Hoàn nguyên thiên xiển vi

Hoàn nguyên thiên xiển vi

Mẫn Nhất Đắc đời thứ 11 phái Long môn Bắc tông truyền thụ,

đệ tử Mẫn Dương Lâm chép lại, Thái Dương Nghê hiệu đính

Hoàn nguyên thiên” gồm tám mươi mốt chương, do Hạnh Lâm - Thạch chân nhân đời Tống soạn. Hạnh Lâm vốn là học trò của Tử Dương – Trương chân nhân, là tổ thứ hai của phái Nam tông, thương người đọc sách cầu đạo mà không hiểu để tự lĩnh ngộ nên viết sách này, ba lần giảng rõ, dạy người cách phản bản hoàn nguyên.
Cách hoàn nguyên đầu tiên phải kiên trì chính niệm, làm đúng luân thường trong cuộc sống hằng ngày, luôn trừ bỏ phẫn hận, hạn chế dục vọng, theo chân thực không vọng tưởng, làm việc theo lễ, đó là luyện kỷ (tu dưỡng bản thân). Âm thầm dồn sức lực tẩy sạch lo toan, quên tình cảm để sơ thông tam quan và hai mạch Nhâm, Đốc, từ sự thận trọng kín đáo mà tàng ẩn vào nơi sâu kín, đây gọi là xây nền. Tự nhiên trong thân hiện ra một chấm chính khí chân dương, trong tâm tiết ra một chấm chân âm chí tình, chúng cùng hỗn trộn với nhau, ngưng kết thành đan, đó là viên đan. Từ đây, tâm tự có sự chân thành, khí tự chuyển vận cùng khắp, lâu dần thì tàng tâm nơi tâm mà không thấy, tàng khí nơi khí mà không lường, tĩnh thì trống rỗng, động thì ngay ngắn, khí sảng khoái, thần thanh thoát, đó gọi là hoàn thể (làm cho thể được hoàn bị). Kế đến là viên thông ba cõi, vạn duyên lắng hết, lục căn thanh tĩnh, lòng dạ trống mà sáng tỏ, cứ như vậy không sai phạm thì thuốc sẽ ùn ùn mà đến, từ đầu đến cuối chỉ vận dụng sự thanh tĩnh tự nhiên đểcó thể hoàn nguyên phản bản và hợp chân cùng đạo, đó gọi là toàn chân (hoàn toàn trở về bản nguyên chân thật). Điều cốt yếu của kim đan chỉ như vậy mà thôi, nhưng quan trọng là trước tiên phải biết về nhất khiếu trong thân mình,

