Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi tại Pháp Quốc

 


Bủu Minh Ðàn.Trang Web Phục Vụ Nhơn Sanh Miễn Phí. do Trương Ngọc An thực hiện  

Bài này sơ lược về Đạo Giáo của Trung Hoa .

Trong Tam giáo thì Nho giáo (儒教) và Đạo giáo (道教) là hai hệ thống tín ngưỡng/tôn giáo bản địa của Trung Quốc; còn Phật giáo là một tôn giáo du nhập từ Ấn Độ. Riêng về Đạo giáo, chính tư tưởng Hoàng Lão (Hoàng Đế 黃帝 - Lão Tử 老子) hay tư tưởng Đạo gia, Vu thuật (巫術, shamanism), và khát vọng trường sinh bất tử đã dẫn đến sự hình thành tôn giáo này.
Trong Đạo giáo, có nhiều tông phái; mỗi tông phái có sự hình thành, cơ cấu và hoạt động, ảnh hưởng đối với triều đình và quần chúng khác nhau. Có ba giáo phái tiêu biểu, xuất hiện vào thời kỳ ban đầu của Đạo giáo, đó là: Ngũ Đấu Mễ Đạo (五斗米道), Thái Bình Đạo (太平道), và Bạch Gia Đạo (帛家道).

Mao Sơn Tông là tên một giáo phái của Đạo giáo, lấy Mao Sơn (núi cỏ mao), nằm ở giữa hai huyện Kim Đàn và Cú Dung của tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, làm tổ đình. Mao Sơn có tên xưa là Cú Khúc Sơn, Địa Phế Sơn, Cương Sơn, Kỷ Sơn. Đây là ngọn núi thuộc hàng động thiên phúc địa nổi tiếng. Mao Sơn Tông kế thừa Thượng Thanh Phái. Đào Hoằng Cảnh là tổ sư đời thứ 9 của Thượng Thanh Phái ( không chú trọng phù lục). Sau khi quy ẩn 10 năm tại Mao Sơn, ông sáng lập Mao Sơn Tông (coi trọng phù lục), lấy tên núi làm tên giáo phái.

Bạch Gia Đạo (帛家道) là một giáo phái xuất hiện vào thời kỳ ban đầu của Đạo giáo, hoạt động vào đời Ngụy-Tấn (220-420) ở phương bắc và phương nam Trung Quốc (vùng Giang Tô và Chiết Giang). Nguồn gốc của giáo phái này đến nay vẫn chưa rõ. Tương truyền tổ sư của giáo phái này là Bạch Hòa 帛和, và tên giáo phái đặt theo họ của tổ sư.
Bạch Gia Đạo thoạt đầu là tín ngưỡng bình dân, cũng gọi là «tục thần đảo» 俗神禱 vì thờ các tục thần và dâng cúng các thứ huyết thực. Đến đời Đông Tấn (317-420), Bạch Gia Đạo phát triển ở Giang Tô và Chiết Giang, không ít tín đồ thuộc giai cấp sĩ tộc thế gia. Từ đời Đông Tấn trở đi, sử sách không ghi chép về Bạch Gia Đạo, nhưng do mối quan hệ giữa giáo phái này với Thượng Thanh Phái và Thiên Sư Đạo, có lẽ Bạch Gia Đạo đã sáp nhập vào hai giáo phái đó.
Tổ sư Bạch Hòa
Theo Thần Tiên Truyện của Cát Hồng, Bạch Hòa tự là Trọng Lý 仲理, quê ở Liêu Đông 遼東. Thầy của Bạch Hòa là Đổng Phụng 董奉, vốn là một thần nhân sống thời Tôn Quyền 孫權 (nước Ngô, thời Tam Quốc). Nhiều thuyết nói rằng Vu Cát truyền Thái Bình Kinh cho Bạch Hòa, điều này cho thấy sự liên hệ giữa Bạch Gia Đạo và Thái Bình Đạo.
