Nguyên khí như hà phục, chân tinh bất dụng di

Nguyên khí như hà phục, chân tinh bất dụng di. Chân tinh dữ nguyên khí, thử thị đại đan cơ.
(Nguyên khí làm thế nào uống vào được, chân tinh không cần di chuyển. Chân tinh cùng nguyên khí, đây là nền để thành đại đan.)

[Khí được sinh ra trong thân ta chính là nguyên khí vô hình, không thể so sánh với những món ăn hữu hình, có thể trình bày cách ăn như thế nào;  tinh sinh ra trong tâm của ta là chân tinh không có chất, không thể so với ngoại vật có cứng có mềm, cho nên không cần di dời. Có thể biết về dược, lấy được hỏa thì biết được dược chính là hỏa, hỏa chính là dược, chân tinh và nguyên khí, một mà hai, hai mà một. Chúng rõ ràng đủ để lập  nền cho đại đan rồi!
Trên đây là chương hai mươi lăm. Ở đây thừa tiếp ý của hai mươi bốn chương trên, nói rõ tinh và khí, nền tảng của đan, hợp lại thành một, và không nên tìm kiếm bên ngoài. ]

Nho gia minh tính lý, Thích thị đả ngoan không. Bất thức thần tiên thuật,kim đan khoảnh khắc công.

(Nhà nho hiểu rõ tính và lý, nhà Phật cố chấp ở chỗ không. Không biết phép thuật thần tiên,

công phu trong khoảnh khắc mà thành kim đan.)

[Ở đây muốn nói đạo của thánh nhân và pháp của Đức Phật ít được truyền cho mọi người. Cho nên, người theo đạo Nho hiểu rõ lý tính mà chưa xét thấy nguyênh mệnh là gốc của tính, người theo đạo Phật cố chấp ở cái không mà không hiểu ra nguyên tính là gốc của mệnh. Vì thế họ không biết đạo nhất quán của thần tiên. Cái gọi ‘lấy hỏa luyện dược’ để thành đan chỉ là dùng thần điều khiển khí mà thành đạo, tức là xét đến cùng mọi lý, nắm tận hết mọi tính và hiểu hoàn toàn về mệnh. Ôi, các bậc thánh nhân trước đây của Nho gia đã viết “Chu dịch”, “Trung dung”, Đức Thế tôn của đạo Phật giảng “Kim cương”, “Viên giác”, đọc các sách này thì biết thuật luyện kim đan của thần tiên là thuật về đức nhân. Có thể dùng nền tảng công phu trong khoảnh khắc mà biến hóa toàn thân. Các bậc thánh nhân của Nho gia gọi là thông suốt ở một sự vật mà vạn vật đều hiểu rõ cả. Thế mới biết thiên hạ từ ngàn xưa vốn không có hai đạo, thánh nhân của tam giáo (Phật, Nho, Đạo) đều chỉ có một tâm.
Trên đây là chương hai mươi sáu, nói tiếp ý chương trên, than người đời không biết kết hợp  tinh khí thành đan, cảm khái việc mở rộng Bà tâm, nâng đỡ người trong tam giáo, hi vọng họ tìm hiểu sâu tâm truyền của thánh nhân trong tam giáo, hành đạo theo cùng một lối, phổ độ người trong thiên hạ. ]

Yển nguyệt lô trung hống, chu sa đỉnh nội diên. Quy xà chân nhất khí, sở sản tại tiên thiên.
(Hống trong lò yển nguyệt, diên trong đỉnh chu sa, rồng rắn chính là nhất khí, sinh ra ở tiên thiên.)