sau đó có thể bắt tay tu luyện.
Nhất khiếu chính là cánh cửa của thần minh, là gốc của tính mệnh. Chạy ra ngọn thì phân thành thất khiếu (bảy lỗ), trở về gốc thì hợp thành nhất khiếu (một lỗ). Nếu có thể luôn dùng tâm dẫn dắt thân thì biết cùng mọi lý để thấu tận tính; luôn có thể dùng thân tàng ẩn tâm thì có thể tận mọi tính để nắm rõ mệnh. Tâm thân là nơi nương tựa của tính và mệnh, tính mệnh là gốc là cuống của thân tâm, tinh khí là sự phát huy cái dụng của thân tâm, thân tâm là nơi tập trung tàng ẩn thần và khí. Cho nên nếu có thể dùng tâm dẫn dắt khí trong thân thì thần quay về Thiên cốc, có thể cùng mọi lý và tận mọi tính; nếu có thể dùng thân tàng ẩn thần trong tim thì khí trở về Giáng cung, có thể tận mọi tính và nắm rõ mệnh. Vì đã rõ hết mọi lý nên dục vọng lặng tĩnh; vì hiểu rõ tính nên tình bị quên đi, dục vọng lắng xuống, tình đã quên, bên trong không còn gì quấy nhiễu, ta đặt nền cho mệnh ở nơi sâu kín, tự cảm thấy nhất khiếu rộng mở, đó là khai quan (mở cửa). Thấy được bên trong trống rỗng mà không cạn kiệt, động thì càng tuôn ra, tùy cơ biến động theo tự nhiên, thì chính như “Thượng thư” nói “Đạo tâm thì nhỏ bé, hết sức thuần nhất, phải cung kính mà giữ lấy cái ở giữa”. “Đạo đức kinh” nói: “Cốc thần bất tử gọi là huyền tẫn, cửa huyền tẫn gọi là gốc của trời đất.” Cũng là ý này. Đã quay về gốc, tức đã hồi phục mệnh, phục mệnh tức đã hoàn đan!
Người ta có thể không nhờ dòng nước mà biết được nguồn nước, để theo đó biết được cái ban đầu khi thân sinh ra thọ nhận khí sao? Trở về cái ban đầu của ta thì Cốc thần có thể bất tử; thận trọng ở cái ban đầu để giữ lấy cái cuối cùng thì kim đan có thể thành. Được tiên sư Thái hư ông khai tâm dạy cho sách này, và chỉ cho ý chỉ luyện diên hống bậc cao, tiềm ẩn thần, âm thầm giao hội, không dám tìm hiểu sai lầm, chỉ dựa vào thầy một lời điểm hóa cho, lập tức tự đốn ngộ. Cách hoàn nguyên, xem thứ tự sách này, từ hái lấy, giao kết, nung luyện, tắm gội đến phân thai, ôn dưỡng, thành đan và thóat hóa, từng khẩu quyết, không có lời nào không giảng rõ về cách phản bản hoàn nguyên, hết sức tinh vi và rộng mở. Người có thể tu trì theo đây sẽ nhập vào cõi thánh, lên được thang dẫn đến chỗ tiên phật. Nay nhân duyên đã đến, kính lễ thầy, dựa theo lời văn mà làm sáng tỏ chỗ vi diệu của nó. Bèn mệnh cho đệ tử Dương Lâm viết lại như sau.]

Diên hống thành chân thể, âm dương kết thái nguyên.

(Diên hống làm thành cái thể chân thật,âm dương kết thành chỗ thái nguyên.)