Về sau, Bạch Hòa đến Tây Thành Sơn 西城山 phục vụ Vương Phương Bình 王方平 rồi ông được phép nhập thạch thất, diện bích (ngó vách) 3 năm. Nơi đây ông xem được các bản văn khắc vào vách của cổ nhân như: Thái Thanh Trung Kinh Thần Đan Phương 太清中經神丹方, Tam Hoàng Thiên Văn Đại Tự 三皇天文大字, Ngũ Nhạc Chân Hình Đồ 五岳真形圖. Sau đó ông lên núi Lâm Lự Sơn 林慮山 (còn gọi Long Lự Sơn 隆慮山), thành địa tiên 地仙. Về Bạch Hòa, Thần Tiên Truyện chép: «Bạch Hòa tự là Trọng Lý. Ông được Đổng tiên sinh [tức Đổng Phụng] dạy hành khí và tịch cốc. Rồi ông đến Tây Thành Sơn bái Vương Quân [tức Vương Phương Bình] làm thầy. Vương Quân nói: ‘Yếu quyết của đại đạo không thể nhất thời mà đạt được. Ta tạm đến đảo tiên Doanh Châu, ngươi hãy vào thạch thất này, nhìn chăm chú vào vách đá, lâu ngày trên vách sẽ hiện ra chữ, thấy chữ thì phải đọc hiểu, rồi ngươi sẽ đắc đạo.’ Do đó Bạch Hòa bắt đầu nhìn vách, sau một năm ông không thấy gì, nhưng sau 2 năm thì thấy vách đá hiện chữ lờ mờ, sau 3 năm thì vách đá hiện rõ chữ. Đó là các bộ Thái Thanh Trung Kinh 太清中經, Thần Đan Phương 神丹方, Tam Hoàng Trượng Ngũ Nhạc Đồ 三皇丈五岳圖. Ông tụng niệm vang vang. Vương Quân trở về nói: ‘Ngươi đắc đạo rồi.’ Sau đó Bạch Hòa luyện thần đan, uống nửa tễ thì trường sinh bất tử.» (Bạch Hòa tự Trọng Lý, sư Đổng tiên sinh hành khí đoạn cốc thuật, hựu nghệ ây Thành Sơn Vương Quân. Quân vị viết: ‘Đại đạo chi quyết, phi khả tốt đắc. Ngô tạm vãng Doanh Châu, nhữ ư thử thạch thất trung, khả thục thị thạch bích, cửu cửu đương kiến văn tự, kiến tắc độc chi, đắc đạo hĩ. Hòa nãi thị chi, nhất niên liễu vô sở kiến, nhị niên tự hữu văn tự, tam niên liễu nhiên kiến Thái Thanh Trung Kinh, Thần Đan Phương, Tam Hoàng Trượng Ngũ Nhạc Đồ. Hòa tụng chi, thượng khẩu. Vương Quân hồi viết: ‘Tử đắc chi hĩ.’ Nãi tác thần đan, phục bán tễ, diên niên vô cực. 帛和字仲理,師董先生行氣斷谷術,又詣西城山王君.君謂曰:大道之訣非可卒得.吾暫往瀛州,汝於此石室中可熟視石壁久久當見文字,見則讀之,得道矣.和乃 視之,一年了無所見二年似有文字,三年了然見太清中經,神丹方,三皇丈五岳圖.和誦之上口,王君回曰:子得之矣.乃作神丹,服半劑,延年無極).
Theo đó, Bạch Hòa là đạo sĩ thời Tam Quốc. Nhưng Thủy Kinh chú 水經注, quyển 15, chép: «Phía tây nam sông Triền có ngôi mộ của Bạch Trọng Lý, mộ bia khắc ‘Chân nhân Bạch quân chi biểu’. Trọng Lý tên là Hộ, người Ba Quận, Ích Châu. Lập mộ tháng 11, năm Vĩnh Gia thứ 2 (tức 309), đời Tấn Hoài Đế.» (Triền thủy tây nam hữu Bạch Trọng Lý mộ, mộ tiền hữu bi vân: ‘chân nhân Bạch quân chi biểu’. Trọng Lý danh Hộ, Ích châu Ba quận nhân. Tấn Hoài Đế Vĩnh Gia nhị niên thập nhất nguyệt lập. 瀍水西南有帛仲理墓,墓前有碑云:真人帛君之表.仲理名護,益州巴郡人.晉懷帝永嘉二年十一月立). Tức là Bạch Hòa sống vào thời Tây Tấn.