[Lò yển nguyệt chỉ nơi có thể đặt lò nung luyện trong thân người, không nên câu chấp xem nó là bộ phận nào. Chu sa ví với tượng của tâm, đỉnh ví với tâm con người vốn hư không có thể dung chứa được vật để tôi luyện. Rồng rắn đã trình bày ở chương bốn, ở đây riêng giảng rõ ý nghĩa của chương đầu, nên nói diên hống trong thân tâm vốn là khí chân nhất của âm dương, đều được sinh ra ở tiên thiên, chỉ cần con người từ sự hư tĩnh cực độ để theo dõi sự trở về của nó, không cần cầu kiếm bên ngoài. Cho nên Tử Hiền - Tiết tử có lời ca rằng: “Lò yển nguyệt, đỉnh chu sa, nến biết bão nhất, giữ sự xung hòa, không quản ngại thấu qua cửa để vào giếng ngọc.” Tiết tử là học trò của Thạch tử, được chân truyền cho chương này mà có lời ca trên.
Trên đây là chương hai mươi bảy, nói rõ lò đỉnh của hỏa dược đều có sẵn cả từ khi ta mới ra đời. Than tiếc cho người đời không biết mà làm theo. ]

Sóc vọng tầm huyền hối, trừu thiêm tượng khuyết viên. Bất tri chân tạo hóa, hà vật thị chân diên.

(Mồng một ngày rằm tìm ngày trăng khuyết, ba mươi, rút ra thêm vào vẻ như khuyết tròn,

không biết đâu là tạo hóa chân thật, vật nào là chân diên.)

[Mồng một, ngày rằm, trăng khuyết, ba mươi tượng trưng cho sự dồi dào, suy vi và biến mất. “Tìm” tức là chuyển đổi, không phải là “tìm kiếm”. Rút ra, nhân lúc đầy mà làm bớt đi; “thêm vào” là nhân lúc thiếu hụt mà thêm cho, đều xuất phát từ tự nhiên cả. Từ vô sinh ra hữu gọi là tạo, đang hữu rồi lại vô gọi là hóa, cách thức dựa theo tự nhiên. Tức nói đạo luyện đan dùng phương pháp theo tự nhiên, thân người tự có động, có định tĩnh, khí tự có dâng lên lắng xuống, như trăng trên trời lúc sáng lúc tối, lúc tròn lúc khuyết. Theo sự tròn khuyết mà rút ra thêm vào, cắt bỏ lúc trăng khuyết, giữ cái thế tròn đầy. Nếu không biết đầy, hụt, biến mất là chân cơ của tạo hóa, mà nhằm lúc sau trăng thượng huyền, trước ngày mồng một, ba mươi, vào lúc mặt trời rọi ánh sáng lên mặt trăng mà tìm mặt trăng ở hướng canh, thì tất không thể được. Người luyện đan sáng suốt, khi được thuốc nên giữ sự thanh tĩnh làm thể, giữ chân diên làm dụng; nếu chưa gặp lúc quý sinh, thì chớ mong tìm khắp trong thân vật nào có thể là chân diên. Ở đây, làm rõ nghĩa chương hai “hái lấy phải biết lúc.”
Trên đây là chương hai mươi tám, chương trên nói rõ chỗ sinh ra thuốc, chương này chỉ ra lúc thuốc sinh, hi vọng mọi người hiểu mà làm theo. ]

Khí thị hình trong mệnh, tâm vi tính nội thần. Năng tri thần khí huyệt, tức thị đắc tiên nhân.
(Khí là mệnh trong hình, tâm là thần trong tính, có thể biết được huyệt của thần và khí, ắt là thành tiên nhân.)

[Hình tức là thân, thân nhờ chân khí ở cuống mệnh mà được sinh ra, nên khí là mệnh trong hình. Tâm là tính, do nguyên thần hội tụ thành cho nên tâm là thần trong tính, tâm là ngôi nhà của thần. Tóm lại, tính mệnh là gốc của thân tâm, thần khí là sự thể hiện của thân tâm, từ đó mà biết tâm thân là nơi nương nhờ của tính mệnh, tâm thân là huyệt của thần khí. Người nhạy bén, biết được chân huyệt này, hội tụ thần khí mà tàng ẩn chúng thì đã đặt được mệnh nơi sâu kín. Nếu không biết điều này, thì ra tay tu luyện thần tiên từ đâu?
Trên đây là chương hai mươi chín, ở đây lại nói rõ hơn công phu về thân tâm tính mệnh, chỉ dựa vào thần khí mà có tác dụng, hi vọng mọi người tỏ ngộ được cách để quay về, mà trở lại ngọn nguồn của mình. ]

Mộc tủy phanh kim đỉnh, tuyền lưu chú ngọc lô.
(Tủy của mộc nấu trong đỉnh vàng, dòng suối chảy vào lò ngọc.)

