Tạo hóa vô căn đế, âm dương hữu bản nguyên

Tạo hóa vô căn đế, âm dương hữu bản nguyên. Giá ta chân quyết xứ, phụ tử bất tương truyền.

(Tạo hóa không có gốc có cuống, âm dương có cội nguồn. Những chỗ kỳ diệu của chân quyết,

cha còn cũng không truyền cho nhau.)

[Thuở ban đầu trời đất không có tên, tạo hóa là rốn gốc của nó, được đặt tên là mẹ của vạn vật, âm dương là ngọn nguồn của tạo hóa. Chắc hẳn như vậy! Nhưng lỗ huyền diệu này có thể dùng tâm lĩnh ngộ, mà không dễ dùng lời truyền đạt. Những bậc thầy xưa đã dùng danh nghĩa tạo hóa âm dương để nói về nó. Tạo hóa, trời riêng giữ quyền sinh sát đối với vạn vật, là đạo hữu vi trong thiên nhiên; âm dương, người, trời đất, vạn vật đều có nguồn gốc từ nhất khí nguyên thuỷ vô cực, không sinh không diệt, là đạo vô vi trong tự nhiên hư vô. Trong vô sinh hữu gọi là tạo, từ hữu trở về vô gọi là hóa, để nói về lẽ sinh và diệt. Động cực điểm thì sinh ra tĩnh – chính là âm, tĩnh cực thì quay lại động đó là dương, dùng để nói lẽ thông phục (thông suốt qua lại). Sinh diệt thuộc về hình chất, thông phục thuộc về tinh thần.
Hình chất của người và vật đều do sự ngưng động của tinh thần. Người có được âm tinh và dương khí khi tượng hình nên sinh ra thần, tức đây là nguồn gốc của việc sinh ra hữu, sao có thể lấy đây nói là nguồn gốc vô vi. Chỉ vì người đời không biết việc trở về vốn do cha mẹ dùng tinh khí thiên nhiên cấu thành thân này. Một lần thoát thai cắt rốn liền rời gốc rụng cuống. Tuy tinh thần có được từ ông tạo bao la nhưng có người nhiều người ít và nó quy định tuổi thọ. Người hiền thì kéo dài hơn một chút, người thiếu hàm dưỡng thì rút ngắn một chút, người trí và người ngu thì không kéo dài cũng không rút ngắn tuổi thọ mà thuận theo quy luật đến lúc tận số là chấm dứt tuổi thọ, sớm muộn đều quay về sự tiêu tan biến hóa, nhập vào trong lò đại tạo hóa. Cho nên vạn vật và con người khó tránh khỏi khí số. Ngày tháng năm sinh của con người gọi là mệnh tạo; ngày tháng năm mất gọi là hóa mệnh. Trong “Khuyến thiện văn” có nói về việc kéo dài tuổi thọ, rút ngắn tuổi thọ, và tận số thì chết, đều cho rằng có hình thì có diệt, được tạo ra thì đến lúc hóa (tiêu biến) đi, nên nói “tạo hóa không có gốc rễ”. Như âm tinh và dương khí trong thân người tuy cũng do trời phú nhưng trời đất vốn dựa vào âm dương này để thành hình thành tượng. Chẳng qua trời đất vì quên mình có hình có tướng mà không để khí chất làm lụy đến thần nên mới dùng âm dương này sinh ra người và vật. Người là vật tối linh của vạn vật, trí tuệ cao vời, lễ khiêm hạ, bắt chước trời, học theo đất, để trống tâm làm no bụng mà dưỡng cái vô hình, sự vận hành trong nhị khí cũng giống như nhất khí nguyên thủy vô cực, có đầy có vơi, có tiêu biến, có lớn lên, như cá trong nước, luôn luôn thông suốt. Có điều người không biết quy phục chỉ được như một gáo nước, như một nắm đất, chơi đùa không lâu, gáo vỡ, nắm tan; và nước quay về biển lớn, đất gửi về trong đất. Người có thể tự quy phục tự thông tới chỗ nguồn cội, họ được gáo nước liền giữ lấy mà quên chỗ dụng của cái gáo, ất luôn ở chỗ ngọn nguồn; được nắm đất thì nắm chắc nó mà khắc kỷ tu theo đức nhân, ất không lúc nào không dưỡng được nền móng. Giữ được lâu dài như vậy thì tụ nước thành hồ, dồn đất thành núi. Lượng nước ngấm dần đến đầy hồ chính là biển, hàm chứa lấy cái hư mà hỗn trộn với Thái thanh; có thể ngưng tụ và mở rộng thành núi chính là đất, đất dần dày nặng và thành núi Hoa Nhạc, biển và mặt đất là diện mạo vốn có của gáo nước và nắm đất. Con người tích lũy tinh và khí để thành thần, ngưng sự hư trống dưỡng cái hạo nhiên để thành đạo, là việc ứng hợp với bản nguyên. Lão tử nói: “Cốc thần không bao giờ chết.” tức là cùng trời đất có chung cội gốc ở cửa huyền tẫn. Nên viết: “Âm dương có nguồn gốc” –  đây là thuyết pháp bậc trung.
