ĐỨC PHẬT MẪU

CỬU VỊ NỮ PHẬT

LỜI TỰA

     (Tăng Bổ Lần Thứ Ba)

Tín ngưỡng Việt Nam phản ánh đậm nét nguyên lý âm dương, từ Trời Đất, Tiên Rồng cho đến Cha Mẹ. "Đạo thờ Cha mẹ tâm linh dân tộc cần được giữ gìn và phát huy. Bởi đó chính là tinh thần văn hoá, là kinh nghiệm lịch sữ, là sự độc đáo của Việt Nam không thể xoá bỏ được" (Tạp chí Văn hoá nghệ thuật số 8/1996).
Song hành với nguyên lý âm dương là khuynh hướng đề cao nữ tính như Phật Mẫu, Thánh Mẫu, Mẹ sanh, Mẹ độ…nhất là việc tôn thờ Mẫu Liễu (Ngũ Nương DTC) ở các tỉnh phía Bắc và việc thờ Đức Phật Mẫu ở các tỉnh phía Nam trở thành Đạo Mẫu (Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu ở Việt Nam, Hà Nội 1996). Đạo Cao Đài đề cao Tam giáo, thờ Phật Mẫu đã bắt nguồn từ truyền thống văn hoá nông nghiệp của đất nước ta.
Không phải ngẫu nhiên mà Đức Hộ Pháp chọn tranh Hán Võ Đế (140-78) rước Đức Phật Mẫu đắp vẽ làm biểu tượng tôn vinh trong ngôi đền thờ Phật Mẫu, mà bắt nguồn từ sự quy nguyên Tam Giáo. Trong bức tranh có đủ Tam Giáo : Phật Mẫu (Phật giáo), Đông Phương Sóc (Tiên giáo), Hán Võ Đế (Nho giáo). "Ông (Hán Võ Đế) đã theo lời dạy khuyên của Đổng Trọng Thư ra lệnh bãi bỏ các học thuyết khác, lần đầu tiên đưa Nho giáo lên địa vị Quốc giáo" . (Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, trang 512).
Đạo Cao Đài không những thờ Đức Phật Mẫu trong một đền riêng mà bên cạnh đó còn " 13 mụ bà" gồm Cửu vị Nữ Phật và bốn vị : Quảng Sanh Phật, Dưỡng Dục Phật, Chưởng Hậu Phật, Thủ Luân Phật. Đó là hội các bà mẹ bảo trợ con người, nhằm độ người từ lúc hoài thai, lớn lên, chết, rồi chuyển kiếp…
Mời đọc giả đọc dần các trang trong sách này sẽ tìm thấy được những điều đó.
Soạn giả Cẩn Chí
Trần Văn Rạng


 

LỜI DẪN
* * * * *

Vào cuối tháng 11 năm 1970, sau khi gởi tặng Đức Cao Thượng Sanh quyển Đại Đạo Sử Cương, tôi có đến yết kiến Ngài để xin lời chỉ giáo.
Ngài cho biết sách viết được những nét cơ bản của nền Đạo, tuy nhiên cần phải biên chép sâu sắc hơn. Nhân tiện, Ngài nói: Từ lâu Ngài hoài vọng viết một quyển sách cho phái nữ. Khi Đức Lý Giáo Tông, theo sắc lệnh của Đức Chí Tôn, ban phẩm hàm cho phái nữ ngang hàng cùng phái nam, thì Hội Thánh chưa soạn một quyển sách chuyên biệt nào để nâng cao trí thức và bồi bổ con đường tu của phái nữ. Ngài định soạn thảo "Công đức Đức Phật Mẫu và Cửu Vị Tiên Nương", tuy tài liệu cầu cơ học hỏi buổi đầu đã có ghi chép, nhưng chưa hệ thống hoá được. Ngài hỏi tôi đảm nhận việc đó được chăng? Tôi hứa cố gắng làm bổn phận nếu được giao tài liệu và chỉ giáo cặn kẽ hơn.
Ngài hẹn 3 hôm tôi đến Ngài giao tài liệu, đồng thời Ngài căn dặn phải kê cứu thêm Thánh ngôn, sách sử bên ngoài.
Dưới đây là trang đầu của tài liệu :
- Nhứt Nương tên Hoàng Thiều Hoa, người Bắc phần VN.
- Nhị Nương tên Cẩm Tú, bà Chúa Chân Lạp.
-Tam Nương tên Kim Tuyến, ở cung Diêu Trì (Thiên Mụ).
- Tứ Nương tên Lê Ngọc Gấm, ở Nghệ An (Trung phần), hậu thân là Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.
- Ngũ Nương tên Liễu Hạnh, ở Nam Định (Bắc phần) : Mẫu Liễu.
- Lục Nương tên Jeanne d'Arc, ở Pháp, hậu kiếp tên Hồ Thị Huệ, người Biên Hoà (Nam phần).
- Thất Nương tên Vương Thị Lễ, người Chợ Lớn.
- Bát Nương tên Hớn Liên Bạch, ở đời Hán bên Tàu, hậu kiếp tên Hồ Đề ở Bắc phần.
- Cửu Nương là công chúa Ngọc Vạn (con Chúa Nguyễn), hậu kiếp là Cao Thoại Khiết ở Bạc Liêu.
Thú thật, khi đọc qua căn cơ của cửu vị Tiên Nương, tôi lấy làm lo không biết mình có làm tròn trách nhiệm không ?
Ngài lại tiếp lời ;"Khi Qua ở Sài Gòn, Qua nghe khách bàng quan trích điểm về Giáo Lý Đạo Cao Đài nhiều lắm, bởi lẽ người trong Đạo chưa viết được một quyển sách đúng với Giáo lý chơn truyền; hầu hết các sách viết trước, do hạn chế về lý luận và nguồn gốc Đạo mà họ theo trước khi gặp Đạo Tam Kỳ, nên họ chỉ viết cái mà họ biết được.
Người gốc theo Đạo Phật thì cho Đạo Cao Đài là "Phật giáo Chấn hưng"; người gốc theo Đạo Lão thì cho là "Thiên Khai Huỳnh Lão".
Thật ra, Đạo Cao Đài, muốn hiểu được bổn nguyên tư tưởng phải lấy Thánh Ngôn, kinh sách trong Kỳ Ba Phổ độ nầy mà giải thích.
Đạo Cao Đài như một bức khảm xà cừ : nhìn thẳng thấy màu trắng, nhìn nghiêng bên phải thấy màu xanh phơn phớt, nhìn nghiêng bên trái thấy màu đỏ tía và nhìn xuống phía dưới thấy màu vàng nhạt.
Các màu vàng (Phật), xanh (Lão), đỏ (Khổng) chỉ là những cách thể hiện các giai đoạn ban sơ của Đạo. Thật ra Đạo Cao Đài là màu trắng, phải hiểu Đạo Cao Đài với tinh hoa bổn nguyên triết lý của chính nền Đạo mới nầy.
Em nghĩ ngày nào đóù, em triển khai được ý Qua không ?"
Cho đến nay, tôi vẫn còn nghe văng vẳng lời Đức Ngài dạy, tâm tư thao thức mà vẫn chưa tìm ra câu giải đáp.
Xin các bậc cao minh thức giả nghĩ hộ !
Tôi cố gắng lắm mới viết được quyển sách nhỏ nầy để giữ lời hứa với Tôn sư.
Tam Tê Anh, Mùa Hội Yến,
Hiền Tài: TRẦN VĂN RẠNG

 

CHƯƠNG I

ĐỨC PHẬT MẪU

TIẾT

BÁO ÂN TỪ

Báo Ân Từ được xây dựng vào đầu năm 1932 với cột gỗ vách đất và mái ngói. Đến năm 1952, được xây dựng lại kiên cố với kết cấu bền vững bằng gạch đá và bê tông cốt sắt. Sau ba năm thi công, ngôi đền được khánh thành vào năm 1955.
Báo Ân Từ tức đền báo ơn tất cả danh nhân liệt sĩ, liệt thánh nên mới có phù điêu Nhị Thập Tứ Hiếu tạc quanh mặt tiền. Nhất là những chư chức sắc có công với nền Đạo Cao Đài đều được làm phép xác và thờ nơi đây.
Vì toàn Đạo vừa xây dựng xong Toà Thánh nên nguồn vật lực cạn kiệt, do đó Đức Phạm Hộ Pháp mới cho lệnh sửa Báo Ân Từ rộng lớn hơn để làm đền thờ Đức Phật Mẫu và Cửu Vị Nữ Phật. Bởi lẽ đó, Báo Ân Từ tạm gọi là Đền Thờ Phật Mẫu (xem Đền Thờ Phật Mẫu ở chương III).
Ngôi đền nằm trên đại lộ Phạm Hộ Pháp, quay mặt về hướng Đông, ngược hướng với Toà Thánh, hướng Đông thuộc cung chấn nơi vạn vật bắt đầu pháp sinh do Đức Mẹ hoá sanh.
Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung là ngày hội lớn kéo dài trong 3 ngày, không kể những ngày chưng hoa quả hiến Mẹ.
- Ngày 14-8 âm lịch : con cái của Mẹ từ khắp nơi về bông hình Tiên Phật và chưng quả phẩm.
- Ngày 15-8 : phần hội có dựng cộ Bông Đức Phật Mẫu và Cửu Vị Nữ Phật, có Long Mã, tứ linh phụ diễn, thật là huyên náo.
Phần lễ Hội Yến Diêu Trì Cung lúc 21 giờ trang nghiêm do chức sắc Hiệp Thiên Đài chủ lễ để nhớ ơn Đức Mẹ dìu dẫn vào đường đạo mới. Các con dâng mẹ linh hồn cả thể xác bằng tinh khí thần, bằng những cánh hoa cúc vàng Mẹ ban lại các con "những quả đào tiên" tượng trưng cho sự trường sinh bất tử.
- Ngày 16-8 : buổi sáng các con viếng thăm Mẹ sanh (đẻ) tặng quà và tặngbông cúc trắngbiểu tượng lòng hiếu thảo của các con, buổi chiều, tại Trai Đường phát quà bánh đã cúng Đức Mẹ cho các em trẻ vì trong Đạo coi ngày 16-8 âm lịch trăng tròn là ngày Tết Nhi đồng. Những năm đầu khai Đạo, các học sinh, nhi đồng dâng cộ đèn, lồng đèn có giải thưởng giá trị, trao giải thưởng công trình chưng bông trái theo hình thú của các nghệ nhân và thi trẻ em khoẻ đẹp của các bà mẹ trẻ. Ngày nay không còn thấy truyền thống đẹp đẽ đó nữa.
Báo Ân Từ trong ngày lễ cũng như ngày thường là ngôi đền kiến trúc đẹp đẽ, chỉ đứng sau Toà Thánh. Báo Ân Từ có vẻ đẹp nhẹ nhàng giản dị mà thanh thoát tạo nên bởi sự phối hợp các khối hình của tường bao, cột chạm và mái nhà cong, khiến cho khách thập phương có ấn tượng ấm áp gần gũi.
Toàn bộ ngôi đền cấu trúc giống như một ngôi nhà dài mà phần chính xây dựng theo kiểu nhà ba nhịp dài 36 mét, rộng 12 mét với 14 gian. Báo Ân Từ xây hành lang rộng 2 mét bao quanh. Gian đầu tiên phía trước, hành lang được nới rộng tới ba mét tạo thành tiền sảnh thoáng đạt, có bề ngang 19 mét.
Chiều dài ngôi Báo Ân Từ là 61 mét. Kế tiếp gian đầu là 9 gian nối theo là phần chánh điện đúng số 10 của Chư Phật. Nơi Trần Thiết thờ Đức Phật Mẫu và Cửu Vị Nữ Phật.
Bốn gian cuối dùng làm hậu điện có bàn thờ Tam Đa : Phước, Lộc, Thọ. Nơi đây để đãi tiệc trà sau lễ Phật Mẫu, lễ tang các chức sắc và lễ cưới của chư tín đồ. Mặt tiền của Báo Ân Từ chỉ là một nhà trệt, với hai mái bê tông giả ngói ống. Mỗi mái chia thành ba cấp. Gian đầu giáp tiền sảnh và một phần hành lang phía trước được xây một trệt, một lầu với hai lớp mái bê tông tạo dáng mái ngói ống. Ở gian giữa thuộc phần lầu còn có một tháp cao ba tầng, tiết diện tháp hình vuông, thu nhỏ dần về phía trên, mỗi tầng có một lớp mái giả ngói lợp quanh. Trên cao là bốn mái chụm lại đỡ một hoa sen. Môtip (?) bông sen được lặp lại trên nóc mái phía sau và trên lan can tầng lầu với những hình cách điệu rất sinh động.
Thêm vào những kiến thức chính, còn những "công xon" tạo phù điêu chim phụng, hay hình kỉ hà được vuốt cong ở các góc. Nhiều bức tranh trang trí trên những mảnh khung tường hành lang hay phía trước tiền sảnh mô tả các điển tích hiếu nghĩa của người xưa.
Bên trong Báo Ân Từ, trên nhịp giữa có trần hình vòm cong, các la phong dù, gắn kiếng sao trên nền mây trắng làm ta nhớ câu nói của Địch Nhơn Kiệt "Nơi mây trắng kia là nhà cha mẹ ta". Các mảnh trần khác trang trí bằng các hình đắp nổi hoa dây và tứ linh biểu tượng bốn đức tính của vạn vật.
Báo Ân Từ bên trong phân làm ba gian, gian giữa rộng hơn hai bên. Từ ngoài vào tới cung thờ có tất cả 8 lồng căn, gọi là Bát Cảnh Cung, trên hai hàng cột phân lòng căn có treo mặt hình nộm hình quả tim sơn vàng và cắm cờ vàng hàm ý nghĩa : "Phái vàng Mẹ lãnh dắt dìu trẻ thơ".
Báo Ân Từ có tháp chuông cao 18 mét, nên có thể đặt toàn thể mặt đứng công trình trong hình hộp vuông mỗi chiều 18 mét (một cộng tám là chín). Tháp chuông nơi Đền Thánh cao 36 mét (ba cộng sáu là chín). Trong Đạo Đức Kinh, Đức Lão Tử viết 81 chương (tám cộng một là chín), chín là số của Lạc Thư; chín là số cửu thiên khai hoá; chín là số của Cửu Vị Nữ Phật, thể hiện một bí pháp huyền nhiệm .
Tóm lại Báo Ân Từ có lối kiến trúc hài hoà giản dị gần gũi dân gian. Đền có dáng nét truyền thống dân tộc. Tất cả các mái đều được cong nhẹ và duyên dáng khác nào các mái chùa cổ kín. Thêm vào đó, các hàng cột giữa đền tiết diện tròn có rãnh lõm đầu cột trang trí hình hoa lá. Các cột vuông khác đều được vuốt cong ở góc tạo thành những nét mềm mại uyển chuyển gợi lên những nỗi niềm nhẹ nhàng thanh thoát ngày về với Mẹ hiền.


TIẾT 2

TƯỜNG THUẬT
ÐẠI LỄ HỘI YẾN DIÊU TRÌ CUNG

Trong hai tuần lễ trước ngày Đại lễ, hàng trăm nhân viên công quả thuộc Công viện Hành chánh Phước Thiện đã chung lo dựng hai dãy nhà rạp và lễ đài nơi sân lễ Báo Ân Từ.
Rạp lễ năm nay cũng được trang trí vô cùng công phu và tuyệt mỹ như những năm về trước, với đủ màu sắc thanh lịch, dịu mắt, với đạo kỳ phất phới, với tranh cảnh nổi, với các bức rèm ni-lon tam thanh, nhiều đèn màu, nhiều lồng đèn nhiều góc toả ánh thanh, xích và huỳnh quang. Hằng mấy trăm bàn tay tuyệt xảo đã tạo nên cảnh trí huy hoàng của rạp lễ. Các dãy cột chánh thuộc mặt tiền được bông làm các chim phụng hoàng chầu lễ.
Theo chương trình lễ, năm nay, có cộ hoa bông hình Đức Phật Mẫu kỵ thanh loan do Công viện Phước Thiện đảm trách. Ban nhà thuyền ngày đêm lo làm tứ linh (Long, Lân, Qui, Phụng), Ban Tổng Trạo lo dợt lại Ngọc Kỳ Lân, học sinh Đạo Đức Học Đường chuẩn bị các loại đèn giấy để diễn hành vào đêm trung thu Hội Yến Diêu Trì Cung v.v…
Ngày rằm tháng 8 Tân Hợi (dl, 03.10.1971)
Trong suốt ngày này, các cơ quan Đạo và 19 phận Đạo thuộc Châu Thành Thánh Địa cùng các Châu, Tộc Đạo lo chưng bày các mâm quả phẩm gồm đủ loại bánh mứt hoa quả hương đăng, trên các dãy bàn nơi hai nhà rạp lễ và bên trong cũng như nơi Hậu điện Báo Ân Từ.
Nơi Chánh điện, bàn ghế, bình hoa quả phẩm cùng các nghi thức đặc biệt dành cho Đại hội Bàn đào cũng đã được chuẩn bị châu tất với nhiều màu tuyệt mỹ toả ánh ngọc quang lấp lánh.
Nơi Đền Thánh và Báo Ân Từ không dứt lớp sóng người vào lễ bái. Tất cả mọi người đều thành kính và lộ vẻ hân hoan tiềm ẩn một sức sống Đạo cao thâm khó diễn nên lời….
Vào Ngọ thời, Hội Thánh cử hành lễ cúng tiểu đàn tại Đền Thánh với sự dự lễ cúng đông đảo của chư Chức sắc, Chức việc cùng chư tín hữu.
Ngài Hiến pháp Quyền Chưởng quản Hiệp Thiên Đài dâng Sớ cầu nguyện.
Lễ cúng kết thúc vào lúc 13 giờ 40' cùng ngày.
Cũng trong Ngọ thời nầy, Hội Thánh cử hành lễ cúng Đại đàn tại Điện thờ Đức Phật Mẫu với sự dự cúng đông đảo của chư nam nữ đồng đạo.
Ngài Thời Quân Hiến Đạo H.T.Đ dâng Sớ cầu nguyện.
Lễ cúng Đại đàn kết thúc vào lúc 13 giờ 50' cùng ngày.
17 giờ Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện đến sân lễ Báo Ân Từ, đi xem qua các quả phẩm hiến lễ lên Đức Mẹ đã chưng bày tuyệt xảo và tràn đầy trên khoảng 50 dãy bàn, mỗi dãy dài 3 thước, rộng 1 mét 2.
Sau 15 phút xem sơ qua các quả phẩm, Ngài Thời Quân Bảo Đạo H.T.Đ được Ban Tổ Chức cung thỉnh lên giảng dài gần dưới chân cột phướn đối diện trước Báo Ân Từ để thuyết đạo. Ngài đã thuyết về ý nghĩa và Bí pháp Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung (xin xem nguyên văn trong Thông tin số 38…)
17 giờ 30' Bà Đạo Nhơn Tạ Thị Thế, quyền Thượng Thống Lại Viện Phước Thiện thay mặt Bà Chơn Nhơn Phó Chưởng Quản Phước Thiện Nữ phái được Ban Tổ chức cung thỉnh thuyết Đạo (thông tin số 38…)
Buổi thuyết Đạo kết thúc vào lúc 17 giờ 40'
Số tín hữu dự nghe buổi thuyết Đạo kể trên đến hàng vạn người….
Bấy giờ (sau khi thuyết đạo) trời đổ một cơn mưa nặng hạt, kéo dài khoảng 15 phút. Nước đọng trên góc đường về mặt phía Đông Bắc Báo Ân Từ và dọc hai bên vệ đường Phạm Hộ Pháp đã được hàng mấy trăm ngàn gót chân chư đồng đạo dự lễ dẫm qua dẫm lại, thành bùn nhão….Hàng trăm ngàn tà áo trắng tinh đã phải kêu khổ vì dính phải những vết bùn đỏ lỗ chổ, khó coi và vô cùng khó tẩy sạch nầy !
19 giờ trên Đại lộ Phạm Hộ Pháp dài khoảng 1.000 mét, rộng hơn 20 mét, từ trước cửa Đền Thánh đến trước sân lễ Báo Ân Từ, một biển người dày đặc lớp sóng người mỗi lúc một kéo về tập nập hơn, dày đặc hơn, để rồi sau cùng chen chân không lọt !
Nơi góc đường phía Tây Báo Ân Từ, tức là nơi hông phía bắc rạp lễ số chư Đồng đạo chen chân nhau như nêm, đến đổi, ai có việc cần kíp, nếu phải đi xuyên qua ngã nầy, có lẽ phải mất khoảng 10 phút mới đi được một thước tây….
Có thể nói, năm nay số chư đồng đạo đổ về dự lễ Hội Yến Diêu Trì Cung, đông đảo gấp 10 lần năm vừa qua.
Một điễm khác cũng nên ghi thêm, một số đông đảo các cô các bà đã suốt ngày lẫn đêm đến cầu nguyện xin Phật Mẫu ban cho quẻ xăm. Hằng ngàn du khách từ bốn phương cũng đã đến bái lễ và xin Phật Mẫu ban cho các quẻ xăm…..
19 giờ 35' Ban Trật Tự và hàng trăm nhân viên Cơ Thánh vệ đã vô cùng vất vả để giữ gìn trật tự cho một khoảng sân lễ nơi Báo Ân Từ được trống để cho Long Mã có chỗ lượn bay theo nhịp trống. Lớp sóng người vào lúc bấy giờ như nước vỡ bờ tràn đến sân lễ Báo Ân Từ, khiến cho Ban Trật Tự và nhơn viên Thánh vệ phải vô cùng vất vả.
Người ta thừa biết rằng, thuở Đức Hộ Pháp còn tại Toà Thánh, Đức Ngài đã cho tổ chức đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung vô cùng trọng thể, với nhiều cộ hoa do các Phận, các cơ quan Đạo thực hiện. Nhưng từ khi Đức Ngài phải tự lưu đày nơi Vương quốc Cam Bốt vì thời thế…và đã phải gởi mảnh Thánh hài nơi tha bang cho đến khi nào quê mẹ Việt Nam được thật sự hoà bình thì toàn Đạo mới được cung nghinh Liên đài Đức Ngài về Toà Thánh ….
Tấm lòng khao khát và hoài vọng của nhơn sanh suốt 15 năm dài đăng đẳng, khao khát và hoài mong sức sống cao độ Thánh khiết, đại trí dũng của đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung được phục hồi như những năm Tôn sư Hộ Pháp còn ở tại Toà Thánh đã thể hiện trước mắt nhơn sanh….
Cho nên năm nay dù thời cuộc sôi sục bất ổn….nhưng nhơn sanh nghe nói chương trình đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung được Ngài Hiến Pháp quyền Chưởng Quản H.T.Đ cho cử hành khá long trọng, có cộ Tiên, có tứ linh…..Nhơn sanh đổ về dự lễ đông đảo gấp 10 lần hơn năm vừa qua…
Đoàn Long Mã, cộ hoa, lồng đèn đuốc lửa do khoảng bốn ngàn học sinh Đạo Đức Học Đường, Trung học Lê Văn Trung, Đại Đạo Thanh Niên Hội và Hướng Đạo đoàn Đại Đạo cầm tay đã được sắp hàng dài hàng cây số, từ ngã tư đại lộ Phạm Hộ Pháp và Oai Linh Tiên đến cửa trường Đạo Đức Học Đường…
19 giờ 45' Đoàn diễn hành bắt đầu chuyển mình dưới những hạt mưa lấm tấm như sao trời rải nhẹ xuống trần ai.
Năm phút sau đó, cờ Đạo, bảng Đạo và Long Mã đến sân lễ Báo Ân Từ. Long Mã uy nghi lượn múa và bái lễ trước đền thờ Đức Phật Mẫu, vũ lộng những đường múa thật cao, thật đẹp nhưng nhẹ nhàng bay theo nhịp trống Long Mã giục thúc, nhịp trống Tần nhơn dòn dã ….
Giữa lúc nầy, hàng vạn ánh đuốc của đồng bào sơn cước mặt rằn ri, vền vện quấn khố, ở trần, lưng giắt đầy lá rừng từ phía sau Hậu điện chạy cặp theo hông phía Bắc Báo Ân Từ ra đại lộ Phạm Hộ Pháp để tháp tùng theo đoàn người diễn hành. Đoàn người sơn cước này do Hướng Đạo đoàn và Đại Đạo Thanh Niên Hội cải trang thành, họ vừa chạy, vừa reo hò những âm thanh miền sơn cước. Trông đến đoàn người ai cũng tức cười và cảm thấy một nguồn vui mới mẽ khác thường dâng dậy ngập cả tâm hồn…
Đồng thời trong khoảng thời gian nầy, Vân xa (cộ hoa) Đức Phật Mẫu kỵ Thanh loan có chín vị Nữ Phật phò tá cùng bốn vị Tiên nương hầu cận đã đến trước sân lễ và dừng lại. Aùnh hào quang phía sau đầu Đức Phật Mẫu quay tít và phát ra muôn ngàn ánh điện chớp nhoáng giữa hư không.
Ai nhìn thấy ánh hào quang nầy cũng sững sờ. Có lẽ, mọi người đều chung một cảm nghĩ bửu tượng Đức Phật Mẹ linh động, thiêng liêng….
Chín vị Nữ Phật, mỗi vị cầm một bửu pháp và tọa vị theo thứ tự. Ngoài ra, bốn vị Tiên nữ hầu cận Đức Phật Mẹ cũng hầu quạt y như các hình ảnh mà chúng ta thờ tại Điện thờ Đức Phật Mẫu. Quanh trên cộ hoa nầy nhiều tràng pháo bông đã được đốt cháy, muôn ngàn giọt lửa sáng rực rơi rơi liên tục xuống mặt đất…
Bấy giờ rồng nhang dài 36 thước, đường kính khoảng 1 thước 2, vảy vàng hực, từ ngoài đại lộ Phạm Hộ Pháp cuộn mình rồi bay là đà vào sân Báo Ân Từ, uốn khúc, vẫy đuôi, trườn mình, đầu ngất cao, há miệng phun lửa lên cao ngất trời, muôn ngàn ánh sáng trên khắp thân mình rồng vàng nhấp nhoáng, lập loè…..Hai phút sau, một con Ngọc Kỳ Lân cũng bay đến phun lửa đỏ trời. Bên dưới linh vật là hàng trăm anh em nhơn viên nhà thuyền và Ban Tổng Trạo vừa lượn múa theo rồng và Ngọc Kỳ Lân, vừa hô vang những âm thanh đặc biệt dành cho việc múa rồng….Nhịp trống vang rền, bước chân rầm rập đã làm cho biển người đứng xung quanh say mê theo dõi và hoan hô vang dậy…


TIẾT 3

ĐỨC PHẬT MẪU

Cửu kiếp Hiên Viên thọ sắc Thiên
Thiên thiên cửu phẩm đắc cao huyền
Huyền hư tác thế Thần Tiên Nữ
Nữ hảo thiện căn đoạt Cửu Thiên.