[Mộc là để ví tính, tính dựa vao tâm, nhất điểm chân tinh trong tâm vốn từ gốc tính sinh ra, tức nguyên tinh của ta được ví như tủy có trong mộc, nên viết là mộc tủy – đây là nguồn phát sáng hống. Kim là đức càn tiên thiên, tâm tiên thiên vốn thuộc càn, nên ví tâm là kim tâm – là nơi nương tựa của tính. Tính không có tính nào không có lúc bất thiện, nên ngụ ở trong tâm, có thể có được mọi lý để ứng phó với vạn sự việc, ví như vàng đông lại thành đỉnh, có thể điều hoà thủy hỏa để nấu thành năm mùi vị, nên gọi là kim đỉnh. Nói rằng tâm vốn rất trong trẻo, khi ngoại vật không tác động vào nó, nó như trái quả không chút tỳ vết, nên tinh tủy của nó có thể luyện thành thần. Chỉ vì từ khi có thân, chưa qua nung luyện,cảm thụ ham muốn mà rong chạy ra ngoài làm nhọc tâm, làm nô dịch cho hình hài. Nay muốn luyện đan, sao có thể mong nó ngưng kết thành hống? Cho nên, đầu tiên tất phải chính lệnh, để làm thanh tĩnh tâm, nung luyện cho sáng ngời, tĩnh lặng mới đưa bản tính về thành nguyên thần, một khi gặp diên sinh, liền sinh ra chân hống, ngưng luyện thành thần. Do đó ví nó là “tủy mộc nấu trong đỉnh vàng”.
Suối là gọi nước khi còn ở núi chưa chảy ra, để ví với mệnh của ta. Mệnh dựa vào thân, một chấm chân dương trong thân, vốn từ cuống mệnh sinh ra, tức là nguyên khí của ta, ví như nguồn của dòng nước, nên viết là suối chảy – là nguồn phát ra diên. Ngọc chỉ cái thể khôn tiên thiên, thân tiên thiên vốn thuộc khôn, nên ví thân là ngọc thân – là nơi nương tựa của mệnh. Mệnh không có mệnh nào không có lúc không mạnh mẽ, nên dựa vào thân, mỗi khi đến nửa canh giờ tý nhất dương tự động dậy. Ví như mài ngọc làm thành lò, trong đó có khí ấm áp của hỏa càng ấm, nên gọi là lò ngọc. Vì thân vốn vô cùng tĩnh, khi ngoại  vật chưa chạm vào nó, vốn không có bệnh tật, nhờ vậy thai tức (hơi thở khi còn là bào thai) lưu chuyển để trưởng thành. Chỉ sau khi tiếp xúc với vật, không còn chuyên nhất, nên mới nổi lên khí cơ (sự vận hành của khí), rồi chảy ra thành tinh mà thấm lọt ra ngoài. Ngày nay muốn luyện đan, hiềm nỗi khí này đang đục. Nên đầu tiên phải kiên trì chính niệm, dẫn khí quy tụ về trong thân, gạn cho trong sạch mới được nhất khí tiên thiên, tự nhiên động lên, luyện hống thành thần, nên ví nó như “suối chảy vào lò ngọc”. ]

Thùy tương tam bách nhật, mạn mạn trước công phu.
(Ai có thể trong ba trăm ngày, từ từ trao dồi công phu.)

