Xà phách cầm long tủy

                                           

Xà phách cầm long tủy, quy hồn chế hổ tinh.

(Phách rắn bắt tủy rồng, hồn rùa nắm tinh hổ.)

[Rồng để ví với tình, tình mỗi khi cảm nhận được sự lương thiện, dịu dàng thì sinh ra vui vẻ. Đây là việc làm của phách, nên nói là phách rắn. Tủy rồng, ví với âm tinh trong tim. Rùa ví với tính, tính mỗi khi gặp chấn động đều sinh phẫn nộ, đây là hành vi của của hồn nên gọi là hồn rùa. Tinh hổ ví với dương khí trong thân. Ở đây nói theo ý chương trên, chính lệnh của ta đã rõ ràng thì  tình đã quên mà quay về lúc ban đầu của tính, do đó cái tâm điên cuồng như rồng đã bị nắm bắt, tinh đã không dao động thì tính sẽ định, từ đó cắt bỏ gốc của tình, cho nên thân hung dữ như hổ bị chế phục và khí không còn tù đọng.
Bắt và chế phục đều chỉ việc làm cái điều không làm. Câu “Đã thu phục được hổ, đã hàng phục được rồng, thì khỉ vượn không còn dòm qua song cửa sổ.” Ý của nó có lẽ nằm ở đây chăng? ]

Hoa trì thần thủy nội, nhất đoà ngọc chi sinh.
(Trong nước thần thủy của ao Hoa trì, một cành ngọc sinh ra.)

[Trương tử nói: “Ngờ vào diên mà biết tới hống gọi là Hoa trì, lấy hống cho vào diên gọi là thần thủy.” Ngu muội làm rõ ý của Trương tử như sau: Diên là thân, ví nó như cái ao, do gặp được hống nên khí hoá thành hoa (tinh hoa) nên gọi là Hoa trì; hống chỉ tâm, ví nó là nước, đưa nó vào diên thì tinh hóa thành thần nên gọi là thần thủy. Hống và diên hoà vào nhau, ví như thần thủy đổ vào ao Hoa trì, thực ra chỉ là thần quay về, khí trong thân tự trở lại mà thôi! Diên hống đã ngưng kết thì tự nhiên quên tình và định được tính, thần nhập vào khí như nước chảy vào ao. Có một người chủ luôn tỉnh táo, giống như hoa đã nở thành đóa, hớn hở khoe sắc, lại như nước ngọc đã ngưng kết thành cao, kết dính chặt chẽ - đây chỉ là hình ảnh tỷ dụ.
Trên đây là chương bốn, tiếp nối ý chương trên, chỉ rõ diên hống đã giao kết thì tính tình đã ngay chính, là lúc mọi thứ hoà hợp thành một, nên đan được tạo thành. ]

Bạch tuyết phi quỳnh uyển, hoàng nha phát ngọc viên.
(Tuyết trắng bay trong vườn châu, mầm vàng nhú ở vườn ngọc.)

Tuyết trắng – thân thuộc khảm, nhất dương trong khảm là càn kim nên có màu trắng; diên trong thân sinh ra do kim khí tràn trề nên diên hống giao nhau hóa thành thần thủy, trong trẻo tĩnh lặng, nên ví với tuyết. Vườn châu ví với thân.
Mầm vàng – tâm thuộc ly, nhất âm trong ly là khôn thổ, nên có màu vàng; hống trong tâm sinh ra, do mộc dịch đầy ăm ắp nên hống gặp diên ngưng tụ đi vào Hoa trì, dung hoà và lớn lên, nên gọi là nảy mầm. Vườn ngọc cũng để chỉ thân.
Bay và nhảy đều chỉ diên gặp hống giao kết và bốc lên, thế như bay lên, tản mạn khắp trời; hống được diên thì ngưng lại và chìm xuống, thế như nảy mầm khắp mặt đất. Tử Hiền - Tiết tử nói: “Không có mây trắng, không có mầm vàng, mây trắng là nước trong nhà thần, mầm vàng là hoa trong vùng khí.” Điều này có thể thể nghiệm được, nhưng không thể dùng cái hữu tâm để cầu lấy. ]

Đãn năng tri yển nguyệt, hà xứ luyện hồng diên.
(Có thể biết được lò như yển nguyệt, thì luyện hồng diên ở nơi nào.)