Vì Bạch Hòa quá nổi tiếng, đời Tây Tấn có nhiều đạo sĩ mượn danh Bạch Hòa truyền giáo cho giới quần chúng bình dân ở phía bắc và ở phía nam (vùng Giang Tô và Chiết Giang). Chương ‘Khư hoặc’ 袪惑 trong Bão Phác Tử 抱朴子 chép: «Lại có kẻ giả mạo đạo sĩ nổi danh đời trước, thí dụ như Bạch Hòa nghe nói là 8700 tuổi, lúc thì xuất hiện chốn thế gian, lúc thì đột nhiên biến mất, không ai biết ông ở đâu. Tại Lạc Dương có đạo sĩ nọ, thông thạo mọi việc, tu luyện các loại thuật số. Ông ta nêu những vấn đề hóc búa để chất vấn Bạch Hòa. Hòa nghe đến đâu trả lời đến đấy không chút ngập ngừng. Quả là biết rộng. […] Sau Hòa bỗng đi mất, không ai biết chỗ của ông. Có người ở Hà Bắc tự xưng là Bạch Hòa, nên mọi người xa gần cũng đến phục vụ ông, ông ta trở nên thật giàu có. Đệ tử Bạch Hòa nghe Thầy tái xuất, rất mừng, bèn đến xem thực hư ra sao. Kẻ kia vì thế mà bỏ chạy mất.» (Nãi phục hữu giả thác tác tiền thế hữu danh chi đạo sĩ giả, như Bạch Hòa giả, truyền ngôn dĩ bát thiên thất bách tuế, thời xuất tục gian, hốt nhiên tự khứ, bất tri kỳ tại. Kỳ Lạc trung hữu đạo sĩ, dĩ bác thiệp chúng sự, hiệp luyện thuật số giả, dĩ chư nghi nan tư vấn Hòa, Hòa giai tầm thanh vi luận thích, giai vô nghi ngại, cố vi viễn thức. […] hậu hốt khứ, bất tri sở tại. Hữu nhất nhân ư Hà Bắc tự xưng vi Bạch Hòa, ư thị viễn cận cánh vãng phụng sự chi, đại đắc trí di chí phú. Nhi Bạch Hòa tử đệ, văn Hoà tái xuất, đại hỉ, cố vãng kiến chi, nãi định phi dã. Thử nhân nhân vong tẩu hĩ.) 乃復有假托作前世有名之道士者,如帛和者,傳言已八千七百歲,時出俗間,忽然自去,不知其在.其洛中有道士,已博涉眾事,洽煉術數者,以諸疑難咨問和,和 皆尋聲為論釋,皆無疑礙,故為遠識[...]後忽去,不知所在.有一人於河北自稱為帛和,於是遠近竟往奉事之,大得致遺至富.而帛和子弟,聞和再出,大 喜,故往見之,乃定非也.此人因亡走矣.

Qua đoạn văn trên, ta thấy vào đời Tây Tấn đã có đạo sĩ giả danh Bạch Hòa và lập giáo. Hơn nữa, tại Hà Bắc là Lạc Dương đã có đệ tử của Bạch Hòa, nhưng bấy giờ tổ chức và quy mô chưa lớn. Họ lấy các bộ kinh mà Bạch Hòa sở đắc (như Thái Thanh Trung Kinh Thần Đan Phương, Tam Hoàng Thiên Văn Đại Tự, Ngũ Nhạc Chân Hình Đồ) để truyền thừa.
Liên hệ với giáo phái khác
Bạch Gia Đạo, Thái Bình Đạo (Thiên Sư Đạo), Thượng Thanh Phái có liên quan với nhau về mặt kinh điển. Theo truyền thuyết, Thái Thượng Lão Quân truyền Thái Bình Kinh cho Vu Cát, rồi Vu Cát truyền lại cho Bạch Hòa. Cũng theo truyền thuyết, Kim Khuyết Hậu Thánh Đế Quân 金闕後聖帝君 truyền Tố Thư 素書 (tức Thái Bình Kinh Phục Văn 太平經復文) cho Thanh Đồng Quân 青童君, Thanh Đồng Quân truyền lại cho Vương Phương Bình 王方平 (ở Tây Thành 西城), Vương Phương Bình truyền lại cho
Hoàng Lão Đạo là tiền thân của Thái Bình Đạo, một giáo phái của Đạo giáo. Hoàng là Hoàng Đế, Lão là Lão Tử. Tư tưởng Hoàng Lão bắt nguồn từ các Đạo gia thuộc học phái Tắc Hạ thời Chiến Quốc, đến đầu đời Tây Hán nó biến thành một trào lưu triết học và chính trị mạnh, chủ trương thanh tĩnh vô vi, cho dân nghỉ ngơi, nới tay trị dân. Đến đời Đông Hán, học phái này trở thành tôn giáo, thờ Hoàng Đế và Lão Tử. Chịu ảnh hưởng của Hoàng Lão Đạo, Trương Giác nổi lên, tự xưng là «Đại Hiền Lương Sư», sáng lập Thái Bình Đạo, phát động khởi nghĩa gọi là Hoàng Cân khởi nghĩa mà sử gọi là giặc Khăn Vàng.
Long Hổ Tông là một giáo phái phù lục của Đạo giáo, do con cháu của Trương Đạo Lăng là Trương Thịnh lấy núi Long Hổ, phía Tây Nam của huyện Quý Khê tỉnh Giang Tây, Trung Quốc làm trung tâm truyền đạo. Long Hổ Sơn cũng thuộc hàng động thiên phúc địa, có tên gốc là Vân Cẩm Sơn.
Long Môn Phái là một giáo phái của Đạo giáo phát triển từ Toàn Chân Đạo. Vào đời Minh - Thanh trong lịch sử Trung Quốc, Toàn Chân suy yếu, nên Triệu Đạo Kiên (một đệ tử của Khưu Xứ Cơ) sáng lập Long Môn Phái, và thờ Khưu Xứ Cơ làm tổ sư. Long Môn là tên núi (nơi Khưu Xứ Cơ tu luyện), tọa lạc ở huyện Lũng tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Lâu Quán Đạo là một giáo phái của Đạo giáo. Lâu Quán thuộc huyện Chu Chí tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Tương truyền, đây là nguyên quán của quan lệnh Doãn Hỉ. Vì thờ Doãn Hỉ làm tổ sư nên giáo phái lấy tên là Lâu Quán Đạo.
