CƠ ĐỘNG TỊNH, TIẾN THỐI VÀ GIAO HIỆP CỦA ÂM DƯƠNG Tý thời, đêm 15 tháng 7 năm Quý Sửu - Đại Đạo 47 (13.8.1973) THI
THÀNH tâm ứng hiệp Đạo vô vi, HOÀNG thiện chân cơ báo lịnh kỳ. BỔN thể như như vô thiện ác, CẢNH đồng nội ngoại khứ lai quy.
Tôn Thần chào mừng Chư Thiên Chức đàn tiền. Tôn Thần báo cơ có Lão Tổ lâm đàn dạy Đạo.
Tôn Thần xin chào...
THI ĐÔNG đảo lại qua đủ lớp người, PHƯƠNG hành bận rộn khắp nơi nơi. LÃO, sanh, bệnh, tử màn nhân thế, TỔ trái tôn thừa chủng nghiệp rơi. HỰU
Rơi rơi chủng tử nghiệp tham sân,
Biết thuở nào xong cái nghiệp trần?
Bể khổ nhấp nhô vùi khách tục,
Nguồn Thiên phẳng lặng đợi truyền nhân.
Đem thân phối chiếu dòng thanh thủy,
Đạt lý thành toàn đức nghĩa nhân.
Khuyên nhủ trường tu mau định giới,
Cho phần Chơn Mạng hiệp Chơn Thần.
Tôn Sư chào mừng Chư Ân Thiên đàn tiền.
Giờ nay Tôn Sư giải đề tài: "Cơ động tịnh, tiến thối và giao hiệp của âm dương".
Miễn lễ đàn tiền tịnh tâm, an tọa.
Cơ động tịnh, tiến thối và giao hiệp của âm dương có hai quy luật: Quy luật của Hậu Thiên và quy luật của Trung Thiên Đạo tức cơ Thiền Định. + Quy luật của Hậu Thiên về cơ động tịnh lại cũng có hai quy luật: Động tịnh theo cơ biến hóa âm dương ở bên trong con người; Cơ biến hóa âm dương động tịnh của thế giới bên ngoài do quy luật tự nhiên mà có.
- Đặc tính động tịnh của Hậu Thiên trái ngược với đặc tính của Trung Thiên Thiền Định.
- Hậu Thiên động thì sống, tịnh thì chết.
- Thiền Định động là chết, tịnh là sống.
Con người Hậu Thiên sống hoàn toàn lệ thuộc vào cơ động tịnh của Hậu Thiên.
- Hễ Trời đến thì sống động, con người cũng sống động.
- Hễ Đất đến thì chết tịnh, con người cũng lặng chết theo.
Con người Hậu Thiên còn có cái Tâm động tịnh. Tâm động do sự cảm xúc ngoài cảnh sắc, ngoại âm thanh, do thức thần tư lự điều khiển, không làm chủ được cơ tịnh. Cơ tịnh lại do thiên nhiên chi phối.
Sự sống động của con người hoàn toàn lệ thuộc, hoàn toàn giả tạm, không tự chủ được. Do đó mà cơ sanh tử của con người cũng tùy thuộc theo Thần âm dương điều phối.
- Cơ thiền định Trung Thiên Đạo là nghịch chuyển cơ biến hóa âm dương của Hậu Thiên để khử trược lưu thanh, để thuần dương hóa Tánh Mạng Hậu Thiên thành Chân Tánh Mạng Tiên Thiên, tức là hoàn toàn làm chủ cơ động tịnh của âm dương.
-Làm chủ về cơ động, tức biết tạo nên cơ Chân động.
-Làm chủ về cơ tịnh, tức biết tạo nên cơ Chân tịnh.
Cả hai cơ động tịnh hoàn toàn tự chủ, không bị lệ thuộc vào đâu cả. Như vậy là đã nắm lấy cơ diễn biến của âm dương động tịnh, tức là đã đoạt được quyền Tạo Hóa.
Chư môn sanh đã quyết tâm bước vào ngưỡng cửa Thượng Thừa cần phải suốt thông về cơ động tịnh của âm dương này.