Như yển nguyệt vốn là biến tướng của lỗ huyền. Khi trong thân ta chưa có thuốc, thanh tịnh lắng giữ bên trong, thất khiếu đều quay về nhất khiếu. Bên trong nhất khiếu trống rỗng mà linh ứng, tròn trịa như quả trứng, nên cái tĩnh của nó cũng phù hợp hoàn cảnh; khi thuốc sinh ra, chính lệnh của ta đã được giữ vững, lỗ nhất khiếu này liền ngữa lên trời như hình cái chén để đón lấy thuốc. Cho nên nó sẽ động mà cũng sẽ sáng tỏ. Lúc này nếu khách quan mà nhìn, nó giống như vầng trăng lưỡi liềm. Khi đã được thuốc thì nó khép lại và tối như quả trứng để giữ thuốc. Ý niệm động rồi lại tĩnh. Lỗ huyền cũng sẽ mở rồi khép lại. Nếu tình và tâm xao động nhất khiếu sẽ mở ra thành bảy và thuốc thoát ra ngoài. Cho nên khi có thể được như yển nguyệt thì hái lấy thuốc. Nhưng cũng có thể nói ý của câu này là, có lúc không trông đợi như vậy mà được như vậy, ban đầu không có hình dạng nhưng có thể nhìn thấy. Về hồng diên, Trương tử nói: “Chân diên sinh ở khảm, tác dụng của nó lại ở cung ly”, từ đen biến thành đỏ là vậy, nhưng lúc ban đầu cũng không có sắc tướng. Luyện ở nơi nào, vì thần vốn không có hình thể nên răn người chớ chấp vào tướng khi hành động. Mạnh tử bảo: “Muốn nuôi dưỡng khí hạo thiên phải chăm lo tích lũy điều nghĩa, đừng trong chờ có kết quả ngay”  là vì vậy.
Một khi đan đã lập thì thuốc luôn phát sinh, ta có thể làm rõ chính lệnh, từ bên ngoài hư vô dẫn dụ vào trong thân. Lúc này luôn có thể tự tiếp nhận, lâu dần khí đầy thần đủ, cốc thần tự nhiên dồi dào.
Người tu luyện, ban đầu vất vả mà không biết được nhất khiếu, khi đã biết hết sức đề phòng không làm mất nó. trước tiên việc tàng ẩn rất quan trọng, sự thanh tĩnh và tự nhiên là điều vi diệu - Người có thể trước tiên thoái tàng ý niệm thì khi thời cơ đến sẽ không lo bị lỡ mất, và ý niệm khởi lên sau đó không thể quấy nhiễu được họ. Biết như vậy thì có thể nắm giữ và uốn nắn tâm!
Trên đây là chương năm, nối tiếp chương trên, nói việc sau khi lập thành đan, thuốc lập tức sinh ra, hái mãi không hết, không lúc nào được chuyển ý niệm để đo lường, có vậy lúc này mới tự tiếp nhận, cắt bỏ dù chỉ một chút giả tạo để giúp thuốc lớn lên. Trương tử nói: “Một hạt lại một hạt, từ nhỏ bé khó thấy đến lớn lên rõ rệt.” Cũng như nói góp gió thành bão, không thể có sự mường tượng nào khác được. ]

Dược tài khai hỗn độn, hỏa hậu luyện hồng mông.
(Thuốc mở cõi hỗn độn, hỏa hậu luyện chỗ mơ hồ.)