Nếu là cách luyện đan bậc cao, từ khi có được thiên cơ sẽ lên thẳng đến đạo, có thể vừa chạm vào đã chứng ngộ được huyền quan. Tự nhiên diệu kiến, diệu tri vào thẳng trong người, theo chương đầu của “Đạo đức” mà biết rằng thần của con người và trời đất cùng một tạo hóa, tức cùng một gốc diệu vô nguyên thủy. Khí của người và của vạn vật đều bẩm thụ âm dương, đều có diệu hữu linh thiêng quý báu, chúng không thể so với những phiền não của mọi người, chỉ vốn là một niệm hết sức chân thành, không sai lầm và không ngưng dứt, tức là công phu không gián đoạn, giúp trở về nguồn gốc rất nhanh chóng. Vì vậytrong tạo hóa mà nói về âm dương thì âm dương đã rơi vào hậu thiên, ở người nó là sắc thân, chỉ có thể “luôn ở trạng thái vô để quán cái diệu”; kẻ đạo chích thì không bao giờ thọ mà chúng chỉ có sắc thân có sinh có diệt, vì không biết “luôn ở trạng thái vô để xem xét cái diệu”. Nếu lấy âm dương để bàn về tạo hóa thì tạo hóa vốn đi ra từ tiên thiên, ở thân người nó là pháp thân, tuệ mệnh quả thực có thể hồi phục lại bản gốc, trở về nguồn cội của nó, như vậy phải luôn cảm ứng được với vật, luôn nắm được tính, thì bậc đại nhân trở về “tiên thiên và trời không xâm phạm”. Cho nên chúng sinh bị luân hồi theo sáu vòng bánh xe, thánh vương không thể trở thành Như Lai vì họ đã để pháp thân chạy theo cái tốt xấu của âm dương, chưa thể “thường ở trạng thái “hữu” để xem xét cái yêu cầu”. Mười bảy kiếp của Văn Đế, tám mươi mốt kiếp của Lão tử đều dùng pháp thân chuyển biến theo sự động tĩnh của âm dương, nên họ có thể “luôn ở vào trạng thái hữu để xem xét cái yêu cầu.” Viết rằng: “Sắc thân dựa vào tạo hóa, do trời không do bản thân”, do bản thân không có gốc rễ để dựa vào; “pháp thân quán thấu âm dương, do ta không do trời”, do ta có nguồn cội có thể nối thông. Trời cũng giúp ta, điều tốt thì không gì là không lợi.
Nhưng mọi vật trong thiên hạ sinh ra ở hữu, hữu sinh ra ở vô, nên vô là nguồn gốc của hữu, hữu là cội rễ của vô. Như vậy hữu và vô chính là động và tĩnh, động tĩnh chính là âm dương, âm dương chính là tạo hóa, tạo hóa chính là hữu và vô. Ta càng không thể phân biệt hữu nào vô nào, âm nào dương nào, tạo nào hóa nào? Chính nhất động nhất tĩnh của ta là nguồn gốc lẫn nhau, không xấu không tốt, tuân theo đạo của trời. Chính là lấy sắc thân nuôi lớn pháp thân thì chỗ tụ lại là hình, chỗ tản mạn là khí; Pháp thân này do ẩn đi nên có hình tượng thay đổi, tĩnh là kim đan, động là sấm sét. Sinh nào tử nào, tồn nào vong nào? Mạnh tử nói: “Tuổi thọ của trời không có gì sánh bằng, tu thân để dựa vào đó mà lập mệnh được.” Sao lại có phân chia sinh tử? Lại viết rằng: “Vạn vật đều có đủ nơi ta! Quay người lại và thành thực thì niềm vui nào chẳng ở đây.” Sao lại phân biệt tồn vong? Cũng có thể bừng tĩnh ngộ đến chỗ luôn cảm ứng mà cũng luôn thanh tĩnh, nên luôn tự tại.