[Ý nói thiên hạ tấp nập, ai chịu lo lường chuyện sinh tử, sẽ lấy tinh khí vốn trong trẻo như vậy trong tâm thân mình mà bào chế thành ngọc thành vàng, tiếp đó phối hợp với công phu qua ba trăm ngày, không xao nhãng, không gượng ép, từ từ tu trì?
Trên đây là chương ba mươi. Ở đây do chương trên đã giảng rõ về gốc của thần và khí, giống như có thể đốn ngộ mà quay về nguồn gốc, nhưng có người chưa ngộ ra, duyên trần nhiễm đã nặng, thần mờ ám, khí vẩn đục, nên không thông thấu được cách linh quan, không thể triệt để tu luyện, vì vậy giảng lại để làm phấn chấn tẩy sạch tinh thần, phối chế với cái mạnh mẽ và trong sạch, đợi thời cơ ra tay  tiến hỏa vận dụng công phu. ]

Ngọc đỉnh phanh diên dịch, kim lô dưỡng hống tinh.
(Đỉnh ngọc nấu nước diên, lò vàng dưỡng tinh của hống.)

[Đỉnh ví với thần thất, chủ nhân trong nhà được tu luyện đến trong sạch như chương trên thì thần đã tinh tế như ngọc, nên gọi là đỉnh ngọc. Trong giây lát, diên khí đến, liền nổi hống hỏa lên để nấu thành thần thủy nên bảo: “đỉnh ngọc nấu nước diên”.
Lò ví như Khí hải, chính khí trong biển được gạn lọc thanh trong như chương trên thì khí tự ngưng cứng như vàng, nên gọi là lò vàng. Khí sinh ra tất gặp gỡ được tinh của hống, tự nhiên hòa cùng và được dưỡng mạnh lên, chảy vào ao Hoa trì, nên viết: “Lò vàng dưỡng ra hống tinh.” ]

Cửu hoàn vi cửu chuyển, ôn dưỡng tượng chu tinh.
(Cửu hoàn là cửu chuyển, việc ôn dưỡng giống như sao trên trời.)

[Cửu hoàn chính là cửu chuyển, ý nghĩa xem chương sáu. Ở đây nói hái lấy phải có cách, tức là cách nung luyện, giao kết. “Giống như sao trên trời”, giống như các vì sao trên trời được dùng để xác định bốn mùa, sớm tối, cần xuất phát từ các điểm chốt trong sự vận hành của bầu trời, tự nhiên vận chuyển theo trục mà không sai sót. Ở đây muốn nói việc tắm gội, ôn dưỡng đều phải theo cách thích đáng.
Đại ý chương này nói rõ thần là hỏa, khí là dược (thuốc), hỏa gặp dược (thuốc) thì nấu bùng lên, thuốc gặp hỏa thì ngưng cứng lại, mà thành hoàn đan. “Nấu”, “dưỡng” chỉ sự tự giao kết và nung luyện, tức dùng cái tĩnh của đạo trời chuyên tâm theo sự ngay thẳng, dưỡng đến mức tắm gội, phân thai, ôn dưỡng khi thành đan mới thôi.
Trên đây là chương ba mươi mốt, nối tiếp ý chương trên, cho rằng sau khi nắm bắt được tinh thần, liền hội tụ chúng lại, thì có thể ngưng luyện thành đan. Đồng thời chỉ ra đầu mối của dược và hỏa, giúp mọi người hiểu về thuyết cửu hoàn mà không còn nghi ngờ.

Ngọc dịch tư thần thất, kim thai kết khí khu. Chỉ tầm thân nội dược, bất dụng kiểm đan thư.
(Ngọc dịch tràn trong thần thất, kim thai kết thành trục khí. chỉ cần tìm thuốc trong thân, không cần kiểm tra sách luyện đan.)