THÍCH NGHĨA :
Quán thủ từ trên xuống : Cửu Thiên Huyền Nữ.
Từ đời vua Hiên Viên đến nay, chín lần thọ sắc Trời phổ độ chúng sanh.
Trên cõi trời, Bà trên Cửu phẩm Thần Tiên và được nắm mầu nhiệm sâu kín.
Huyền Nữ nơi Hư Linh dùng quyền thể cai quản từ Thần Nữ đến Tiên Nữ.
Người phái Nữ nào tốt phước có thiện căn cũng lên ngôi Cửu Trùng Thiên khi qui liễu.
GIẢI NGHĨA :
Hiên Viên tức vua Hoàng đế nước Trung Hoa thời thái cổ, họ Công tôn, sanh ở Gò Hiên Viên, dựng nước Hữu Hùng. Nhờ diệt được Xi Vưu, chư hầu mới tôn Hiên Viên làm vua thế cho họ Thần Nông.
Ý nói, từ thời có loài người xuất hiện ở thế gian thì Đức Phật Mẫu đắc lịnh Đức Chí Tôn xuống trần dạy Đạo cho chúng sanh. Trong Kỳ ba Tam chuyển nầy, Cung Tạo Hoá Thiên cũng được Đức Chí Tôn phái Cửu Vị Tiên Nương giáng trần khai Đạo Cao Đài.
Trên cõi Thượng giới, Đức Phật Mẫu nắm Bí pháp âm quang cai quản các Thần Tiên Nữ, phổ độ dìu dắt phái Nữ theo đường đạo đức để đạt được ngôi vị Cửu phẩm Thần Tiên (tức các Chức sắc Cửu Trùng Đài) ngang hàng như phái Nam. Đây là đặc điểm của nền Tân tôn giáo.

SỰ TÍCH LỄ HỘI YẾN :
Công đức của Đức Phật Mẫu và Cửu Vị Tiên Nương thật vô cùng to lớn. Nếu không có sự phổ độ của Diêu Trì Cung thì cũng không có Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Thất Nương đã dẫn dắt ba vị Thiên sứ từ ngâm thơ vịnh phú đến với Đấng A Ă Â (tức Đức Cao Đài) chỉ vẽ Hội Yến Diêu Trì Cung. Từ ngày lễ đầu tiên 15-8 năm Aát Sửu tại nhà Đức Cao Thượng Phẩm, nay ngày lễ ấy thành truyền thống, ngày Hội lớn vui vẻ của toàn Đạo.
Trước Đền thờ Phật Mẫu được che rạp thêm, chỗ Bá Huê Viên xây đài Cửu Long rất thẩm mỹ. Rạp trước Đêàn là nơi triển lãm trưng bày các mỹ phẩm, thành tích một năm lao động cần cù của phái Nữ. Từ Long, Lân, Qui, Phụng, quả bánh với nhiều màu sắc, hoa quả với nhiều chất lượng cao như hoa lớn, trái to….Các bức thêu, bức khảm lấp lánh với muôn màu kim tuyến.
Ngoài ra còn thi trẻ em đẹp, thi gia đình đông con, nuôi và dạy con ngoan. Tất cả đều được giải thưởng và được cấp bằng khen của Hội Thánh.
Tối đến, dâng cộ bông của 18 phận Đạo. Dẫn đầu là cộ bông của Hội Thánh Phước Thiện bông hình Phật Mẫu, còn Cửu vị Tiên Nương thì do đồng nhi hoá trang mặc áo màu xanh da trời, cô nào cô nấy sặc sỡ như Tiên nữ giáng trần. Kế đến, cộ đèn của học sinh các trường trong Đạo, đủ loại màu sắc : từ mặt trăng, ngọc thố, long lân, đèn sao…..mỗi đèn mỗi vẽ riêng vì do chính học sinh làm hoặc do cha mẹ khéo tay làm giúp. Các cộ bông và lồng đèn đều có giải thưởng riêng.
Nơi Đại Đồng Xã, không lập Văn Minh Điện ra thai đố như ngày Lễ Vía Đức Chí Tôn mà thay bằng lửa trại của thanh niên Bá nghệ đoàn, có nhiều tiết mục vui nhộn.
Ngày 15-8 Lễ Đức Mẹ, khắp miền Trung, miền Nam, bạn đạo nô nức hướng về Toà Thánh, di chuyển bằng đủ mọi phương tiện : thuyền, ghe, xe gắn máy, xe du lịch, thông dụng nhất là xe đò. Đa số đều tá túc nơi các nhà thân nhân, một số muốn xem cho đầy đủ lễ, họ neo xe ở rừng Thiên Nhiên, đợi lễ nửa đêm, tức Lễ Hội Yến.
Mới 20 giờ, mọi nẻo đường dẫn tới Đền thờ Phật Mẫu chật ních cả rừng người. Người người về với Mẹ đều mặc áo quần trắng, không mang phẩm phục. Đây là ngày Hội lớn của Đại gia đình Đạo : Anh lớn, em nhỏ, chị cả, em hiền. Nét mặt mọi người đều lộ vẻ hân hoan chào hỏi nhau về tiểu gia đình, về công ăn việc làm trong năm.
Đúng 21 giờ, trước Bửu Điện, lễ Hội Yến bắt đầu.
Đức Hộ Pháp giải thích (15-8-Kỷ Sửu) như sau :
"Buổi ban sơ, Đấng A Ă Â ra lịnh biểu làm một cái tiệc. Ngài dạy sắp đặt cái tiệc ấy để đãi Mười Đấng vô hình : Đức Phật Mẫu và Cửu Vị Tiên Nương. Phần hữu hình có 3 người : Thượng Sanh, Thượng Phẩm và Hộ Pháp. Bà Nữ Chánh Phối Sư Hương Hiếu vâng lệnh tạo thành một tiệc : trên bàn thờ Phật Mẫu, ở dưới sắp 9 cái ghế như có người ngồi. Chén, đũa, muỗng, dĩa, bất kỳ cái gì cũng giống như hữu hình vậy, duy có 3 người xác thịt là Thượng Sanh, Thượng Phẩm và Hộ Pháp".
" Cổ pháp định cho các chơn hồn về nơi Diêu Trì Cung hưởng được Hội Yến Bàn Đào,tức nhiên là hưởng Hội Yến Diêu Trì Cung, ăn được quả đào Tiên, uống được Tiên tửu, mới nhập vô cảnh thiêng liêng hằng sống". Lễ này đặc biệt chỉ có tại Toà Thánh do H.T.Đ tổ chức.
Như vậy, Hội Yến Diêu Trì là ngày Hội lớn để con cái của Đức Chí Tôn về báo hiếu với Đức Mẹ về công sanh thành dưỡng dục và phổ độ vào đường Đạo. Thứ đến, Hội Yến Diêu Trì Cung tức Hội Yến Bàn Đào tại thế, ai dự hưởng được món ăn hoa quả như ăn được quả đào Tiên mà trường sanh bất tử, sau khi thoát tục mới về cõi Thiêng liêng hằng sống dược.

SỰ TÍCH ĐỨC PHẬT MẪU :
Đức Phật Mẫu còn gọi là Cửu Thiên Huyền Nữ, Thiên Hậu, Tây Vương Mẫu theo thần thoại Trung Hoa, Thiên Mẫu, Cửu Trùng Thánh Mẫu hay Mẹ Sanh theo tín ngưỡng dân gian. Nay Đạo Cao Đài gọi là Đức Diêu Trì Phật Mẫu hay Kim Mẫu (gọi tắt của chữ Kim Bàn Phật Mẫu).
Như thế, chỉ có từ ngữ Đức Mẹ mà vừa là Thánh, là Tiên, là Phật.
Quyền lực của Đức Phật Mẫu rất to lớn, Đức Phạm Hộ Pháp đã thuyết đạo trên Cửu Long Đài 16 giờ ngày 15-8-Đinh Hợi (1947) có câu : " Bần Đạo tưởng cả thảy toàn đạo nên biết quyền hành ấy, Bần Đạo giải nghĩa bài kinh Đức Phật Mẫu mà ta thường đọc hằng ngày đó…( xem trang 145).
"Phật Mẫu là chủ Âm quang, Chí Tôn là chủ Dương quang, Âm Dương tương hiệp, Đạo Cao Đài nương theo năng lực của hai khối Âm Dương đó mà phát triển".
Như thế, quyền lực của Đức Phật Mẫu đồng đẳng với Đức Chí Tôn. Đó là quan điểm mới mẽ của nền Tân tôn giáo. Còn theo Kinh Phật Mẫu là Mẹ sanh của toàn cả nhơn loại, chưởng quản Cung Tạo Hoá, Ngài sanh ra con, rồi Ngài dẫn dắt về cõi Thiêng liêng hằng sống. Trên cõi hư linh, Phật Mẫu là Đức Mẹ tinh thần của cả Thần Thánh Tiên Phật.
Nơi Đức Phật Mẫu ngự là Cung Tạo Hoá Thiên Diêu Trì Cung, Tây Hoa Cung ( Hoàng Xuân Hãn, Bích Câu Kỳ Ngộ, Đại Học Huế 1964) hay ở Côn Lôn ( Hoàng Trọng Miên, VN văn học toàn thư, Quốc hoa 1959) và theo Văn chầu chỉ Thiên Hậu có nhiều cung, lắm Điện, ở mỗi nơi Người mặc một sắc áo riêng ( Nguyễn Đăng Thục, Tín ngưỡng dân gian, Sàigon 1964).
Đức Phật mẫu cho Nhị Nương coi vườn Đào, " Cứ ba nghìn năm trái chín một lần, ăn vào thì được trường sinh bất tử, thường dùng để bày tiệc đãi các vị Thần Tiên" ( Hoàng Trọng Miên, VN văn học toàn thư, Quốc hoa 1959)
Tóm lại, theo Kinh Phật Mẫu và theo tín ngưỡng dân gian. Đức Phật Mẫu là biểu tượng cao cả phổ quát (trong ý niệm vừa là Mẹ, là Thánh, là Tiên, là Phật) của nguồn sống (Vườn Đào), sức cần lao ( giữ Vườn Ngạn Uyển) và nguồn vui ( đãi yến, sum họp gia đình). Còn việc thay cung đổi cáo (?) là do vận hành theo thời gian, do thời tiết, do trình độ tiến hoá của con người nhằm để phổ độ đúng với câu : "Cửu kiếp Hiên Viên thọ sắc Thiên".
Từ vua Hiên Viên Hoàng Đế, Đức Phật Mẫu đã chín lần thay hình đổi dạng giáng trần để phổ độ con cái của Ngài.
Ta có thể kể như dưới đây :
1. Đời vua Hiên Viên Hoàng Đế giáng trần phổ độ con người Trung Hoa, truyền sách lục nhâm độn giáp.
2. Đức mẹ ISIS ở đền Memphis nước Ai Cập, tay cầm Thiên thơ hoá sanh vạn vật.
3. Thiên Hậu Héra (Junon) nghiêm trang ngự trên ngai rực rỡ bên phải Thiên Đế Jus để trị vì Thiên đình ở Hy Lạp.
4. Đức mẹ Lémêter ở Hy Lạp là Thánh Mẫu của vũ trụ.
5. Mayâ, Mẹ sanh của Thích Ca (Sakya-Mouni) tại kinh thành Ca Tỳ La Vệ được 7 ngày thì bà qui Tiên ( 536 trước T.L)
6. Đức Mẹ Devi Bhagava (hay Jagadambâ) ở Ân Độ, hiện thân của tình mẫu tử, chan chứa lòng từ bi bác ái, luôn luôn chăm sóc chúng sanh và vạn loại.
7. Thánh Mẫu Maria sanh Chúa Hài đồng ở hang BêLem thuộc xứ Jérusalem (Do Thái ).
8. Đức Phật Mẫu giáng hạ ban cho vua Hán Võ Đế quả Đào Tiên và độ vua tu hành ( Sự tích này được Đạo Cao Đài tạc tượng phụng thờ).
9. Kỳ Ba Phổ Độ này, Đức Phật Mẫu và Cửu Vị Tiên Nương giáng trần khai mở Đạo Cao Đài.
Khi tuần du trong Càn khôn Thế giới để thăm con cái, Đức Phật Mẫu ngự trên lưng chim thanh loan. Chim Loan là một loài linh điểu, khi nào thái bình thịnh trị mới xuất hiện.
Theo nhà điểu học Nhật Bản Hachisuka đã viết về hai thứ chim mà Trung Hoa và Nhật Bản gọi là Phượng và Loan như sau :
"Vì sự tương tự như nhau, người ta thường lầm hai thứ chim phượng loan". Thật sự, phượng là giống chim thanh cao, ưa thích âm nhạc, tượng trưng cho điềm lành, giống chim nầy chỉ xuất hiện để báo hiệu Thánh nhân ra đời, nên "phụng gáy Kỳ Sơn" thì Văn Vương xuất hiện. Loan cũng là giống chim ngũ sắc, cũng biểu tượng cho điềm lành, nhưng sắc xanh nhiều hơn, còn chim phụng cũng có lông ngũ sắc như sắc đỏ nhiều hơn. (Theo Đại Đạo Tầm Nguyên, TN 1970)
Tóm lại, sự hiện hữu Đức Phật Mẫu trong tâm linh nhơn loại như người mẹ hiền, nhân hậu, rộng lượng và đảm đang. Đức Mẹ là biểu tượng cho Nguồn sống (Vườn Đào là sự sống trường tồn), Cần lao ( săn sóc Vườn Đào, Vườn Ngạn Uyển, hoa héo sức khoẻ một người tiêu tan), và Nguồn vui ( ngày lễ Mẹ được đãi yến tiệc, được sum họp anh em).
Đạo Cao Đài phát sinh dựa trên hai nền tảng :
1. Khoa học tâm linh như Thần Linh học, Thông Thiên học, nhất là phong trào xây bàn (La table tournante) ở Châu Aâu vào đầu thế kỷ XX.
2. Xã hội tính Việt Nam chung đúc qua bốn ngàn năm văn hiến từ Hùng Vương đến Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn. Đó là văn hoá của Phật Khổng Lão, sau cùng là Thiên Chúa giáo (Nam phong thử nhựt biến nhơn phong).
Căn cứ vào đó, Đạo Cao Đài đã làm sáng ngôi Âm Phật Mẫu theo chiều hướng tập hợp và sáng tạo từ tín ngưỡng đại chúng; để cụ thể hoá được ý niệm Âm Dương tương hiệp hoá sanh vạn vật.
Vì Đạo Cao Đài là tôn giáo nhập thế nên tư tưởng triết lý Đạo phải chịu thử thách của cuộc đời. Nếu tư tưởng không dung hợp được cuộc sống thì tư tưởng ấy không có giá trị thực tiễn, không phải là tư tưởng nhập thế. Tuy vật chất không là thước đo được giá trị tư tưởng, nhưng nếu tư tưởng không dung hợp được cuộc sống thì đó chỉ là hư tưởng.

THI VĂN DẠY ÐẠO

1.Bà Thiên Hậu ( cho chung )
Trước có căn duyên ở Ngọc cung,
Cầu con nên phải đến phân cùng.
Thiên cơ mạc lộ chờ đôi lúc
Nương cậy về sau khỏi não nồng
(21-12-1925)

2.Bà Thiên Hậu (cho ông Cao Quỳnh Cư)
Hỏi số từ thân sẽ thế nào ?
Tám mươi gần mãn số Thiên Tào.
Cháu con sum hội yên thân Lão,
Sung túc dài dòng dõi họ Cao.
(22-12-1925)

3.Diêu Trì Nương Nương (cho ông Cao Hoài Sang)
Bước đời chìm nổi bấy nhiêu niên,
Tâm chí ghe phen dập lửa phiền.
Âm lạnh dốc tròn gương phấn đại,
Vui buồn chưa vẹn buổi hàn huyên.
Lòng trần nung nấu trăm mùi khổ,
Biển ái đầy vơi một chiếc thuyền.
Nín nẩm chờ ngày tiền quả sạch,
Trau dồi đạo hạnh hưởng ân thiên.
(03-07-1927)

4. Hỡi con
Vú Mẹ chưa lìa đám trẻ con,
Độ sanh chưa rõ phận vuông tròn.
Quyền cao Ngự mã là vinh bấy
Phận mỏng Hiệp Thiên biết giữ còn.
Lợt điểm Thánh tâm trần tục khảo
Vẻ tươi bợn thế nét đò đon.
Thà xưa ví bẳng nay gìn vậy,
Lòng mẹ ngại ngùng con hỡi con !
(12-2-1933)

5. Diêu trì Kim Mẫu
"Mẹ vui được thấy các con biết lo cho chúng sanh tức là lo cho mình vậy…..phải hiểu cho rõ, nếu chúng sanh chưa ai đắc đạo thì ta phải cầu nguyện cho người đắc đạo trước ta.
Nếu mình cứ mong cho cao phẩm giá, tức là trái với Thiên ý, mình phải hằng trau dồi tánh đức, lo chung cho thiên hạ ấy là phương pháp tu tắt đó…
Đạo chia ra 3 chi : Thế, Pháp, Đạo. Mình tu cho đúng theo luật, hành theo pháp thì chúng sanh nơi thế ca tụng công đức mình, ấy là mình đắc thế. Hễ đắc thế thì phải tầm pháp đặng (cứu chửa) dạy bảo theo pháp. Nếu mình hành pháp hiển linh, chúng sanh ứng mộ thì mình đắc pháp; nếu đắc pháp thì phải tầm đạo là vô vi….; nếu đắc đạo thì nhập cõi Niết Bàn.

Mẹ ban ơn các con Nam Nữ"
Thu cúc hứng sương khách nếm mùi,
Chín cô cùng mẹ đến chung vui.
Thương nhau tầm kiếm chừng nào gặp,
Công đức vẹn toàn sẽ hiệp ngôi.

(15-8-Nhâm Ngọ, 2-9-1942)
6. Dạy lập thảo đường
Thảo đường phước địa ngộ tùng hoa,
Lục ức dư niên vũ trụ hoà.
Cộng hưởng trần gian an lập nghiệp,
Thế đăng đồng đạo thịnh âu ca.(1)

(Khổ Hiền Trang, Kỷ Tỵ 1928)
(1) Có nơi viết là: Thế đăng Bồng Đảo thịnh âu ca.
7. Thơ Vịnh
Khảm thuỷ tinh trên Trời nhấp nhoá,
Tượng tầng Trời Tạo Hoá Cửu Thiên.
Tả hữu thờ các tiên hiền,
Xả thân vì đạo lưu truyền tuổi tên.
Bốn Ngọc Nữ sau hầu Đức Mẹ,
Cảnh tôn thờ rạng vẻ uy linh.
Dưới hình Thượng Phẩm cung nghinh,
Với Đông Phương Sóc, niềm tin Hớn đài.
Tiếp đào Tiên, đôi tay dâng thẳng,
Tích xưa còn ghi hẳn nơi đây.
Hớn Võ Đế trước thế nầy,
Thượng Phẩm nay thỉnh đủ đầy ân quang.

H.P
8. Hựu
Diêu Trì Kim Mẫu huệ an ban,
Hiện rõ nơi đây cõi Niết Bàn.
Cửu Vị điều hành cơ tiến hoá,
Bát hồn nhuần đượm phước sanh quang.
Lọc lừa Thánh chất, Tam Kỳ đó,
Đưa rước Tiên căn, Bát Nhã thoàn.
Cửu nhị nguyên nhân còn tại thế,
Mừng thay Đức Mẹ ngự trần gian.

H.P

9. Độ ai ?
"Thiếp vì cảm tình xưa mà phải chính mình đến cùng Cửu Nương giúp cho hiểu mọi điều.
Diêu Trì Cung đã thượng sớ lên Chí Tôn, Bảo Đạo Chơn Quân kiện nơi Ngọc Hư Cung. Thiếp còn nhớ khi đến dìu dắt chư đạo hữu vào đường đạo, phải mở Đ.Đ.T.K.P.Đ thì thiếp đã nói vì tình riêng của mấy đấng Chơn quân đến lo cứu độ chớ không phận sự chi trong lúc nầy và cũng bởi lịnh Chí Tôn sai khiến, chắc rằng nếu không phải thiếp mở Đạo thì không phương hành đạo cho đặng.
Khi Thiếp mở Đạo thì độ ai ? Có phải là cả Chức sắc Hiệp Thiên Đài, các chơn quân thiệt tình của Thiếp là ai chăng ?"
Tái cầu.
"Cười …..ôi ! cũng bởi nơi Thiếp mà chư hiền hữu phải chịu hành hà phàm xác, khổ não muôn phần.
Chí Tôn có hứa khi ấy với Thiếp rằng : Thế nào cũng nâng đỡ chư hiền hữu mà chẳng cho ai ỷ lộng quyền mà lấn hiếp. Thiếp mới đến khai Đạo cho chúng sanh đặng phụ mẫu song toàn. Nào dè, vì lòng đại từ đại bi quá thương nhơn loại, đành để chư hiền hữu chịu hành hà đến đổi Thiếp đã dâng sớ cầu xin Chí Tôn lượng xét, còn Bảo Đạo kiện cùng Ngọc Hư Cung những kẻ vô đạo của Cửu Trùng Đài.
Thiếp đã thấy chán chường, Lý Thái Bạch muốn lo hoà đặng Đạo cho thành, nên đã nhìn nhận tội lỗi của nhiều người, nhưng vì công dầy nên không đành để Thiên Điều định án, buộc giải nạp những kẻ ấy ra Toà Tam Giáo. Lý Thái Bạch đành nhận quyền hành của Hiệp Thiên Đài từ đây, không ai chối cãi nữa cho đặng.
(TXHC, 20-1-1929)

CHƯƠNG II

CỬU VỊ TIÊN NƯƠNG

Nếu quan niệm rằng Phật Mẫu là tín ngưỡng sẵn có trong dân gian được Đạo Cao Đài phát triển thành một sắc thái đặc thù thì Cửu Vị Tiên Nương hoàn toàn chưa hề có trong lịch sử các tôn giáo. Đây là nét độc đáo, làm cho Đạo Cao Đài có bản sắc riêng. Sự hiện diện của Chín Cô (gọi theo bài Tán tụng công đức Diêu Trì Cung) xây dựng cho Đạo Cao Đài những tư tưởng giải thích được :
1. Chín từng Trời ( theo Kinh Niệm Hương)
2. Chủ trương Nam Nữ bình đẳng
3. Con đường cứu rỗi (độ) của Đạo Cao Đài
4. Hội Kim Bàn hay Hội các bà mẹ bảo trợ con người (không phải bảo trợ thiếu nhi)
Phát biểu những điều trên là dựa theo Kinh Phật Mẫu, các bài Kinh Cửu, các bài Thài, có thể bổ sung thêm Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Kinh Di Lặc. Thiết nghĩ, người nào muốn hiểu Đạo Cao Đài theo bổn nguyên của nó cũng phải dựa theo những Thánh Ngôn, những kinh giảng do các Đấng giáng cho trong kỳ ba phổ độ nầy.
1. CHÍN TỪNG TRỜI :
Theo Kinh Lễ, trong các bài Kinh Cửu thì Chín Từng Trời từ dưới lên trên là ( xem hình)
- Thanh Thiên
- Huỳnh Thiên
- Xích Thiên
- Kim Thiên
- Hạo Nhiên Thiên
- Phi Tưởng Thiên
- Tạo Hoá Thiên
- Hư Vô Thiên
- Hỗn Ngươn Thiên
2. CHỦ TRƯƠNG NAM NỮ BÌNH QUYỀN :
Đạo Cao Đài thành lập năm 1925 trong một nước thuộc địa, nửa phong kiến, mà chủ trương Nam Nữ bình đẳng là đi trước thời cuộc và xã hội, tránh sao chánh quyền bảo hộ thực dân Pháp đã cho rằng Đạo Cao Đài có màu sắc chính trị ( Le Caodaisme (quyển VII), Hà nội 1934) .
Đức Chí Tôn giáng dạy "Hễ bao nhiêu Nam tức cũng bấy nhiêu Nữ, Nam Nữ vốn như nhau, nên Thầy đến phong cho Nữ phái buổi lập Pháp Chánh Truyền" ( Tân Luật, Pháp Chánh Truyền, Paris Gasnier 1952).
Đức Lý Giáo Tông cũng dạy : "Nam Nữ vốn đồng quyền ….Giáo hữu Nam phái cũng chịu dưới quyền Giáo sư Nữ phái (Tân Luật, Pháp Chánh Truyền, Paris Gasnier 1952). Trong khi phụ nữ Hồi giáo không được đến nhà thờ, phụ nữ Thiên Chúa giáo không được làm Linh Mục…"
Nhất là Bà Bát Nương, tư tưởng gia của nền Đại Đạo, thì phát biểu mạnh mẽ rằng : ( Đàn 2-8-Đinh Hợi 1947)
"Ôm ấp mãi lấy phần phụ nữ,
Cửa công khanh đoán thử bao người ?"