[Thuốc là tên gọi khi hái lấy; hỏa hậu là tên gọi lúc nung luyện, đều để chỉ tinh và khí lúc này. “Khai hỗn độn, luyện hồng mông” là nói khi tinh, khí này vô cùng thanh tĩnh, thất khiếu mới quy về thành nhất khiếu, như sự mờ mịt trong cõi hỗn độn, tự nhiên mở ra; tức lấy cái ý thanh tịnh, không phân biệt trong ngoài, giống như còn ờ thuở mơ hồ không có hình tượng, mà tự nhiên luyện chung tất cả tạo  thành công phu. Nói thuốc đi ra từ chỗ hỗn độn, hỏa chính là luyện như mơ hồ, để làm rõ nghĩa của chính lệnh và yển nguyệt ở chương trên, dạy người chỉ có thể dùng vô tâm mà luyện, không thể lao khổ tâm để tu rèn. ]

Thập nguyệt khai tiên hóa, phương tri cửu chuyển công.
(Mười tháng thai hóa thành tiên, mới hay về công phu cửu chuyển.)

[Hóa là điều Bạch tử nói: “Đánh vỡ hư không để thành tựu”. Tức là cái mà đoạn dưới gọi là “thoát khỏi thai hóa thành thần.” Cửu chuyển tức là cửu hoàn. Cửu (chín) là số tròn của kim, chỉ dương khí trong thân trở về, không phải là chín lần trở về. Nói thuốc là từ trong vô sinh ra hữu, tức phải hỗn độn, mơ hồ như thái cực, không thể lường trước hình tượng của khí như thế nào, và đến ba trăm ngày thì thai thành thục, mới biết khi ta  bắt đầu kết đan đã luyện công phu hái lấy dương khí tiên thiên trong thân.
Trên đấy là chương sáu, nói về việc luyện được đan rồi nung luyện, không thể dựa vào hình dạng dấu vết, mà trong tương lai tự biết hiệu quả của nó. “Khế”  viết: “Không dựa vào cái rõ ràng để cầu mong luyện thành” là ý này. ]

Long chính tàng châu xứ, kê phương bão noãn thời. thùy tri diên hống hợp, chính khả ẩm Đaokhuê.
(Nơi rồng đang giấu châu, lúc gà đang ấp trứng. ai biết diên hống đã hòa hợp, chính là lúc có thể uống Đao khuê.)