Ngũ Đấu Mễ Đạo (五斗米道), cũng gọi Thiên Sư Đạo, là một giáo phái ra đời trong giai đoạn đầu của Đạo giáo, tức cuối đời Đông Hán (25–220) trong lịch sử Trung Quốc, do Trương Lăng (34–156) sáng lập. Từ đời Đông Tấn trở đi Ngũ Đấu Mễ Đạo được gọi là Thiên Sư Đạo, từ đời nhà Nguyên trở đi gọi là Chính Nhất Đạo.
Tổ sư Trương Lăng
Trương Lăng tự là Phụ Hán 輔漢 (giúp nhà Hán), người nước Phái 沛, quê đất Phong 丰 (nay là huyện Phong, tỉnh Giang Tô). Ông thuộc hậu duệ của Hán Lưu Hầu Trương Lương 漢留侯張良. Trương Lăng xuất thân là một đại nho. Thuở nhỏ ông đã tinh nghiên Đạo Đức Kinh, thiên văn, địa lý, Hà Đồ, Lạc Thư, thông đạt Ngũ Kinh. Đời Hán Minh Đế (58-75), ông làm quan lệnh ở Giang Châu 江州 thuộc Ba Quận 巴郡 (nay là Trùng Khánh, Tứ Xuyên). Cho rằng Nho học vô ích, ông bèn học đạo trường sinh, ẩn cư trong núi Bắc Mang Sơn 北邙山. Triều đình phong chức bác sĩ cho ông nhưng ông thác bệnh và từ chối. Hán Hoà Đế (tại vị 89-105) ba lần ra chiếu phong ông làm quan Thái Phó nhưng ông vẫn từ chối. Đời Hán Thuận Đế 順帝 (126-144), Trương Lăng vào Ba Thục 巴蜀, tu đạo ở núi Hạc Minh Sơn 鶴鳴山 (cũng gọi Cốc Minh Sơn 鵠鳴山), tự xưng được Thái Thượng Lão Quân truyền đạo Chính Nhất Minh Uy 正一盟威, nên xưng là Tam Thiên Pháp Sư Chính Nhất Chân Nhân 三天法師正一真人; còn nói Lão Quân phong ông làm Thiên Sư, nên đạo này cũng gọi là Thiên Sư Đạo. Năm 141 ông sáng tác đạo kinh, tôn Lão Tử làm giáo chủ. Trước tiên ông trị bệnh để thu hút quần chúng và sau đó là truyền đạo. Khi quy tụ được đông đảo quần chúng, Trương Lăng (bấy giờ bắt đầu gọi là Trương Đạo Lăng 張道陵 hay Trương Thiên Sư 張天師) tổ chức 24 điểm truyền đạo gọi là 24 Trị 治, trong đó ba trung tâm lớn là Dương Bình Trị 陽平治, Lộc Đường Trị 鹿堂治, và Hạc Minh Trị 鶴鳴治. Người nhập đạo phải nộp 5 đấu gạo (gọi là tín mễ 信米), do đó đạo này gọi tên là Ngũ Đấu Mễ Đạo (đạo 5 đấu gạo), cũng gọi là Mễ Vu 米巫 bởi vì đạo này chịu ảnh hưởng nặng nề của vu giáo 巫教 của dân tộc thiểu số tại Ba Thục. Một cách giải thích khác: Ngũ Đấu Mễ là Ngũ Đẩu Mẫu 五斗姆, tức là Bắc Đẩu Mẫu 北斗姆 trong Ngũ Phương Tinh Đẩu 五方星斗, đứng đầu trong các sao. Hai cách giải thích này đều thông hành; có thể lúc lập giáo, Trương Lăng đã có chủ ý như vậy. Và cho phù hợp với Nhị Thập Bát Tú (28 sao), sau này 24 Trị phát triển thành 28 Trị.
Khi Trương Lăng mất, con là Trương Hành 張衡 kế thừa việc truyền đạo. Khi Trương Hành qua đời, con của Trương Hành là Trương Lỗ 張魯 kế vị. Cả ba đời ông cháu được người đời gọi là Tam Trương, nhưng trong nội bộ phải gọi là Tam Sư: Trương Lăng là Thiên Sư 天師, Trương Hành là Tự Sư 嗣師, và Trương Lỗ là Hệ Sư 系師.

