Đàn HÀ THANH Tuất Thời 27. 05.AL. 86 THẦN – MẪU TỬ HÀ – THIÊN TƯỚNG
(Pháp Nhãn)
CHẾT - NGỘ KHÔNG TÂM NHỨT PHÁP HÀ THANH CHƯỞNG GIÁO
Thầy mừng các môn đồ đệ tử. Thầy miễn phép, các con bình thân an tọa nghe Thầy khải giáo.
Các con khá hiểu “Tất cả chỉ là một”, là không ngoài cái Lý Nhứt Nguyên, hiểu được chỗ Một rồi thì đừng tranh luận. Một khi có được Hằng Tâm rồi thì “ Huệ Tâm Tự Giác, Cái Lý Tự Minh”, các con khá hiểu rằng :
Đại Đạo bất tranh
Đại Đức bất danh
Đại Ngôn bất biện
Còn tranh biện lý sự nọ này thì đó là ngụy biện, Đạo là Lý, mà lời ra thì Lý mất. Nắm vững chổ Nhất Nguyên, cội nguồn nguyên thủy, hiểu được chổ Một ấy là đủ rồi. Còn Tam Ngũ, vạn thứ biến hóa tất cả đều là ngọn ngành của Chư Pháp. Tất cả đều là Tâm, Tâm ứng dụng là Pháp, chỉ có bấy nhiêu thôi. Từ đây Thầy sẽ thường trực tiếp với các con bằng Thiên Điển để khai minh tử đệ.
Thầy sẽ ám trợ cho các con Huệ Tâm Tự Giác,
cơ Tự Đắc sẽ đến với các con bằng chỗ Tâm Tâm Tương Ứng.
Những điều Thầy dạy các con có khác với lúc Thầy còn sinh tiền. Cái hiểu biết lúc sinh thời của Thầy chỉ đáng gọi là khá hiểu biết, song vẫn còn nhiều điều chưa biết, còn giờ đây cái hiểu biết của Thầy là cái hiểu biết toàn diện. Ôi! Thế gian là một sự mê lầm, dầu cho hiểu biết tới đâu cũng chỉ là giới hạn các con đừng tự mãn. Thầy mà còn nhận ba điều lầm của Thầy thì hỏi các con có tới mấy điều lầm? Học Đạo Tầm Lý muốn đạt Ý Thiên phải hiểu Thiên Ý! Thầy giải thêm về chỗ Nước – Lửa.
Nước là Tánh của Trời vốn mát mẻ, Trời là cao mà tự hạ mình xuống thấp, ấy là Thủy Tánh luôn luôn tìm chỗ thấp để hòa hạ. Đó là Tánh của người Quân Tử, cũng là Tánh của Trời. Lửa Nóng là Tánh của Đất, Lửa vốn tự cao, từ chỗ thấp mà vươn lên cao, tự cao, tự mãn, tự tôn, tự đại, là Tánh của đứa Tiểu Nhân, cũng là Tánh của Đất.
Thiên Địa Lưỡng Tánh thì ở nơi Người cũng có hai đặc tánh ấy. Hai cái đó cũng còn trong vòng tương đối nhưng để phân cao hạ trược thanh thì các con phải chọn một. Cái nào cũng có Tự Tánh của nó, cái hay dở, cái nên hư, cái thị phi, thiện ác, lúc công dụng thì chẳng phân chia, nhưng lúc Đạo thành thì phải phân biệt. Các con học Đạo là phải chọn Một đó là chỗ rốt ráo của Tâm, cũng gọi là
Đắc Nhứt.
Thiên đắc Nhứt Thanh
Địa đắc Nhứt Ninh
Nhơn đắc Nhứt Thành
Bốn Thầy trò Tam Tạng trên đường Tây Quy thỉnh kinh, lúc đến Tây Lương Nữ Quốc uống phải nước sông Mẫu Tử Hà rồi sinh lớn bụng. Tam Tạng, Bát Giới mắc phải, còn Ngộ Không, Ngộ Tinh không uống nên không cảm nhiễm. Đạo là Âm Dương nhị khí, nếu không có Cha mà chỉ có Mẹ thì “ Cô Âm Bất Sanh”, Ngộ Năng, Tam Tạng là phàm thân, uống lầm Mẫu Thủy, tức là chỉ có một Âm mà Thiếu Dương nên lớn bụng chẳng phải là do Kết Thánh Thai, nếu là Thánh Thai sao phải thỉnh “ Lạc Thủy” của Như Ý Chơn Tiên để giải phá?