[Thầy nói rằng: “Diên chỉ thân, hống chỉ tâm, tùy đúng lúc mà hội với nguyên, đó là đan đạo bậc cao.”
Ngu muội bàn rằng: Con người ban đầu khi chưa sinh ra để thọ nhận khí, đầu tiên hình thành nhất khiếu, bên trong hàm chứa tinh, khí, thần, ba cái này hỗn hợp thành một, hun hấp bên trong, ngày càng lớn mạnh; cho đến mười tháng thì thai hoàn toàn thành thục, kêu to lên một tiếng, nguyên khiếu chợt mở ra, thông ra thành thất khiếu (bảy lỗ), và có sự hô hấp. Trong thân lúc này có ba cốc – trên có Thiên cốc Nê hoàn, là phủ tàng thần; giữa có Ứng cốc Giáng cung, là phủ tàng ẩn khí; dưới có Hư cốc Quan nguyên, được cho là phủ tàng tinh sau này. Lúc này, nguyên tinh đã tràn khắp các nơi dày dặn trong toàn thân và vận hành, nguyên khí đã quay về tập trung ở cốc giữa Giáng cung và là chỗ dựa cho mệnh, nguyên thần bèn nổi lên đến cốc trên Nê hoàn và thành nơi dựa của tính. Trong phút chốc, nguyên khí động và sinh ra dương, bắt đầu chảy xuống cốc dưới Quan nguyên và thành tinh – cho nên cốc dưới còn gọi là Khí hải (biển khí). Và tinh này chính là nguyên tinh, theo khí di chuyển, thường tự chu chuyển trong thân, mỗi khi đến lúc cực tĩnh, thất khiếu lại hợp thành nhất khiếu, trong thân liền bay lên một chấm khí chân dương, bốc lên nguyên thần – đan đạo gọi đó là chân diên. Nên thầy gọi thân là diên. Nguyên thần tĩnh thì sinh ra âm, cũng chảy vào cốc giữa Giáng cung mà thành khí – nên cốc giữa còn gọi là thần thất (nhà chứa thần). Và khí này chính là nguyên khí, cùng thần ngưng lại, thường sinh ra dịch để dưỡng tâm, mỗi khi gặp lúc dương động, nhất khiếu liền phát ra thành thất khiếu, trong tim đầu tiên tiết ra một chấm tinh chân âm, đến gặp dương khí – đan đạo gọi nó là chân hống. Nên thầy chỉ tâm là hống. Diên khí có được hống tinh để lưu chảy thì hình thể trưởng thành nên nói “diên hống làm thành thể chân thực”; âm tinh kèm với dương khí đã lớn mạnh thì nguyên thần ngưng kết, nên nói “âm dương kết thành thái nguyên”.
Thực ra diên chỉ khí trong thân, hống chỉ tinh trong tâm, tức dương thần và âm tinh tiên thiên đã rơi vào hậu thiên - tượng như trong quẻ Khảm và Ly có tàng chứa quẻ Càn, Khôn tiên thiên. Âm chỉ khí trong biển, dương chỉ thần trong nhà, là diên khí hống tinh hậu thiên đã quay trở về tiên thiên -  tượng như  quẻ Ly, Khảm hậu thiên đã trở lại thành quẻ Càn, Khôn. Điên  đảo Khảm, Ly ở đây, lấy sau đưa về trước, thần liền tàng nơi tim mà có tượng như Càn, khí nương theo thần mà có tượng như Khôn. Khôn chủ về sinh nên gọi là thể; Càn chủ về thủy nên gọi là nguyên. Gọi là chân thể (thể chân thật) để nói rõ thể còn chưa bị thấu lọt ra ngoài, giống như thể chân nhất; gọi là đại nguyên để nói rõ nguyên còn chưa thấm ra mất, còn nắm được cái nguyên của thái hư - chỉ khi sinh thân tự thành tự kết, ban đầu không đợi ai làm gì cả.
Chương này khai tông làm sáng nghĩa, riêng chỉ rõ bản nguyên, cho rằng con người lấy thân do tinh khí ngưng thành làm nơi nương tựa của nguyên mệnh, tâm do thần khí ngưng kết làm chỗ ủy thác của nguyên tính. Thân tâm đã có, tính mệnh đã hoàn thành, tinh khí ngày càng dồi dào, dược và hỏa đầy đủ chỉ cần người tu luyện trở về cái chân nhất mà thôi.

Đãn tri hành nhị bác, tiện khả luyện kim đan.

(Đã biết tiến hành nhị bác, liền có thể luyện kim đan.)