24 Trị & 28 Trị
24 Trị ban đầu gọi là Chính Trị 正治 (gồm Thượng Bát Trị, Trung Bát Trị, và Hạ Bát Trị); còn 4 Trị tăng bổ về sau gọi là Biệt Trị 別治 hay Bị Trị 備治:
• Thượng Bát Trị là: 1- Dương Bình Trị 陽平治 (tại huyện Cửu Lũng 九隴, châu Bành 彭, quận Thục 蜀); 2- Lộc Đường [Sơn] Trị 鹿堂(山)治 (tại huyện Miên Trúc 綿竹, châu Hán 漢); 3- Hạc Minh [Thần Sơn Thượng] Trị 鶴鳴(神山上)治 (tại Hạc Minh Sơn, nay là huyện Đại Ấp 大邑, thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên); 4- Ly Nguyên Sơn Trị 漓沅山治 (tại huyện Cửu Lũng, châu Bành, quận Thục); 5- Cát Quý Sơn Trị 葛瑰山治 (tại huyện Cửu Lũng, châu Bành, quận Thục); 6- Canh Trừ Trị 庚除治 (tại huyện Miên Trúc 綿竹, quận Quảng Hán 廣漢); 7- Tần Trung Trị 秦中治 (tại huyện Đức Dương 德陽, quận Quảng Hán); 8- Chân Đa Trị 真多治 (tại huyện Kim Đường 金堂).
• Trung Bát Trị là: 1- Xương Lợi Trị 昌利治 (tại huyện Kim Đường); 2- Lệ Thượng Trị 隸上治 (tại huyện Đức Dương, quận Quảng Hán); 3- Dũng Tuyền Sơn Thần Trị 涌泉山神治 (tại huyện Tiểu Hán 小漢, quận Toại Ninh 遂寧); 4- Trù Canh Trị 稠稉治 (tại huyện Tân Tân 新津, huyện Kiên Vi 犍為); 5- Bắc Bình Trị 北平治 (tại huyện Bành Sơn 彭山, châu Mi 眉); 6- Bản Trúc Trị 本竹治 (tại huyện Tân Tân 新津, châu Thục 蜀); 7- Mông Tần Trị 蒙秦治 (tại huyện Đài Đăng 台登, quận Việt Huề 越巂); 8- Bình Cái Trị 平蓋治 (tại huyện Tân Tân, châu Thục).
• Hạ Bát Trị là: 1- Vân Đài Sơn Trị 雲台山治 (tại huyện Thương Khê 蒼溪, châu Lương 閬, quận Ba Tây 巴西); 2- Tận Khẩu Trị 濜口治 (tại huyện Giang Dương 江陽, quận Hán Trung 漢中); 3- Hậu Thành Sơn Trị 後城山治 (tại huyện Thập Phương 什邡, châu Hán); 4- Công Mộ Trị 公慕治 (tại huyện Thập Phương 什邡, châu Hán); 5- Bình Cương Trị 平岡治 (tại huyện Tân Tân, châu Thục); 6- Chủ Bạc Sơn Trị 主簿山治 (tại huyện Bồ Giang 蒲江, châu Cung 邛); 7- Ngọc Cục Trị 玉局治 (tại cửa Nam của Thành Đô); 8- Bắc Mang Sơn Trị 北邙山治 (tại huyện Lạc Dương 洛陽, Đông Đô 東都).
• 4 Biệt Trị (Bị Trị) đều ở phía đông bắc của Kinh Sư Lạc Dương: 1- Cương Đê Trị 岡氐治 (tại núi Lan Vũ 蘭武); 2- Bạch Thạch Trị 白石治 (tại núi Huyền Cực 玄極); 3- Cụ Sơn Trị 具山治 (tại núi Phạn Dương 飯陽); 4- Chung Mậu Trị 鍾茂治 (tại núi Nguyên Đông 元東).
Cơ cấu tổ chức
Người mới nhập môn gọi là «quỷ tốt» 鬼卒; tu hành lâu năm lên «tế tửu» 祭酒; khi đủ trình độ cai quản một Trị thì gọi là «trị đầu đại tế tửu» 治頭大祭酒. Tất cả đều dưới quyền của «sư quân» 師君 là Trương Lỗ. Các tín đồ phải giữ giới và tin cậy nhau. Người lầm lỗi phải nhập «tĩnh thất» 靜室 để sám hối ăn năn. Ngoài ra có chức vụ là «quỷ lại» 鬼吏, chịu trách nhiệm cúng cầu xin cho bệnh nhân mau khỏi bệnh. Khi cúng cầu khỏi bệnh và khỏi tội, cần lập 3 lá sớ viết tên bệnh nhân vào đó (gọi là Tam quan thủ thư 三官手書; tam quan là: Thiên, Địa, Thủy): Một đem lên núi, một chôn xuống đất, và một ném xuống nước. Trương Lỗ còn lập ra Đồ thán trai pháp 涂炭齋法 (nghi thức trai giới), tuy giản đơn nhưng được xem là khởi nguyên của nghi thức trai tiêu 齋醮 về sau của Đạo giáo. Các tế tửu còn có nhiệm vụ thuyết giảng Lão Tử Đạo Đức Kinh dựa vào bản chú của Trương Lỗ, gọi là Lão Tử Tưởng Nhĩ chú 老子想爾注. Ngoài việc dùng phù lục bùa chú để trị bệnh; cúng tế và trai giới để cầu xin giải tội và trừ tai nạn; tín đồ Ngũ Đấu Mễ Đạo còn thực hành thủ nhất, hành khí, phòng trung, v.v... Trong phạm vi 28 Trị, Trương Lỗ thiết lập các nghĩa xá 義舍, cung cấp gạo thịt, thức ăn miễn phí cho người qua đường. Về mặt cai trị dân, Trương Lỗ dùng hình phạt khoan dung, cấm dân uống rượu, và thi hành nhiều biện pháp có lợi cho dân. Trong cục diện đại loạn cuối đời Hán, chỉ có khu vực Ba Thục và Hán Trung do Trương Lỗ cai trị là thái bình, do đó ảnh hưởng của Trương Lỗ rất lớn.