Hoặc khi Bà giáng cơ thấy vắng mặt Giáo hữu Hương Hồ vì cô nầy có kinh nguyệt, thì Bà Bát Nương phán rằng :
"Đâu còn nguyệt huyết kỵ anh linh"
Quả thật là một cuộc cách mạng to lớn. Dù trong thời kỳ kinh nguyệt, vẫn đi làm việc, lao động bình thường miễn là vén khéo giữ vệ sinh. Trong lúc xã hội còn nặng hủ tục "Nữ khuê môn bất xuất", " nữ Tam tòng Tứ đức".
Quả thật, giáo lý Cao Đài đã giải phóng phụ nữ trước thời đại; lớn hơn tầm vóc họ đang mong quá nhiều.
3. CON ĐƯỜNG CỨU RỖI CỦA ÐẠO CAO ĐÀI :
Thánh giáo dạy về việc độ rỗi con người khi còn trong bụng mẹ "độ dẫn hoài sanh". Thất Nương khêu đuốc Đạo đầu, Lục Nương, Bát Nương…. Cũng hết lòng phổ độ quần sanh.
Trong buổi đầu khai đạo, có người còn chưa tin, làm khải để thử "Có đâu Tiên Phật giáng phàm gian" liền được họa đáp lại. Đồng thời Đức Chí Tôn cho chuyển nhiều huyền diệu như trị các bịnh ngặt nghèo, cứu người bằng âm dương thuỷ. Đức Chí Tôn dạy " Tuy con không thấy Thầy nhưng nghe Thầy dạy thì con nên tin đó là sự thật".
"Có lắm người tưởng rằng ta phải thấy Chúa y như Chúa đứng bên nầy, còn ta đứng bên kia, đâu phải vậy. Chúa với tôi chỉ là một trong động tác thấy chúa của tôi" (Eckhart). Vả lại cơ thể của Thần Tiên thật là tinh tế, mắt thường đâu thể nhìn thấy được.
Chúng sanh muốn sờ mó được cái gì cứu rỗi, nên Đức Chí Tôn, Phật Mẫu mới giao con thuyền Bát Nhã làm Thể pháp cho Tam Nương độ đời. Ngài dạy :

"Khuôn thuyền Bát Nhã chẳng hề chìm,
Nổi quá như bông, nặng quá kim.
Có Đạo trong muôn ngồi cũng đủ,
Không duyên một đứa cũng là chìm."

Bài vịnh Thuyền Bát Nhã đại biểu cho cả giáo lý Cao Đài, nghĩa là giáo lý chỉ là phương tiện, nếu ta đọc kinh sách Đạo với tâm trạng thao thức suy nghĩ, ta sẽ thấy được nghĩa lý uyên thâm của nó. Trong mỗi trường hợp, mỗi lời Thánh dạy có lối giải thích theo trạng huống, nếu ta nhận định đúng Thánh ngôn trong mỗi trường hợp, ta sẽ thấy lý ưng của nó.
Đức Chí Tôn dạy : Thầy không bao giờ nghĩ rằng chúng sanh sẽ đọc giáo lý của Thầy để đạt đạo vì giáo lý chỉ là những bài luân lý đơn thuần, không phải chỉ đọc được nó mà thành đạo.
Vả lại, giáo lý thâm hậu không thể nói bằng lời, diễn bằng bút. Các Chức sắc giảng đạo là chỉ gợi lên hoặc hướng dẫn các tín hữu nhiều điều dẫn đến chân lý. Ai thấy thì thấy liền, ai không thấy, càng tìm càng tối tăm.
Giáo lý Đạo Cao Đài chỉ là hướng đạo tri thức, chỉ ra con đường cứu rỗi. Thầy không hề tiết lộ bằng con đường hiểu đạo ( tri thức) hoặc siêu hình của sự cứu rỗi mà phải tự giác ngộ, mỗi người riêng rẻ không thể giải thích được mà chỉ có thể chứng nghiệm bằng nội lực và nội tâm của mình. Cố gắng là nhân tố rất quan trọng trong sự tu luyện vì không có sự giải thoát nào nếu không có sự cố gắng của cá nhân.
Xem như thế, Thuyền Bát Nhã cũng chỉ là phương tiện mà cứu cánh là tu luyện. Con thuyền chẳng hề chìm, lướt nhẹ như bông, nhưng sao lại nặng tợ kim loại ? Đó là do chỗ không biết đạo, không ngộ đạo. Ở thế, ai muốn nằm ngồi trên thuyền cũng được vì đó là con thuyền gỗ với đôi bánh xe cao su. Thuyền chỉ là phương tiện, là lớp vỏ bên ngoài như cái áo của nhà tu, nếu chỉ mặc áo mà thành đạo thì ai cũng làm được. Đạo phải trụ vững trong lòng, con đường tu như sóng dồi thuyền lúc bổng lúc trầm, ta không trì chí bền lòng (không duyên) thì con Thuyền Bát Nhã của Tam Nương (chớ không phải bằng cây gỗ ở Khách Đình) sẽ nhận ta chìm.
Thầy cũng dạy : "Giáo lý Thầy như đũa ăn cơm, không đũa ta ăn cơm cũng được". Thế thì đũa cũng chỉ là phương tiện. (Người Aán Độ ăn bốc). Việc cầu kinh hằng ngày, với các nghi lễ phức tạp chỉ là phần hành của đường tu. Ta chỉ có thể thấy được sự cứu rỗi bằng sự tồn tâm dưỡng tánh, tự đọc kinh sách với tâm trạng thao thức. Thế nên, khi đọc Thánh ngôn, không phải chăm chú vào những từ ngữ có vẻ bình dân quê kệch của đầu thế kỷ 20, mà nên coi văn tự chỉ là phương tiện trình bày chân lý bên trong. Dù vậy, giáo lý tuy là phương tiện, nhưng bỏ mất giáo lý thì không có cái gì để đạt được cứu cánh, bằng ý nghĩ đó, nếu bỏ thuyền thì có gì để đưa xác đến phước địa được.
Do đó, khi đọc giáo lý, phải tư duy sinh động, phải băn khoăn. Cái hay của giáo lý là thế hệ nầy đọc, hoàn cảnh nầy nghe thì phù hợp ngay; đến thế hệ sau, tình huống khác thì nó cũng thích hợp. Giáo lý Cao Đài thọ truyền bất hủ lậu là vậy. Bởi lẽ, khi nghe ai nói đây là Kinh và Thánh ngôn của Đạo Cao Đài thì không vội chấp nhận, không vội gác bỏ (vì ngoài Thập Nhị Thời Quân của Thầy còn nhiều cặp đồng tử của các phái đạo), nên nghiên cứu tường tận rồi so sánh, nếu không phù hợp với Kinh, Thánh ngôn của Thầy thì chắc chắn không phải là bổn nguyên giáo lý của Đạo Cao Đài.
Luận giải như vậy, Thuyền Bát Nhã vẫn là biểu tượng cứu rỗi của Đạo, nhưng những ai "không duyên một đứa cũng là chìm".
Đức Chí Tôn lại dạy về Thuyền Bát Nhã chính ở trong tâm.
"Biển khổ nơi mình chớ đâu xa,
Thuyền kêu Bát Nhã kiếm đâu mà ?
Biển Thuyền đồng ở trong tâm dạ,
Biết Đạo lần tìm mối cũng ra".

Con đường cứu rỗi mà Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương gọi là con đường Thiêng Liêng Hằng Sống. Khi theo con đường nầy thì con người sẽ được cứu rỗi đời dời, diễn ra như sau :
Khởi đầu, Đức Phật Mẫu dùng Bí pháp mà hoá kiếp : " Bát hồn vận chuyển hoá thành chúng sanh" ( Xem Đạo Cao Đài Tôn giáo Đại đồng nhơn loại) rồi được Nhứt Nương săn sóc sức khoẻ, mỗi bông hoa ở vườn Ngạn Uyển là tinh hoa của người tại thế, tức linh hồn. Khi hoa héo thì người ấy chết. Lúc sống như khi chết, Cửu Nương giáo hoá về khoa học mỹ thuật. Thất Nương khêu đuốc đạo mầu. Khi chết Nhị Nương cho uống thuốc trường sanh rồi được Tam Nương siêu độ cho tiêu tan Thất Tình Lục Dục và dùng Thuyền Bát Nhã đưa lên cõi Huỳnh Thiên. Ngũ Nương giúp linh hồn "Khai Kinh Vô tự đặng nhìn quả duyên" mà siêu độ. Lục Nương dùng phướn Tiêu diêu trục trừ ô uế. Thất Nương tiếp tục đưa hồn đến Niết Bàn. Bát Nương đưa hồn tới Cung Diệt Bửu dứt hẳn nghiệp chướng hữu hình mang ảo tượng vô vi. Sau đó, Cửu Nương đưa đến Cung Tạo Hoá Thiên xem thưởng phạt đoạ hay thăng.
Đạo Cao Đài công nhận có thuyết chuyển luân " Chuyển luân định phẩm cao thăng" (Kinh Phật Mẫu), còn cửa Địa ngục và cửa quỉ bị đóng lại vì đây là Kỳ Ba Đại Ân Xá (Troisième Amnistie).
Bởi lẽ giáo lý Đạo Cao Đài dạy : chết là chấm dứt đời sống vật lý và tâm sinh lý, hiện tượng tử sanh như dòng thời gian trôi không ngừng nghỉ, linh hồn con người vẫn còn mãi mãi. Vì lẽ, linh hồn là một điểm linh quang (gọi là Tiểu Thiên địa khi tái kiếp) của Đức Chí Tôn. Đức Chí Tôn là Đại Linh quang, Đại Thiên Địa, cái máy phát ra luồng điện bao trùm khắp vũ trụ nên các đồng tử mang sẳn luồng điện cùng tần số khi được cảm ứng thì cơ giáng và có thể Đức Chí Tôn giáng một lúc ở nhiều nơi, chẳng khác nào khi mọi người bật nút điện Radio nghe cùng một đài phát.
Claude Bernard cũng xác nhận : "Cơ thể tự thành một nguyên vị điều hoà, một vũ trụ nhỏ (microcosme) trong vũ trụ lớn (Macrocosme) ( Chaude Bernard, Introduction à l'étude de la médecine expérimentale, Saigon 1960, trang 49)
Fred Hoyle cũng xác nhận : "Trên dãy Ngân Hà có lối một triệu hành tinh có sự sống" ( Fred Hoyle, The Nature of Universe, trang 87, 89)
Thuyết chuyển luân của Đạo Cao Đài hay thuyết luân hồi của các Đạo khác không mới lạ gì với nhơn loại.
Schopenhauer viết như sau : "Thuyết luân hồi khởi xuất từ thuở sơ khai….luôn luôn lan rộng trong dân gian, được coi là tín ngưỡng phần lớn và cũng là giáo lý của tất cả tôn giáo. Cho đến nay, một phần lớn các dân tộc Á đông không phải Hồi giáo vẫn tin tưởng chắc chắn vào thuyết luân hồi và đời sống thực tế hằng ngày vẫn chịu sâu sắc của thuyết ấy" (Schopenhauer, The World as will and idea, trang 451)
Nhưng thuyết chuyển luân của Đạo Cao Đài không có địa ngục như Aán giáo, cùng lắm là hoá kiếp thành một trong Bát hồn như Kim thạch hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầm hồn ( Xem Bát Cảnh Cung, trang 67)
Nếu tại Cung Tạo Hoá xét thấy linh hồn xứng đáng thì được vào Cung Trí Giác trụ tinh thần mà thành Tiên. Cao hơn nữa đến Hư Vô Thiên đắc quả Dà Lam, chờ dự "Hội Long Hoa tuyển phong Phật vị" ở cõi Hỗn Ngươn Thiên (Kinh Đại Tường).
Con đường cứu rỗi của Đạo Cao Đài nếu tính từng bước : Nhập vào hàng tín đồ tu theo Nhơn đạo, rồi bước dần qua hàng Chức sắc Cửu Trùng Đài ( theo Cửu phẩm Thần Tiên) hoặc qua hàng Chức sắc Phước Thiện (Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng). Hai con đường nầy tu theo đường TIỆM NGỘ, tức là từng bước một từ thấp lên cao thao Tân luật, Pháp Chánh Truyền.
Con đường thứ ba là tu tịnh; phải vào tịnh thất, có điều lệ riêng ghi trong Tân Luật. Cách tịnh luyện thế nào có thể tìm đọc "Phương luyện kỷ tu theo con đường thứ ba Đại Đạo" (Tài liệu do Trương Hiến Pháp cung cấp). Tu theo con đường nầy gọi là ĐỐN NGỘ. Tín đồ thường cũng có thể vào Tịnh Thất mà giác ngộ ngay, đây là tu tắt cho những ai có căn duyên. Tu tịnh cần đến sự cố gắng phi thường của cá nhân. Cố gắng là nhân tố rất quan trọng vì không cố gắng theo sự chỉ dẫn của chủ Tịnh Thất thì không thể tự giác ngộ hay đốn ngộ được.
Ngoài ra, cả ba đường tu mà không đạt đến đích cuối cùng thì linh hồn được cứu rỗi theo Kinh Cửu do các Đấng và Cửu Nương đưa lối như đã trình bày ở trên.

4.HỘI KIM BÀN HAY HỘI CÁC BÀ MẸ BẢO TRỢ CON NGƯỜI :
Đây cũng là chủ trương mới mẽ của nền Tân tôn giáo. Thế thường, người ta nói Hội các bà mẹ bảo trợ trẻ em, chớ không ai dám nói bảo trợ con người, nhưng Cửu Vị Tiên Nương lãnh lịnh Hội Kim Bàn bảo trợ con người, từ lúc hoài thai cho tới chết, rồi cho đến lúc con người đầu thai tái kiếp theo một chu trình kín không ngừng nghỉ, nếu linh hồn chưa qui hồi cựu vị :
"Chưởng (quản) Kim Bàn (là) Phật Mẫu Diêu Trì"

Từ khi Đức Phật Mẫu tạo ra hình hài:
"Hiệp Âm Dương hữu hạp biến sanh,
Càn khôn sản xuất hữu hình".

Thì Nhứt Nương lo săn sóc chăm giữ hằng ngày. Tất cả linh hồn con người đều tập trung ở Vườn Ngạn Uyển, Nhị Nương lo nuôi sống bảo sanh, Cửu Nương giáo hoá về khoa học, mỹ thuật, văn chương, bá nghệ… Thất Nương dạy đạo, Tứ Nương khai khiếu dạy học. Khi qua đời, Tam Nương đưa Thuyền Bát Nhã đến siêu độ khách trần, Ngũ Nương phò trợ cho linh hồn mau đắc đạo, Lục Nương chiêu hồn, tẩy sạch bợn trần, Bát Nương giúp linh hồn diệt hẳn những việc hữu hình còn đeo đẳng để khoát áo vô vi. Đến Cửu Nương là định sự thưởng phạt hoặc tái kiếp hoặc được Phật Mẫu độ vào "Cung Trí Giác trụ tinh thần" mà "đăng Tiên".
Để phổ độ 92 ức nguyên nhân và không bỏ sót một ai kể cả hàng Hoá nhân, Quỉ nhân trong các kỳ phổ độ trước còn lại, Hội Kim Bàn đã chia vùng trách nhiệm như sau :
- Hoa - Nhứt Nương phổ độ miền Bắc VN.
- Cẩm Tú - Nhị nương phổ độ dân Chân Lạp, Cao Miên.
- Tuyến - Tam Nương phổ độ miền Trung VN.
- Gấm - Tứ Nương phổ độ giới văn chương khoa bảng ở các thành thị Bắc VN.
- Liễu Hạnh - Ngũ Nương phổ độ đồng bằng Bắc Phần và Bắc Trung Phần Việt Nam.
- Huê - Lục Nương phổ độ miền Đông Nam phần và hoàng tộc nhà Nguyễn. Jeanne d'Arc phổ độ dân Pháp.
- Lễ - Thất Nương phổ độ các Thiên sứ và vùng Saigon, Gia Định, miền Đông Nam phần.
- Hớn Liên Bạch - Bát Nương phổ độ dân Trung Hoa. Hồ Đề (vua Thiên Sứ) phổ độ dân tộc ít người.
- Khiết - Cửu Nương phổ độ miền Tây Nam phần.
Do trên, ta thấy việc phổ độ buổi đầu chú trọng nhiều vào Việt Nam, kế đến Campuchia, Trung Hoa và Pháp.
Việc biết tên và do lai các cô là do chính các cô cho biết hoặc cầu cơ học hỏi.
Nhứt Nương giáng cơ đêm 14-1-1926 cho biết.
"Hoa - Nhứt Nương.
Em cám ơn hai anh, em xin hai anh gắng công học đạo, dưỡng luyện tinh thần, ắt ngày sau đắc đạo"
( Đầu sư Hương Hiếu, Đạo sử xây bàn, Tây Ninh 1967. tr.40)
Các Đấng cũng cho biết Cô Lễ là Thất Nương Diêu Trì Cung. Do đó, chữ đầu các bài thài cho ta biết tên các cô. Tuy nhiên, Bà Jeanne d' Arc giáng cơ xưng là Lục Nương mà trong bài thài thì ghi tên là Huê. Như vậy, khi giáng trần trong Kỳ Ba Phổ độ nầy. Cô có tên là Huê.
Còn Bát Nương cho câu đầu bài thài : "Hồ Hớn hoa sen trắng nở ngày", rõ ràng Hồ Hớn là họ chớ không phải tên. Cô Thất Nương cho biết : "Chị Hớn Liên Bạch, Lục Nương với Nhứt Nương làm thi hay lắm. ( Hương Hiếu, sách đã dẫn, tr.6) . Vậy thì Bát Nương tên là Hán Liên Bạch (hoa sen trắng nở ngày), còn Hồ là họ tái kiếp (Xem phần sau).
Cô Nhị Nương có tên là Cẩm Tú, Đức Cao Thượng Sanh cho biết bà là Nữ Vương của Chân Lạp, mà Nữ Vương Chân Lạp có tên là Cambhupura, đúng ra phiên âm là Cẩm Bửu. Ta cũng thấy bài Kinh Khi đi về, chữ Kantaca (Kiền trắc) phiên âm ra là Găngtaca (3 Kinh Lễ, sách đã dẫn)3 không biết phải do diễn ký viết nhầm hay thợ nhà in xếp chữ nhầm. (phiên âm đúng là Căn-ta-ca).
Tóm lại, tên các cô có 3 cách thiết lập : một là chữ tên đứng đầu câu như Hoa, Lễ, Gấm …..hai là chữ họ đứng đầu câu như Hồ Hớn, ba là chữ phiên âm như Cambhupra hoặc không dịch như Jeanne d'Arc .
Về ngôn từ, có 3 hình thức : cả bài toàn chữ Hán như bài thài Phật Mẫu, nửa Hán nửa Việt như bài thài Nhị Nương, Tam Nương và toàn tiếng Việt như bài thài Nhứt Nương, Tứ Nương, Ngũ Nương.
Về nội dung, ta có thể chia làm hai thể loại : loại một là tự vịnh phong cách như bài thài Phật Mẫu, Tam Nương, Tứ Nương, loại hai là tả tâm sự như bài thài Thất Nương, Cửu Nương.....

TIẾT I

HOA NHẤT NƯƠNG
(Thủ bối : Tỳ Bà)

Hoa thu ủ như màu thẹn nguyệt,
Giữa thu ba e tuyết đông về.
Non sông trải cánh tiên loè,
Mượn câu thi hứng vui đề chào nhau.

TRÍCH NGHĨA :
Hoa thu tức thu cúc vàng nhưng kém màu vàng của trăng.
Giữa mặt hoa ( thu ba là sóng mùa thu, nghĩa bóng là sóng mắt) sợ mùa đông đến.
Nhưng trong mùa thu khắp nơi cánh hoa tiên nở sáng rực.
Nhân hứng, Nhất Nương mượn đề vịnh hoa cúc để làm thơ chào nhau.
GIẢI NGHĨA :
Hoa cúc trồng vào mùa Xuân, có hoa vào mùa thu , gặt hái hoa vào mùa đông để ướp trà hoặc để làm thuốc, nên "giữa thu ba e tuyết đông về" là vậy. Chữ thu ba là vừa dùng nghĩa bóng, vừa dùng cách hoán vụ ( lấy một phần để chỉ toàn thể).
Vào mùa thu, khắp nơi đất nước hoa cúc đều nở rộ " trải cánh tiên loè", đến mùa đông thì bắt đầu tàn.
Theo Kinh Đệ Nhất Cửu, nhiệm vụ của Nhứt Nương là chăm sóc vườn Ngạn Uyển. Cô thường coi các bông trong vườn mà biết được số kiếp con người, vì trong vườn có bao nhiêu đoá hoa là có bao nhiêu linh hồn nhơn loại ở thế gian.
Hoa nào héo thì "giải thi thoát khổ, diệt (hữu) hình đoạn căn (duyên)". Như vậy, Nhứt Nương là vị chăm sóc sức khoẻ cho chúng sanh. Cô có nhiệm vụ phổ độ nhơn sanh miền Bắc VN.
SỰ TÍCH :
Theo sự cầu cơ học hỏi của Đức Cao Thượng Sanh, Nhứt Nương tên là Hoàng Thiều Hoa, tướng của Hai Bà Trưng.
Như vậy, HOA tức là Hoàng Thiều Hoa, người có công dẹp giặc nên được Hai Bà Trưng phong là Đông cung Công chúa và được dân tôn thờ ở chùa Phúc Khánh và miếu thờ ở xã Song Quang (nay là xã Hiền Quang, huyện Tam Nông, Vĩnh Phú).
Hai vợ chồng Hoàng Phụ nhà nghèo, ở với nhau lâu mà không con. Ngày kia hai vợ chồng đi kiếm củi ở núi Tản Viên. Khi mệt nhọc, cả hai nằm ngủ, người vợ mộng thấy có một người con gái xinh đẹp từ trong núi đi ra, ngã đầu chào.
Người vợ nắm chặt tay nàng và hỏi: Nàng ở đâu đến ?
Nàng đáp : Con là con gái của Sơn Thánh Tản Viên tên là Thiều Hoa.
Ông bà có muốn nhận con làm con không ?
Bà âu yếm đáp : - Nếu ta được con, ta sẽ coi con như con đẻ.
Sau đó, bà Đào thị sanh được một người con gái đẹp như Tiên, giống như người trong mộng, nên đặt tên là Thiều Hoa. Từ khi có nàng, vợ chồng Hoàng Phụ đỡ vất vả. Năm 13 tuổi, cô ném đá vào quân Hán để cứu người. Năm sau, cha mẹ đều mất cả, cô phải đi chăn trâu ở xã Song Quan. Một hôm, Cô đứng trên gò cao nhìn xuống bãi sông thấy quân Hán nắm râu một cụ già lôi đi. Cô tức giận, lấy gậy chạy xuống bãi, chợt nghe tiếng gọi, cô thấy một Ni cô đang vẫy tay. Cô chạy tới, Ni cô bảo :
- Con tuy có sức khoẻ, nhưng việc con làm chưa có ích gì cho dân tộc, ta không chỉ lo cho một người khỏi bị đánh mà phải lo cho cả nước khỏi bị đô hộ.
- Thiều Hoa tỉnh ngộ thưa rằng :
- Từ nay, con xin ghi nhớ lời Thầy. Xin Thầy cho con làm đệ tử của Thầy.
Ni cô khẻ đáp : - Ta là người tu hành nhưng không quên việc cứu sanh linh ra khỏi cảnh trầm luân. Nếu con có chí lớn thì theo ta về chùa.
Từ đó, vườn chùa đã trở thành nơi rèn luyện của những người nghĩa dũng yêu nước. Năm 18 tuổi, cô từ giã Ni cô đi Mê Linh đầu quân, được Hai Bà Trưng cho về sông Quan mộ nghĩa sĩ.
Khi lệnh khởi nghĩa ban ra, cô dẫn 500 trai gái Sông Thao kéo về Mê Linh, được Hai Bà Trưng phong chức Tiên phong Hữu tướng.
Trong trận đánh Luy Lâu, Cô lập được nhiều công lớn. Khi Hai Bà Trưng lên ngôi vua, cô được phong là Đông Cung Công Chúa.
Quả thật cô đã rạng danh: "Non sông trải cánh Tiên loè".
Trong kỳ Ba phổ độ nầy, cô là Nhứt Nương Diêu trì Cung có bổn phận phổ độ nhơn sanh miền thượng du và trung du Bắc VN theo Đạo mới .