[Tàng châu ấp trứng để chỉ chỗ diệu của nhất khiếu. Sách “Nội cảnh” viết: “Người đã biết quay cả về nhất khiếu, tức biết cách náu vào nơi sâu kín. Chỉ là giống như rồng dưỡng châu, gà ấp trứng, thần chuyên chú không xao động mà thôi.” Ai có thể hiểu được ý nghĩa thực sự của chữ diệu, thầy ta Thái hư ông chú “Cửu thiên tâm ấn sám văn” viết: “Không có ta cũng không có người, chớ nên xưng hô để phải miễn cưỡng gọi là ai”. Chữ ai (thùy) trong sách này gặp tới mười một lần, luôn có thể dựa vào nó lĩnh hội ý nghĩa. “Thùy tri diên hống hợp (ai biết diên hống đã hòa hợp)” chỉ sự tàng thần ở nơi sâu kín, giữ cho thần thanh tĩnh, không phân biệt ai là chủ ai là khách, ai là ta ai là người, cũng không quan tâm diên hống có hòa hợp hay không, đó mới chính là sự hòa hợp thật sự kỳ diệu, không gì gián cách. Đao khuê chỉ kỷ thổ và mậu thổ, số của chúng đều thuộc năm, ban đầu vị trí của chúng đều ở giữa. Sau khi con người chào đời, nơi ở của chúng chia thành khảm và ly – dương trong khảm là tinh anh của mậu thổ, âm trong ly là tinh hoa của kỷ thổ. Người xưa gọi là khảm ly để chỉ Đao khuê. Các nhà nho xưa gọi chúng là “tinh hoa của âm dương và ngũ hành” để nói rõ khảm thuộc mậu, ly thuộc kỷ, một khi được gặp nhau sẽ vĩnh viễn không có gì gián cách được chúng, chúng giao hợp ở giữa nên gọi đó là Đao khuê. Dạy người chỉ dùng ý niệm sơ khai làm chính lệnh, tức điều mà các bậc tiên hiền gọi là cái chân thực của vô cực, để tinh hoa của âm dương ngũ hành khéo kết hợp và ngưng lại. “Thường thanh tĩnh kinh” của Lão tử viết: “Vô hình, vô tình, vô danh, miễn cưỡng gọi đó là đạo.”, tức là ý nghĩa thực sự của chữ “ai” mà thầy ta đã chú – đúng lúc thì hội với thái nguyên, lý lẽ này có thể dùng được.
Sau thời điểm ban đầu, ý niệm đã chấp theo tướng, do chính lệnh đã rơi vào hậu thiên. Trong chớp mắt chuyển thành suy tư, mậu thổ và kỷ thổ liền trở thành nơi ngăn cách mộc tính với kim tình. Khí là mậu trong khảm, được thông suốt nhờ hô hấp, nên thủy phủ không thể bảo đảm nguồn cung cấp nước; tinh là kỷ trong ly, rơi vào bàng quang nên thần thất không thể an định căn nhà của nó. Do vậy thủy (tinh) và hỏa (thần) cũng không thể tiếp xúc với nhau, nên tứ tượng không thể quay lại làm chỗ dụng của ta, thế sao có thể hợp diên vớihống mà ngưng kết thành tiên thai? Cho nên người tu luyện, cần lấy việc uống được Đao khuê làm cách chân chính để kết hợp diên và hống. “Chính là lúc có thể uống được (chính khả ẩm)” chỉ lúc diên hống mới sinh ra, tức thiên tâm của ta đang lúc tĩnh bắt đầu động phát ra chính lệnh, tức lúc  diên hống đã ngưng có thể nung luyện được – Sách không viết “dụng (dùng)” mà viết là “ẩm (uống)”, ngụ ý như khi uống nước, uống canh, lạnh hay nóng tự biết được. Ý thức và cảm giác của ta có sự tự điều tiết để làm sáng chỗ diệu dụng của chính lệnh, trong “dụng” có sự tộn tại của chính giác, và chỉ được dùng sự thanh tĩnh lâu dài kín đáo làm công phu tu luyện mà  thôi. Ở đây có thể hiểu được công phu trong khoảnh khắc, đã nối liền sự nung luyện với bên trong. Giao kết ở nơi ý niệm động lên, chỉ trong sát-na (chớp mắt), việc nung luyện phải tự kín đáo, tự tàng ẩn, phải đạt được công phu đến trong khoảnh khắc này mới có thể kiên định. Giao kết phải tự nhiên thì việc nung luyện mới thành ngưng kết được. Do đó, trước khi giao kết, chỉ tiến hành công phu trong công phu của cái không công phu, ngồi nghiêm thiền định để hái lấy; khi thuốc sinh ra tức vào lúc không có dụng trong cái dụng của hữu dụng, ngưng tụ đại định, không suy tư, không làm gì, đó chính là nung luyện. Đây là chỗ diệu trong diệu, há dễ dùng lời mà diễn tả? Nhưng đã nói ra thì không thể không có chút rườm rà, trùng lấp. Người đọc cần tóm lấy ý chính của nó, cảm nhận để hiểu rõ nó thì mới có hiệu quả.
Trên đây là chương bảy, nối tiếp chương trên, giảng rõ cách nung luyện, chỉ cần kiên trì lâu dài. Bạch tử nói: “Đề phòng sự cắt ngang, không chuyên chú” là vì vậy. ]

Mộc dục tư thần thủy, xúy hư lại tốn phong.
(Tắm gội nhờ vào thần thủy, hà hơi phải nhờ gió tốn.)