Trương Lỗ
Trương Lỗ cai trị khu vực Ba Thục và Hán Trung gần 30 năm với một chính quyền hợp nhất tôn giáo với chính trị. Đến năm Kiến An 建安 20 (tức năm 215 CN) tháng 3, Tào Tháo đánh Hán Trung. Đến tháng 11, Trương Lỗ thua, phải dắt gia quyến và thuộc hạ về Nghiệp Thành 鄴城 quy hàng Tào. Tào Tháo dùng lễ trọng đãi Trương Lỗ để lợi dụng thế lực và ảnh hưởng của Trương Lỗ. Tào Tháo phong Trương Lỗ làm Trấn Nam Tướng Quân 鎮南將軍, Lương Trung Hầu 閬中侯. Năm người con của Trương Lỗ cũng được phong tước hầu. Tào Tháo và Trương Lỗ còn kết thông gia với nhau. Chính quyền của Trương Lỗ tại Ba Thục và Hán Trung bị diệt. Tuy nhiên Ngũ Đấu Mễ Đạo vẫn phát triển, dù tổ chức bị hỗn loạn, nhất là sau khi Trương Lỗ bệnh và mất. Tín đồ mạnh ai nấy truyền đạo, không theo phép tắc gì cả. Nhiều tế tửu lợi dụng tôn giáo để làm việc bất chính, hoang dâm.

Trần Thụy khởi nghĩa
Đầu đời Tây Tấn, một người quê ở quận Kiên Vi 犍為 (nay thuộc Tứ Xuyên) tên là Trần Thụy 陳瑞 nổi lên truyền đạo tại Ba Thục. Xưa kia Trần Thụy cũng theo Ngũ Đấu Mễ Đạo, nay tự xưng là Thiên Sư 天師, mô phỏng và cải biên giáo quy. Khu vực truyền đạo cũng gọi là trị (hay đạo trị), người nhập môn phải nộp lễ vật gồm một đấu rượu và một con cá tươi. Các tín đồ nào mà trong nhà có việc tang chế hay thai sản thì trong vòng 100 ngày đều không được phép lui tới đạo trị. Trần Thụy cũng lập ra các chức tế tửu. Tế tửu nào có cha, mẹ, hay vợ qua đời thì không được mang khăn tang. Tế tửu cũng không được phép thăm viếng người bệnh hay người mới sinh con. Tín đồ theo Trần Thụy đông tới mấy ngàn người. Thanh thế càng ngày càng lớn. Năm Hàm Ninh 咸寧 thứ 3 (tức 277 CN) quan trấn nhậm Ích Châu 益州 là thứ sử Vương Tuấn 王浚 quy Trần Thụy vào tội bất hiếu và đem quân đánh dẹp, giết Trần Thụy và nhiều tế tửu cốt cán, đốt cháy các cơ sở truyền đạo (tức đạo trị). Quan thái thú Ba Thục vì là tín đồ của Trần Thụy nên bị bãi chức.