THI VĂN DẠY ÐẠO

1. VIỆC DẠY ÐẠO ĐẦU TIÊN :
Vào ngày 27-01-1926, Nhứt Nương giáng cơ dạy Đạo cho các ông Lê Văn Trung, Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang và bà Nguyễn Thị Hiếu như sau :
"Nhứt Nương, Em chào các anh và đại tỷ.
Cái bông phù dung sớm còn tối mất còn hơn một kiếp người, vì nó sống ngắn ngủi dường ấy, nhưng mà buổi sớm còn có sắc, chớ người đời sanh ra chỉ để thọ khổ mà thôi. Chung qui, dù sống trăm tuổi chưa được một điều đắc chí, chết thì hết cái đời tạm nầy.

Em xin ba anh coi sự trường sanh của mình làm trọng, người không có phải kiếm, mình có sẵn nở bỏ đi, em chỉ tiếc dùm đó thôi. Đã vào đường chánh, cứ lo bước tới hoài thì trở về cựu vị đặng.
Khi ông Lê Văn Trung hỏi : - Có duyên luyện đạo được cùng chăng ? Xin em mách bảo dùm.
Nhứt Nương đáp : - "Đã gặp Đạo tức có duyên phần. Rán tu luyện ! Siêng thì thành, biếng thì đoạ, liệu lấy mà răn mình. Phải tính sớm, một ngày qua, một ngày chết, đừng dụ dự.
Em xin kiếu".

2. NHỨT NƯƠNG KÍNH TẶNG :
Nhứt khí tạo đoan cả địa cầu,
Nương theo Mẹ cả giáng vài câu
Kính dâng tam bửu hằng năm vẹn,
Tặng lễ mừng thầm đắc chẳng lâu.
15-8-Nhâm Ngọ (2-9-1942)
3. THƠ VỊNH.
Cô Nhứt Nương coi Vườn Ngạn Uyển,
Cầm tỳ bà điều khiển cơ sinh.
Mỗi đoá hoa, mỗi chơn linh,
Trong vòng luân chuyển mắt nhìn biết ngay.
Quyền chưởng quản trong tay nắm giữ,
Các nguyên nhân sanh tử hản toàn.
Từ cõi Thiên chí dinh hoàn,
Hoa nở đầu kiếp, hoa tàn hồn qui.
H.P

LỜI HAY Khi mở Đạo Cao Đài, Chí Tôn chỉ định cho Phật Mẫu đến giáo đạo cho chúng ta, bảo trọng nuôi nấng dạy dỗ chúng ta, thì không ơn đức nào bằng. (Phạm Hộ Pháp)

TIẾT II

CẨM TÚ NHỊ NƯƠNG
(Thủ bối : Lư Hương)

CẨM TÚ văn chương hà khách đạo ?
Thi thần, tửu Thánh vấn thuỳ nhân ?
Tuy mang lấy tiếng hồng quần,
Cảnh Tiên còn mến, cõi trần anh thư
THÍCH NGHĨA :
Người khách đạo văn chương như gấm như thêu ở đâu ?
Làm thơ như Thần, uống rượu như Thánh hỏi được mấy ai ?
Tuy sanh ra là con gái (hồng quần), nhưng là bậc anh thư ở cõi trần và một vị Tiên ở cõi trên.
GIẢI NGHĨA :
Cô Cẩm Tú (do kỵ quí, lấy công trình nổi tiếng thay tên thật) là một người khách đạo, nghĩa là không phải người trong nước Việt Nam. Cô làm thơ như Thần, uống rượu như Thánh, hỏi mấy ai sánh kịp ? Ở cõi trần, Cô là bậc vua chúa, ở cõi trên là một vị Tiên Nữ.
Nhiệm vụ Nhị Nương là giữ Vườn Đào, dọn yến tiệc và đãi thuốc trường sanh cho các đẳng linh hồn, rồi đưa đến cõi Thanh Thiên. Như vậy, Nhị Nương có bổn phận bảo sanh con người lúc sống như lúc chết và phổ độ người Chân Lạp (Cao Miên nay là Campuchia) theo Đạo mới.
SỰ TÍCH :
Bài thài của Nhị Nương có câu : "Cẩm Tú văn chương hà khách đạo ?" Cẩm Tú hay Cẩm Bửu (Cambhupura) là công trình văn hoá lớn của người khách Đạo (bạn đạo nước ngoài) tên là Jyeshthâryâ, người Thuỷ Chân Lạp. Nước Thuỷ Chân Lạp ( Theo truyền thuyết, vị thần dựng nước Chân Lạp tên Kambu, nên tên nước là Kambujâ tức Chân Lạp, Pháp dịch Cambodge, Cambhu là Cẩm Bửu, Pura là thành thị. Tên ghép là thành thị Cẩm Bửu) gồm lưu vực sông Mékong và Miền Nam VN ngày nay. Lúc ấy bị chia làm nhiều khu vực do các vị Hoàng thân và tướng lãnh Phù Nam thống trị.
Nữ Vương Jyeshthâryâ là cháu 3 đời của Quốc Vương INDRAKOLA cai trị vùng đất quanh tỉnh Kratié ngày nay, đồng thời với vua Jayavarman II (802-850). Năm 803, Nữ Vương xây một ngôi tháp ở Cambhupura , là đế đô cũ của vua Mahendravarman (600-615). Kiến trúc của tháp nầy ảnh hưởng đạo Bà La Môn, nét hoa văn trang trí trên tháp như cẩm tú (như gấm như thêu). Bà thật xứng đáng bậc anh thư Chân Lạp.
"Tuy mang lấy tiếng hồng quần,
Cảnh tiên còn mến, cõi trần anh thư"

Nữ Vương theo Bà La Môn, tôn thờ các đấng Bhrama, Christna, Civa mà Đạo Cao Đài tạc tượng thờ trên nóc Bát Quái Đài. Ngươn linh của Bà là Nhị Nương ở cung Diêu Trì, có phận sự bảo hộ và phổ độ dân Cao Miên (Campuchia) theo Đạo mới. Nhờ vậy, mà việc phá rừng xây cất Toà Thánh trong buổi đầu mới thành tựu được.
KINH CỨU ĐỘ :
Nhiệm vụ trọng yếu của Nhị Nương là ở Thượng giới, giữ Vườn Đào của Tây Vương Mẫu rất nghiêm nhặt. Bà còn lo luyện thuốc trường sanh để ban yến tiệc cho các đẳng linh hồn theo lịnh Cung Diêu Trì. Xin đọc bài kinh sau đây thì rõ :

Tây Vương Mẫu vườn Đạo ướm chín,
Chén trường sanh có lịnh ngự ban.
Tiệc hồng đã dọn sẵn sàng,
Chơn thần khá đến hội hàng chư linh.
Đã thấy đủ Thiên đình huyền pháp,
Cổi giác thân lên đạp Ngân kiều.
Đẩu tinh chiếu thấu Nguyên tiêu,
Kim quang kiệu đỡ đến triều Ngọc Hư.
Khí trong trẻo dường như băng tuyết,
Thần im đìm dường nét thiều quang,
Xa chừng thế giái Địa hoàn,
Cõi Thiên đẹp thấy nhẹ nhàng cao thăng.

1. NHỊ NƯƠNG KÍNH TẶNG :
Nhị châu Chơn Võ nhớ cùng không ?
Nương cõi Thiên cung gởi bóng hồng,
Kính tặng vài câu mừng bạn cũ,
Tặng người trinh tiết chịu phòng không.

(2-9-1942)
2.THƠ VỊNH :
Cô Nhị Nương từ bi độ rỗi,
Cầm lư hương mở hội trường sinh.
Bàn Đào mời đủ chư linh,
Ngân kiều đỡ gót về trình Ngọc Hư.

H.P


TIẾT III

TUYẾN TAM NƯƠNG
(Thủ bối :Long Tu Phiến)

TUYẾN đức năng thành đạo,
Quảng trí đắc cao quyền.
Biển mê lắc lẻo con thuyền,
Chở che khách tục Cửu tuyền ngăn sông.

THÍCH NGHĨA :
Thường tích đức thì thành đạo. (Tuyến đức là đường đạo đức). Hiểu biết rộng thì được quyền cao. Biển trần (mê tân), Cô đưa Thuyền Bát Nhã bập bềnh để chở khách trần tục khỏi đoạ xuống Chín suối (Cửu tuyền).
GIẢI NGHĨA :
Cô Tam Nương chất chứa nhiều đức và sự hiểu biết về Đạo hơn người tức nhiên được thành đạo và đắc vị Tiên Nương. Cô có bổn phận chèo thuyền Bát Nhã đưa khách trần khỏi bến mê để về cõi Tiên. Như vậy, Cô có nhiệm vụ siêu độ khách trần và phổ độ dân miền Trung VN theo Đạo mới.
SỰ TÍCH :
Tam Nương rất quảng trí xuất hiện trần gian để độ thế, thường Cô chỉ mặc áo tràng trắng có viền kim tuyến (giống áo Chức sắc Nữ phái) : "Tuyến đức năng thành đạo", mỗi khi Cô hiển hiện. Thế nên người đời thường gọi Cô là Bà Kim Tuyến.
Người ta còn truyền lại : Khi Nguyễn Hoàng rời bỏ họ Trịnh, từ Thăng Long vào miền Trung tìm nơi đóng đô chưa được, thì may thay gặp một bà già mặc áo quần trắng có viền kim tuyến trên một ngọn đồi. Bà trao cho Nguyễn Hoàng một nén hương đang cháy và dạy :
- Ngươi hãy cầm nén hương nầy mà đi, bao giờ hương tắt thì đó là nơi đóng đô.
Theo lời dạy, khi nhang tàn, quả nhiên Nguyễn Hoàng thấy trước mắt một vùng núi sông hiền hoà (sông Hương núi Ngự). Thế nên Nguyễn Hoàng quyết chọn làng Phú Xuân (nay là Huế) làm kinh đô.
Để nhớ ơn bà già tặng nhang, Nguyễn Hoàng cho xây dựng trên ngọn đồi nầy một ngôi chùa. Đó là chùa Thiên Mụ bên sông Hương. Trong chùa có tháp Phước duyên làm biểu tượng của Huế, có tượng thờ Đức Di Lạc ; nổi tiếng nhứt là tiếng chuông Thiên Mụ (Thiên Mụ là người đàn bà ở cõi Trời). Vì thế, Bà giáng hạ có phận sự độ khách tục khỏi biển mê và Cửu tuyền vì giáo lý Cao Đài dạy : Vô Địa ngục, Vô Qủi quan.
"Biển mê lắc lẻo con thuyền,
Chở che khách tục Cửu tuyền ngăn sông".

Bà Tam Nương ở Cung Diêu Trì có phận sự phổ độ lương dân miền Trung và Nam Trung phần VN theo Đạo mới.
KINH CỨU ĐỘ
Bà Tam Nương cũng có nhiệm vụ trọng yếu ở Thượng giới, hành pháp ở cõi Thanh Thiên, tức là cõi Tiên ngự. Bà có bổn phận đưa chơn hồn đến động Thiên Thai được bảy Lão ra đón rước (vốn Thất Hiền buổi xưa) rưới nước Cam Lồ cho tiêu tan Thất tình Lục dục. Sau đó Bà đưa hồn đến Hội Thánh Minh để đọc sách Trường Xuân, tạo điều kiện lên cõi Huỳnh Thiên.
Xin đọc bài kinh sau đây thì rõ :

Cõi Thanh Thiên lên miền Bồng đảo,
Động Thiên Thai bảy Lão đón đường.
Cam lồ rưới giọt nhành dương,
Thất tình Lục dục như dường tiêu tan.
Cung Đẩu Tốt nhặt khoan tiếng nhạc,
Đệ lịnh bài cánh hạc đưa linh.
Tiêu thiều lấp tiếng dục tình,
Bờ dương bóng phụng đưa mình nâng thân.
Cung Như Ý Lão quân tiếp khách,
Hội Thánh Minh giáo sách Trường Xuân.
Thanh quang rỡ rỡ đòi ngàn,
Chơn hồn khoái lạc lên đàng vọng Thiên.

1. TAM NƯƠNG KÍNH TẶNG :
Tam kỳ khai mở Đạo lần ba,
Nương náu ít lâu rõ báu hoà
Kính lượng bề trên ban đức tánh,
Tặng người tài trí hứng đài cao.

(2-9-1942)
2. THƠ VỊNH
Cô Tam Nương thuyền từ nhẹ thả,
Cầm Long tu phiến độ khách trần.
Biển mê Bát Nhã dò lần,
Thanh Thiên mở lối chơn thần qui nguyên.
H.P


TIẾT IV

GẤM TỨ NƯƠNG
(Thủ bối : Kim Bãng)

Gấm lót ngõ chưa vừa gót ngọc,
Vàng treo nhà ít học không ưa.
Đợi trông nho sĩ tài vừa,
Đằng giao khởi phụng chẳng ngừa Tiên thi.

THÍCH NGHĨA :
Gấm vóc có trải dài theo đường ngõ, Cô cũng không màng . Ngày xưa, việc thách cưới phải mâm cao cổ đầy, vàng bạc châu báu. Nhưng ở đây, Cô không ưa cả vòng vàng treo đầy nhà, của để đầy kho, mà chỉ kén bậc nho sĩ tài ba để kết duyên.
Đằng giao khởi phụng là rồng bay phụng dậy, tức ám chỉ người tài hoa xuất chúng, thi phú như Tiên.
GIẢI NGHĨA :
Đây là bài tự vịnh phong cách của Bà Đoàn Thị Điểm, hiện thân của Cô Lê Ngọc Gấm. Xin đọc phần sự tích dưới đây sẽ rõ .
Bà Đoàn Thị Điểm đã giáng cho nhiều bài Kinh thuộc phần Thế Đạo như : Kinh tụng khi Thầy qui vị, Kinh Cầu Tổ phụ đã qui liễu, Kinh tụng khi chồng hoặc vợ qui vị, v.v…(Xem Kinh Lễ).
Theo Thánh ngôn, Bà là nhà bác học về chân thiện mỹ, có phận sự phổ độ chúng sanh khoa bảng văn chương ở các thành thị miền Bắc VN.
SỰ TÍCH :
Vào năm 1655, Chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Tiến ,Nguyễn Hữu Dật đem quân vượt Sông Gianh ra Bắc đánh quân Trịnh. Trịnh Đào thua chạy về An Trường (nay là Nghệ An).
Quân Nguyễn thừa thắng đuổi theo chém giết vô kể, rồi chiếm Nghệ An. Cô Lê Ngọc Gấm sanh trong một gia đình thủ công nghệ bị chết trong cảnh loạn quân đó, lúc đó mới 9 tuổi. Linh hồn Cô phảng phất và tá túc ở Đền Sòng (Thanh Hoá nơi thờ Bà Liễu Hạnh).
Năm 1705, Cô chuyển kiếp vào nhà họ Lê ở Văn Giang, ông Hương Cống Lê Doãn Nghi nằm mộng thấy linh thần tặng cho họ Đoàn nên đổi từ họ Lê sang họ Đoàn. Ông Nghi lập gia đình, sau sinh được hai người con đều hay chữ là Tiến sĩ Đoàn Doãn Luân và bà Đoàn Thị Điểm.
Như vậy cô Gấm là tiền thân của bà Đoàn Thị Điểm.
Bà bẩm sinh tư chất thông minh, văn hay chữ tốt, một giai nhân khiêm cung đức độ, được vậy là nhờ bà là chơn linh của Tứ Nương. Dưỡng phụ Bà là Thượng thư Lê Anh Tuấn tiến cử Bà vào Cung Chúa Trịnh, nhưng bình sanh Bà không ưa cảnh quan quyền nên khước từ.
Bà dốc hết tâm trí vào việc trau dồi văn chương cho được "Đằng giao khởi phụng". Bà mở trường dạy học và dạy nữ công (nên tượng Tứ Nương cầm cây Kim Bãng). Bà chế ra hai cái túi : Một cái thêu kiểu tam hữu (Tùng, trước, mai) và một cái thêu kiểu Bát Quái, ám chỉ Bà là Tiên nữ.
Năm 1927, Cha mất, Bà cùng mẹ về Hưng yên, nơi anh bà là Đoàn Doãn Luân đang dạy học. Ông Luân thường bày nhiều cuộc xướng hoạ để thử tài Bà. Một hôm, ông lấy chữ trong Sử Ký nói về Hán Cao Tổ để bà đối lại.
Bạch xà đương đạo, Quí bạt kiếm nhi trảm chi.
(Con rắn trắng đón đường, Ông Quí rút gươm ra chém.
Bà liền dùng một câu nguyên văn trong Sử Ký (sách của Tư Mã Thiên) thuộc đời Ngu Thuấn nói về ông Hạ Vũ để đối lại :
Hoàng long phụ châu, Vũ ngưỡng Thiên nhi thán viết.
(Con rồng vàng đội thuyền, ông Vũ nhìn Trời mà than).
Còn nhiều giai thoại giữa ông Luân và Bà, và nhiều thi nhân khác. Nhiều người giàu có đỗ đạt nghe tiếng muốn cầu hôn đều bị bà khước từ và cho họ là bọn học vẹt, chớ không có thực tài văn chương như Tiến sĩ Nguyễn Công Thái, Nhữ Đình Toản.
Thật đúng với hai câu :
"Gấm lót ngõ chưa vừa gót ngọc,
Vàng treo nhà ít học không ưa".

Bà chỉ ước mong có một người tài ba là Nguyễn Kiều đỗ Tiến sĩ lúc 21 tuổi , văn võ song toàn.
"Đợi trông nho sĩ tài vừa,
Đằng giao khởi phụng chẳng ngừa Tiên thi".

Nhưng mãi đến năm bà 37 tuổi, ông Nguyễn Kiều mới xin cầu hôn với bà. Năm 1748, Nguyễn Kiều được bổ làm Tham Thị ở Nghệ An, Bà xuống thuyền theo chồng đến Đền Sòng (dưới chân núi Sùng), nơi thờ bà Công chúa Liễu Hạnh, Bà bị cảm nặng và mất ở đó vào ngày 11-9-1748, nhập vào chơn linh nàng Gấm. Đó là ngày tái hợp mà nàng Gấm đã hẹn với bà Liễu Hạnh (vốn là Ngũ Nương Diêu Trì Cung).
Ông Nguyễn Kiều thương tiếc làm bài văn tế như sau :

"Ô hô ! Hỡi nàng !
Huệ tốt, lan thơm,
Phong tư lộng lẫy, cử chỉ đoan trang,
Nữ đức trọn vẹn, tài học ngỡ ngàng.
Giáo mác, ấy bàn luận;
Gấm vóc, ấy văn chương;
Nữ trung hiếm có như nàng :

v.v.." (Hoàng Xuân Hãn, Chinh phụ Ngâm bị khảo).
Bà vốn là Tứ Nương Diêu Trì Cung, có phận sự mở kiến thức khiếu linh quang cho nhơn loại và nâng đỡ người sống như linh hồn được linh hoạt hay linh hiển để học hỏi giỏi giang ở tại cõi đời hoặc cõi vô hình.
Bà có phận sự phổ độ những nho sĩ, những người văn chương khoa bảng thành thị Bắc phần VN theo Đạo mới.
THI VĂN DẠY ÐẠO :
Bà Đoàn Thị Điểm đã giáng cho nhiều Kinh Thế Đạo như các bài : Kinh tụng khi Vua thăng hà, Kinh tụng khi Thầy qui vị, Kinh Cầu Tổ phụ đã qui liễu, Kinh tụng Cha mẹ đã qui liễu, Kinh cầu bà con thân bằng cố hữu đã qui liễu, Kinh tụng Huynh đệ mãn phần, Kinh tụng khi chồng qui vị, Kinh tụng khi vợ qui liễu. Cộng chung là 8 bài.
Nhất là tập NỮ TRUNG TÙNG PHẬN, theo thể thơ song thất lục bát (giống như tác phẩm Chinh phụ ngâm, bà làm khi còn sống) gồm 350 vế, 1400 câu, thêm câu kết là 1401 câu :
"Đời đời danh chói Cao Đài"
Bà cho biết tác phẩm ra đời là "Giục tài Nữ sĩ sánh bì cùng Nam" bởi theo quan niệm phong kiến "Nam trọng Nữ khinh", nên vế khởi đầu Bà viết:

Dụng văn hoá trau tria nữ phách
Lấy kinh luân thúc thách quần hồng.
Gươm thư giúp sức gươm hùng,
Điểm tô nghiệp cả con rồng cháu Tiên.

Những câu thơ tiếp, Bà dạy phận làm con gái, làm vợ, công việc trong nhà ngoài ngõ, bổn phận dạy con, Bà viết :

" Lựa cho học các công các nghệ,
Tính cho hay mọi vẻ văn tài.
Sĩ, Nông, Công, Cổ sanh nhai,
Ngư, Tiều, Canh,Mục làm bài bảo thân.
Hễ phải mặt văn nhân tài tử,
Dạy con nên vẹn giữ nhơn luân.
Văn là thượng sĩ danh thần,
Võ thì bạt tụy siêu quần quân trung".

Tác phẩm có hạn chế về thời gian (thời phong kiến), người sáng tác, nhưng lấy ý mà hiểu thì trung với quân biến đổi thành trung với dân. Khi tác phẩm ra đời, nước ta còn lệ thuộc Pháp, nên Bà Đoàn dạy :

"Nào quốc thể người khi kẻ thị,
Nào dân đen phép quỉ hớp hồn.
Nấu sôi cái máu anh phong,
An bang tế thế một lòng lo âu".

Bà còn dạy trẻ thờ cha mẹ, kính thầy cô, phân biệt thật giả, học cho đến nơi đến chốn. Bà viết :

"Học cho rộng giao thông tứ xứ,
Học cho cùng xử sự ngoại lân
Học cho đúng bậc tài thần,
Ưu quân ái quốc vua cần dân nghinh.
Học cho thấu máy linh cơ tạo,
Học cho toàn trí xảo văn minh.
Thâu tài hay, nhập nước mình,
Làm cho dân hưởng thái bình giàu sang".

2. TỨ NƯƠNG KÍNH TẶNG :
Tứ đức vẹn toàn mới xứng danh
Nương hơi nhang khói chỉ điềm lành.
Kính mừng quí vị ân cần tịnh,
Tặng khách nâu sòng diệt quới khanh.

(2-9-1942)
3.THƠ VỊNH :
Cô Tứ Nương cầm riêng Kim Bãng
Cõi Huỳnh Thiên điểm rạng văn tài.
Nắm quyền giám khảo trong tay,
Chọn người đức hạnh học hay tuyển vì.

H.P

TIẾT V

LIỄU NGŨ NƯƠNG
(Thủ bối : Như Ý)

LIỄU yểu điệu còn ghen nét đẹp
Tuyết trong ngần khó phép so thân.
Hiêu hiêu nhẹ gót phong trần,
Đài sen mây lướt gió thần đưa hương.