+ Cơ tiến thối của âm dương: - Cơ diễn biến của âm dương Hậu Thiên còn có cơ tấn thối, tồn vong, dinh hư, tiêu trưởng. Cơ diễn biến này kể cả bên trong lẫn bên ngoài của con người và vũ trụ.
- Hễ một dương tiến là một âm thối.
- Hễ một âm tiến là một dương thối.
Quy luật tồn vong, dinh hư, tiêu trưởng cũng do tấn thối này mà có.
- Dương tượng cho hiền nhân quân tử, cho thiện từ, cho chánh lý, cho giác ngộ, cho trí tuệ, cho Tâm, cho Tánh, cho Thần, cho hồn, cho khỏe mạnh.
- Âm tượng cho sự nham hiểm, cho tiểu nhân, cho tà thuyết, cho si mê, cho vật chất, cho Thức thần, cho Thân, cho Mạng, cho Khí, cho phách, cho bệnh hoạn v...v...
Con người Hậu Thiên, Chơn Thần bị màn vô minh (dục vọng bản ngã) chi phối nên phần lương tri, lương năng giảm sút mà phần tư lự niệm tưởng tiến tới. Tinh thần ra ngoài hàng khách quan, còn vật chất tiến vào bên trong, hàng chủ yếu.
- Cơ Thiền Định thì ngược lại, không chú trọng, không thuận tùng theo cơ tiến thối, tồn vong của âm dương Hậu Thiên, mà chuyển phục về Tiên Thiên, tức là đưa tâm thần quy tàng yên tĩnh bên trong. Biết thời dương sanh mà tấn dương, biết thời âm sanh mà thối âm, cho âm dương quân bình để chỉnh định Càn Khôn, đoạt cơ Tạo Hóa mà tạo nên chủng tử Tiên Phật.
+ Cơ giao hiệp của âm dương:
Cơ giao hiệp của âm dương cũng có hai quy luật:
- Quy luật giao hiệp âm dương của Hậu Thiên có hai trạng thái: trạng thái của thiên nhiên và trạng thái của con người.
* Trạng thái giao hợp của thiên nhiên là thời Thái Cực.
- Trong một ngày đêm, giờ Tuất và giờ Hợi là hai giờ Thái Cực, hai thành phần âm dương của thế giới bên ngoài mới giao hiệp. Con người và vạn vật cũng đều như vậy. Nhờ có hai giờ âm dương giao hiệp này mà có cơ tiếp nối của sự sống còn.
- Trong một tháng có năm ngày Thái cực là những ngày từ 26 đến 30.
- Trong một năm có hai tháng Thái Cực là tháng Tuất và tháng Hợi.
- Trong một đại nguơn hội có hai hội Thái Cực là hội Tuất và hội Hợi.
Thời của Thái Cực là thời của âm dương giao hiệp.
* Còn về con người: Ngoài sự giả tá của cơ âm dương giao hiệp theo thiên nhiên, con người còn có cơ âm dương giao hợp, đa phần do dâm tâm dấy động rồi sanh ra con dâm, cháu dâm, thành một lớp người dâm, nên bị mắc tội Tổ Tông về Mạng căn.
- Còn quy luật giao hiệp âm dương của cơ Thiền Định Trung Thiên Đạo là căn bản của cơ tu luyện để phục nguyên.
Trong con người đã có đủ âm dương, tức có Tánh, Mạng, có Thần, Khí, có Tâm, Tức.
Tu luyện chủ đích là đem hai thành phần này hợp lại một nơi Tổ Khiếu, gọi là cơ âm dương giao hợp.
Thái Cực được xuất hiện từ đây, gọi là Cốc Thần bất tử.
Thái Cực hiện nơi Cốc Thần lâu ngày thì Xá Lợi kết.
Thiên Cơ là cơ dương động, là trạng thái vô cùng trọng đại trong cơ thể con người.
Chư môn sanh nếu không biết được Thiên Cơ này thì công phu tu luyện không thể tựu thành.