Có một trường hợp Luyện Tinh Hóa Khí mà chẳng có Thần, do phóng Tâm tạp niệm, mà Tâm tạp niệm thì tà ý khởi. Trong Khí mà chẳng có Thần thì sự lớn bụng ấy là tà khí rồi. Huống chi Mẫu Tử Hà là nước của Đất nào phải Thiên Tinh dĩ hạ! Nước của Đất, nguồn của Địa là gốc phàm Tinh. Bát Giới là Tà khí, Tam Tạng là phàm tâm, luyện Tinh mà chẳng có Thần, có Đất mà chẳng có Trời, có Mẹ mà chẳng có Cha thành ra lớn bụng, tà khí dẫy đầy. Đó gọi là bịnh chẳng phải Thánh Thai. Pháp Ý ở đây là chỉ chỗ sai lầm của người Luyện Đạo là : Luyện Tinh mà không chủ Ý, Tinh không hóa Khí. Trong lúc dụng Công mà Tâm không chủ định thì Lửa Cung Ly làm sao nấu được Vàng Cung Khảm, Tinh không hóa Khí nên phải lớn bụng.
Chỗ Chánh Pháp Kim Thân Phật Tử, Anh Nhi Xá Lợi là phải kết tại chỗ Trung Ương Mồ Kỷ Thổ, chỗ Đơn Trung chớ không phải chỗ Hạ Điền, chỗ thai phàm như người lầm tưởng. Bởi vì nó là Vô Vi, Vô Tướng. Tướng của Trời tức là Thiên Tướng, tức là Vô Vi Chi Tướng, là Chơn Thể Hư Không chứ nào phải có Hình mà lớn bụng. Chỗ Thánh Thai là kết tại Trung Cung Mồ Kỷ là Hô Hấp Chi Khí, là Tư Lự Chi Thần mới sản sinh Kim Thân Phật Tử, mới sinh Hoàng Cực Chủ Nhân. Vậy trong lúc Công Phu phải Chủ Định cái Tâm đừng cho phóng ngoại. Trong lúc Luyện Công mà thiếu Thần Hỏa thì Tinh không thể hóa Khí. Mà nếu Tinh hóa Khí chăng cũng chỉ là Hàn Khí, là Âm Khí, là “Mẫu Tử Hà”. Thiên Tướng tức là Không Tướng. Luyện Kim Thân là đang học làm Thiên Tướng đó. Thiên Tướng là Tướng Thể của Trời, là Vô Vi Chi Tướng. Các con hiểu rằng Nhãn không có Huệ, bởi vì Huệ là Tâm, Tâm Minh Phát Huệ (Toàn Thân Đều Thấy Biết). Còn Nhãn có năm bực:
Khởi sự Công Phu:
Lên bực 1 là Thần Nhãn.
Lên một bực nữa là Thánh Nhãn.
Lên một bực nữa là Tiên Nhãn.
Lên một bực nữa là Thiên Nhãn.
Lên một bực nữa là Phật Nhãn.
Năm bực ấy gọi chung là Pháp Nhãn, nhờ tu luyện tinh tấn, nhờ Pháp mà Đắc. Còn Lưỡng Nhãn là phàm Nhãn, mắt phàm ở trạng thái lưỡng nghi quang, còn trong vòng tương đối của Nhị Nguyên. Đức Giáo Chủ lúc Thành Đạo “Thuần Dương Nhứt Mục” là Tả Nhãn, nhưng Thầy không nói là Tả Mục, mà là Nhãn Trung, là Pháp Nhãn. Vậy con nên hiểu là không có Huệ Nhãn đâu nhé!
Pháp Nhãn của Dương Tiễn là người luyện Đạo đã “Thuần Dương Nhứt Mục”, đã đắc Kim Thân mới gọi là Thiên Tướng. Muốn đắc Pháp Nhãn phải dụng Công Phu vận chuyển Huyền Công, phải Tịnh để đạt Lý, đó là Lý Tịnh có 3 mắt. Kim Tra, Mộc Tra, Na Tra ba người con của Lý Tịnh có thể sánh với ba đồ đệ của Tam Tạng là Ngộ Không, Ngộ Năng, Ngộ Tịnh. Kim Tra sánh với Ngộ Tịnh, vì Kim Tra là khởi đầu mà theo Lý Nghịch Hành là từ Tinh Hóa Khí, nên có trước mà sau, sau mà trước. Na Tra là Tam Thái Tử mà ở Cung Thần nên sánh với Ngộ Không.