THÍCH NGHĨA :
Cây liễu mềm mại yểu điệu còn thua nét đẹp duyên dáng của Cô. Tuyết trong ngần làm sao sánh kịp da dẻ trắng hồng của Cô.
Cô coi nhẹ chốn bụi trần mà nhẹ gót thơ thới theo mây gió về cõi Phật (Đài sen).
GIẢI NGHĨA :
Cô Liễu Hạnh tự vịnh phong cách của mình với cây liễu . Cô là Ngũ Nương Diêu Trì Cung, có bổn phận siêu độ các linh hồn đắc đạo về Bạch Ngọc Kinh (tức cõi Thiêng liêng Hằng sống). Nhờ xe Như Ý đưa linh hồn viên mãn đến cõi Xích Thiên, khai Kinh Vô Tự phán đoán căn quả.
SỰ TÍCH :
Vào đời Hậu Lê, năm 1557 ở thôn Thái An, tình Nam Định, có nhà họ Lê, vợ mắc bệnh suy nhược không sinh đẻ được.
Một hôm, có một vị đạo sĩ đến nhà xin trị bịnh, bằng cách cho người chồng là Lê Thái Công đánh thiếp lên Thiên đình. Ông Lê Thái Công tình cờ thấy công chúa Quỳnh Hương lỡ tay làm bể chén ngọc, nên bị Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế đày xuống trần. Khi xả đồng tỉnh lại, Lê Thái Công được tin vợ sanh được một người con gái đẹp như Tiên giáng trần, đặt tên là Liễu Hạnh.
"Liễu yểu điệu còn ghen nét đẹp"
Năm 1578, đột nhiên Cô Liễu "hiêu hiêu nhẹ gót phong trần" trút xác phàm trở về Thượng giới trong khi chưa hết hạn làm khách trần chuộc tội. Thế nên sau đó Đức Thượng Đế ra lịnh Cô xuống trần lần nữa. Chính lần nầy Cô gặp Cô Gấm (Tứ Nương). Để công phổ độ sớm hoàn thành, Cô đi khắp vùng Bắc phần và Bắc Trung phần VN để giúp nhơn sanh. Cô xuất hiện giữa ban ngày ở vùng Phố Cát (Thanh Hoá) và nhiều nơi khác.
Để tỏ lòng biết ơn Bà, dân chúng xây đền thờ Bà ở nhiều nơi như: Phủ Giầy (Nam Định), Đền Sòng, Phố Cát (Thanh Hoá), Đền Sùng Sơn (Hà Nội).
Triều đình nghe danh phong tặng Bà là "Thượng đẳng Phúc Thần" (Thần ban phúc). Nhân dân gọi Bà là Mẫu Liễu, lễ vía vào ngày 3-3 Âm lịch.
Đến cuối đời Hậu Lê, một vị quan nằm mộng thấy Bà Liễu lên xe mây về Trời. ( Hoàng Trọng Miên, Việt Nam văn Học toàn thư. Sài Gòn 1959)
Bà là Ngũ Nương ở Cung Diêu Trì, có phận sự phổ độ nhơn sanh đồng bằng Bắc phần và Bắc Trung phần VN theo Đạo Cao Đài.
KINH CỨU ĐỘ:
Bà Ngũ Nương có nhiệm vụ trọng yếu ở Thượng giới nên Bà ít giáng cơ ở cõi trần gian. Bà hành pháp ở cõi Xích Thiên, tức là miền Thánh vức. Bà tiếp các linh hồn và đưa họ đến Đài Chiếu Giám để xem rõ tội phước (Hồi quang phản chiếu), rồi đến Cung Ngọc Diệt Hình mà khai Kinh Vô Tự đạêng thấy quả duyên, sau đó nhờ xe Như Ý đưa linh hồn lên cõi trên.
Xin đọc bài kinh sau đây thì rõ:

Ánh hồng chiếu đường mây rỡ rỡ,
Cõi xích thiên vội mở ải quan.
Thiên quan diêu động linh quan,
Cả miền Thánh vức nhộn nhàng tiếp nghinh.
Đài Chiếu Giám Cảnh Minh nhẹ bước,
Xem rõ ràng tội phước căn sinh.
Lần vào Cung Ngọc Diệt Hình,
Khai Kinh Vô Tự đặng nhìn quả duyên.
Đắc văn sách thông Thiên định Địa,
Phép huyền công trụ nghĩa hoá thân.
Kỵ kim quang kiến Lão Quân,
Dựa xe Như Ý oai Thần tiển thăng.

1. NGŨ NƯƠNG KÍNH TẶNG :
Ngũ hành vận chuyển đoạt huyền thiên,
Nương níu đôi năm khoẻ tự nhiên.
Kính có công tu nay gặ p hội,
Tặng người hữu hạnh phục qui nguyên.

(2-9-1942)
2. THƠ VỊNH :
Cô Ngũ Nương đưa cao Như Ý,
Ra lịnh cùng Chư vị Thần Tiên
Tiếp hồn về cõi Xích Thiên
Thông kinh Vô tự quả duyên mỹ miều.
H.P


TIẾT VI

HUÊ LỤC NƯƠNG
(Thủ bối : Phướn Tiêu Diêu)

Huê ngào ngạt đưa hơi vò diệu,
Đứng tài ba chẳng thiếu tư phong.
Nương mây như thả cánh hồng,
Tiêu diêu phất phướn cõi tòng đưa Tiên.

THÍCH NGHĨA :
Huê là bông có hương thơm êm dịu. Cô là người tài ba có đầy đủ phong cách riêng và bay trên mây như chim hồng phượng, một loài với chim loan (Đức Phật Mẫu kỵ Thanh loan) nhưng sắc đỏ (hồng) nhiều hơn (xin xem ở trước). Cô thích ở cõi Tiên phất phướn Chiêu hồn (Tiêu diêu).
GIẢI NGHĨA :
Cô Hồ Thị Huê vốn là con nhà quan, nhờ có đầy đủ tư cách : thục, thận, hiền, trinh mà được tiến vào cung vua. Nhưng chẳng bao lâu bỏ cảnh hồng trần về cõi Tiên.
Bà là Lục Nương ở Cung Diêu Trì, điều khiển phướn Chiêu hồn nhằm tẩy sạch bợn trần để đưa các linh hồn vào cửa Tây phương ( Đại Đạo Tầm Nguyên, TN.1970 , tr.38)1
"Lục Nương phất phướn truy hồn,
Tang thương nay lúc bảo tồn chúng sanh"

SỰ TÍCH:
Cô Hồ Thị Huê là hậu thân của bà Jean D'Arc, theo Thánh giáo:
Jean D'Arc (1412-1431) tự là Pucelle d'Orléans, nữ anh hùng nước Pháp, sanh ở Domreny (biên giới tỉnh Lorraine và Champagne). Bà thuộc gia đình nông dân, hiếu thảo vẹn toàn. Năm 13 tuổi (1428) trong lúc chăn cừu, Bà nghe tiếng nói thiêng liêng giục Bà cứu Hoàng Thái Tử Charles VII và giải nguy cho nước Pháp.
Quân Anh vây Orléans, khi sắp hạ thành thì Bà xuất hiện (30-4) với một đội quân dũng cảm. Ngày 8-5, Bà đánh bại quân Anh. Nhờ đó, nhân dân Pháp vùng dậy tràn đầy hy vọng, thừa thắng xông lên. Sau đó Bà rước vua Charles VII về Rêm (Reims) để làm lễ tấn phong theo tục lệ bấy giờ. Năm 1430, Bà không chịu được thái độ của bọn cựu thần và cũng vì chán sống cảnh an nhàn sa đọa của triều đình phong kiến, Bà lại ra quân giải vây thành Compiègne. Bà bị quân Bourguignon bắt, bán lại cho người Anh.
Bà bị giam cầm khổ sở. Sau cùng, tôn giáo pháp đình của người Anh kết án Bà là tà giáo phải bị hỏa thiêu vào ngày 30-5-1431 tại Rouen. Năm ấy Bà mới có 19 tuổi.
Bà Jean d'Arc là anh hùng nông dân Pháp, một biểu tượng trong sạch từ thể xác tới tinh thần. Sự xuất hiện của Bà chứng tỏ rằng sứ mạng của bọn quý tộc phong kiến và võ sĩ đã chấm dứt.
Năm 1920, lễ kỷ niệm Bà được nhân dân Pháp tôn vinh là quốc lễ.
Bà là Lục Nương, có phận sự bảo hộ và phổ độ dân tộc Pháp theo Đạo mới. Bà đã phổ độ nhà văn G. Gobron đắc phong Tiếp Dẫn Đạo Nhơn và nhiều người khác.
Sau Bà Jean d'Arc chuyển kiếp đầu thai ở Việt Nam tên là Hồ Thị Huê (hay Hoa) sanh năm 1790, con của ông Khâm sai Hồ Văn Vui và bà Hoàng Thị, người huyện Bình An, tỉnh Biên Hòa.
Lăng mộ họ Hồ hiện ở gần Thị trấn Thủ Đức. Chính Bà đã phổ độ ông huyện Thơ ở Thủ Đức (sau đắc phong Đầu Sư) và hướng dẫn Đức Hộ-Pháp hành pháp tại Long Vân Thánh Tịnh (gần cây mùa cua Thủ Đức) trong buổi đầu khai Đạo.
Năm Bính Dần niên hiệu Gia Long thứ 5 (1805), Thế Tổ Cao Hoàng Đế và Hoàng hậu lựa chọn Bà Hồ Thị Huê làm phối thất cho vua Minh Mạng, khiến Bà vào chầu nơi Tiềm để.
Bà có đủ các đức (tư phong) : Thục, Thận, Hiền, Trinh, hết đạo hiếu kính. Vua Thế Tổ khen ngợi đặt tên là Thật. Thế Tổ bảo : Phi nguyên tên là Huê, hoa thì chỉ nghe thơm mà thôi, chi bằng chữ Thật, Thật là gồm có quả phúc, nên trong bài thài có hai câu :
"Huê ngào ngạt đưa hơi vò diệu,
Đứng tài ba chẳng thiếu tư phong"

.
Tháng 5-1807, Bà sinh ra Thiệu Trị được 13 ngày thì Bà băng, lúc mới 17 tuổi : "Nương mây như thả cánh hồng".
Bà là Lục Nương ở Cung Diêu Trì có phận sự phổ độ những người trong Hoàng tộc theo Đạo mới, như bà Từ Cung, mẹ của vua Bảo Đại. Bà Từ Cung được ân phong phối sư Nữ Phái.

THI VĂN DẠY ÐẠO :

1. Trong đàn đêm 24-2-1934 tại Toà Thánh, phò loan Hộ Pháp - Tiếp Thế, Lục Nương giáng cho biết bà là Jeanne d'Arc .
Trong một đàn khác, vào ngày 22-9-1934 phò loan Hộ Pháp -Tiếp Đạo. Bà Jeanne d'Arc giáng dạy Đạo cho Bà Perreux như sau :
"Bonjour ma chère compatriote (Mme Perreux).
Je viens pour vous, par les prières sincères de nos frères en esprit".
Mme Perreux demande des explications sur la nouvelle religion, òu il y a des dames dignitaires.

"Oui, c'est la seule religion qui octroie aux femmes un pouvoir spirituel à que près égal à celui des hommes. Elle mettra en vue une justice que la chrétienté a niée depuis longtemps ……" (Les messages spirites Tây Ninh 1962 trang 103)1
Trong đêm Hội Yến Diêu Trì Cung đầu tiên (15-8-Aát Sửu, dl 1-9-1925), Lục Nương mời 3 Thiên sứ liên ngâm để dạy đạo.

Lục Nương :
Trót đã đeo mang cái nợ đời,
Gánh đời nặng lắm khách trần ơi
Cao Q.Cư :
Oằn vai Thần đạo non sông vác,
Chịu kiếp trần ai gió bụi vùi.
Ph.C.Tắc :
Thương hải tang điền xem lắm lúc,
Công danh phú quí nhắm trò chơi.
C.H.Sang :
Ở đời mới hẳn rằng đời khó,
Khó một đôi năm, dễ khó đời.
Lục Nương :
Ở thế sao chê tiếng thế buồn,
Buồn vui hai lẽ lấy chi đong.
Cao.Q.Cư :
Cân đai tuế nguyệt trêu hồn bướm,
Tên tuổi phong ba lắm bụi hồng.
Ph.C.Tắc :
Chiếc bách dập dồn dòng bích thuỷ,
Phồn hoa mờ mệt giấc huỳnh lương.
C.H.Sang :
Bờ dương chừ đặng phong trần rảnh.
Quảy gánh thơ đàn dạo bốn phương.
Khi tái cầu, Lục Nương cho bài thi như sau :
Im lìm cây cỏ vẫn in màu,
Mờ mệt vườn xuân điểm sắc thu.
Gió dậy xao trời mây cuốn ngọc,
Sương lồng ướt đất liễu đeo châu.
Ngựa vàng ruổi vó thoi đưa sáng,
Thỏ ngọc trau gương dậm vẻ làu.
Non nước đìu hiu Xuân vắng chúa,
Nhìn quê cảnh úa giục cơn sầu.

Cô Lục Nương lại cho tiếp một bài điệu văn động đình :
Đầm ấm cảnh trời mai ác lố,
Thơ thới thuyền đưa khổ ách chèo.
Nhấp nhô lượn sóng khoả lèo,
Luồng đông gió tạc, cánh bèo ngưng sông.
Một chiếc quạnh bóng hồng nhán ngọn,
Mây đoanh non tuyết đóng nhành thung.
Về Nam đổ cánh rừng tòng,
Ngút xem tỏa áng mây đong khoá rèm.
Đường xúm xít chị em ruổi bước,
Dìu dắt nhau kẻ trước người sau.
Tìm nơi hứng giọt mưa dàu,
Để cơn khao khát khoe màu phù dung.
Đờn nhắn khách năm cung nhạc trổi,
Vẹt mây đen gió thổi chiều hôm.
Quang âm ngày tháng dập dồn,
Ngừa khi trễ bước hoàng hôn trở đường.

Đường muôn dặm, khách đơn thân,
Mượn bóng trăng làu bước vẹn chân.
Khoá kín song thu trau hạnh đức,
Chờ khi đạo trọn đến non thần.
Non thần tiếng hạc chầu vang đảnh,
Chờ rước người ngay chánh tìm đường.
Mơ màng chưa tỉnh huỳnh lương,
Sóng xao biển khổ nén thương khách trần.

3. KHUYẾN TU :
Chanh ranh vạn thế ở trong vòng,
Giành giựt lẫn nhau miếng đỉnh chung
. Khanh tể sao bằng tên đạo sĩ,
Hết đời ai giữ chức làm ông.

(24-11-1925).
4. KHÔNG XA CÁCH :
Từ khi hiệp mặt buổi Trung thu,
Cảm tình nhìn biết đứa em ngu.
Một chung háo nghĩa bằng vàng nén,
Phòng sau hội ngộ chỉ đường tu.

Cha chả hèn lâu chẳng viếng thăm !
E chư huynh trưởng trách em thầm.
Tuy xa cách mặt, lòng không cách.
Buồn dở thơ hoà đọc lại ngâm.

(23-12-1925)
5.VUI :
Vui nhơn vui đạo lại vui thiền,
Vui một bước đường một bước yên.
Vui bóng Cao Đài che khắp chốn,
Vui gương Ngọc Đế thấy như nhiên.
Vui ngàn thế tải ngăn nhơn sự,
Vui một màu thiên đóng Cửu tuyền.
Vui vớt sanh linh nơi bể khổ,
Vui Trời rưới khắp đủ ân Thiên.

(Noel 1925)
6.MỪNG : (Ba ông hiểu đạo)
Mừng nay đường đạo đã êm chơn,
Vàng ngọc công khanh chẳng dám hơn.
Rượu cúc bàn đào chờ hội ẩm,
Thuốc Tiên lò tạo giữ sanh tồn.
Bồng lai vắng mặt Tiên buồn nhớ,
Dinh đảo nghiêng tai Thánh khảy đờn.
Trước chẳng giữ ngôi, ngôi mới mất,
Cân phân thế tục phẩm chi sờn.

(13-1-1926 Cầu kho)
7.CÔNG QUẢ :
Công quả ngày xưa thiệt chẳng hèn,
Nợ trần bước tục phải đua chen.
Võ đài chờ trả rồi oan trái,
Xủ áo phồn hoa lại cảnh Thiên.

(27-1-1926)

8. Đàn tại PHAÏM MÔN (Tây Ninh) ngày 12-2-1933 (29-12-Quí Dậu), Lục Nương giáng cơ dạy :
"Em chào mấy anh, em đang ở Ngự Quan Cung, Bát Nương đến cho hay rằng mấy anh đang ngưỡng nghĩa nên vội đến hầu. Khi mơi nầy, em đặng tin lành Ngọc Hư chuyển pháp, Cả Thiên Thơ huỷ phá, sửa cải Pháp chơn truyền, Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật vui mừng chẳng xiết, Diêu Trì Từ Mẫu đẹp dạ khôn cùng, nhưng vì cái mừng ấy mà làm cho Người đổ luỵ ngâm bài than nầy :

Vú mẹ chưa lìa đám trẻ con,
Độ sanh chưa rõ phận vuông tròn.
Quyền cao Ngự Mã là vinh bấy,
Phận mỏng Hiệp Thiên biết giữ còn.
Lợt điểm Thánh tâm trần tục khảo,
Vẻ tươi bợn thế nét dò don.
Thà xưa ví bẵng nay gìn vậy,
Lòng mẹ ngại ngùng con hỡi con !

Nhị Ca ôi ! Bài thi làm cho cả Cung Diêu Trì đều đổ luỵ. Mấy anh nên lấy đó làm Phép hằng tâm, thì bước vinh diệu thiêng liêng không lạc nẻo"
Tái cầu : Lục Nương viết tiếp bài văn của Victor Hugo :

Biết thân lại đợi ai cầu (Victor Hugo).
Cầm gươm thần huệ xây lầu tuyệt oan. (Lục Nương)
Dục thế sự an nhàn lấy phận,
Sửa Thiên cơ khỏi vấn vương oan.
Để chơn vào chốn Niết Bàn,
Thoát vòng luân chuyển mấy đàng tầm duyên.
Tu đoạt pháp nhà thiền ít kẻ,
Những ham mê theo lẽ dối đời.
Sa môn pháp chánh đổi dời,
Con buôn cửa Phạm gạt người thiện tâm,
Phải hiểu nghĩa thiền lâm cho rõ,
Các thinh âm chẳng có cửa không.
Bớt điều sắc tướng huờn vong,
Bớt điều tà mị nhọc lòng Phạn nương.
Bớt các lẽ người đương mê tín,
Nhập tịnh gia cậy lịnh Thích Ca.
Bớt điều làm sãi bó ma,
Đưa linh lại mượn có nhà minh sanh.
Bớt mọi lẽ giựt giành bói phược,
Lấy vu lan đặng được ấm no.
Bớt kinh bớt xá dâng thơ,
Mã môn con hát giả đò khỏi khiên.
Bớt dâng Phật, phế quyền Địa Ngục,
Bớt đồ mưu lấy phúc Di Đà .
Bớt phương giải nạn tầm ma,
Lập nên danh phận con nhà quỉ tăng.

(21-1-1932)
GỞI THÁI THƠ THANH
Anh khá nhận lời răn của Phật,
Lấy từ bi dìu dắt sa môn.
Phật tăng như xác không hồn,
Đưa câu cứu khổ làm môn độ đời.
Anh nên mở cho rồi Cực Lạc,
Lập phương tu cho các chư sơn.
Tùng theo chơn pháp Chí Tôn,
Đường tu cửa Phật may huờn như xưa.
Em nói rõ cho vừa anh hiểu,
Buộc thiền lâm sùng kiểu Tam Kỳ.
Phép mầu hai chữ Từ Bi.
Em xin kiếu

Lục Nương.
LỤC NƯƠNG KÍNH TẶNG :
Lục lạc khua rang cả Ngũ châu,
Nương chi vật chất phải ưu sầu.
Kính xin tỉnh giấc lo tu sớm,
Tặng quyết cầu ân cởi ách sầu.

THƠ VỊNH :
Cô Lục Nương phướn tiêu diêu nắm,
Để truy hồn say đắm biển mê.
Cõi Kim Thiên, khổng tước kề,
Hữu căn tiếp dẫn hồn về Tây phương.

H.P

TIẾT VII

LỄ - THẤT NƯƠNG
(Thủ bối : Liên Hoa)

 

Lễ bái thường hành tâm đạo khởi,
Nhân từ tài thế tử vô ưu.
Ngày xuân gọi thế hảo cừu
Trăm duyên phước tục khó bù buồn Tiên.

THÍCH NGHĨA :

Cúng lạy thường ngày thì đạo trong tâm khởi hiện.
Người hiền đủ tài đức ở đời thì khi chết không biết lo âu.
Ngày còn thuở con gái (thanh xuân) gọi như thế là một oán hờn tốt.
Dù duyên nợ được trăm phước ở cõi tục cũng không bằng cái buồn ở cõi Tiên. Nghĩa là cái trăm vui ở cõi trần gian không sánh nổi cái u buồn ở cõi trên, tức là cái buồn ở Thượng giới vẫn vui hơn trăm lần vui ở hạ giới.
GIẢI NGHĨA :
Bài này tả tâm sự của cô Vương Thị Lễ. Cô được sanh ra trong một nhà quan, khi bị bệnh trầm kha. Thân mẫu của Cô nói ai cứu được thì gả Cô cho người ấy. Nào ngờ, khi Cô được thầy thuốc chữa lành bịnh, mẹ cô quên lời hứa cũ. Còn Cô thì vẫn âm thầm thương nhớ vị lương y "Ngày xuân gọi thế là hảo cừu". Nhưng sau nhờ tu luyện "Lễ bái thường hành", Cô đắc đạo mới rõ "Trăm duyên phước tục chẳng bù buồn Tiên".
Cô là Thất Nương có bổn phận độ người theo đạo. Cô là người đầu tiên dẫn dắt các Thiên sứ theo Đạo mới và lập Đạo mới, nên tượng thờ Cô, trên tay có cầm hoa sen.
SỰ TÍCH :
Cô Vương Thị Lễ sanh năm 1900 tại Chợ Lớn, con ông Vương Quan Trân (anh ruột giáo sư Vương Quan Kỳ) và bà Đỗ Thị Sang (con gái của ông Tổng đốc Đỗ Hữu Phương).
Nhà họ Đỗ sanh con khó nuôi, nên phải ra tận Huế thỉnh lư hương của Bà Cửu Thiên Huyền Nữ (tức Phật Mẫu) về thờ để mong phò hộ. Nhờ đó cô Vương Thị Lễ được nuôi lớn. Nhưng đến năm 18 tuổi Cô "phủi nợ xuống tuyền đài".
Theo lời của Đức Hộ Pháp thuật lại thì tiền kiếp của cô Lễ là một vị công chúa, con một vị vua. Trong triều có một vị quan yêu cô, nhưng vì môn đăng hộ đối không lấy được cô nên vị quan bị thất tình mà chết.
Đến kiếp này, cô đầu thai vào gia đình họ Vương, đang theo học trường Sainte Enfance đến trình độ Brevet Elémentaire (Trung học Pháp), có nhiều danh gia vọng tộc đi hỏi cưới mà cô không chịu, thì Cô mắc phải bệnh ngặt nghèo, chạy đủ thầy mà không hết. Thân mẫu cô mới truyền rao ai cứu được cô thỉ gả cho người ấy.
Lúc đó có một ông thầy thuốc tây, học ở Hà Nội (Médecin Indochinois) mới bổ lên Saigon. Gia đình cô rước đến chữa khỏi bịnh cho cô. Cô biết vị lương y nầy là ông quan trẻ thầm yêu cô trước kia vì "nợ ba sinh" mà hai người cùng đầu kiếp để nên nghĩa vợ chồng.
Song, thân mẫu Cô quên lời hứa, chỉ trả tiền cho thầy thuốc rồi thôi. Riêng cô vẫn giữ dạ keo sơn rồi trở bệnh cho đến chết. Thế nên, đêm 30-7-1925, khi ba Thiên sứ Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang, họp nhau xây bàn tại nhà ông Cao Hoài Sang thì cô giáng bàn cho thi.

THI
Nỗi mình tâm sự tỏ cùng ai ?
Mạng bạc còn xuân uổng sắc tài.
Những ngỡ trao duyên vào ngọc các,
Nào dè phủi nợ xuống tuyền đài.
Dưỡng sinh cam lỗi tình sông núi,
Tơ tóc thôi rồi nghĩa trúc mai.
Dồn dập tương tư quằn một gánh,
Nỗi mình tâm sự tỏ cùng ai ?

Ký tên : Đoàn Ngọc Quế.