Khí giống như nước, thần giống như đất. Khí là nơi mệnh nương tựa vào; thần là nơi tính phó thác vào. Người trí ưa thích nước để dưỡng khí, làm cái điều không làm mà không xằng bậy để dưỡng trí tuệ của họ; người nhân ưa thích núi để ngưng thần, theo như đất để làm dày đức nhân mà không di dời, nhằm dưỡng cái định của họ. Thầy của ta vất vả thấu được lý về tu cả tính lẫn mệnh này. Đầu tiên dùng tâm tàng thần, dựa vào thần để ngưng niệm, quên niệm để dưỡng hình, quên hình để dưỡng khí, quên khí để dưỡng thần, quên thần để dưỡng hư. Nên khi có thể ngồi thiền quên lãng tất cả như Nhan tử là đã tận được tính của ta và nắm rõ được mệnh, càng có thể quên cái hư để hợp với đạo, thì trời cũng theo đó mà cho lên bậc thánh, tự nhiên nguyên mệnh hồi phục va nguyên tính trở về. Tính mệnh đã toàn vẹn, không có “ý”, không có “tất”, không có “cố”, không có “ngã”, liền hợp với nhất khí tiên thiên nguyên thủy, tức là hợp chân với đạo, xuyên suốt cổ kim mà thường tồn, chạm đến trời đất mà không sai trái, động thì thành vĩnh trinh (tốt đẹp dài lâu) của thái cực, trôi chảy và không ngưng trệ, tĩnh thì thành chân nhất của vô cực, tìm được chủ nhân và hữu thường (thường có). Đã luôn có thì cái vô thường (không hay có) cũng quay về trong tay nắm, không ứ động thì cái ứ đọng cũng thông suốt. Chu tử, bậc tiền bối trong đạo Nho nói “Ngũ hành hợp nhất thành âm dương, âm dương hợp nhất thành thái cực, thái cực vốn vô cực”. Vô cực nên là vô, thái cực tức là hữu, gốc của tạo hóa, gốc của âm dương vốn nằm ở đây. Nhưng há cam chịu bị âm dương trói buộc trong ngũ hành, không tựtham sống sợ chết mà nói về hữu bàn về vô? Phải hái luôn gốc rễ, nắm chỗ cốt yếu, vượt qua cái cối giã của tạo hóa mới được gọi là kẻ sĩ đắc đạo.
Những chỗ kỳ diệu chân chính này, sắc và pháp, sinh và tử đan xen nhau, nếu không tự thể hội và lĩnh ngộ thì không biết cùng mọi lý tận mọi tính, quy thần về dưới trướng của chân sư, mọi chính niệm đều là không, không tiếng không mùi. Một lần được ấn chứng, từ đó sẽ tự định tự lập, tự phản tự hoàn, tự quy tự phục, tự thành tự chứng, tự giải tự thoát. Tuy là cha con ân tình sâu nặng cũng không thể truyền cho nhau. Tổ đời thứ bảy của phái Long môn ta là Côn Dương – Vương tử sau khi “ngộ ra sự sinh tử” nói rằng: “Nhận được chân, đi suốt đêm, tìm một cái trụ, không có một cái hữu nào; trống không mênh mông riêng một mình tu hành, không đói  không khát, thọ cùng trời đất.” Trong phần chú cho chương hai mươi hai có nói đến “lợi khi luôn giữ sự trung chính” trong phần “dụng lục”, và “thấy bầy rồng không đầu, tốt” ở phần “dụng cửu”. Chính là ý này.
Trên đây là chương sáu mươi ba, nối tiếp ý bốn chương trên, đã đạt đến bậc trung thì mới giảng pháp khuyên răn, do tạo hóa không có gốc rễ nên để quản thúc nó phải dùng cái có gốc rễ của âm dương lộ ra đầu mối để hiểu cùng tính và lý, dạy người tự thể nghiệm và lĩnh hội sự sinh tử, đạt đến cảnh giới thần thánh diệu hữu, diệu vô, để quay về cội gốc, điều này vẫn không khác với thành quả tu đan bậc cao. Khổng tử nói: “Nguyên thủy cập chung, cố tri sinh tử (Biết rõ cái bắt đầu và kết thúc nên biết được sự sống chết)” chính là nói ý này. Có được chân quyết này như được ban quyền lực. Đây là đoạn giải thích giúp người đọc mở mắt tỉnh ngộ, và nói rõ những điều cốt yếu để luyện thành Cốc thần từ chương bốn mươi chín đến chương năm mươi bốn, và cũng để mở ra ý các chương sau.
Cụm từ “nguyên thủy cập chung” có trong “Chu Dịch. Hệ từ truyện”. Các nhà Nho đời Hán chú rằng: “Nói người có thể trãi qua từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc, nên biết được sự sống chết”. Ý nghĩa rất rõ ràng, nay xin hiểu theo đó. ]

