho rằng tự nhiên mà có được.” Há biết rằng ta dồn hết công phù mà không đi ra ngoài việc dưỡng cái vô hình nên thần quay về huyệt khí, nếu không phải là người thật sự thông minh, sáng suốt, uy nghi mà không hiếu sát thì ai có thể làm như vậy? Đây là cách dùng kim dịch luyện hình, nên dương thần được hiện hình.
Trên đây là chương bốn mươi mốt, thông với ý của năm chương trên, đều để làm rõ việc ôn dưỡng thành đan. Không hề mượn bắt cứ hành động nào, chỉ đợi nguyên thần và chân tính quay lại, nhờ dương thần tĩnh định của ta mà thắng lấy!Bảy chương dưới đây đều nói về việc phá bỏ hoài nghi, mà không nói về công phu nào khác, người đọc cần tự hiểu lấy. ]

Thần khí quy căn xứ, thân tâm phục mệnh thời. Giá ban chân khổng khiếu, liệu đắc thiểu nhân tri.
(Thần khí quay về gốc, là lúc thân tâm đã phục mệnh. Lỗ chân khiếu này, e rằng ít người biết.)

[Thần khí đã nói ở chương trên. Gốc, chính là gốc của đất trời, tức là nguyên tính của ta. Mệnh chính là nguyên mệnh. Đến lúc này mới là lúc quy căn phục mệnh, còn e người đời không biết quy phục là gì, nên đặc biệt nêu ra bốn chữ “thần, khí, thân, tâm”, không mượn vật làm ví dụ như trưóc, để làm rõ rằng nơi thần khí quay về gốc là lúc thân tâm hồi phục mệnh, đều là đức của tính, là cách hợp trong và ngoài cả. Vì thế mới chỉ ra chỗ đúng đắn rằng, không từ ngoài mà luyện lấy ta. Bảo người không cần tìm lỗ nào cả, chân khiếu chính là nhất khiếu mà thất khiếu trở về, nhất khiếu trở lại chân không của nó thì chính là chân khiếu. Bạch tử nói “lấy việc phản bản hoàn nguyên làm chân không”, thực ra chỉ là, người có thể giữ được tâm hư tĩnh thì đạo tự quay về với họ. Lão tử nói: “Trời đất tất đều quay về”, Khổng tử nói “Thiên hạ về theo nhân”, là há có một lỗ nào khác hay sao?
Trên đây là chương bốn mươi hai. Ở đây đặc biệt nói rõ lỗ để quay về, giúp mọi người hiểu rõ. Nên Bạch tử nói “lấy việc quy căn phục mệnh làm sự hoàn thành đan” là vậy. ]

Thân lý hữu huyền tẫn, tâm trung vô cấu trần. bất tri thùy giải thức, nhất khiếu nội hàm chân.
(Trong thân có huyền tẫn, trong tâm không có bụi bẩn. Không biết sao có thể giảng giải, trong nhất khiếu có chứa chân.)