Ngài Cao Quỳnh Cư hỏi : - Hồi còn tại thế, xứ ở đâu ?
Cô đáp : - Ở Chợ Lớn.
Ngài Phạm Công Tắc hỏi : - Cô học ở đâu ?
Cô đáp : Học ở trường đầm.
Tên Đoàn Ngọc Quế chỉ là mượn tên của một người bạn thân với ông Cao Quỳnh Diêu, mục đích tạo hiếu kỳ cho các ông ham tìm hiểu để dẫn dắt vào đường Đạo. Ba ngài đều có hoạ bài thi trên.
Cũng đêm đó, ngài Cao Quỳnh Cư hỏi cô bịnh gì mà chết, cô đáp bằng hai bài thi sau :

THI
Trời già đành đoạn nợ ba sinh,
Bèo nước xẻ hai một gánh tình
Mấy bữa nhăn mày lâm chước qủi,
Khiếm ôm mối thảm lại Diêm đình.

Người thì ngọc mã với kim đàng,
Quên kẻ dạ đài mối thảm mang
Mình dặn lấy mình, mình lại biết,
Mặc ai chung hưởng phận cao sang

Một tối thứ bảy, (8-1925) trong lúc các Ngài Cư, Tắc, Sang xây bàn, cô nhập bàn. Các ngài xin kết nghĩa làm anh em. Cô bằng lòng và gọi :
- Ông Cư là Trưởng ca
- Ông Tắc là Nhị ca
- Ông Sang là Tam ca
Còn cô là Tứ muội ( em gái thứ tư).
Nhờ kết nghĩa anh em, các ông bèn gạn hỏi tên thật. Cô mới gỏ bàn viết ba chữ "VTL". Cô còn chỉ rõ ngôi mộ của cô hiện ở khu Bà Lớn ( gần Ngã bảy ngày nay). Sáng chúa nhật, các ông rủ nhau đi tìm, tìm thấy mộ cô xây gạch rất đẹp, nơi nhà bia có khắc hình cô, dưới đề tên Vương Thị Lễ. Các ông mới khấn vái mời cô về nhà nhập bàn hỏi chuyện. Khi các ông đem bàn ra cầu, cô nhập bàn xác nhận các ông tìm đúng mộ của cô.
Đến 18-8-1925, Cô Lễ giáng bàn, các Ngài hỏi rằng :
- Em còn chị em nào nữa biết làm thi, xin cầu khẩn đến dạy ba anh em qua làm thi.
Cô Lễ nhịp bàn trả lời :
- Có chị Hớn Liên Bạch, Lục Nương, Nhứt Nương làm thi hay lắm. Ba anh muốn cầu thì ba anh phải ăn chay mới cầu được.
Cũng vào tháng 8 năm đó, thiết đàn xây bàn, các Ngài được Cô Lễ báo tin có một Đấng đến tiếp xúc :

THI
Ớt cay cay ớt gẫm mà cay,
Muối mặn ba năm muối mặn dai.
Túng lúi đi chơi nên tắp lại,
Ăn bòn chẳng chịu tắp theo ai.

A-Ă-Â.

Đến ngày 25-8-1925 (8-8-Aát Sửu), Đấng A Ă Â dạy ba Ngài vào rằm tháng 8 thiết tiệc chay thỉnh Đức Phật Mẫu và Cửu Vị Tiên Nương đến dự tiệc. Đó là lễ Hội Yến Diêu Trì (xem ở trước) mà về sau, hằng năm Toà Thánh Tây Ninh đều có tổ chức.
Sau đó, các Ngài xây bàn, Đấng A Ă Â giáng cho thi, rồi đến Đức Phật Mẫu, Cửu Vị Tiên Nương, mỗi vị đều giáng cho một bài mà ngày nay hằng năm thài để hiến lễ vào dịp Hội Yến. Những bài mà sách nầy dùng làm cơ bản để truy nguyên lai Cửu Vị Tiên Nương. Riêng Lục Nương thì giáng cho thêm một bài (Xem Đại Đạo Sử Cương , quyển I trang 35) và cô cũng cho biết cô Vương Thị Lễ là Thất Nương Diêu Trì Cung.
Tóm lại, chính cô Vương Thị Lễ, lúc đầu dùng văn chương tình tứ để dẫn dắt 3 vị Thiên sứ theo Đạo mới, sau nghiêm khắc buộc các Ngài ăn chay cầu Đạo, rồi giới thiệu với Đấng A Ă Â (tức Đấng Chí Tôn), Đức Phật Mẫu và Cửu Vị Tiên Nương. Ta phải nói công đầu khai mở Đạo Cao Đài là công của Thất Nương. Cô còn phổ độ hầu hết chúng sanh vùng Sài gòn, Chợ Lớn, Gia Định theo Đạo.

THI VĂN DẠY ÐẠO

1. VIẾNG CỐ NHÂN :
Lừa dịp đình chơn viếng cố nhân,
Cảm tình trông đợi, dạ ân cần.
Chầy ngày tuy chẳng thăm nhau đặng,
Mà tấm lòng kia vẫn luống gần.

2. GIẢI THI QÚI CAO.
Ngày 27-11-1925, Quí Cao giáng cho thi :
Tử sanh dĩ định tự thiên kỳ,
Tái ngộ đồng hoan hội nhứt chi.
Bắc Nguỵ quan vân tâm mộ hữu,
Giang Đông khán thụ lụy triêm y.

Hôm sau, Thất Nương giải nghĩa 2 câu chót :
"Khi Như Hoành ở Bắc Nguỵ đi thuyết chiến bên Giang Đông gặp Bạch Hàm thì tâm đầu ý hợp kết làm anh em. Khi Như Hoành về Nguỵ thì anh em khó phân ly, Như Hoành than rằng:
- Bắc Nguỵ văn thiên thụ.
- Giang Đông nhứt mộ vân. Bạch Hàm đáp.
Nghĩa là :
- Ngó Bắc Ngụy, ngàn câu đưa tiếng bạn,
- Nhìn Giang Đông thấy khóm mây vẽ hình anh.

3. MỪNG THAY !
Đã cùng nhau trót mấy lời giao,
Cách mặt mà lòng chẳng lãng xao.
Đàng đạo càng đi càng vững bước,
Cõi Thiên sau ắt hội cùng nhau.

Một nhà vầy hội rất mừng thay,
Đạo Thánh từ đây đặng vẹn ngay.
Một bước một đi đường một tới,
Lòng thành xin trọng thấu Cao Đài.

(22-12-1925)
4. CHO ÔNG CHẤN :
Hồ thủy vẫy vùng đáng phận trai,
Trời chiều nay đã rạng cân đai.
Gành Nam nếu đặng người tên tuổi.
Đất Bắc mừng an bước lạc loài.
Lộc nước gắng đền công chín tháng,
Nợ nhà tua vẹn gánh hai vai.
Qui điền có lúc phong trần rảnh,
Đinh sắt một lòng chí chớ lay.

(21-12-1925)

5. Ngày 13-11-1925, ba Thiên sứ trách Cô Thất Nương không nói thật thiên cơ, Cô giáng cho thi :

Người vô tình, kẻ bạc tình,
Ba anh chẳng nghĩ nghĩa đồng thinh.
Đặng chim trách kẻ toan quên ná,
Buồn bực cho đây vẫn một mình.

Thử lòng tri kỷ đó mà thôi,
Tương ngộ có hơn bảy tháng rồi.
Yêu mến một lòng đây biết rõ,
Thuỷ chung đâu để hổ cùng lời.

Ba ông Cư, Tắc, Sang nói :
- Anh trách sao em không nói thật A Ă Â là ông Trời, em thấy ba anh như mù, em cứ gạt hoài.
Thất Nương đáp :
- Trời là Trời, em là em. Em rõ biết nhưng không dám lậu, nay ba anh đặng biết vậy em mừng.

6.THẤT NƯƠNG KÍNH TẶNG :
Thất thế náo thân chớ tưởng lâu,
Nương cùng quí vị chỉ đường cầu.
Kính đem đến tận bờ dương liễu,
Tặng nghĩa đài sơn kẻ chực chầu.

(2-9-1942)
7. THƠ VỊNH
Cầm hoa sen Thất Nương nguyện rỗi,
Cõi Hạo Nhiên mở lối vĩnh tồn.
Âm quang nhiệm vụ độ hồn,
Tái sanh Vương đạo Chí Tôn siêu phàm.

8.ÂM QUANG LÀ GÌ ?

Tiếc thay em có dặn trước ngày em đến, đặng hội hiệp đông đủ cùng nhiều chị, nhưng phò loan trể nãi, nên em không phương gặp đặng, nhất là về việc Diêu Trì Cung bị mượn danh nơi khác mà dối gạt nhơn sanh. Cái hại ấy vốn chẳng vừa về phần tín ngưỡng. Chớ chi thất tại tà quyền, thì có mấy em trừ khử, nhưng tại nơi đồng tử thì mấy em không phương giải nạn cho mấy người mê tín.
Thưa cùng mấy chị, em xin nhắc nhở điều nầy :
Ngày hội Ngọc Hư đặng lo phương tiếp pháp của Tây phương Cực Lạc qua, em đã đặng nghe thấy những lời của Địa Tạng Vương Bồ Tát than thở rằng : Ngài là Phật nên khó gần gũi các hồn Nữ phái mà khuyến giáo cơ giải thoát mê đồ. Bởi cớ nơi Âm quang, nữ hồn còn bị luyện tội nhiều hơn Nam phái bội phần. Em lại nghe Người ước rằng : chớ chi có một đấng Nữ Tiên dám đảm đương đến phổ tế mới mong tận độ chư vong của Phong đô thoát kiếp. Em mới để dạ lo lường cả lòng lẫn ái đến đó; em đã chán thấy nhiều tội tình chẳng trọng hệ, song có hồn chịu sầu thảm lạ thường. Em đã liệu nhiều phương thế cho từ đây mấy chơn hồn có bề dễ tránh khỏi cửa Âm quang hãm tội.
Em nên nói rõ âm quang là gì trước đã, rồi thì mấy chị mới hiểu đặng.
Âm quang là nơi Thần Linh Học gọi là nơi Trường đình của chư hồn giải thể hay nhập thể. Đại Từ Phụ đã định nơi ấy cho Phật gọi là "Tịnh Tâm xá" nghĩa là nơi của chư hồn đến đó đặng tịnh tâm, xét mình coi trong kiếp sanh bao nhiêu phước tội. Vậy thì nơi ấy là nơi xét mình. Chớ chi cả nhơn sanh biết xét mình trước khi thoát xác, thì tự nhiên tránh khỏi Âm quang. Nói cho cùng, nếu trọn kiếp, dầu gây lắm tội tình, mà phút chót biết ăn năn tự hối, cầu khẩn Chí Tôn độ rỗi, thì cũng lánh xa khỏi cửa Âm quang, lại còn hưởng đặng nhiều ân huệ của Chí Tôn, là các chơn hồn đặng tự hối hay là đặng giáo hoá mà hiểu trọn chơn truyền lập phương tự độ, hay là con cái của các chơn hồn cầu rỗi.
Ôi ! Tuy vân, hồng ân của Đại Từ Phụ như thế mà vẫn thấy các chơn hồn sa đoạ hằng hà, mỗi ngày xem chẳng ngớt, là tại thiếu kém đức tin và lòng trông cậy nơi Thầy; đó là mấy Đạo hữu tín đồ bị thất thệ. Em trông thấy bắt đau lòng, phái Nữ lại là phần đông hơn heat
. (Ngày 9-4-Giáp Tuất).

9. TẶNG THANH SƠN :
Tài Thanh Sơn, trí Thanh Sơn !
Câu văn tuyệt bút vẽ nên hờn.
Giục lòng chí sĩ chưa vừa sức,
Múa bút thần tiên đủ chấp quờn.
Dệt thảm lê dân Trời cám cảnh,
Thêu sầu xã tắc Đất kinh hồn.
Nắn nhồi trí sĩ thành linh khí,
Rèn chất anh thư đắp lũy đồn.

10. TÌNH ÁI :
Người tình ái lòng thương như biển,
Cả nước non hoà tiếng yêu đương.
Thương hồi gió lá đương sương,
Thương chim đổ cội, thương tường che hoa.
Thương tiếng dế như hoà khóc bạn (nhạn),
Thương hơi cây gió thoáng reo đờn.
Thương bầy thú nhẩy đầu sơn,
Kết đôi chẳng hiểu tiếng hờn chia bâu.
Thương sông chảy như rầu nhăn mặt,
Thương gành khuya như bắt cầu Lam.
Thương con thuyền bá nương buồm,
Thương dòng nhi nữ chứa hờn Tương giang.
Thương gió lạnh mây tan Trời rạng,
Thương muôn sao nhấp nhoáng bóng khuya.
Thương mưa đổ giọt châu ria,
Cỏ cây như nước chan hoà đầm xuân.
Thương đến chốn gọi rừng Trước tử,
Chứa hiền xưa đặng giữ Đạo Trời.
Thương công ngư phủ đầm khơi,
Đò nhơn rước khách lập đời an nguy.
Thương vạn vật cũng bì đồng loại,
Thương nhơn sanh chẳng mõi lòng thương.
Thương người lạc bước lỡ đường,
Tìm chơn Cung Tốt, lạc đường Bích Cung.
Thương các Đấng anh phong vị chủng,
Thương những trang bỏ sống vì nhà.
Thương luôn mả ủ thân ma,
Cốt căn bao Đấng san hà gây nên.
Thương cửa Khổng chẳng bền mối Đạo.
Thương nhà văn khó bảo cơ văn.
Đòi phen nắm viết muốn quăng,
Đề danh chẳng kể đáng bằng ghi tên.
Thương những kẻ vì hiền khổ phận.
Cửa tang du khó lấn đầu hiên.
Thương người đeo thảm chuốc phiền,
Nỗi duyên lỡ dỡ hương nguyền lạnh tanh.
Thương những kẻ ôm dành cả nghĩa,
Thương cho người cửa tía cầu ô,
Bán thân vì chút từ cô,
Đem duyên mà đổi liễu bồ buôn may.
Thương nỗi bạn hằng ngày trông bóng.
Kiếm người thương những ngóng tin sương.
Tuyết khuya bủa lạnh then giường,
Gối chăn chia nửa, bước đường lạnh tanh.
Thương nghe dế năm canh trổi giọng,
Tưởng như dường ướm gióng dây loan.
Thương ai thổn thức canh tràng,
Vô phòng phòng vắng, vén màn màn côi.
Thương cho kẻ ngậm ngùi lỡ phận,
Tìm kiếm đôi lại vấn vương oan.
Thương người lánh tục tìm nhàn,
Trễ chơn mà bị phụ phàng tình duyên.
Thương người giữ chẳng bền danh tiết,
Vì thương nên khó biết trong mình,
Thà cam chết sống với tình,
Chia tay chẳng chịu sớm đành phụ nhau.
Thương Trời rạng lao xao cánh nhạn,
Đến đưa tin cửa Hớn Chiêu Quân.
Thương người lạc bước phong trần,
Đem thân Hồ Hớn bỏ phần tơ duyên
Thương người những chờ thuyền biển ái,
Bồng con thơ ngần ngại trông chồng.
Tấm trinh đổi mặt non sông,
Đành đem thân đá hẹn cùng tuyết sương.
Thương mây toả như dường vẽ bóng,
Chức Nữ kia ngồi ngóng Ngưu lang.
Trông vời cánh thước nhộn nhàng,
Cầu ô chẳng đến lấp đàng hiệp đôi.
Thương Cung Quảng, Hằng ngồi ngó bể,
Đợi tin chàng Hậu Nghệ đến thăm.
Thương ai mến trộm nhớ thầm,
Lựa duyên chẳng chịu ôm cầm thuyền ai.
Thương Tô Huệ hằng ngày dệt gấm,
Dâng tấm trinh vào tận đền rồng.
Thương người chịu nhục cùng chồng,
Dầu xa ân ái còn nồng nghĩa nhân.

(1933)

TIẾT VIII

HỒ HỚN - BÁT NƯƠNG
(Thủ bối : Hoa Lam)

Hồ Hớn hoa sen trắng nở ngày,
Càng gần hương đẹp lại càng say.
Trêu trăng hằng thói dấu mày,
Cợt mây tranh chức Phật đài thêm hoa.

THÍCH NGHĨA :
Cái hồ ở nhà họ Hớn bông hoa sen trắng nở ban ngày; càng đến gần hương hoa lại càng thơm ngát, như trêu cả mặt trăng núp bóng mây (vì trăng sáng láng đẹp đẽ nhưng thiếu hương thơm như sen). Cả áng mây, sen cũng lướt qua mà lên chốn Phật đài (thêm hoa là thêm chơn linh đắc quả).
GIẢI NGHĨA :
Bài này tự vịnh phong các của cô Hớn Liên Bạch (sen trắng). Hồ là họ kiếp sau của cô. Cô cho rằng trong các loài hoa chỉ có hoa sen thanh cao, tinh khiết và đẹp nhất. Ca dao VN có câu :
"Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng"

Trăng và mây là hai thể tinh vân : một đàng vằng vặc soi sáng khắp thế gian; một đàng bồng bềnh trôi nổi. Thế mà đối với sen (đối với cô Hớn Liên Bạch) cũng phải thẹn, cũng phải nhường bước. Quả thật Cô là một nhà uyên bác, nhà tư tưởng và triết lý gia của Đạo Cao Đài. Chỉ một bài kinh Phật Mẫu, cô giáng cho hàm súc đủ bản nguyên tư tưởng của Đạo Cao Đài; Vũ trụ quan, Nhân sinh quan, triết lý tôn giáo, con đường cứu rỗi, v..v…
Trong cõi Hư Linh, cô điều khiển cơ huyền vi giáo hoá các linh hồn mê muội trong cõi vật chất mà độ rỗi họ, đồng thời đưa các đẳng linh hồn vào cõi Phi Tưởng Thiên mà hoá vị.
SỰ TÍCH :
Bà Bát Nương xuống trần vào đời Tiền Hán ; trước thời Vương Mãng phản triều đình. Bà tên thật là Hớn Liên Bạch mà cô Thất Nương hằng giới thiệu và kính nhường là thi thơ hay nhất. Bà có tài văn chương, tính người thẳng thắn, mực thước. Bà vì bất bình trước việc bất trung của Vương Mãng mà xui khiến chư hầu và các tướng tá giúp nhà Hán triệt hạ Vương Mãng.
Song đến thời Hậu Hán, khi Lưu Tú lên ngôi, sai Tô Định và Mã Viện sang xâm lược nước ta, Bà lại bất bình kẻ mạnh hiếp yếu nên chuyển kiếp sang Việt Nam chống lại nhà Hậu Hán, với họ Hồ để che mắt người đời.
Bà giáng sinh trong nhà Hồ Công An ở Đông Cao, tên là Hồ Đề, hàm ý "Hồ Đề kháng Hớn" (Cô Hồ chống nhà Hớn). Cô Hồ có sức khoẻ hơn người, đã bắt được ngựa dữ lúc còn ít tuổi. Tô Định hay tin nầy, phái sứ giả tới đòi. Hồ Đề tát tai tên quan. Thân phụ cô lo sợ sanh bệnh rồi mất. Cô cùng mẹ đến động Lão Mai ẩn náo, ngày ngày cưỡi ngựa bán muối. Nhờ đó cô Hồ Đề biết trong số 72 động chúa, quá nửa đều bất bình với giặc Hán.
Sau cô bắt được voi trắng, dân 72 động tôn cô là "Vua Thiên Sứ" (Thái Nguyên), coi cô là Tiên Nữ giáng trần. Danh tiếng cô bay khắp các châu quận, ngày càng có nhiều hào kiệt đến xin theo. Khi hay tin Hai Bà Trưng tụ nghĩa ở Mê Linh, Hồ Đề cầm cờ xanh (màu Tiên), cỡi voi trắng (voi thần) cùng 2000 nghĩa binh miền núi về Mê Linh hội quân. Hồ Đề được phong chức Phó Nguyên soái, đứng đầu hàng nữ tướng, ngang chức với Bà Trưng Nhị. Hồ Đề ra trận nào thắng trận ấy, có lần đuổi Mã Viện chạy dài ở Cao Bằng.
Sau khi Hai Bà Trưng tử tiết, (năm 43 sau Tây Lịch) , Hồ Đề một mình chống giặc, cô mở đường chạy tới bờ sông Nguyệt Đức và hét to lên một tiếng, nước rẽ làm hai đón cả người lẫn voi. Cô Hồ Đề đã trở về cõi Trời. (Nữ Tướng thời Trưng Vương, Hà Nội 1977).
Cô là Bát Nương, có bổn phận bảo hộ và phổ độ dân Trung Hoa (lúc là Hớn Liên Bạch) và người Thượng, đồng bào ít người ở nước ta theo Đạo mới.

THI VĂN DẠY ÐẠO

Bát Nương là tư tưởng gia, triết lý gia của Đạo Cao Đài. Bài kinh Phật Mẫu bà giáng cho bằng chữ Hán ở Nam Vang (Phnom-Pênh) đã minh chứng rõ.
1.QUAN NIỆM VỀ VŨ TRỤ :
"Thập thiên can bao hàm vạn tượng,
Tùng Địa chi hoá trưởng càn khôn".

Đây là bản dịch lý từ thời Phục Hy đến lúc nhà Chu thống nhất, Hư vô sanh Thái cực, Thái cực sanh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sanh Tứ tượng, Tứ tượng sanh Bát Quái, Bát quái biến hoá ra Càn khôn Vũ trụ.

2.QUAN NIỆM VỀ NHƠN SINH :
"Thiên cung xuất vạn linh tùng pháp,
Hiệp Âm Dương hữu hạp biến sanh"
"Càn khôn sản xuất hữu hình,
Bát hồn vận chuyển hoá thành chúng sanh".

Bát hồn là Kim thạch hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầ

bát hồn, Nhơn hồn, Thần, Thánh, Tiên, Phật, gọi chung là chúng sanh, đồng thời chỉ các thời kỳ tạo lập vũ trụ. Khởi tiên, Đức Chí Tôn tạo ra đất đá, kế đến cây cối, chim muông, cuối cùng là con người ( Xem Đại Đạo Lý Giáo)
Hội Kim Bàn chưởng quản Bát Cảnh Cung ở Thượng giới, là nơi qui định rõ đoạ thăng của Bát hồn để đưa xuống đầu kiếp ở hạ giới.

3. CON ĐƯỜNG CỨU RỖI :
"Cộng vật loại huyền linh đồ nghiệp,
Lập tam tài định kiếp hoà căn.
Chuyển luân định phẩm cao thăng,
Hư vô Bát quái trị thần qui nguyên.
Diệt tục kiếp trần duyên oan trái,
Chưởng đào tiên thủ giải trường tồn.
Nghiệp hồng vận tử hồi môn,
Chí Công định vị vĩnh tồn Thiên cung".............
"Trùng huờn phục vị Thiên môn,
Nguơn linh hoá chủng quỉ hồn nhứt thăng.
Vô siêu đoạ hoả căn hữu pháp,
Vô khổ hình nhơn kiếp lưu oan.
Vô Địa ngục,vô quỉ quan,
Chí Tôn đại xá nhứt trường qui nguyên".

Quả thật : "Hữu duyên mới gặp Tam Kỳ Phổ Độ; muôn đời còn tử thủ lưu danh". Ai vào Đạo, dù nguyên nhơn, hoá nhơn hay quỉ nhơn (của các thời kỳ phổ độ trước còn lại) đều "định phẩm cao thăng" không có địa ngục với cai quỉ tra khảo vì Chí Tôn đại xá cho dự Hội Bàn đào trường sinh bất tử "vĩnh tồn Thiên cung" nơi cõi Thiêng liêng Hằng sống.

4. TRIẾT LÝ VỀ TÔN GIÁO :
"Kỳ khai tạo nhứt linh đài,
Diệt hình tà pháp cường khai đại đồng.
Hiệp vạn chủng nhứt môn đồng mạch,
Qui thiên lương quyết sách vận trù.
Xuân thu, Phất chủ, Bát vu,
Hiệp qui Tam giáo hữu cầu chí chơn"
...................................................
"Hội nguơn hữu Chí Linh huấn chúng,
Đại Long Hoa nhơn chủng hoà ki.
Tam kỳ khai hiệp Thiên thi,
Khoa môn Tiên vị ngộ kỳ Phật duyên".