Lưu hống cư kim đỉnh, tương diên nhập ngọc trì. Chủ tân vô tả hữu, chỉ yếu thức anh nhi.
(Giữ lại hống trong đỉnh vàng, đưa diên vào ao Ngọc trì. Chủ khách không phân chia trái phải, chỉ cần nhận biết anh nhi.)

[Hống chỉ thần, diên chỉ khí. Đỉnh vàng chỉ thân người, bên trên có Thiên cốc là phủ tàng ẩn thần khi còn là đưa hài nhi. Ngọc trì chỉ trong thân người ở giữa có Ứng cốc, tức phủ tàng ẩn khí khi còn là đứa trẻ  sơ sinh. Anh nhi chỉ nguyên mệnh đã hồi phục. Cốc thần bắt đầu chuyển hóa thành dương thần. Ở đây nối tiếp ý của năm mươi bốn chương trên, nói lúc nguyên mệnh quay lại. Lúc này thần đã từ Ứng cốc-Nơi ở được dưỡng lớn mạnh cưỡi khí bay lượn khắp nơi rồi dời về vị trí vốn dành cho nó là cung Nê hoàn và ngụ lại Thiên cốc thành Cốc thần. Thạch tử cho đây là sự phân thai, Bạch tử gọi đây là dời thần đổi đỉnh, nếu viết: “Giữ hống ở lại kim đỉnh”. Và khí cũng tự quay về vị trí ban đầu, đi vào Ứng cốc – Giáng cung, nên viết “Đưa diên về ao Ngọc trì”. Điều này không phải cố làm mà tự nhiên di chuyển thế. “Ngộ Chân phiếu” của Trương tử nói: “Dùng tướng phải phân chia quân tả quân hữu, khoan thứ để người làm chủ ta là khách.” Chương này đặc biệt làm rõ yếu chỉ này, dạy người khoan thứ cho khí làm chủ và thần làm khách, và không phân chia trái phải, cùng đạohợp chân mà quay về chỗ không sinh không tử. Chỉ khi thần được tàng ẩn an ổn nơi kín đáo, không ra ngoài, cố gắng mưu cầu cái sống thì khí cũng tự nhiên thành khí hạo nhiên, có quyền lực lưu giữ thần không để cho chết đi. Lúc này chỉ có anh nhi mới có thể giữ khí thuần, nên viết: “Chủ khách không phân chia trái phải, chỉ cần nhận biết được anh nhi”. Bảo rằng lúc này có được dương thần, chính là lúc không khác gì đứa trẻ mới sinh, chỉ cần như đứa trẻ có khí thuần nhất để giữ lấy thể thuần dương, thì dương thần tự lớn mạnh lên!
Trên đây là chương sáu mươi tư, thống nhất bảy chương trên lại đều giảng rõ ý chỉ tinh vi về việc tường tận được tính và lý, thấu rõ lý do để nguyên mệnh trở về và công dụng tự nhiên khi mệnh trở về. Chương dưới nói cách ôn dưỡng. ]

Hoàng bà song nhũ mỹ, Đinh lão phiến tâm từ. Ôn dưỡng vô tha thuật, vô trung dưỡng tựu nhi.
(Hoàng bà có bầu ngực đẹp, Đinh lão có tấm lòng nhân từ.