[Đến lúc này, nếu tàng ẩn ý niệm không kín đáo thì hỏa tản đi, trong thân cảm thấy lạnh lẽo. Chỉ khi tự làm sáng chính lệnh thì thần trở về trong thân và khí tự quay lại, tự nhiên sẽ có chân khí hun hấp toàn thân để tắm gội, lúc này có sự ấm áp. Viết “nhờ vào thần thủy” là do bản chất của ta đã hoà thành tiên thiên, ở chính vị phía bắc đã không còn là tượng khảm hậu thiên, nên gọi cái khí giúp tắm gội một cách tự nhiên này là thần thủy. Còn nếu ý niệm khởi lên quấy nhiễu, hỏa sẽ rối loạn, trong thân cảm thấy nóng bức, nhưng lập tức quay về chính niệm để trấn áp vọng tưởng nôn nóng, thì bên trong sẽ thanh tịnh, tự có chân tức (hơi thở chân thật) thở ra mãi, toàn thân mát lạnh, lúc này thân tự điều hoà. “Dựa vào gió tốn”, tức do khôn thân của ta đã quay trở lại tiên thiên thì cội nguồn ở tây nam là tốn cung, có dạng chiếc mũi, nên gọi hơi thở tự nhiên thổi ra là gió tốn. Đây chính là diệu pháp điều hoà nóng lạnh, là thần quay về và khí tự trở lại mà không cần hít khí từ ngoài vào. Bạch tử cho rằng nắm giữ và chiếu cố là nung hỏa, chân khí hun hấp là tắm gội, lấy việc lắng ý niệm xuống để dưỡng hỏa, cách của ông ta thật tinh tế! ]

Anh nhi vô nhất sự, độc xử Thái vi cung.
(Anh nhi không làm gì cả, riêng ở nơi cung Thái vi.)

[Anh nhi là chỉ cái thần do âm tinh trong tâm ta và dương khí đã ngưng lại mà thành, tức vẫn còn ở cung gốc là Thiên cốc, nên gọi nó là Cốc thần (thần hang). Những bậc tiền nhân ví nó như đứa trẻ sơ sinh (anh nhi), cho rằng lúc này lực của thần còn yếu, còn cần ta thường xuyên dùng chính niệm của mình nắm giữ và chiếu cố, nên mới ví von như vậy. Cung Thái vi, trên trời nó là đàn Thái vi, có thượng đế cư ngụ trong đó, trong con người nó là cung giữa trong cửu cung trên đầu, tức cung Nê hoàn – nơi cốc thần dưỡng chân. Thầy ta thường nói: “Anh nhi tức là chân nhân, phải ở nơi trống rỗng vô dụng mà nhàn dật, tự dưỡng ra nguyên thần.” Ý nghĩa này thật tinh tế! Đó chính là ánh sáng của tự tính. Cho rằng, chỉ trong thân người mới dưỡng chân tính được, đến khi thân chân thực lộ ra, thì đó chính là chân nhân diệu kỳ.
Ở trên là chương tám, nối tiếp ý chương trên, sau khi nung luyện cần tắm gội, nếu gặp phải lúc nóng lạnh không thể điều hòa đều do thần rong ruổi ra ngoài, niệm quấy nhiễu bên trong, lặp tức khắc phục lỗi này. Chiếu cố đến anh nhi, riêng ở nơi thượng cốc, thanh tĩnh vô vi, mặc cho khí tự nhiên lưu chuyển khắp thân, đây là cách điều hòa, không cần kinh động đến thần của ta. Nếu làm kinh động thần, tức chấp vào vật, là lưu lạc vào sinh tử.
Đến đây đã làm rõ về cách lập đan cơ (nền móng của đan), cách hái lấy, giao kết, nung luyện, tắm gội.
Và điều cốt yếu nằm ở chỗ, lấy trì giữ chính niệm làm việc hái, tàng ẩn niệm là việc giữ, giữ thần thanh tĩnh là giao, diệt vọng tưởng là kết, chuyên trì khí là nung, không vọng ảo là luyện. Khi vọng đã diệt thì chính niệm lớn lên, chính niệm được tàng ẩn thì vọng niệm không tự dấy lên, cách làm rất đơn giản và không phiền toái. Bảy chương dưới nối tiếp ý chương này, trình bày rõ cách ôn dưỡng, phân thai, tôi luyện, chỉ theo một cách thanh tĩnh, không làm gì cả. Trong người, tâm lĩnh thần hội, cố gắng tiến hành trên thân thể. Hai chữ “chuyên khí” đi ra từ “Đạo đức kinh”, nói rằng phải luyện cho khí được như bầu khí dồi dào của đứa trẻ, tự nó làm chủ, theo đó tâm không cần điều khiển. ]

Trở lại Mục Lục