Bà cho biết : Đạo Cao Đài mở ra hợp với sách trời để hiệp mọi sắc dân trên thế giới thành một, vì vốn họ từ cùng một Đấng Cha hiền sanh ra. Tuy giai đoạn đầu mới khai Đạo là qui Tam giáo cho hợp với mảnh đất phát sinh là VN, nhưng thật là hợp nhứt vạn giáo để khai Hội Long Hoa mà tuyển chọn Phật vị tức là những bậc hiền triết của nhơn loại.
Chỉ có bài Kinh Phật Mẫu mà Bà Bát Nương nói lên đầy đủ những nét cơ bản của Đạo Cao Đài từ vũ trụ quan, Nhân sinh quan, con đường cứu rỗi rồi đến Triết lý về tôn giáo.
5. NGOÀI RA BÀ CÒN ĐỀ RA NHỮNG TƯ TƯỞNG NHẬP THẾ HỢP VỚI CƠ PHỔ ĐỘ :
"Đại Đạo là cơ sanh hoá Càn khôn vũ trụ, tức là sự điều hoà của vạn vật hữu hình, thì chẳng riêng một sanh linh nào là không đứng vào vòng cao trọng ấy.
"Nay đã đến lúc Hạ nguơn, theo luật tuần hoàn, mọi đức tính của vạn linh theo thời gian bị vật thể hoá, khiến cho tinh thần lấm bụi hồng vì công danh, vì phú quí mà quên tình đồng loại, đang quằn quại dưới mọi đau thương. Tam Kỳ Phổ Độ khai đặng thức tỉnh mê đồ, lập nguơn Thánh đức" (11-1-Giáp Ngọ).
Hoặc :

"Hễ gặp người an bang tế thế,
Nên quì mà nghênh, lấy lễ đãi người.
Cổi thân ra mảnh áo tơi,
Che mưa đỡ nắng giúp người nguy nan."

Những bài thi văn dưới đây, tuy có tính tình cảm, nhưng vẫn phảng phất mùi triết lý dạy đời của bà Bát Nương :

6. TIỄN BIỆT TÌNH LANG :
Chia gương căn dặn buổi trường đình ,
Vàng đá trăm năm tạc tấm tình.
Bước rẽ ngùi trông cơn ác xế,
Lời trao buồn nhớ lối trăng thinh.
Ngày chờ mây án ngàn dâu khuất,
Đêm bặt đèn khuya một bóng nhìn.
Lần lựa cô phòng xuân thỏn mỏn,
Xa xuôi ai thấu nỗi đinh ninh.

(22-8-1925)
7. MỪNG THANH THUỶ :
Lửa lòng rưới tắt mượn nhành dương
Vì nghĩa sơ giao phải đến thường.
Còn gánh đồ thơ tua vẹn giữ,
Dứt dây oan trái chớ riêng thương.
Mừng nay Thanh Thuỷ giải dây oan, (*)
Đường Đạo từ đây bước vững vàng.
Tình ái nhành dương đem rưới tắt,
Nắm tay dìu lại cõi Tiên bang.