[Ngọc dịch chỉ khí trong tâm, kim thai chỉ diên tâm, khí đủ thì sinh ra thần, mới có thể nung luyện thành đan. Cho nên, đầu tiên cần dưỡng tâm khí của ta cho đầy trong thần thất, khí thông với diên, hỗn lộn làm một mà thành thai. Khí của thai đã kết thành thì thông với khí vận chuyển trong thân nên giống như toàn bầu trời xoay vần thuận theo trục trời, không có sai lầm. Thần này chính là trục khí. Khôn có thể thường xuyên ngưng tụ, khí không khi nào không tụ, đều là thuốc trong thân, nên chỉ có thể hướng vào thân mà tìm. Sách luyện đan của các thời cũng chỉ rõ ý chỉ này, dạy người tự tu tỉnh bên trong, không cần kiểm tra đâu cả.
Trên đây là chương thứ ba mươi. Ở đây nói cách giao kết đúng đắn. ]

Hỏa táo nguyên vô hạch, giao lê khởi hữu tra. Chung triêu hành hỏa hậu, thần thủy quán kim hoa.
(Táo đỏ vốn không có hạt, giao lê há có bã. Luôn chú ý vận hỏa hậu, để thần thủy tưới vào kim hoa.)

[Quả táo gọi là táo đỏ, để ví với chân hống nung diên thành ra đan. Quả lê gọi là giao lê để ví với đan do diên hống giao hòa mà thành. Ý nghĩa của thần thủy xem chương bốn, kim hoa là ao Hoa trì. Ý nói thần không có hạt nhân, khí không có cận bã, chỉ cần luôn chú ý giữ thanh tĩnh, trống rỗng mà dưỡng lấy cái vô hình một cách chính xác, tự nhiên thần ngưng và đi vào huyệt khí. Tức là cách “diên hống thành chân thể” một cách tự nhiên mà chương đầu đã nói. Lão tử cho rằng: “Can đảm ở chỗ không dám thì sống” là đây. Tử Hiền - Tiết tử có lời ca rằng: “Quả giao lê chân thật, quả táo đỏ chân thật, sau khi ăn giao lê, tức chi nhẹ nhàng, khi nuốt táo đỏ vạn kiếp luôn no.” Không phải cũng ý này sao!
Đây là chương ba mươi ba, nói cách nung luyện chân chính. Chương dưới sẽ nói chỗ sai lầm của việc luyện khí tồn thần, mà than người đời chưa rõ chỗ kỳ diệu của bí quyết chân chính để luyện đan ở bậc cao. ]

Luyện khí đồ thị lực, tồn thần nhậm dụng công. Khởi tri đan quyết diệu, trấn nhật ngoạn chân không.

(Luyện khí nhờ thi triển lực, tồn thần dựa vào việc dụng công.

Há biết chỗ kỳ diệu của bí quyết luyện đan là suốt ngày đùa ở chốn chân không.)