[Cho rằng con người có được thân, tâm, tính, mệnh này, thần đã dựa vào tâm mà thuộc về càn, khí đã nương vào thân mà thuộc về khôn, nếu có thể luôn luôn thanh tĩnh, thất khiếu trở thành nhất khiếu, giống như một thái cực đã thành hình; tính còn chưa bị lọt mất, đầy đặn như một viên kim đan hữu hình. Chỉ cần quay lại hư, hợp với đạo, liền hợp được với chân nguyên, sao phải phiền toái dùng ý tu luyện để khôi phục tính và mệnh? Chỉ vì sau khi thân được sinh ra, thất khiếu đã từng lỗ thông linh, không thể quay lại thành nhất khiếu, cho đến khi cái hỗn độn bị phá mà có hiểu biết (tri), hiểu biết chuyển thành nhận thức (thức). Từ đây, tâm cảm ở vật mà có tâm tốt, tâm xấu; thân tiếp xúc với vật mà có lúc vui lúc giận. Tinh trong tâm đã bị ngoại vật dẫn dụ, không chịu sự sai bảo của nguyên tính, thường chạy ra ngoài mà không dưỡng tâm, do đó nguyên tính không có chỗ gửi gắm nên bị lọt đi, nguyên thần trước đây có tượng như Càn, nay bên trong hư trống nên trở thành Ly! Khí trong thân là do sự dao động của âm tinh cũng không thuận theo nguyên mệnh lưu hành, thường lọt ra ngoài mà không đầy trong thân, nguyên mệnh cũng vì không đủ nơi nương tựa nên ngày càng rút ngắn đi, nguyên khí trước đây có tượng như Khôn, nay bên trong đầy lên mà thành Khảm!
Nguyên thần vốn đầy, do thường đi theo khí mà ngày càng trống đi; nguyên khí vốn hư trống, do thường chảy thành tinh nên trở lại đầy. Cuối cùng cái hư trống (hư) càng trống, cái đầy (thực) lại mất đi sự đầy đủ của nó, là nguy cơ gây già, bệnh và chết. Đây không phải là bản nguyên không tốt, mà là cái tệ của việc gốc đã thành ngọn, nguồn đã thành dòng.
Thần mất đi cái thực của nó, nên tâm biến thành Ly; khí mất đi cái hư của nó nên thân cũng biến thành Khảm. Cho nên một chấm dương trong thân khảm hậu thiên chính là nguyên khí tiên thiên, trong đức của quẻ có tượng là hỏa trong nước nên gọi là dương khí; một chấm âm trong tâm Ly hậu thiên chính là nguyên thần tiên thiên, trong đức của quẻ nó là hỏa trong thủy, có số là đất hai, hai và sáu đều thuộc đất, là nhất bát trong đất, tức là nguyên khí tiên thiên của ta từ trong thân ta đi ra, ví nó là diên; hỏa Ly là hỏa đã trưởng thành, có số là trời bảy, thủy trong hỏa là thủy mới sinh ra, có số là trời một, bảy và một đều thuộc trời, là nhất bát của trời, tức là nguyên thần tiên thiên của ta từ trong tâm ta đi ra, ví nó là hống. Cho nên phàm nói dược nói hỏa, tất gọi đó là nhị bát, không thể dùng số khác diễn đạt.
Viết “tiến hành nhị bát”, tức là cách “tùy thời mà hội với nguyên” mà thầy đã nói - chỉ vận dụng sự thanh tĩnh tự nhiên. Nay biết cái tệ của sự chảy về ngọn mà muốn quay về nguồn cội, nếu không chịu trừ phẫn hận, ngưng dục vọng thì chớ bắt tay tu luyện. Nếu dục vọng đã ngưng và phẫn hận đã dứt, sẽ lấy nhị bát này kết hợp với nhau, như vậy thần tức là hỏa, khí tức là dược. Khi hái gọi nó là dược, giống như âm tinh, dương khí hậu thiên; khi luyện gọi là hỏa, tức thuộc tiên thiên - thần là dương và khí lại thuộc âm. Đã biết dùng thần chế ngự khí chính là dùng hỏa để luyện thuốc, có thể thành tựu kim dịch đại hoàn đan.