Lý Đặc và Lý Hùng khởi nghĩa & chính quyền Thành Hán
Không lâu sau khi Trần Thụy bị giết, vào các năm Vĩnh Ninh 永寧 và Thái An 太安 (301-303) đời vua Huệ Đế 惠帝 (Tư Mã Trung 司馬衷) của Tây Tấn, tại Tứ Xuyên nổi lên cuộc khởi nghĩa của các lưu dân ở Quan Lũng 關隴 và tín đồ Ngũ Đấu Mễ Đạo (vốn là dân tộc thiểu số Tung 賨) do Lý Đặc 李特 và Lý Hùng 李雄 lãnh đạo. Lý Đặc là dân thiểu số Tung, theo Ngũ Đấu Mễ Đạo. Năm Vĩnh Ninh (301) Lý Đặc khởi nghĩa. Tháng Giêng năm Thái An (303) Lý Đặc kéo binh tấn công Thành Đô. Tháng 2, Lý Đặc tử trận, nghĩa binh chết thê thảm. Con của Lý Đặc là Lý Hùng dẫn tàn binh rút lui. Sau cùng, một nhánh quân khởi nghĩa do Phạm Trường Sinh 范長生 (của Ngũ Đấu Mễ Đạo) chỉ huy đã trợ giúp lương thảo cho quân của Lý Hùng. Cùng năm này, họ lại tấn công Thành Đô, và lần này thành công. Lý Hùng năm Vĩnh Hưng 永興 nguyên niên (tức 304 CN) xưng là Thành Đô Vương 成都王, tôn Phạm Trường Sinh làm vua, nhưng Phạm từ chối. Thế là tháng 6 năm Vĩnh Hưng thứ 2 (tức 305 CN) Lý Hùng xưng hoàng đế, lấy quốc hiệu là Đại Thành 大成. Ngay khi Phạm Trường Sinh từ chối làm vua, Lý Hùng phong Phạm Trường Sinh làm Thừa tướng, rồi ban hiệu là Thiên Địa Thái Sư 天地太師, và phong làm Tây Sơn Hầu 西山侯. Phạm Trường Sinh mất, con là Phạm Bí 范賁 được kế vị thừa tướng. Lý Hùng cai trị 30 năm, chính sách khoan dung; cả thế cục đại loạn mà vùng Ba Thục vẫn bình yên vô sự. Truyền ngôi đến đời thứ 3 là Lý Thọ 李壽 thì đổi quốc hiệu là Hán, do đó sử sách gọi chính quyền Lý Hùng là Thành Hán 成漢. Chính quyền Thành Hán kéo dài 47 năm, trải 6 đời; đến năm Vĩnh Hòa thứ 3 đời Đông Tấn (tức 347 CN) thì bị Hoàn Ôn 桓溫 diệt.

Tôn Ân khởi nghĩa
Ban đầu Ngũ Đấu Mễ Đạo gồm các tín đồ dân dã, nhưng khi giáo phái phát triển, thu hút rất nhiều hào tộc, thế gia, thậm chí quan lại, thí dụ họ Vương và họ Tôn ở Lang Nha, họ Tạ và họ Ân ở quận Trần, họ Khổng ở Cối Kê, họ Chu ở Nghĩa Hưng, họ Hứa họ Đào và họ Cát ở Đan Dương, v.v... Trong khoảng đời Tấn, các sử gia gọi Ngũ Đấu Mễ Đạo là Thiên Sư Đạo. Tuy nhiên có sử gia cho rằng Ngũ Đấu Mễ Đạo là tên gọi dân dã, còn chính nội bộ tín đồ thì tự xưng giáo phái mình là Thiên Sư Đạo hoặc Chính Nhất Đạo.
Trong giới tín đồ gốc sĩ tộc thế gia có Đỗ Tử Cung 杜子恭 là đầu lĩnh ở Tiền Đường 錢塘. Ông có nhiều đệ tử, xuất thân là thế gia đại tộc ở Giang Nam. Đỗ Tử Cung mất, môn đồ là Tôn Thái 孫泰 và Tôn Ân 孫恩 kế nghiệp. Tôn Ân tự là Linh Tú 靈秀, quê ở Lang Nha, vừa là cháu vừa là đệ tử của Tôn Thái. Tôn Thái tự xưng được chân truyền pháp thuật từ Tử Cung, nên tín đồ mê muội coi như thần nhân. Hiếu Vũ Đế 孝武帝 (tại vị 373-396) đời Đông Tấn phong Tôn Thái làm Phụ Quốc Tướng Quân 輔國將軍 và phong làm thái thú ở Tân An 新安. Tôn Thái lợi dụng tà thuật mê hoặc và quy tụ quần chúng, triều đình sợ Tôn Thái làm loạn nên sai Cối Kê Vương là Tư Mã Đạo Tử 司馬道子 bắt Tôn Thái giết đi. Tôn Ân và dư đảng chạy trốn ra hải đảo, lập chí báo thù cho sư phụ. Rồi Tôn Ân cùng với em rể là Lư Tuần 盧循 lãnh đạo khoảng 10 vạn tín đồ của 8 quận đánh Cối Kê (8 quận là: Cối Kê 會稽, Ngô Quận 吳郡, Ngô Hưng 吳興, Nghĩa Hưng 義興, Lâm Hải 臨海, Vĩnh Gia 永嘉, Đông Dương 東陽, và Tân An 新安). Chiếm được Cối Kê, Tôn Ân