[Ngoạn (đùa), ví như chim bằng to lớn bay chín vạn dặm và nghỉ ngơi sáu tháng, không hề vượt ra ngoài trời. Chân không chính là nói thần đầy khí hư. Ta lấy thần đưa vào huyệt khí thì ý niệm tập trung vào cái không và cảnh ở cõi không đều bị quét sạch, và toàn thể thông thấu từ trong ra ngoài một bầu chân không. Viết là “đùa nơi chân không”, tức điều mà Hải Thiềm ông nói là: “Chiếu sáng thân trường sinh, không mà không phải là không, soi xét linh diệu, chứa cả trời, dung đựng hết vạn vật.” Có ý rằng chính khí của con người chỉ nên dưỡng mà không luyện. Nếu chân khí đang tự lưu thông mà người ta lại luyện nó, tức là bịt khí lại. Bịt khí thì ứ trệ mà không thông, ắt khi nằm ngủ không tự giác vẫn tự thở khí ra bằng miệng, uổng phí sức lực mà không nên công phu gì. Đây là cảnh mà người luyện đan còn chấp ở chỗ không khi phân biệt cấp bậc, còn ngộ nhận chưa thấy rõ sự nhất quán trong ngoài. Lại nữa, nguyên thần của con người chỉ cốt cho nó an mà không giữ lấy, nên thường tàng ẩn ở nơi sâu kín, như vậy nó sẽ dồi dào mà không suy yếu. Có người tồn thần, nếu không tập trung tư tưởng trầm mặc, người thường khi cúng tế quỷ thần, mượn ý niệm nhìn về cõi không để đạt đến sự vô cùng cung kính, tự nhiên được thần cảm thấu, đó là do có sự chú tâm và giữ lấy sự tập trung đó. Nếu đan thần đang ở chỗ tĩnh định mà con người lại muốn giữ lấy nó, tức bản thân đã quấy nhiễu thần. Quấy nhiễu thần thì rối loạn và bất an, tất sẽ hướng đến sự vọng tưởng mà theo đuổi mãi, uổng công phu mà không có được lực. Đây là chỗ mà những người tu theo Phật giáo tiểu thừa và đại thừa còn câu chấp vào chỗ quán không (xem tất cả là không), chưa thể quên được người và pháp. Trong “Thúy hư ngâm” của Trần Nê Hoàn chỉ ra cái tệ đó: “Đều bởi chưa hiểu được khẩu quyết chân thật của cái chân nhất, nên uổng phí công sức, cái hại này lớn vô cùng.” Há biết rằng chỗ huyền diệu của bí quyết luyện đan bậc cao, từ đầu đã xem ý niệm quán không và cảnh không đều là không, nên đạt được chân không không trở ngại. Thần tự tàng ẩn nơi sâu kín mà dưỡng cái vô hình, khí tự đầy cái trống rỗng mà đạt đến cực điểm của nó. Phàm, sau giờ tý đến trước giờ tý hôm sau, suốt ngày ngưng tĩnh, đi đứng nằm ngồi đều là hỏa hậu, mặt trời mọc thì bay như chim bằng, mặt trời lặn thì nghỉ ngơi như chim bằng nghỉ, đói thì ăn cơm, mệt thì ngủ, việc đến thì theo đó mà làm, khách đi thì tĩnh lặng, vạn vật không thể quấy nhiễu vô thức của ta, trời đất không thể làm nhọc cái vô hình của ta. Mặc sức lưu thông theo lục khí, ta riêng chứa vạn hữu ở chỗ thành thục nhất. Đây là câu “luôn vận hỏa hậu” ở chương trên, là bí quyết kỳ diệu của việc “suốt ngày đùa ở chỗ chân không” của chương này, nên việc gì phải uổng công luyện khí tổn thần?
Trên đây là chương ba mươi tư, nối tiếp ý chương trên, và cho rằng mệnh báu không nên đùa giỡn, chỉ cần tàng khí  nơi khí mà không lường được, ẩn thần nơi thần mà không biết, nên không ngưng trệ ở chỗ không, không dồn ứ ở chỗ vô. Như cá trong nước nhởn nhơ tự đắc, vật đến thì theo đó mà thích ứng, vật đi thì thản nhiên vô tư, hồn nhiên mà riêng còn vậy. Đây là cách tắm gội đúng đắn, người có thể biết điều này thì còn lo lắng gì đáng ngại nữa? ]

Dục luyện tiên thiên khí, tiên can hoạt thủy ngân. Thánh thai như kết tựu, phá đỉnh kiến lôi minh.
(Muốn luyện được khí tiên thiên, trước tiên làm ra thủy ngân sống. Thai thánh nếu đã kết, tung đỉnh nghe sấm rền.)