Tu luyện Thượng Thừa là công phu vô cùng trọng đại, có được thành công là nhờ ở bước đầu có sự học hỏi, suy nghiệm suốt thông yếu lý, mới vượt qua mọi trở ngại trong công việc công phu thường nhựt.
Trong sự học vấn Dịch lý, phần Tâm học là phương tiện tất yếu cho công phu tu luyện.
Giờ đây Tôn Sư lược qua một số điểm cần phải biết để chư môn sanh làm đề tài tham khảo.
Dịch lý Khai nguyên: Vô Cực nhi Thái Cực.
Thái Cực sanh Lưỡng Nghi, Tứ Tượng, Ngũ Hành, Bát Quái, 64 quẻ, tổng thể 384 hào.
Vô Cực còn gọi là tự nhiên vốn cao, vốn tột, trên tất cả, lớn hơn tất cả nên không thể dùng lời nói hay văn tự để diễn tả được. Chỉ có những bậc đã chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mới thông suốt được ngôi Vô Cực.
Thái Cực hiện nơi cung Vô Cực là Hoa Khai Kiến Phật.
Thái Cực có được hiện nơi cung Vô Cực, thì Vô Cực mới thành chí huyền chí diệu. Lão Tử đã nói: "huyền chi hựu huyền" là nói điểm này vậy.
Thái Cực có đặc tính là tịnh, nhưng đã cực tịnh thì có động sanh, là sanh khối Thái Dương.
Trong khối Thái Dương có ngôi Thiếu Âm.
Qua thời gian, ngôi Thiếu Âm trưởng vượng cực độ hóa thành ngôi Thái Âm. Trong Thái Âm lại có hàm tàng ngôi Thiếu Dương. Tức là Lưỡng Nghi, Tứ Tượng hiện đủ từ đây, đều do âm dương động tịnh biến hóa mà có.
Tiếp sanh Ngũ Hành và hiển bày Bát Quái, 64 quẻ, 384 hào, để diễn tả ba hiện tượng: Tiên Thiên, Hậu Thiên và Trung Thiên Thiền Định.
- Tiên Thiên là hiện tượng tịch tịnh như nhiên, bất sanh bất diệt.
- Hậu Thiên là hiện tượng luôn luôn biến dịch và có cơ biến hóa hai chiều: chiều sanh và chiều tử.
Đại diện hai hiện tượng này là quẻ "Hỏa Thủy vị tế", Thánh nhơn xếp vào quẻ 64, là quẻ cuối cùng của Hậu Thiên. Hỏa Thủy vị tế là hiện tượng của lớp người Hậu Thiên sanh tử, tử sanh.
Sở dĩ có hiện tượng sanh tử này là vì tâm Càn của con người Tiên Thiên bị động nên biến thành "Ly Âm Tâm Hỏa" Hậu Thiên. Thận Khôn cũng bị động nên biến thành "Khảm Dương Thận Thủy".
Lửa ở trên tâm, hằng thượng đằng, thượng lậu, hằng náo động Thiên cung, hằng tạo nên lửa sân hận, hằng đốt cháy Linh Đơn mà tạo ra cơ sanh tử.
Nước ở dưới thận, thường hạ thấm, hạ lậu, hạ sanh tạo nên bể khổ và đắm chìm biết bao
khách đa tình và tạo ra cơ lai lai, khứ khứ.
Trong 64 quẻ, chỉ có hai quẻ: Bát Thuần Càn và Bát Thuần Khôn là hoàn toàn thuần dương và thuần âm.
- Còn Trung Thiên Thiền Định có hóa mà không có biến, có sanh mà không có diệt. Chủ đích là thuần dương hóa tất cả để phục quy Thái Cực, phục quy Vô Cực. Như quẻ "Thủy Hỏa vị tế" chủ đích là giao hiệp âm dương, tạo cơ vô lậu. Bởi thế, dụng công thiền định phải biết cách lấy lửa đun cho nước bốc hơi, cho nước lửa đều vô lậu, tức vô sanh vô tử.
Đó là pháp môn "Thần ngự Khí".
Thăng...