tự xưng là Chinh Đông Tướng Quân 征東將軍 và gọi quân binh của mình là «trường sinh nhân» 長生人. Triều đình phái quân chinh phạt. Năm Nguyên Hưng nguyên niên (402 CN), thuộc hạ Lưu Lao 劉牢 của Tôn Ân bại trận, bèn nhảy xuống biển tự trầm. Tôn Ân thua trận ở Lâm Hải 臨海 cũng nhảy xuống biển tự trầm. Cho rằng Tôn Ân đã thành thủy tiên 水仙, số tín đồ tự trầm theo hơn trăm người. Lư Tuần kế vị, chiến đấu ngoan cường. Năm Nghĩa Hi 義熙 thứ 7 (tức 411 CN) đời vua An Đế 安帝 của Đông Tấn, Lư Tuần đánh Quảng Châu, nhưng bị đại bại, bèn chạy sang Giao Châu. Thứ sử Giao Châu là Đỗ Huệ Độ 杜慧度 cùng các quan văn võ đánh tan quân Lư Tuần. Quân của Lư Tuần còn khoảng 2000 người. Dư đảng của Lý Tốn 李遜 (thái thú Cửu Chân, nổi loạn) là Lý Thoát 李脫 kết tập 5000 man dân để giúp Lư Tuần đánh ở bến sông phía Nam thành Long Biên 龍編 (tức Hà Nội của Việt Nam ngày nay). Binh của Đỗ Huệ Độ phóng đuốc trĩ vĩ (trĩ vĩ cự 雉尾炬) đốt chiến thuyền Lư Tuần. Lư Tuần nhảy sông tự trầm. Đỗ Huệ Độ cho vớt tử thi Lư Tuần và chặt đầu, gởi về Kiến Khang.
Tôn Ân và tín đồ Ngũ Đấu Mễ Đạo vốn tin tưởng vào Tam Quan (Thiên, Địa, Thủy), đặc biệt tin tưởng vào sự thành thủy tiên 水仙 (tiên nước); cho nên khi khởi nghĩa thất bại họ đều nhảy xuống sông xuống biển. Người đời gọi là tự trầm 自沉 (nhảy xuống nước tự tử) nhưng tín đồ gọi là thủy giải 水解 (giải thoát trong nước) hy vọng đó là cách giải thoát thành tiên.

Cải cách
Có thể thấy, sau khi chính quyền tôn giáo và chính trị hợp nhất của Trương Lỗ bị diệt, Ngũ Đấu Mễ Đạo không bị diệt theo mà lại phát triển rộng khắp Trung Quốc. Tín đồ ngoài thành phần bình dân còn có thành phần hào tộc thế gia. Giai đoạn phát triển mạnh của Ngũ Đấu Mễ Đạo là thời Lưỡng Tấn. Quá trình phát triển của Ngũ Đấu Mễ Đạo gợi ra hai vấn đề: (1) Sự xung đột giữa Ngũ Đấu Mễ Đạo với chính quyền phong kiến: Ngũ Đấu Mễ Đạo phát khởi từ dân gian, trước bất công của xã hội phong kiến, họ phất cờ khởi nghĩa, hy vọng thành lập một xã hội thái bình và lý tưởng. (2) Tổ chức suy thoái: Kể từ Trương Lỗ hàng Tào Tháo, cơ cấu tổ chức của giáo phái này phát triển về số lượng, lan rộng khắp nơi, vượt ra khỏi phạm vi của Ba Thục và Hán Trung, nhưng về bản chất thì các giáo nghĩa và giáo qui đã lỏng lẻo và suy thoái. Các tế tửu tự tung tự tác, bừa bãi thu nạp tài sản của tín đồ. Từ các vấn đề này, Ngũ Đấu Mễ Đạo đã trải qua hai cuộc cải cách do đạo sĩ Khấu Khiêm Chi 寇謙之 (Bắc Ngụy) và đạo sĩ Lục Tu Tĩnh 陸修靜 (Nam Triều Tống) tiến hành. Khấu Khiêm Chi cải cách Ngũ Đấu Mễ Đạo (tức Thiên Sư Đạo) ở phương bắc nên nhánh này gọi là Bắc Thiên Sư Đạo, còn Lục Tu Tĩnh cải cách Ngũ Đấu Mễ Đạo ở phương nam nên nhánh này gọi là Nam Thiên Sư Đạo. Đến đời Tùy, Nam và Bắc Thiên Sư Đạo hợp nhất làm một. Khoảng đời Đường sử sách không chép rõ diễn biến của Thiên Sư Đạo. Sau đời Đường, cháu của Trương Lăng tức là Trương Thịnh 張盛 (con thứ 4 của Trương Lỗ) tiếp tục truyền giáo tại Long Hổ Sơn ở Giang Tây. Núi này dần trở thành một trung tâm truyền bá Thiên Sư Đạo và giáo phái mang tên mới là Long Hổ Tông 龍虎宗 theo tên của nơi truyền đạo là Long Hổ Sơn, và giáo phái này bước qua một giai đoạn lịch sử mới.

Tro Lai