Thủy ngân sống là hống chưa được luyện, chỉ nhất điểm âm tinh trong tâm ta, ban đầu khi chưa gặp diên để nung nấu. Khi thủy ngân còn sống thì khó điều chế được. Tung đỉnh có nghĩa đục tung ra ở chương hai mươi hai. Ý nói làm cho am tinh quý báu trong tâm ta gặp dương khí trong thân ta thì có thể nhanh chóng nung luyện. nhưng tinh còn thuộc âm như thủy ngân còn sống nên dễ tan, sao trông mong có thể tụ khí thành thần? Muốn luyện được khí tiên thiên, đầu tiên lúc bình thường phải luôn cảnh giác cẩn thận và dè dặt, kiên trì theo chí hướng. Từ cẩn thận kín đáo mà thoái ẩn nơi sâu kín, giữ cái thanh tĩnh làm thể, giữ diên hống là dụng. Đến khi quý sinh, thi triển lực mạnh mẽ vững vàng của ta, bắt lấy âm tinh ngông cuồng như rồng, đón bắt dương khí hung hăng như hổ, xoay chuyển sao Đẩu, xông lên một mạch, xoay đầu lại, tự có niềm hòa hợp vui sướng không gì ngăn trở. Lúc này âm tinh, trước đây thường bị chê là dễ tan được ví như thủy ngân sống của ta, phần nước của nó đã bị dương khí hút khô, ngưng kết thành thần, cùng quay về trong lỗ vô hình, đây là huyền tẫn, là điều Bạch tử nói: “Hai con trâu đất chui xuống biển, đến nay tin tức rất mịt mờ”. Nhưng ở đây muốn nói đan khi mới kết là như vậy, sau này sự trở lại của nguyên mệnh, nguyên tính đều không dựa vào sự sâu kín này làm công phu. Tức bình thường chân khí trong thân ùn ùn kéo đến, cũng chỉ ở đây, cái thần của sự không thần kết hợp vi diệu và ngưng trong cái vô hữu. Cứ như vậy ngày lại ngày, đêm lại đêm, không cần tính lịch trình bao nhiêu ngày tháng, thai thánh tự nhiên kết thành. Một khi đã phá mở khiếu và đỉnh sẽ hiện ra cửa huyền tẫn. Kế đến cảm thấy toàn thân ngồi trên trời, thấy trong không sấm rền điện loé, kinh động đất trời; tiếp theo trăm mạch đều ngưng, tam quan thông thấu. Từ lúc này thân nóng như lửa, toàn thân thuần dương, các loại bệnh trong thân đều biến mất, đây không phải là giấc mộng lúc ngủ. Các bậc tiền bối tôn trọng sự phục mệnh này, gọi nó là người chân nhân tiên thiên mang nguyên mệnh linh thiêng quý báu của ta đã trở về; về phục tính (khôi phục tính mệnh), gọi đó là người chân nhân tiên thiên mang đạo và đức của Thái cực đã trở lại; còn về luyện hư để hợp với đạo, gọi là nhất khí tiên thiên nguyên thủy vô cực của ta đã trở lại. Hiển nhiên lấy đấng Thiên tôn được diễn hóa ra từ cõi Tam thanh. Cho là chân thể có nhất khí lưu thông. Những cách gọi đó thực sự có diệu lý, nhưng tôi ngu muội cho rằng, đạo luyện đan ban đầu lấy việc phục khí phục thần làm bước tiến, tiếp đó lấy việc phục mệnh, phục tình và hợp nguyên (hợp với đạo) làm công phu tận cùng, mới nói rõ ý chỉ phản bản hoàn nguyên (quay về nguồn cội), như vậy nghe ra gần gũi và không quá mơ hồ. Cho nên, không cần luôn luôn xướng lên tên gọi cao quý, và không dám bỏ mất cách gọi của các bậc tiền bối.
Trên đây là chương thứ ba mươi lăm, nối tiếp ý chương trên, làm sáng tỏ cảnh tượng chân thực khi phân thai tự nhiên. Nhưng chính vào lúc “Trên không lên tới trời, dưới không xuống tới đồng, giữa không đến tới người”. Đan gia tuy gọi là hoàn đan nhưng kim dịch còn chưa thành thục. Lúc này, công phu trong thân càng tăng sức lực không được, cho nên phải giảm nhẹ đi nên gọi là cách hỗn hóa (làm cho hỗn trộn), dạy mọi người ôn dưỡng để thành đan. ]

Trở lại Mục Lục