Ôn dưỡng không có cách nào khác hơn, trong vô dưỡng lấy đứa trẻ thơ.)

[Đinh lão chỉ tâm, khi mệnh quay trở về thì đã có bí quyết luyện công như chương trên, an ổn dừng lại thì không có việc gì cả. Chỉ cần con người không tự chấp là có, và tự dưỡng cái thần vô hình, chủ thì thanh tĩnh mà nồng nhiệt, khách là diên hống mà cung kính, thì khí tự lưu hành nuôi dưỡng thần thất. Như người mẹ cho con bú, để mặc con bú sữa, tâm rất hiền từ, thuận theo khí mà đi, luôn luôn quay lại, nên toàn thân được thấm nhuần, dưỡng cho anh nhi tự nhiên lớn lên, không cách nào có thể nói hơn được. Trong vô, là bên trong không tự có ý. “Kim cang kinh” nói: “Nếu lấy sắc để nhìn ta, lấy âm thanh để cầu ta, đều không được cả, tất phải dùng cách quán tự tại, chỉ là quên hình quên khí để dưỡng cái thần không thần mà thôi!
Trên đây là chương sáu mươi lăm, nối tiếp ý chương trên, nói rõ hỏa hậu khi ôn dưỡng, chỉ là lấy một bí quyết quên hình làm cách dưỡng cốc thần. ]

Giáng khuyết tường thanh phượng, đan điền dưỡng ngọc thiềm. Hồ trung thiên bất dạ, bạch tuyết lạc tiêm tiêm.

(Cửa Giáng bay lượn chim phượng xanh, nơi đan điền dưỡng con cóc ngọc.

Bầu trời trong quả bầu không có đêm, tuyết trắng rơi lả tả.)

[Cửa Giáng chỉ Ứng cốc – Giáng cung, chim phượng xanh bay lượn, chỉ khí lúc này mới từ vị trí Giáng cung của mình đi ra, như chim phượng hoàng canh bay lượn. “Âm phù kinh” nói: “Việc bắt là ở khí” nên lấy phượng nói về khí. “Thích danh” nói: “Thanh (xanh) nghĩa là sinh” nên lấy chim phượng xanh để ví với cái khí sơ sinh. Đan điền là thượng đan điền, tức chỉ Thiên cốc, cung Nê hoàn. Cốc ngọc chỉ dương thần trong cốc, do lúc này đã qua ôn dưỡng, không giống cái dương ban đầu còn lạnh, nên ấm như ngọc. Tuyết trắng chỉ khí bay vòng lên đến Thượng cốc (cốc trên), giao với thần liền thành thần thủy, khí này trong trẻo thanh tĩnh và lan tràn như tuyết trắng. Lúc này, dương thần đã dần lớn mạnh, không thể vọng động, cố gắng tự an dưỡng lấy “chỗ không là thần” của nó. một khi khí đã tự lưu hành thì như chim phượng xanh bay lượn và lên đến Nê hoàn, bồi dưỡng thần ở đây; thần khí một khi đã giao nhau thì thành thần thủy, nên giống như tuyết trắng lả tả bay xuống, đầy khắp thân. Khi cảm thấy toàn thân đã trong và thanh tĩnh, tựa như bầu trời không có đêm.
Trên đây là chương sáu mươi sáu. Ở đây nói khi ôn dưỡng thì tuân theo hình dạng lưu hành của khí, xem đó như phương pháp dưỡng mệnh chân chính. So với các cách vụn vặt trong “Thúy hư ngâm”, thì việc dưỡng mệnh là thế nào? Tâm trong trẻo thì mắt sáng, như vậy có thể tự phân biệt được. ]

Cầm sắt hợp giai hậu, cơ cừu liễu đương thời. Bất tu cầu hỏa hậu, hựu khủng tổn anh nhi.

(Sau khi giai điệu đàn cầm đàn sắt hòa hợp, là lúc đã nối nghiệp thành công.

Không nên vận hành hỏa hậu, chỉ e tổn hại đến anh nhi.)