Mộc Tra là Dương Khí hóa thành sánh với Ngộ Năng.
Đó gọi là Nhứt Thể Tam Thân Tự Tánh Phật.
Đã có Na Tra sao còn có Lôi Chấn Tử?
Nguyên do Vua Văn Vương đi rừng thấy mưa, nghe sấm nổ, thấy một đứa bé mới sanh lượm về làm con thứ 100 của Văn Vương. Văn Vương – Chữ Văn chỉ về cái Tinh Thể của Thái Cực là Âm, tức thị Chơn Âm có Nhị Thập Tứ Khí. Một năm 12 tháng, một tháng có 2 Khí luân chuyển mà sinh ra 99 người con. Đó là chỗ Vô Cực Đồ Huyền Công Cửu Chuyển, bởi cái Tinh Khí Vô Cực là Văn Vương. Do chỗ Cửu Chuyển là sanh “ Cửu Cửu Chi Tử”, nhưng kết quả là ở 1 con cuối cùng là chỗ Càn - Khôn Giao Hiệp. Giữa cơn Phong Vân Lôi Võ sản suất 1 con là Lôi Chấn Tử cũng gọi là Nguyên Tử, bởi số của Nguyên Tử là số 100. Đứa con này có đôi Cánh Thần, vỗ cánh thì Sấm Nổ. Đó là lúc Dương Khí Hóa Thần, 1 tiếng nổ thì phát sinh ánh sáng. Cái Đạo của Văn Vương Thánh Chúa đi đến chỗ kết cuộc là đây. Số 100 bỏ 9 còn 1 ấy là Đắc Nhứt. Vậy thì Na Tra, Lôi Chấn Tử tuy 2 mà 1, Dương Thần lên đến số 99 bước qua 100 phát sinh Tiếng Nổ, Dương Khí hóa Thần Quang, Lôi Chấn Tử là Ánh Sáng của Thần. Vậy Sức Nóng và Ánh Sáng tuy 2 mà 1. Nếu không có Huyền Công Cửu Chuyển, Văn Vương không tạo được 99 con thì không thể có Lôi Chấn Tử, vậy 99 con của Văn Vương thuộc về trạng thái Khí Thuần Dương. Vân Trung Tử lãnh nhiệm vụ nuôi dạy Lôi Chấn Tử cũng giống như trong Tây Du Quan Âm nuôi dưỡng Thiện Tài Đồng Tử bằng Tiên Thiên Mẫu Khí, còn Vân Trung Tử nuôi Lôi Chấn Tử bằng Tiên Thiên Chơn Khí có nghĩa là Cha nuôi Con. Bởi nuôi dưỡng bằng Chơn Khí nên Lôi Chấn Tử mới hóa Thần, vỗ cánh mà sanh Sấm Nổ. Bảo Thai, Dưỡng Nhi cho thành Phật Tử đó là nuôi dưỡng Kim Thân. Còn Vân Trung Tử nuôi Lôi Chấn Tử nghĩa là nuôi Thần, còn Kim Thân Thiên Tướng là chỉ ngay Dương Tiễn.
Nhứt thể là Lý Tịnh thân hữu Tam Bửu là 3 con Kim – Mộc – Na Tra. Hiệp 3 con ấy sanh ra Lôi Chấn Tử Đắc Pháp Kim Thân là Dương Tiển. Vậy thì 5 đó cũng là 1. Đó là 5 giai đoạn tu hành khởi công luyện kỷ cho đến khi viên mãn. Thầy dạy Thiên Thơ có 2 phần Thượng - Hạ.
Phần Hạ: Tinh(1) hóa Khí(2) – Khí(2) hóa Thần(3).
Phần Thượng: Thần(3) hườn Hư(4) – Hư(4) hườn Vô(5).
Quyển Hạ Thiên Thơ là dụng công của Phàm.
Quyển Thượng Thiên Thơ là dụng công của Thánh.
Khi các con đã thành công phần Hạ, sẽ bước qua phần Thượng dễ dàng, bởi phần Hạ là nền tảng căn bản, mà nền tảng căn bản đã vững chắc rồi thì phần Thượng chẳng khó. Phần Thượng là Siêu Hình, Huệ Tâm Tự Phát, Trực Giác Tự Khai. Từ đây sẽ hiểu thế nào là Huyền Cơ Bí Nhiệm, chỗ này Thầy chẳng thể dạy ở đây. Thế gian là chỗ tu học, mà học thành công trở về hội hiệp cùng Cha – Mẹ. Chết là bỏ xác, bỏ Hữu trở về Vô.