Cái gọi là luyện, ngụ ý phải đề phòng nguy hiểm, chỉ vận dụng sự thanh tĩnh tự nhiên mà thôi. Dương khí trong thân ta, nay từ nơi nương tựa là Hư cốc” bắt đầu trở về, nếu không dùng thần ngưng nó thì đề phòng khí này tản mạn đi; âm tinh trong thân ta, nay từ nơi nương tựa là Ứng cốc bắt đầu trở về, nếu không lấy khí kèm nó đi, tinh này e rằng lâu ngày sẽ mất. Luôn giữ cho tình tĩnh mà lập lấy thể của đạo, như vậy được chân diên hống làm cái dụng của đạo. Rồi dùng hai cái diên và hống hội với nguyên, kết thành một, khi chính niệm nổi lên thì tàng thoái đi, ngưng tụ đại định. Trong niệm không có niệm thì trong khoảng khắc có thể ngưng kết, trở về lúc ban đầu khi ta mới có thân để nhận khí.
Khổng tử nói: “tinh khí là vật”, tức chỉ chân thể do diên hống này ngưng thành chăng? Lão tử nơi “có vật hỗn độn thành”, tức chỉ thái nguyên do âm dương này ngưng kết chăng? Tử Dương – Trương tử nói: “có được nền khảm ly, ba thế giới quay về một thân”, muốn chỉ chỗ cốt yếu là tiến hành nhị bát để luyện kim đan chăng? Như vậy biết rằng diên hống chính là âm dương, âm dương hội thành một tức thành thái nguyên, thái nguyên chính là chân thể. Chân thể thái nguyên, chính là một mà là hai tiên thiên của ta; gặp thời mà hội với nó tức là hai mà thành một. Đến đây đã có thể hiểu ra rồi.
Trên đây là chương một, chương này thông suốt toàn sách, chỉ ra thân tâm, tính mệnh, thần khí, dược hỏa đều có đủ khi mới sinh ra, cho nên để không nói rườm rà, ở đây sẽ lấy cội nguồn nhân sinh mà chú  rõ, tiện cho người học tự lĩnh ngộ. Tám mươi chương sau đều thuộc phần cước chú của sách này. Bảy chương tiếp theo nói về cách hái lấy, giao kết, nung luyện. Từ chương chín đến chương mười lăm dạy người bí quyết để ra tay dụng công, từ chương mườí sáu đến chương hai mươi bốn nói về quan khiếu, trình bày cách nung luyện, tắm gội, phòng nguy, và phân thai, ôn dưỡng thành đan. Từ chương hai mươi lăm đến chương bốn mươi tám, chủ yếu trình bay ý chỉ chân chính, nói rõ chân cơ, giúp người đọc xóa bỏ nghi ngờ. Từ chương bốn mươi chín đến chương sáu mươi tám, giảng việc lấy tinh khí hậu thiên quay trờ về thần khí tiên thiên mà thành Cốc thần, từ Cốc thần luyện ra dương thần, rồi từ dương thần luyện về nguyên thần, và lấy nguyên thần trở về chân của vô cực  mà thành chân nhân – đây là hợp chân cùng đạo. Kim đan đã được tiết lộ cả, yếu chỉ cùng mọi lý tận mọi tính để thấu rõ mệnh của các bậc thánh đời trước đã được dặn dò kỹ lưỡng, giảng rõ tường tận. Ba chương cuối lại dẫm chứng về sự tâm truyền của thánh nhân xưa, dặn dò về thần khí, thân tâm, tính mệnh, hai phải hợp thành một, rồi tổng kết ý chính của sách. Người học nếu có công phu luyện kỷ thâm hậu, chuyên trì khí, giữ được thần, biết giữ chính niệm, đối với sách này tự nhiên thấy cách tu luyện vô cùng đơn giản,