[Lúc này ôn dưỡng nguyên thần, không thể so với hỏa hậu luyện Cốc thần trước đây. Lúc này Cốc thần đã phối hợp cùng mệnh khí, giống như cầm sắt đã hòa hợp giai điệu, mặc khí chuyển vòng. Dương thần đã mạnh, tức là lúc việc nối nghiệp đã xong, tự nhiên chợt nhận ra sự ràng buộc của lẽ xấu tốt. Nếu lại dùng tâm hỏa để điều hòa làm nhọc thần mệt khí, thì khí không đầy ở chỗ hư, thần cũng khó hoàn toàn đầy đủ. Vậy lúc nào mới có được thành tựu? Dương thần tổn hại không nhỏ, nên dạy người bỏ hết thân tâm, giữ thần an ổn, tĩnh mịch, mặc khí lưu thông, thì tự nhiên thần đầy đủ, bỏ không quan tâm đến hỏa hậu.
Trên đây là chương sáu mươi bảy, chương này nói về việc ôn dưỡng, không được thúc đẩy sự lớn mạnh. Trước đây cố tận hiểu nắm bắt hết tính và mệnh, lúc này lại an ổn mệnh để dần dắt tính mới có thể quay trở về nguồn gốc. ]

Trưởng nam phương nhập Đoài, thiếu nữ tiện quy Càn. Tốn cung tính thổ vị, quan tỏa tự chu thiên.
(Trưởng nam mới đi vào Đoài, thiếu nữ liền quay về Càn. Cung tốn và vị trí của thổ, đóng khóa khắp mọi nơi.)

[Trưởng nam chỉ chấn, tượng cho dương mới sinh ra, thiếu nữ chỉ Đoài, tượng cho dương đã lớn mạnh. Nhập vào Đoài, quay về Càn là dựa vào vị trí quẻ tiên thiên, tượng của hào để nói, chỉ dương mới bắt đầu sinh ra, nhất dương là chấn, lớn dần đến hai hào thì thành Đoài – Đoài là thiếu nữ - lại lớn đến ba hào thì thành tượng Càn thuần dương. Viết rằng: “mới đi vào”, “liền quay về” là để nói rõ đã lớn lên rất nhanh. Cung tốn chỉ lỗ mũi ở thân người. Thổ vị chỉ hình thể, “tính” chínhlà nói đến cung Cấn khôn trong chương bốn mươi chín. Nhất âm là tốn, lưỡng âm là cấn, tam âm là khôn – là Thổ vị. Con người từ khi tính được định và mệnh đã trở lại thì dương thần đầu tiên như nhất dương ở quẻ Chấn tàng ẩn ở Thiên cốc mặc cho khí vận hành, thể đã mạnh mẽ như nhị dương ở quẻ Đoài. Xoay vòng liền đầy và trở thành thuần càn, thần cư ngụ trong thể, ở vào đúng vị trí của nó; và khí cũng như nhất âm ở cung Tốn, xoay chuyển đến khi tịch mịch như Cấn thì dừng, tĩnh lặng như tàng ẩn đi. Vẻ đẹp nằm bên trong và thể hiện ra ở tứ chi, thật dẹp đẽ thay! Thần này do có thể ngưng nên ngày càng mạnh, khí cũng có thể tịch tĩnh nên ngày càng đầy, lý này là đương nhiên, cảm ứng được cái vô và thắng mọi bệnh tật. Nhưng do một phần khí huyết trong bào thai còn chưa trừ hết, lúc này nếu không nghiêm khắc tàng ẩn sâu kín, e rằng lại hiếu động mà không an tĩnh được. Khi hình thể lao đao, vất vả, tức là khí đã quay lại làm động đến tâm, thần thường chạy ra ngoài nên khí chạy qua các lỗ. Đạo quả thành tựu được trong tương lai cũng không được tròn trịa mà lệch méo đi, vì khí đã lấn át thần. Cho nên cần duy trì chân tức lâu dài, hình thể thong dong, dung mạo sắc thái nhẹ nhàng, thuận theo lục khí mà chảy khắp nơi, vận hành khắp nơi. Như vậy sự vận động của khí tự nhiên bị nhốt bên trong, không còn chảy lọt ra ngoài, và mới dưỡng tốt được khí hạo nhiên.
Trên đây là chương sáu mươi tám, nói khi việc ôn dưỡng đã mạnh, không cần cố gắng làm gì, chỉ nên tiết chế điều độ để giữ cho đầy và không bị ứ ra ngoài. ]

Trở lại Mục Lục