Để Thầy nhắc lại Cơ Cuộc của Thầy từng giai đoạn trong ngày Viên Mãn Thoát Xác Phi Thiên của Thầy là ngày Thành Đạo. Chết có nghĩa là Tinh hóa Khí, trở lại chỗ Không, gặp Giáo Chủ cùng Tam Giáo Thánh Nhơn đó gọi là Tinh Hóa Khí. Giáo Chủ mừng vui tiếp đón rồi đưa Ta đến thẳng Ngọc Hư Cung bái kiến Phụ Hoàng, đó gọi là Khí Hóa Thần, Phụ Hoàng ấy chính là Thượng Đế Chí Tôn. Rồi kế đó Ta được Thái Bạch Kim Tinh hướng dẫn đến Cung Tử Tiêu bái kiến Hồng Quân Lão Tổ, đó là Thần Hườn Hư. Bái kiến Hồng Quân rồi Ta được Cửu Phẩm Tiên Nương rước đến Cung Diêu Trì bái kiến Kim Mẫu Từ Tôn Vô Cực, đó gọi là Hư hườn Vô. Hườn Vô có nghĩa là trở về với Mẹ, Mẹ là Diêu Trì Kim Mẫu, là nguồn gốc sinh ra vạn vật, trở về với Mẹ là Tột Cùng của Đạo.
Bởi Mẹ là tất cả, các con tu học phải hiểu cho tường đừng nhầm lẫn. Thầy dạy các con có khác với Chư Tiên Phật xưa nay, còn Huyền Cơ nơi đây cũng chẳng giống nơi nào.
Kỳ Ba lập Đạo, Thầy dạy Huyền Cơ Diệu Pháp mà Cơ Bút lại là điều u uẩn, Chơn Giả khó phân. Vậy các con phải chiêm nghiệm kỹ càng, bất cứ lời nào của một đàn cơ nào dù là do Đấng Thiêng Liêng nào chỉ dạy các con cũng phải chiêm nghiệm. Vậy các con phải có Hằng Tâm, đúng Lý hẳn tin chứ đừng tin tưởng một cách mù quáng. Đạo Pháp xưa nay thường phân ra ba bực Hạ Thừa, Trung Thừa, Thượng Thừa để cho các môn đồ tu học, tuần tự nhi tiến.Chứ thực ra Đạo chỉ có Một Thừa,
tức là Nhứt Thừa Pháp mà Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni khởi xướng, đó là Phật Pháp Tối Thượng, là Ngộ Không Tâm Nhứt Pháp, là Đạo Pháp Tối Thượng Nhứt Thừa. Học Đạo thì phải Nhứt Tâm và chỉ có Nhứt Pháp mà thôi.
Trong Thất Chơn Nhơn Quả, Khưu Trường Xuân đi qua cung Hoàng Hậu được mời Trấm Tửu ( rượu độc). Trở về Khưu Trường Xuân phải ngâm trong 24 lu nước, mà thiếu một lu phải bị sói đầu. Bởi Hoàng Hậu của Thuận Đế chỉ về Âm Khí lại có lòng ác hại ban Trấm Tửu để hại Trường Xuân, cũng vì lẽ tu mà còn vọng động nên Chơn Âm biến thành Tà Âm gây tác hại, độc Khí xâm nhập tạng phủ tại vì lòng còn ham tranh đấu. Muốn giải độc Khí phải có “ Nhị Thập Tứ Thủy Chi Trung”, lấy Thủy để chế ngự Tà Khí cũng là “ dụng âm chế âm” nhưng vì chỗ dụng công chẳng đủ, thiếu một nguồn cho nên độc khí Xung Thiên phá Đảnh làm Linh Thảo Côn Lôn trụi hết gốc : tóc rụng, đầu hói. Là bởi vọng niệm sanh Tà Khí, do công phu chẳng đủ nên sanh ra tồn độc, là bệnh, một bất trắc của người luyện Đạo. Tu mà lòng còn ham tranh đấu, vọng niệm dấy nên dể bị Âm Khí tác hại.
Nếu lòng không vọng thì khí ấy là Chơn. Khi lòng vọng niệm, hơn thua cao thấp thì Khí ấy gây tác hại trở lại, tự mình hại mình.
Vậy người tu phải Nhẫn để tránh cái hại của Tà Khí.
Đêm nay Thầy dạy bấy nhiêu cũng tạm đủ, kỳ Đàn hậu ngoạt tới đây Thầy sẽ dạy tiếp.
Thăng