có thể lập tức ngồi xuống đi vào đạo.]

Hống thị thanh long tủy, diên vi bạch hổ chỉ.

(Hống là tủy của rồng xanh, diên là mỡ của hổ trắng.)

[Âm tinh trong tim vốn từ gốc tính mà phát ra. Đây gọi là tủy của rồng xanh, đan gia lấy rồng xanh ví với hồn, ở vị trí quẻ tiên thiên thuộc Ly ngụ hướng đông nên Trương tử gọi là “mộc của hồn phía đông”. Hồn tiên thiên tàng ẩn trong Càn và bất động, đến hậu thiên thì ở giữa Càn đã hư trống nên thành Ly, quẻ Ly ngụ ở phía nam thuộc hỏa, Trương tử gọi là “hỏa của thần phía nam”. Do hồn tàng ở gan nên vị trí nằm ở phía đông, quẻ này đã biến thành hình tượng chấn động và ưa phẫn nộ, cái dụng của nó là dựa cào tâm mà thành thần, tâm là ngôi nhà của thần. Nay âm tinh trong tâm ta tiết ra, vốn từ khí tiên thiên mà thành hống, chương trên ví nó là nước trong hỏa, thực ra là dịch trong cây. Nói tủy rồng xanh để chỉ cần phải nung nấu.
Dương khí trong thân vốn từ cuống mệnh rút ra. Nay gọi là mỡ của hổ trắng, đan gia dùng hổ trắng ví với phách, trong quẻ tiên thiên nó thuộc Khảm ngụ hướng tây, Trương tử gọi là “kim của phách hướng tây”. Phách ở tiên thiên còn đang náu trong Khôn chưa hiện ra, đến hậu thiên ở giữa Khôn đã đầy nên thành Khảm. Quẻ Khảm ngụ ở phía bắc thuộc thủy, Trương tử gọi là “thủy của tinh phía bắc”. Do phách tàng ở phổi mà vị trí nằm phía tây, quẻ này đã biến thành hình tượng vui vể và nhu mì, cái dụng của nó phải dựa vào thân mà thành ra tinh, thân là do tinh ngưng thành. Nay dương khí trong thân ta bay lên, kim khí tiên thiên vốn có đã thành ra diên, chương trên ví là hỏa trong thủy, thực ra là dịch trong kim. Cho nên nói mỡ của hổ trắng, để bảo nên ngưng luyện.]

Xuyết lai quy đỉnh nội, thái thủy yêu tri thời.

(Nhặt lấy đem về trong đỉnh, hái lấy phải biết lúc.)

[Ở đây nói lúc tinh và khí sinh ra chính là lúc hái lấy. Phương pháp là để cho ý triệu chúng đến phối lẫn nhau, khi quay về trong đỉnh thì ở giữa Khảm đã hư trống nên trở lại Khôn, ở giữa Ly đã đầy nên trở lại Càn. Tinh khí quay về đỉnh và hỗn trộn ngưng kết thì Càn Khôn cũng theo đó hỗn hợp mà trở về Thái cực, cho nên gọi nó là viên đan, Trương tử gọi là hạt giống chân thật (chân chủng tử). Quy (quay về), tức là tàng, là đỉnh, là sự chính truyền trong đạo lý của “Dịch”. Điều mà các đan gia gọi là sự có thể nhìn thấy của cái vô hình tượng nằm ngay chính bên trong lục hợp của thân ta. Người xưa nói chính giữa thân có một đỉnh bằng vàng, nhưng cũng không có vị trí có thể chấp theo, “Dịch” viết: “Đỉnh là quân tử dùng chính vị để ngưng mệnh” là thế.
Thời, chỉ lúc quý sinh, tức nửa canh giờ tý. Nếu còn chưa tỏ ngộ, sáng sớm ngồi ngay ngắn tĩnh tọa, đến lúc tĩnh lên đến cực điểm thì sinh ra động, đây chính là lúc quý sinh. Lập tức tàng ẩn chính niệm vào nơi sâu kín, đây là hái lấy, chuyển động niệm tức sẽ không hái được. Điều này không thể cầu người khác chỉ cho mà phải tự thể nghiệm.
Tóm lại, dương khí trong Khảm là chân diên, âm tinh trong Ly là chân hống; Khảm, Ly có thể sinh diên hống, diên hống sinh ra thân tâm của ta; chỗ dụng của thân tâm là tinh khí; cái thể của tinh khí là tính mệnh. Khảm rút phần dương của nó ra thì trở về Khôn, Ly thực sự trống rỗng thì trở về Càn. Hai thứ này đã ngay ngắn thì khí là nguyên khí, tinh hóa thành thần, thần và khí giao cảm, khảm ly trở về thành càn khôn. Chúng kết hợp diệu kỳ với nhau và ngưng đọng lại, càn khôn liền trộn lẫn thành một thái cực. từ đây, âm dương, động tĩnh nương tựa lẫn nhau, kết chặt chẽ mà không thể tách rời, hòa lẫn nhau mà không thể phân biệt, thuần nhất mà không bao giờ chấm dứt! Lấy đây làm phương pháp hái há không phải vô cùng đơn giản, dễ dàng ư!
Trên đây là chương thứ hai, nối tiếp chương trên, làm sáng tỏ nguồn gốc của diên hống và diệu quyết hái thuốc quay về đỉnh. ]