[Khi chưa có chân quyết trong thân còn chưa  có huyền tẫn, nên phải hướng vào trong tâm cố gắng tảy sạch bụi bẩn. Cho đến khi công phu thanh tẩy đã thâm hậu, liền có được chân quyết, và một khi chính lệnh đã vững, đến lúc diên hống đều có cả, không chờ suy nghĩ tính toán phải tự thoái ẩn nơi kín đáo. Từ đó thần ngụ ở Thiên cốc, khí trở về Giáng cung, đây là huyền tẫn. Và lúc này trong thân đã có huyền tẫn thì thần tự dồi dào, khí tự ăm ắp, trong tâm không có chút bụi bẩn, càng không việc gì để tẩy rửa. Cảnh giới mênh mang trống không như vậy chính là bầu trời hạo thiên, người không biết sao có thể giải thích? Chỉ nhờ thần và khí của ta đã hợp thành một chính niệm, trộn lẫn nhau tàng ẩn trong nhất khiếu, hàm dưỡng thiên chân, không ngoại vật quấy nhiễu, tâm này cũng tự thành một phiến linh đài, bụi trần không để chút dấu vết. Ở đây dạy người không cần trốn đời tránh dục vọng, mà ở ngay trần gian cũng có thể ra khỏi bụi trần. Tóm lại công phu này giản dị có thể duy trì lâu dài và làm cho lớn lên. Bạch tử nói: “Chuyên cần mà không gặp được, khi gặp tất gặp người giỏi, một khi có được chân quyết thì yêu ghét đều bỏ đi, và trước khi sự vật đến thì quyền hành đã thuần thục, bên trong đã có chủ, vạn vật không thể sai khiến được ta.”
Trên đây là chương bốn mươi ba, riêng nói rõ viêc có được chân quyết để luyện thành đan thì vọng niệm tự bị tiêu diệt, bảo người không cần sợ khó khăn mà lo an thân, lời lẽ rất khẩn thiết! ]
Ly khảm chân long hống, càn khôn chính mã ngưu. Nhân nhân giai cụ túc, nhân thậm bất tri tu.
(Ly và khảm chính là rồng và hổ; càn khôn chính là ngựa và trâu. Mọi người đều có đủ chúng, vì sao không biết tu.)
[Ly là ví với tâm hậu thiên, tâm có âm tinh mà không được chế ngự, nên như con rồng điên cuồng. Khảm ví với thân hậu thiên, thân có dương khí mà không bị quy phục nên như con hổ dữ dằn. Ở đây nói ly khảm chính là rồng và hổ, nên hàng phục chúng. Càn ví với tâm tiên thiên, Khổng tử trong “Thuyết quái” ví nó là “con ngựa tốt”. Khôn ví với thân tiên thiên, “Thuyết quái” ví nó là “con trâu mẹ”. Ở đây nói càn khôn là ngựa và trâu, đều là vật tốt lành thuần hậu. Việc luyện đan của người ta, vốn chỉ là luyện bỏ cái xấu xa ngoan cố của thân tâm hậu thiên, trở lại sự tốt lành thuần hậu của tính mệnh tiên thiên mà thôi. Mọi người đều có thân tâm, đều được thừa nhận chuẩn phép của trời, vì sao không biết tu hành? Đó là do chưa được chân quyết, không biết trước tiên phải tàng thần ở trong nhất khiếu, đến đỗi khiến hồn phách không an định nơi gan phổi, đều làm sai chức phận, gây ra điều ưa điều ghét mà sinh mừng giận, dần dần nhiễm bẩn mà không biết trở về bản nguyên, thật đáng buồn thay. Chương dưới sẽ nói rõ cách tôi luyện hồn phách.
Trên đây là chương bốn mươi bốn, nối tiếp ý chương trên, cho rằng mọi người đều có cơ sở để thành tiên, khuyên người ta tinh tấn tu luyện. ]
Hồn phách vi tâm chủ, tinh thần dĩ ý bao. Như như hành hỏa hậu, mặc mặc động sơ hào.
(Hồn phách là chủ của tâm, tinh thần dùng ý bao lấy. Trầm trầm bất động tiến hành hỏa hậu, lặng lẽ động lên ở hào đầu.)
[Ý là do tâm sinh ra, tức là nơi ý niệm của ta dấy động. ‘Dùng ý bao lấy’ có nghĩa là niệm luôn chăm chú vào chỗ bao bọc tàng ẩn nơi sâu kín. ‘Như như...’, mới được động niệm liền như đóng dấu khế ước, tức hình tượng của sự thoái lui tàng ẩn. ‘Mặc mặc...’, giống như  mưu tính công việc, chủ tướng một mình toan tính trong trướng, không cho người ngoài xen vào, để ví với người luyện tinh thần nhằm phục mệnh, chỉ dùng một ý chủ trì nơi sâu kín, không cho hồn phách làm chủ. Hào đầu tức nơi ý niệm mới động lên. Đạo luyện đan lấy tinh, thần, hồn, phách, ý làm dược liệu, mà hồn phách vốn tàng ẩn ở gan phổi, và không làm chủ ở tim. Trong tim vốn tự có thần yên ổn cư trú để chấn chỉnh toàn bộ cơ thể, và không bộ phận nào không tuân lệnh nó. Có khi phát lên mà thành ra ý, tức là sự động dậy đầu tiên của chính niệm, củng cố niềm tin cẩn thận giữ gìn đủ để đoàn tụ tinh khí lại, nên hồn phách cũng tàng ẩn ở vị trí chính đáng, khiến cho ta giữ được lòng nhân, nhờ nghĩa mà dưỡng lấy đức, lại đủ để dưỡng lớn tinh thần của ta. Chỉ do sau khi thân sinh ra, tim tiếp xúc với vật nên không thể ngưng tĩnh, thần bèn chảy đi thành khí, khí cũng chảy đi thành tinh, đến khi khí đầy mà thần trống thì trong tim không có chủ, không ai điều chỉnh cơ thể; hồn phách cũng không ở an nơi phủ tạng của mình, ngược lại còn muốn phát tán tinh thần làm chủ của tâm. Hồn là mộc rời khỏi gan mà ngụ ở tim, thì hỏa phát lên và tính bị khắc chế; phách là kim rời khỏi phổi mà ngụ ở tim thì bị nung chảy nên tình chảy đi; Như vậy thì hồn mất đi cái nhân của nó mà trở nên phẫn nộ, phách rời xa nghĩa nên thả lỏng dục vọng. Từ đó phẫn nộ, lo sợ, yêu ghét quấy nhiễu trong thân nên khó tránh khỏi sự tắc nghẽn, thực sự là do thần không điều chỉnh được nên hồn phách được nhượng cho cái quyền này mà làm chủ của tâm. Cho nên người tu luyện, biết hồn phách không thể làm chủ của tim thì đầu tuyên phải tập trung và luyện tinh thân, kiên trì chính niệm. Chính niệm ngưng thì tim thận tự giao với nhau, tinh thần được bao bọc tàng ẩn trong ý mà không tán lạc, hồn phách cũng quyến luyến tinh thần mà cùng quay trở về trong ý, tức đã gôm tụ toàn bộ, chính niệm nắm quyền làm chủ của tim. Niệm tập trung, như như bất động để vận hành ngọn lửa thanh tĩnh tự nhiên, lúc này sẽ trở thấy nhất dương trở về, lặng lẽ vận lên chu thiên, tự nhiên hồn phách sẽ không thể xâm nhập vào tri giác, dương khí không bị lay động, dâng thẳng lên cùng giao hội với thần, chính niệm cũng hòa trộn vào mà thành thần, đan đã được kết. Đây là bí quyết quan trọng của việc hái lấy và giao kết, tham khảo thêm chương sáu mươi bên dưới, đủ biết rằng chính niệm không thể không xác lập đầu tiên.
Trên đây là chương bốn mươi lăm, nối tiếp ý chương trên, thương xót người đời không hiểu biết nên nêu ra chân quyết để tôi luyện hồn phách, ngưng tụ tinh thần. ]

Trở lại Mục Lục