Sá nữ kỵ diên hổ,kim ông khoát hống long.

(Xá nữ (cô gái) cưỡi diên hổ, kim ông (ông già vàng) cưỡi hống long.)

[Xá nữ chính là chân hống, kim ông chính là chân diên. Danh nghĩa của hai nhân vật này được chú giải tường tận ở chương thứ mười. Hổ ví với thân, long ví với tâm, Trương tử nói: “Tâm điên cuồng như rồng, thân hung dữ như hổ.” “Cưỡi” là tượng trưng cho sự tiết chế qua lại. Nói nhị dược tức là hái rồi cho vào đỉnh, tự nhiên làm cho âm tinh cưỡi lên dương khí, tức khiến dương khí cưỡi lên âm tinh thành một khối hỗn lộn không phân biệt ra được. Nhưng lúc này nếu tính tình hơi thiếu sự nhàn tĩnh thì thần lại chạy rong ra ngoài, đan đã kết sẽ tan đi, cần chờ diên hống đến rồi mới kết lại. Do đó phần dưới sẽ làm rõ về chính lệnh. ]

Giáp canh minh chính lệnh, luyện thủ nhất lô hồng.

(Giáp canh làm rõ chính lệnh, luyện nên một lò đỏ hồng.)

[Giáp thuộc mộc ví với tính, canh thuộc kim ví với tình. Chính lệnh là mệnh lệnh không thiên không lệch, Khổng tử nói: “Làm cho ngay thẳng chính sách, đó gọi là chính lệnh”. Bạch tử nói: “Nơi ý niệm xao động là huyền tẫn”, “Văn ngôn” của Khôn Nhị viết: “Quân tử cung kính và trong lòng ngay thẳng”, đó đều nói về chính lệnh.
Làm rõ chính lệnh, trước tiên phải làm rõ nó trong cuộc sống thường ngày, đến lúc đã rõ cả thì luôn tự nhiên tuân theo chính lệnh! Đây là lúc tinh khí bắt đầu giao nhau, phải lo giữ cho tính yên tĩnh, tình nhàn dật, ung dung mới bảo hòa được tinh khí, không cho chúng chảy đi. Phương pháp là, thường ngày luôn tập cho bản thân kính cẩn và thành thực. Khi tâm còn chưa dao động, lập tức tìm hiểu cách bồi dưỡng chân chính, trước hết tàng ẩn niệm ở nơi kín, tự nhiên trong niệm không còn niệm. Tinh ngưng theo khí để thành thần, tình quay về tính mà đại định, nên kết thành đan, không lo lọt mất. Mạnh tử nói: “Nhờ biết tu dưỡng chân chính mà không gặp hại.”
Một lò hồng, Đạo tiên nói: “Một lò lửa nóng luyện hư không, ấy chính là cách nung luyện”. Mạnh tử cho rằng: “Dồi dào nên sáng rỡ” là ý này.
Trên đây là chương ba, nối tiếp chương trên, chỉ rõ việc được thuốc và giao kết hoàn toàn nằm ở tính và tình. Đã giữ được chính đáng thì thần không lệch vị trí nên khí tự nhiên vận hành. ]

Trở lại Mục Lục