(22-12-1925)
~~~~~~~~~~~~~~~
(*) ( Thanh Thuỷ là bút hiệu của Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang )
8. MỪNG ÐẠI TỶ ( Đại tỷ là bà Đầu sư Hương Hiếu )
Nỗi phận vô duyên phận chẳng đành,
Trách ai mộ thói yến cùng anh.
Nương mây đợi mõi lòng tình ái,
Mượn ngọc trông ngơ tấm liệt trinh.
Vuốt dạ riêng đau người một cảnh ,
Dằn thương cố nhớ buổi chung tình.
Nhắn mưa gởi gió bâng khuâng để,
Một tấm tơ duyên đứt đoạn gìn.

(14-1-1926)
9. MỪNG BA ANH.
Chờ về vắng bặt tiết thu qua,
Tiếng nhạn kêu sầu tiếng thiết tha.
Vườn trước ngơ trông cây liễu rũ,
Non xưa chạnh nhớ bóng trăng tà.
Thi đề thảm lóng hơi oanh thán,
Cầm trổi buồn nghe tiếng dế hoà.
Dặm thẳng lương nhân xin khá gắng,
Đường dài nghĩa nọ dễ đâu xa.

(27-1-1926)
10. TAÏM BIỆT.
Động đình chạnh lúc tạm chia đường,
Bốn giọt nhìn nhau lối rẽ cương.
Trời thảm mây giăng muôn cụm ủ,
Biển sầu nước nhuộm một màu thương.
Cờ thần nhớ buổi vầy đôi bạn,
Tiệc ngọc nào khi hội nhứt trường.
Mượn vận lương nhân xin nhắn nhủ,
Vườn xưa tiếng nhạn luống kêu sương.

11. BÁT NƯƠNG DTC.

Chào quí anh quí chị, mời bình thân. Năm mới (Thánh ngôn Hiệp tuyển (quyển II) Tây Ninh 1966, trang 7 không thấy ghi năm, có lẽ năm Bính Mão) chùa mới, vạn sự đều mới, vậy em đến cầu chúc cho quí anh quí chị đặng những điều mới mẽ may mắn. Em cho biết, phàm mỗi năm, những vị nào trong ngày xuân biết lo phụng sự Thần, Thánh, Tiên, Phật thì công đức đặng xấp bằng hai lần ngày thường. Còn việc các Đấng phú thác cho mình, hoặc yêu cầu mình thi hành, nếu mình trọn tin mạng pháp thì các Đấng cũng ghi công cho. Nhược bằng mình không tuân hoặc trễ nãi thì các Đấng lại ghi tội cho. Muôn việc khởi đầu đều khó, nhưng cái khó mình lướt qua đặng mới có công, mới anh hùng, mới chí sĩ, mới đáng đạo sĩ. Qúi anh, quí chị đều ăn sung mặc sướng, nay đổi lại chịu phận nâu sồng, cũng khá thương đó. Nhưng chưa nghèo, phải học nghèo; chưa khổ phải học khổ; kế chí quân tử : "cư bất cầu an, thực bất cầu bảo", chỉ cặm cụi quanh năm lo cho xã hội được no ấm thôi, biết người quên mình, đó là phận sự kẻ tu hành. Đến bậc tối thượng thừa cũng phải như thế, mới tròn nghĩa vụ.
12. GIẢI VỀ ÂM QUANG :
Âm quang là khí chất hỗn độn sơ khai, khi Chí Tôn chưa tạo hoá, lằn khí ấy ở Diêu Trì Cung chứa để tinh vi vạn vật (Nghĩa là Bát Cảnh Cung chứa cốt tinh của Bát hồn để "vận chuyển hoá thành chúng sanh) tỷ như cái âm quang của phụ nữ có trứng cho loài người. Khi Chí Tôn đem dương quang ấm áp làm cho hoá sanh, thì cái khoảnh âm quang ( Khoảng Âm quang đây chỉ noãn của phụ nữ) phải thối trầm làm tinh đẩu là cơ quan sanh hoá vạn linh. Song lằn âm quang ấy có giới hạn, nghĩa là nơi nào có ánh linh quang của Chí Tôn ( Aùnh linh quang tức nơi nào không có ánh sáng thì không có sự sống theo khoa học) chưa chiếu giám đến, thì phải tối tăm mịt mờ, chẳng sanh chẳng hoá. Vậy thì nơi khiếm ánh thiêng liêng là Âm quang, nghĩa là Âm cảnh hay Địa ngục, Diêm đình của chư Thánh lúc xưa đặt hiệu. Vậy thì chính lời nhiều tôn giáo, nơi ấy là những chốn phạt tù những hồn vô căn vô kiếp, nhơn quả buộc ràng, luân hồi chuyển thế, nên gọi là Âm quang đặng sửa chữ Phong Đô Địa phủ của mê tín gieo truyền, chớ kỳ thật là nơi để cho các chơn hồn giải thân định trí (một nơi trung gian giữa Thiên đường và Địa ngục hay là mờ mờ mịt mịt).
Aáy là một cái quan ải, các chơn hồn khi qui Thiên, phải đi ngang qua đó. Sự khó khăn bước khỏi qua đó là đệ nhứt sợ của các chơn hồn. Nhưng tâm tu còn lại chút nào nơi xác thịt con người cũng nhờ cái sợ ấy mà lo tu niệm. Có nhiều hồn chưa qua khỏi đặng, phải chịu ít nữa đôi trăm năm, tuỳ chơn thần thanh trược. Chí Tôn buộc trường trai cũng vì cái quan ải ấy….Nếu để cho chơn thần ô trược thì khó mong trở lại cõi Thiêng liêng và về cùng Thầy đặng.
Em biết đặng nhiều hồn còn ở lại nơi ấy trót ngàn năm chưa thoát qua cho đặng. Thất Nương ở đó đặng dạy dỗ, nâng đỡ các chơn hồn, dầu sa đoạ luân hồi cũng có người giúp đỡ. Nghe lại coi có phải vậy chăng ?

13. MẦNG MẦNG :
Mầng nhau vì thấy giúp nên nhau
Mầng Đạo từ đây đẹp vẻ màu
Mầng xác Chí Linh thêm mãnh Lực
Mầng thần chơn lý đặng danh cao.
Mầng duyên nhơn loại đường tu vững
Mầng phước nguyên hồn chẳng chút hao
Mầng Đạo từ nay nâng thế giới
Mầng nền chánh giáo trở thanh cao.
(12-2-1933)
14. BÁT NƯƠNG KÍNH TẶNG :
Bát vu hành khất bửa mơi chiều,
Nương nưởng mình to giống kẻ thiêu.
Kính đến Tây phương tầm xá lợi,
Tặng tình đồng đạo phải đồng yêu.

(2-9-1942)
15. DẠY GIÁO SƯ HƯƠNG HỒ :
Thân phận phàm nhơn trược đã đành,
Chẳng vì nguyệt huyết kỵ anh linh,
Âm Dương Nam Nữ hoa trêu bướm,
Hoà ái tương sanh thuỷ nhập bình.
Tạo hoá ví tay sanh đảnh trí,
Chúng sanh nên mặt tạo khuôn hình.
Thợ Trời đâu dễ chê đồ tạo,
Tốt xấu sạch dơ tại miệng mình.

(1929)
16. MỪNG NGỰ MÃ
Đào nguyên lại trổ trái hai lần,
Ai ngỡ Việt thường đã thấy lân.
Cung đẩu vít xa gươm Xích quỉ,
Thiềm cung mở rộng cửa Hà ngân,
Xuân Thu định vững ngôi lương tể,
Phất Chủ quét tan lũ nịnh thần.
Thổi khí vĩnh sanh lau xã tắc,
Mở đường quốc thể định phong vân.

(1946)
THƠ VỊNH
Cô Bát Nương Hoa Lam tay xách
Nhiệm vụ còn độ khách hồng trần
Phi Tưởng Thiên tiếp chơn thần
Đẩu vân trở gót về gần cung Tiên
.
H.P
17. DAÏO ĐÀN CẢM-TÁC (21-2-1929)
Gượng khảy năm âm giải tấm lòng,
Nhắn đưa gió ái đến thu song.
Gióng dây lìa nhạn sầu nghiêng ngửa,
Dở ngón rơi loan thảm chập chồng.
Lầu phụng mơ màng nghe quyển địch,
Cung Tần văng vẳng lóng tơ đồng.
Chia đôi bóng nguyệt còn phân nửa,
Gối lạnh thương ai luống não nồng.

18. DẠY PHÁI NỮ (2-8-ĐINH HỢI 1947)
Thuyền từ đã xa vòng bể khổ,
Nương Chí Linh tế độ nhân gian
Tẻ vui lánh tục tìm nhàn,
Lợi danh là mộng, mơ màng huỳnh lương.
Lòng thương ví như đường hà hải,
Đem dung nghi làm giải trừ mê.
Nước non thảm khổ ê chề,
Đem thân mày liễu tô về giang san.
Niềm ân ái đã tràn sông lệ,
Nết xa hoa đã để miệng đời.
Cung hằng mang tiếng hổ ngươi,
Vì thân chưa phải nên người độ dân.
Ôm ấp mãi lấy phần nhi nữ,
Cửa công khanh đoán thử bao người.
Xem người ví biết hổ ngươi,
Rèn tâm tiết liệt cho đời soi gương,
Đừng quen theo sách lạ thường,
Đạo không nên đạo, đời không nên đời.
Hỡi ai có thấu ai ơi !

19. ĐỢI ANH TÀI :
Dường đợi thanh loan tới Hớn đài,
Tửu tiên chưa phỉ tỉnh cùng say.
Nghe danh ông Tắc, Y lìa ruộng,
Mến đức vua Nghiêu, Thuấn bỏ cày
Aùi vật Thành Thang quên dở ná,
Yêu dân Hạ Võ mặc hài gai.
Trông mưa đã đợi ba xuân mãn,
Cứu chúng hờn ai chẳng trổ tài.

(1928)
20. HOAÏ VẬN THƠ CAO LIÊN TỬ
Thu về thắm thoát kế thu qua,
Thu hỡi ! chừng nao định chánh tà ?
Thu đạm non Âu vừng ác xế,
Thu treo đảnh Việt bóng trăng già.
Thu còn nung nấu làn binh lửa,
Thu toả đìu hiu dặm hải hà.
Thu trước thu nầy bao kẻ biệt,
Thu sầu gượng nhắn khách đường xa.

21. HỎI KHÁCH TAO NHÂN :
Nhẹ bước nhàn du để vẻ hồng,
Sấn tay nước Việt dặm non sông.
Châu về đất Bắc dời Kim Khuyết,
Ngọc rạng thành Nam chuộc ải đồng.
Mở lối Đài vân mời trí sĩ,
Dọn đàng Hồng Lạc dắt anh phong.
Động đào quen thú mai chiều ngắm,
Hỏi khách tao nhân có mặn nồng ?

22. KHÔNG ĐÁNG PHẬN :
Không đáng phận xôn xao làm quá phận
Không tài ba lại trổ mặt trí mưu.
Hèn ganh sang, gây lẽ nghịch thù,
Dở làm giỏi, đồ mưu làm phản phúc.
Dây oan nghiệt bởi lòng tư dục,
Kết oán thù vì chút đỉnh chung.
Ngoài mặt đời ít kẻ vẫy vùng,
Ra tuồng thế những phường phản loạn.
Kìa từ trước phế vua hại bạn,
Gẫm đời đâu tên choán sử xanh.
Cũng là do kế giựt mưu giành,
Giành thế lực, giành danh, giành quyền lợi.
Giương xấu để mặt đời chê gợi.
Đều cũng do khôn với ngu mưu.
Hễ đồ vương thiên hạ lại ưa,
Nếu sánh trộm cướp cũng chưa chi lạ.
Có thế thường nên nghiệp cả,
Không quyền hành dối trá nghèo hèn.
Cái cơ đời lắm kẻ từng quen,
Biết bụng thế lại xem vắng khách
Đời đã đóng thành tuồng thành sách,
Dạy cho tường hắc bạch màu tương.
Thương cho đời khổ não đoạn trường,
Chẳng khác kẻ oan ương biển thảm.

(1928)
23. TẢ CHÍN VỊ TIÊN NỮ :
Một mày liễu trong ngần đoá ngọc,
Hai má đào trọng lọc tiết trinh
Mảnh thân trọn hiếu thâm tình
Phải hình thục nữ, phải gìn căn Tiên.
Ba yểu điệu thuyền quyên vóc hạc,
Bốn mỹ miều đài các trâm anh.
Khi vui bóng nguyệt rọi mành,
Khi dòng bích thuỷ, khi cùng hoa xuân.
Năm phận gái hồng quần đáng mặt,
Sáu vẹn toàn quốc sắc thiên hương
Ra vào phụng trướng loan đường.
Vào ra ngọc các cẩm tường xem hoa,
Bảy trau chuốt thân ngà mặt ngọc,
Tám, chín phần rèn sức nữ nhi.
Chung lo mối đạo Tam Kỳ,
Giúp nhà Nam chóng kịp thì Long Hoa.

BÁT NƯƠNG
(25-4-Canh Dần)
24. DẠY LÀM THI VĂN

Vì lòng ngưỡng vọng của chư đạo huynh nên lịnh Nương Nương cho em đến hầu chuyện.
Chư đạo huynh lo về đạo đức mà không năng trau luyện quốc văn và thi văn. Văn chương là hồn nước, mà hồn nước tất là vận mạng tương lai của nhơn sanh. Văn chương dồi mài cho tinh xảo thì ý kiến mới cao xa, mới có thể nâng đỡ hồn nước lên cao trọng được.
Mấy đạo huynh có thể học hỏi nhau mà trau dồi văn chương vì có Đức Từ Bi cùng chư Tiên thường dạy dỗ, nếu bỏ qua dịp tốt thì lấy làm uổng. Mấy anh nên lưu tâm.
Nhàn Âm Đạo Trưởng đã gieo một phần quí trọng trong nền văn, ấy là bước đầu để dẫn mấy đạo huynh đó. Nếu có chí, do theo đó mà tập tầm thì cách thức cùng câu văn cũng trở nên thâm thuý như vậy đặng…
(18-10-1927)

TIẾT IX

KHIẾT CỬU NƯƠNG
(Thủ bối : Ống tiêu )

Khiết sạch duyên trần vẹn giữ
Bạc Liêu ngôi cũ còn lời.
Chính chuyên buồn chẳng trọn đời,
Thương người noi Đạo, Phật Trời cũng thương.


THÍCH NGHĨA :
Duyên nợ ở cõi trần quyết giữ tròn trong sạch.
Ở Bạc Liêu còn truyền thuyết về ngôi: "Bà Chúa Xứ". Nhưng tiếc chẳng trọn đời với vua chồng, nên lấy sự chính chuyên thương chồng để thương dân miền Hậu Giang, đến khi qui vị, Đức Chí Tôn cũng rộng lòng háo sanh cho thành chánh quả.
GIẢI NGHĨA :
Bài này diễn tả tâm sự của Bà Chúa Xứ Chân Lạp. Bà được dân Hậu Giang, nhất là dân Bạc Liêu ca ngợi công đức mở đất giúp lưu dân. Chẳng ngờ, vua Chân Lạp, chồng bà mới chung sống được 8 năm thì qua đời, Bà chỉ còn niềm vui là lo giúp lưu dân Việt Nam đến làm ăn vùng đất mới, sau khi qua đời cũng đắc quả Cửu Nương.
Bà nắm cơ huyền vi xây chuyển, thế hữu hình biến dạng, từng địa hạt văn chương, thi phú, cầm kỳ, bá nghệ mỹ thuật đều nhờ sự điều khiển khai đuốc linh quang cho từng chúng sanh (theo Thánh giáo).
SỰ TÍCH :
"Bạc Liêu ngôi cũ còn lời" tức là chuyện của bà không được lịch sữ ghi rõ mà chỉ còn truyền miệng. Cô Cao Thoại Khiết chỉ là hậu thân của Công chúa Ngọc Vạn.
Lịch sử Bà Ngọc Vạn Công Chúa cũng không rõ ràng. Từ thế kỷ 17, có nhiều người Việt Nam đến đất Chân Lạp (miền Biên Hoà, Bà Rịa ngày nay) để vở đất làm ruộng. Lúc ấy, vua Chân Lạp Chey Chetta II cũng muốn tìm một đối lực chống lại Xiêm La nên đã xin cưới con chúa Hy Tông. Năm 1920, Chúa Nguyễn gã công chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp. Vậy bà Ngọc Vạn trở thành "Bà Chúa xứ Chân Lạp".
Bà đã đem nhiều người Việt Nam đến đất mới Oudong, có người được cất nhắc giữ chức hệ trọng trong triều. Năm 1628, Chey Chetta II mất, bà Ngọc Vạn thủ tiết thờ chồng.
"Chính chuyên buồn chẳng trọn đời".
Năm 1658, vì ghét người con ghẻ là vua Nặc Ông Chân lấy vợ người Mã Lai và lúc nào Bà cũng nghĩ bà phải là "Bà Chúa xứ Chân Lạp" nên bà Hoàng Thái Hậu Ngọc Vạn khuyên các con của Cựu vương Préah Outey cầu cứu Chúa Nguyễn, Chúa Thái Tông sai tướng bắt được Nặc Ông Chân. Từ đó,lưu dân Việt đến Đồng Nai, Gia Định rất đông, lấn sang miền Hậu Giang. Họ làm ăn rất sung túc nên bị người Triều Châu ở Bạc Liêu thầm ghen ghét.
Để nhớ ơn người đã mang đất đến cho họ, nhân lập đã lập miếu thờ ở núi Sam (Thất Sơn) tục gọi là "Bà Chúa Xứ" Chân Lạp.
Người ta tạc tượng Bà cao tới 1,25 mét phảng phất văn hoá Bà La Môn (là Đạo của Chetta II). Bà rất linh hiển, phò hộ dân chúng như ngày còn sống nên hằng năm cứ đến ngày 25-4 âm lịch là khách thập phương tụ tập làm lễ "Vía Bà". Đọc hai câu liễn thờ thì thấy rõ quá trình độ dân của Bà :
Cầu tất ứng, thành tất linh, mộng trung chỉ thị.
Xiêm khả kính, Thanh khả mộ, ý ngoại nan lường

(Nguyễn Văn Hầu, Nửa tháng trong miền Thất Sơn, Sai gon, Hương sen 1971)
Vì sự hiện diện của Bà ở đất Chân Lạp mà quân Xiêm lo sợ uy danh Chúa Nguyễn nên không dám xâm lăng, còn người Thanh đây ám chỉ lưu dân Trung Hoa sang ở đất ta (khi Tôn Văn diệt nhà Thanh) rất nể oai danh Bà.
Về sau có nhiều người buôn bán làm ăn ở Bạc Liêu lên miếu Bà thán oán về người Triều Châu (Trung Hoa) làm họ phá sản. Bà đưa đường dân Việt đến xứ nầy, Bà phải bảo vệ họ nên Bà chuyển kiếp vào nhà họ Cao với cái tên Thoại Khiết (1895) tại Tân Hưng, Bạc Liêu, em thứ chín của Cao Triều Phát. Năm 21 tuổi bà lập gia đình với ông Nguyễn Bá Tính, vì không nợ hồng trần nên Bà tuyệt tự và qui Tiên (1920) lúc chưa tròn 25 tuổi.
Bà là Cửu nương Diêu Trì Cung, có phận sự bảo hộ người miền Tây theo đạo mới như Cao Triều Phát. Vùng này có nhiều người theo Đạo và nhiều Chức sắc cao cấp được ân phong. Đó là công đức của Bà Chúa xứ.

THI VĂN DẠY ÐẠO
1. ĐÀN ĐÊM 4-1-1926, ĐỨC CHÍ TÔN DẠY :

"Thầy đã nói A Ă Â là Thầy, còn Cung Diêu Trì là Cung Diêu Trì. Các Thánh đều có quả, ấy là những Đấng Thầy lựa sai đến dạy dỗ mấy con, đừng triệu về thường, vì mỗi người đều có phận sự riêng".
Trước đó (31-12-1925), Đấng A Ă Â giáng dạy :
"Sự nhỏ nhẹ của Thất Nương đó, con bằng mảy mún gì chưa ? Học hỏi sự nhỏ nhẹ ấy.
Sự cao kỳ của Lục Nương, con có đặng mảy mún gì chưa ? Học sự cao kỳ ấy. Sự nhân đức của Nhứt Nương, con có chút đỉnh gì chưa ? Phải học nhân đức của Nhứt Nương.
Tình nghĩa yêu mến của con có bằng Bát Nương không ? Phải học.
Sự kính nhường, ba con bằng Cửu Nương chăng ? Phải học.
Phải học tình nhân ái, trung tín, cứu giúp của Cửu Thiên Nương Nương (tức Phật Mẫu), ba con có đặng như Cửu Thiên Nương Nương chăng? Phải học gương !" ( Nguyễn Thị Hiếu, Đạo sử xây bàn, Tây Ninh 1967, tr.35-36)

2. CỬU NƯƠNG KÍNH TẶNG :
Cửu Thiên mở cửa rước người hiền,
Nương chí dắt dìu khách hữu duyên.
Kính lập công to qui cựu vị,
Tặng tiền phát khởi lập căn nguyên.

(2-9-1942)
3. THƠ VỊNH :
Cô Cửu Nương ống tiêu giục thổi,
Giác ngộ hồn, cãi hối tu thân.
Nghề hay nghiệp giỏi trong trần,
Cũng nhờ Cửu vị tinh thần mở mang.

H.P

 

CHƯƠNG III

ĐỀN THỜ PHẬT MẪU & NGHI LỄ

 


 

TIẾT I

ĐỀN THỜ PHẬT MẪU

Đền thờ Phật Mẫu hiện nay nằm trên đại lộ Phạm Hộ Pháp, chỉ là đền thờ tạm thời. Đền ấy chỉ là Báo Ân Từ (Nhà thờ các bậc anh tài tiền bối).
Đền thờ chính định cất trên khoảng đất rộng 4 mẫu, trước cửa số 1, lộ Bình Dương Đạo. Đền sẽ rộng lớn bằng Đền Thánh vì Ngôi Dương (Đức Chí Tôn) và Ngôi Âm (Đức Phật Mẫu) đồng quyền nhau.
Vào năm Nhâm Thìn (1952) nhân dịp sửa chữa lại Báo Ân Từ (tạm dùng làm nơi thờ Đức Phật Mẫu) , Đức Phạm Hộ Pháp có chỉ cho các thợ hồ công quả đắp các pho tượng sau :
1.Trên hết đắp chơn dung Đức Phật Mẫu cỡi thanh loan.
2. Dưới đắp 9 pho tượng của Cửu Vị Tiên Nương.
3. Liên tiếp đắp 4 vị Nữ nhạc hầu Đức Phật Mẫu là : Đổng Song Thành, Vương Tử Phá, Hứa Phi Yến, An Phát Trinh.
4. Tượng Đông Phương Sóc (Nhà văn hoá đời Hán biết nghe tiếng chim) quì nâng 4 quả đào Tiên.
5. Tượng Đức Cao Thượng Phẩm quì trước sân Hoa Điện Cổ Tự.
Đức Hộ Pháp chỉ dạy về việc đắp chơn dung như sau :
"Hình của Đức Phật Mẫu là đắp theo hình chưng cộ bông Cửu Nương lần đầu tiên vào tháng 8 năm Đinh Hợi. Thầy có chỉ cho Chí Thiện Trạch, Trần Phong Lưu và Tá Lý Kía cất giữ, coi theo đó mà làm mẫu, theosự tích đời Hán Võ Đế bên Tàu, hồi đó mượn bức ảnh của Bà Phối Sư Hương Hiếu.
Đức Phật Mẫu có từ thuở khai thiên do khí Âm Dương tạo thành, có quyền năng vô đối, vô biên, vô lượng, cũng như Đức Chí Tôn, hữu hữu vô vô, nắm trọn bí quyết nhiệm mầu của Càn Khôn Vũ Trụ. Chớ không phải Bí pháp biến thành Thể Pháp do hiện tượng sự tích đời Hán Võ Đế. Đó chỉ là mượn ý tạc hình, chớ Phật Mẫu vốn vô vi".
Đức Phạm Hộ Pháp nói về việc cầu Phật Mẫu của Hán Võ Đế như sau :
"Vào tiết trung thu, 15 tháng 8 năm Ngọ, đầu giờ Tý, vua Võ Đế quì trước chùa thành tâm cầu khẩn. Đúng 12 giờ, thanh loan đáp trước sân Hoa Điện, Vua ra thỉnh Đức Phật Mẫu ngự tại Chánh Điện.
Đức Phật Mẫu dạy 4 Nữ nhạc trao 4 quả đào Tiên cho Hán Võ Đế và Đông Phương Sóc quì rước lộc Việc tạo hình Đức Cao Thượng Phẩm thay cho Hán Võ Đế là Hớn Chung Ly giáng sanh thành lập quốc gia. Kỳ Hạ nguơn nầy, Đức Cao Thượng Phẩm cũng là chơn linh của Hớn Chung Ly tái thế lập thành Quốc Đạo, nên tạo hình Đức Cao Thượng Phẩm thuận hơn".
Còn bức tường phía ngoài, đối diện với các tượng Cửu Vị Nữ Phật, thì Đức Ngài cho tạc hình Nam Bình Vương Phật.
"Chừng nào có đền thờ Phật mẫu thì Thầy cho biết, không gì lạ. Vì Đền Thánh tượng trưng cho Bạch Ngọc Kinh tại thế, có hình Hộ Pháp mặc khôi giáp, thì nơi đền thờ Phật Mẫu, tượng trưng Lôi Âm Tự, lẽ dĩ nhiên tạc hình của Ngài, nhưng không mặc Thiên phục mà chỉ mặc áo cà sa mà thôi".
"Từ lúc đưa tay nắm đạo quyền", Đức Cao Thượng Sanh tiếp tục để hoàn thành kiến thiết cơ bản. Ngài cho xây dựng cửa Chánh Môn, 12 cửa Nội ô Toà Thánh, các Thánh Thất, các Điện thờ Phật Mẫu ở 18 phận Đạo và ở các Châu Tộc xa xôi.
Ngài còn hoài vọng xây Đền Thờ Phật Mẫu nên chấp bút học hỏi, được Bát Nương dạy :
"Nơi nào trong vùng Đạo không là Thánh Địa? Vạn Pháp Cung (sân đình Núi Bà), phần đất gần Hàm phong cạnh cửa số 7 Nội ô, đều có thể xây Đền mới được".
Vì theo ý Ngài, phần đất trước cửa Hoà Viện (số 1) ngày nay nhơn sanh ở dày đặc, khó giải toả, nên Bà Bát Nương giáng dạy như trên và còn cho biết kích thước Đền Thờ mới như sau :
Về kích thước, bằng kích thước Đền Thánh. Về các Đài thì tổng hợp giữa Đền Thánh và Báo Ân Từ, nghĩa là mặt tiền Đền thờ Phật Mẫu giống như Báo Ân Từ, có khác hơn : Đài giữa gọi là Lôi Âm Tự cao bằng lầu chuông, trên đỉnh có 3 vòng Tam Thanh, ngược lại, hai Đài hai bên thì thấp hơn 6 thước, mà hình trụ cụt ( giống như lầu chuông bị cắt ngang, xem hình). Đài bên phải xây vườn Ngạn Uyển hình mặt nhựt, bên trái xây ao Thất Bửu hình mặt nguyệt. Bốn góc có 4 hình trụ, đỉnh hình cầu giống Đền TâjMahal bên Aán Độ. Đền thờ vị Nữ Vương này.
Vườn Ngạn Uyển phải trồng đủ 12 sắc hoa tượng trưng 12 con giáp. Ao Thất Bửu phải cẩn đủ 7 loại báu qúi : Pha Lê, Xà cừ, Châu, Ngọc, Vàng, Bạc, Đồi mồi.
Ở mặt sau, nơi thờ Phật Mẫu, cũng xây Đài Bát Giác như Bát Quái Đài, nhưng gọi là Tạo Hoá Thiên hành khiển "Bát hồn vận chuyển hoá thành chúng sanh", trên đỉnh có tượng Tam Thánh Bạch Vân Động. (bên ngoài Bát giác, bên trong nội tiếp đường tròn, chỉ vòng vô vi xem hình). Vì câu liễn trước Đền Thờ Phật Mẫu là :
BÁT phẩm chơn hồn tạo thế giái hoá chúng sanh vạn vật hữu hình tùng thử ĐAÏO.
QUÁI hào bác ái định càn khôn phân đẳng pháp nhứt thần phi tướng trị kỳ TÂM.

Toàn thể bên ngoài sơn toàn một màu trắng (màu đạo, khi các con về với Mẹ phải mặc đồ toàn trắng), trừ mái ngói sơn màu đỏ, không được vẽ hình gì cả.
Bên trong Đền Phật Mẫu vẫn trần thiết cách thờ như cũ : tạc tượng Phật Mẫu và Cửu Vị Nữ Phật, hai bên thờ các Thánh tử Đạo. Đối diện với tượng Phật Mẫu ( ở ngoài đi vào) là tượng Nam Bình Vương Phật (tức tượng Đức Hộ Pháp mặc áo cà sa).
Từ Nam Bình Vương Phật đến tượng Phật Mẫu phải có 8 bậc tượng trưng Bát Cảnh Cung (Đền Thánh có 9 bậc là Cửu Thiên khai hoá). Trong nội điện có sơn màu như cũ.
Tấm vách sau lưng Nam Bình Vương Phật, phía ngoài tức mặt trước thì tạc tượng "Thiên cơ chuyển hoá" tức lấy sự tích trong 9 bài Cửu mà Hội Thánh Phước Thiện đã vẽ và đã cho xuất bản.
Tóm lại, Đền thờ mới vẫn gọi là Đền Thờ Phật Mẫu, mặt tiền có 3 lầu, cao nhứt là Lôi Âm Tự, hai bên có Ao Thất Bửu và Vườn Ngạn Uyển.
Tấm vách dưới Lôi Âm Tự có tạc tượng " Thiên cơ chuyển hoá" (chỗ mà Đền Thánh tạc tượng Tam Thánh). Cung thờ Phật Mẫu gọi là Tạo Hóa Thiên, đối diện với tượng Phật Mẫu là tượng Nam Bình Vương Phật.
Sau đó Đức Thượng Sanh giải thích thêm :
Khi Đền Thờ Phật Mẫu cất xong, việc thờ phượng dời đến cơ sở mới thì Báo Ân Từ được sắp xếp lại cho đúng chơn truyền. Chỗ cũ thờ Đức Phật Mẫu, đắp một quả Địa cầu sơn màu xanh, trên có đắp hình nước Việt Nam theo chiều dài sơn màu vàng. Tất cả nằm trên nền trắng hình chữ nhựt. Ở dưới thờ bằng bài vị hoặc bằng hình ( không đắp tượng) các Hiền triết, các nhà bác học, các bậc vua chúa có công với đời. Vì tất cả chúng sanh đều do Đức Chí Tôn phân tánh giáng sanh, tuy họ có lập trường, có chủ nghĩa khác nhau, đó chỉ là luật mâu thuẫn để tiến hoá, như có kẻ ác mới rõ người thiện, không có đấu tranh thì xã hội không tiến bộ. Bên trên nền trắng đề 4 chữ màu đỏ : "ĐAÏI ĐỒNG CHI PHÁP". Đó là tôn chỉ của Đạo Cao Đài : Đại Đồng thế giới do luật pháp Thiên điều qui định.
Bên gian trái, trên nền trắng đề 4 chữ : "HẢI NGOAÏI CHI THẾ" để thờ chơn linh các bậc Thánh nhân, hiền triết anh hùng nước ngoài, các chức sắc Chi Thế cũng được thờ ở đây khi qui vị.
Bên gian phải, trên nền trắng đề 4 chữ Hán : "QUỐC NỘI CHI ĐAÏO",đó là mục đích của Đức Chí Tôn lập nền Quốc giáo. Gian nầy thờ các chiến sĩ vô danh, các anh hùng hào kiệt nước Việt Nam. Các chức sắc vì Đạo cũng được thờ ở đây khi qui vị.
Báo Ân Từ là nơi vẫn trần thiết các lễ từ trước tới nay thuộc quan, hôn, tang, tế hoặc các ngày giỗ chung v…v…
Tóm lại, Đạo có ba chi : Đạo, Pháp và Thế. Đắc thế, đắc pháp, đắc đạo, việc nào cũng được nhơn sanh kính trọng như lời dạy của Đức Phật Mẫu (xem lại chương I, phần Thi văn dạy đạo), nên những nhân vật lừng danh đều phải được nhơn loại đền ơn đáp nghĩa để noi theo cái gương cao cả và hành động tốt lành của các bậc hiền triết, chơn nhơn mà đắc quả tại thế gian.



TIẾT II

MỘT SỐ NGHI TIẾT
TAÏI ĐỀN THỜ PHẬT MẪU ĐỊA PHƯƠNG

Cách lập đàn :

Chư Thiện tín đến chầu lễ Đức Phật Mẫu nơi Điện thờ Phật Mẫu địa phương phải đến trước giờ hành lễ, sắp hàng trước sân Điện thờ Phật Mẫu.
- Đến giờ, Lễ vụ kệ chuông nhứt :
Văn chung khấu hướng huệ trưởng Càn khôn
( dộng một tiếng chuông)
Pháp giái chúng sanh đồng đăng bỉ ngạn.
(dộng một tiếng chuông)
Aùn Dà Ra Đế Dạ Ta Bà Ha .
(dộng một tiếng chuông)
- Khi kệ chuông nhứt dứt, tất cả sắp hàng tuần tự, tay bắt ấn tý để trước ngực, đi vào chánh điện, phân làm ba ban : phía trong nhìn ra, phái nữ vào căn giữa và căn bên hữu, phái nam vào căn bên taû đứng hầu.
- Lễ xướng : "TỊNH TÚC THỊ LẬP " tất cả đứng lên trang nghiêm yên lặng.
- Lễ xướng : "CHẤP SỰ GIẢ CÁC TƯ KỲ SỰ", Chư vị có trách nhiệm trong Đàn phải chuẩn bị lo phận sự.
- Lễ Vụ kệ chuông nhì :
Nhứt vi u ám tất giai văn .
(dộng một tiếng chuông)
Nhứt thiết chúng sanh thành chánh giác
(dộng một tiếng chuông)
Aùn Dà Ra Đế Dạ Ta Bà Ha
(dộng một tiếng chuông)
- Lễ xướng : "CUNG THÀNH THỨ TỰ NAM NỮ NHẬP ĐÀN" , Lễ vụ khắc ba tiếng chuông, tất cả xá Đàn bước vào vị trí hành lễ, hướng vào bàn thờ Đức Phật Mẫu, chờ nhạc tấu Huân-Thiên.
- Khi nhập Đàn cúng Đức Phật Mẫu thì tay bắt ấn tý xá ba xá, quì xuống, để tay lên trán, niệm :
- NAM MÔ DIÊU TRÌ KIM MẪU VÔ CỰC THIÊN TÔN.
- NAM MÔ CỬU VỊ TIÊN NƯƠNG.
- NAM MÔ BAÏCH VÂN ĐỘNG CHƯ THÁNH.
Mỗi câu xá xuống một xá, đủ 3 xá rồi thì để tay ấn tý nơi ngực mà đọc kinh.
Khi Đồng nhi tụng dứt bài kinh : Niệm hương, Phật Mẫu Chơn kinh, dâng hoa, dâng Rượu, dâng Trà, Sớ văn, Ngũ nguyện đều lạy 3 lạy, mỗi lạy 3 gật , mỗi lần gật niệm : "Nam mô Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn".
Khi dâng Tam Bửu cũng nguyện như tại Thánh Thất, nhưng thay vì "dâng cho Đức Chí Tôn", thì tại Điện thờ Phật Mẫu " dâng cho Đức Phật Mẫu".
Sau phần Ngũ nguyện, chư vị quì cúng, lạy xong đứng dậy thì chư thiện tín nam nữ già yếu vào bái lễ Đức Phật Mẫu theo sự sắp đặt của Ban trật tự Đàn cúng, khi bái lễ không cầu viện chỉ niệm :
- Nam mô Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn.
- Nam mô Cửu vị Tiên Nương.
- Nam mô Bạch Vân Động Chư Thánh.
Lạy 3 lạy, mỗi lạy 3 gật, mỗi gật niệm " Nam mô Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn". Gật 9 lần niệm 9 lần.
Chờ bái lễ xong, đứng phân ban Nam Nữ nghiêm chỉnh Nghi lễ kệ 3 câu chú :
- Đàn tràng viên mãn Chức sắc qui nguyên
Vỉnh mộc từ ân phong điều võ thuận.

(dộng một tiếng chuông)
- Thiên phong hải chúng Quốc thới dân an.
Hồi hướng đàn đường tận thâu pháp giái.

(dộng một tiếng chuông)
Aùn dà ra Đế Dạ Ta Bà Ha.
(dộng một tiếng chuông)
Sau rốt, Nghi lễ khắc 3 tiếng chuông bãi Đàn.
Khi bãi Đàn, đồng đạo tuần tự theo hàng đi ra như nhập Đàn, không tẻ hàng qua lại bái lễ nơi Bàn thờ Tả ban. Muốn bái lễ những nơi này thì phải chờ mọi người tuần tự ra hết rồi mình mới trở vào bái lễ cho khỏi trở ngại.
Thường ngày, sau những thời cúng nơi Điện thờ Phật Mẫu, đồng Đạo có tụng kinh Di Lặc, kinh Cứu khổ để cầu nguyện cho chúng sanh và chư Chơn Linh quá vảng. Mặc dù sau mỗi bài kinh đều có tụng câu chú của Thầy 3 lần : "NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG BỒ TÁT MA HA TÁT", nhưng khi lạy Đức Phật Mẫu thì phải niệm : "NAM MÔ DIÊU TRÌ KIM MẪU VÔ CỰC THIÊN TÔN".
Căn cứ lới phê của Đức Hộ Pháp năm Tân Mão (1951) nơi Điện thờ Phật Mẫu địa phương không được tổ chức lễ HỘI YẾN DIÊU TRÌ CUNG . Nguyên văn lời phê như sau :
"HỘI YẾN DIÊU TRÌ CUNG là lễ đặc biệt Hiệp Thiên Đài chủ quyền và chỉ làm tại Đền Thờ Phật Mẫu tại Toà Thánh mà thôi, không nơi nào có phép làm lễ ấy. Nếu sái lịnh sẽ bị trừng phạt một cách nghiêm khắc".

ĐỨC HỘ PHÁP GIẢI NGHĨA

"PHẬT MẪU CHƠN KINH"
Trên Cửu Long Đài, trước Báo Ân Từ hồi 4 giờ rưỡi ngày 15 tháng 8 Đinh Hợi.


"Tạo Hoá Thiên huyền vi Thiên Hậu"
"Chưởng Kim Bàn Phật Mẫu Diêu Trì"

Tùng Trời Tạo Hoá Thiên, có vị cầm quyền năng tạo đoan gọi là Thiên Hậu. Nắm cả Kim bàn, tức là nắm đẳng cấp Thiêng liêng điều khiển các chơn linh, là Phật Mẫu Diêu Trì.
Bên Á Đông người ta thường kêu Phật Mẫu là Mẹ sanh, thờ bằng cốt tượng; cũng nhờ Cửu vị Tiên nương truyền bá, còn lưu lại ngày nay là bọn đồng cốt; nhờ đồng cốt mà cả Á Đông đều biết Phật Mẫu là Mẹ sanh của nhơn loại.
"Sanh quang dưỡng dục quần nhi"
Lấy khí sanh quang (fluide de vitalité) nuôi nấng con cái của người.
"Chơn linh phối nhứt thân vi Thánh hình"
Chơn linh của Chí Tôn cho ta hiệp với hình hài lập ra thân thể ta, gọi là phách hay vía, khi thoát xác chơn linh ấy xuất ngoại.
"Thiên Cung xuất vạn linh tùng Pháp"
Do nơi Thiên cung mà ra vạn loại, tức nhiên vạn vật đều tùng quyền Pháp Thiên Cung mà sanh.
"Hiệp Âm Dương hữu hạp biến sanh".
Lấy Âm Dương khí hòa hiệp nhau biến hóa ra vạn vật.
"Càn khôn sản xuất hữu hình"
Có Càn khôn là có Âm dương Phật Mẫu biến ra hình thể của vạn linh.
"Bát hồn vận chuyển hoá thành chúng sanh"
Trong Bát hồn kể Kim thạch hồn, thảo mộc hồn, thú cầm hồn, nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn, Phật hồn, do trong kim bàn của Phật Mẫu vận chuyển hoá ra bát đẳng cấp chúng sanh.
"Cọng vật loại huyền linh đồ nghiệp".
Hiệp cả thảy các huyền linh của loài vật hữu sanh cọng lại làm đại nghiệp của mình, mở một con đường đặng lập vị cho nhau.
"Lập Tam Tài định Kiếp hoà căn"
Tới Tam Tài trên kể xuống là Thiên , Địa, Nhơn, dưới kể lên Người, Đất, Trời, Phật Mẫu định kiếp căn của mọi người đã sanh ở cõi trần này.
"Chuyển luân định phẩm Cao thăng".
Do sự luân hồi chuyển kiếp của chúng ta, Phật Mẫu định phẩm vị cho chúng ta cao thăng. Sanh ra đặng trả quả kiếp ở thế gian theo luật nhơn quả, sanh ra đặng lập nghiệp đoạt vị cũng có, mượn kiếp hữu sanh này lập vị cao thăng cũng có.
"Hư vô Bát quái trị Thần qui nguyên"
Lấy khí hư vô dựng lò Bát quái để đem linh hồn của chúng ta về nguyên căn "Phật Mẫu có đủ quyền hành đem cả thần hồn chúng ta lại cho Chí Tôn.
" Diệt tục Kiếp trần duyên oan trái"
Phật Mẫu định cho ta trả nợ oan trái ở trần gian Phật Mẫu có quyền sửa cải kiếp luân hồi, cho ta đái công thục tội.
"Chưởng Đào Tiên thủ giải trường tồn"
Nơi Diêu Trì cung, Phật Mẫu trụ sanh quang lại làm một khối, gọi là quả Đào Tiên, đủ sự sống vĩnh cửu nơi cõi hư linh, sẽ phát cho chúng ta dùng cho rõ hiểu pháp trường sanh.
" Nghiệp hồng vận tử hồi môn"
"Chí Tôn định vị vĩnh tồn Thiên cung"

Công nghiệp lớn của Phật Mẫu là đem ta trở về cựu vị là cửa trời.
"Chủ Âm Quang thường tùng Thiên mạng"
"Độ chơn thần nhứt vãng nhứt lai"

Chủ quyền máy Âm Dương, chia ranh Địa ngục với Thiên đàng tùng mạng lịnh của Chí Tôn. Phật Mẫu gìn giữ chơn hồn của chúng ta, đem ta đến đem ta về.
"Siêu thăng Phụng Liễn Qui Khai"
Siêu thăng thì ta nhờ cái xe tiên là xe Phụng liễn mà mở cửa đi về.
"Tiên Cung Phật Xứ Cao Đài Xướng Danh"
Về nơi cung Tiên Xứ Phật, Đức Cao Đài kêu danh hiệu (đều phải nhờ quyền năng của Phật Mẫu độ rỗi chúng ta).
"Hội Ngươn hữu Chí linh huấn Chúng"
Thượng Ngươn qua Trung Ngươn qua Hạ Ngươn. Nay Hạ Ngươn Tam chuyển hầu diệt bắt đầu Thượng Ngươn Tứ chuyển có Chí Tôn đến giáo hoá chúng sanh.
"Đại Long Hoa nhơn chủng hoà ki"
Đại Long Hoa đã tiên tri là hội ân xá các đẳng chơn hồn; không phân chia chủng tộc, nòi giống hiệp nhau về một gốc (chỗ nguyên lai).
"Tam Kỳ Khai hiệp Thiên Thi"
"Khoa môn Tiên vị ngộ Kỳ Phật duyên"

Đạo Tam Kỳ khai giáo đúng với Thiên Thơ tiền định, để mở hội thi lên ngôi Tiên cho kẻ có duyên với Phật.
"Trung khổ hải độ thuyền Bát nhã"
"Phước Từ Bi giải quả trừ căn"

Phật Mẫu đem thuyền Bát Nhã vào biển khổ đặng độ nhơn sanh ra khỏi trần ai.
"Hươn hồn chuyển đoạ vi thăng"
Hườn hồn cho cả chúng sanh bị tiêu hủy được phục siêu sanh cải đọa lạc ra siêu thăng.
"Cửu Tiên hồi phục Kim Bàn chưởng âm"
Cửu Vị Tiên Nương trở lại thì Phật Mẫu Kim bàn chưởng quản bầy âm linh.
"Thập Thiên can bao hàm vạn tượng"
"Tùng Địa chia hoá trưởng Càn khôn"

Mười Thiên can là: Giáp, Aát, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quí hiệp với 12 Địa chi là : Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi mà biến hoá ra hình tượng bao la Càn khôn Thế giái, làm cho Thế giái rộng lớn thêm lên.
"Trừng hườn phục vị Thiên môn"
Cho trở lại quê xưa vị cũ là về nơi cửa Trời.
"Ngươn linh hoá chủng quỉ hồn nhứt thăng"
Các Huyền linh biến hóa ra nhiều quỉ hồn cũng được siêu thăng, được đi chung đường với Thần, Thánh, Tiên, Phật mà phục vị.
"Vô siêu đoạ quả căn hữu pháp"
Không siêu thăng, không đoạ lạc căn quả đều có phép luật định.
"Vô khổ hình nhơn kiếp lưu oan"
"Vô địa ngục vô quỉ quan" Không còn khổ hình của kiếp làm người Phật Mẫu diệt liệu cũng không để còn oan nghiệt, không còn Địa ngục cũng không còn chỗ nhốt quỉ hồn. Quỉ quan là cai ngục nhốt các hồn quỉ, là nơi giam cầm hình phạt khổ sở các quỉ hồn.
"Chí Tôn đại xá nhứt trường qui nguyên"
(Vì chữ Đại xá nên Đạo Cao Đài gọi là 3è Amnistie de Dieu en Orient ) Chí Tôn ân xá tội tình, đem tất cả con cái của Ngài về hiệp cùng Ngài.
"Chiếu nhũ lịnh Từ Huyên thọ sắc"
"Độ anh nhi nam bắc đông tây"

Chiếu theo lịnh dạy của Đức Chí Tôn, Từ Huyên là mẹ sanh của chúng ta thọ sắc độ rỗi vạn linh tứ hướng tức là con cái của Người không bỏ sót một ai.
"Kỳ Khai tạo nhứt Linh Đài"
"Diệt hình tà pháp cường khai Đai Đồng"

Khai Đạo Tam Kỳ, kỳ nầy đặng tạo Linh Đài là cái tâm linh cho con người có đủ quyền năng tiêu diệt tà pháp đặng đem nhơn loại đến Đại Đồng một cách mãnh liệt.
"Hiệp vạn chủng nhứt môn đồng mạch"
Hiệp nhơn sanh lại một nhà chung một Đạo, Đạo sẽ duy nhứt vạn loại sẽ là một khối, không phân biệt quốc gia chủng tộc, Tôn giáo, ngày nào được như vậy là ngày đó được hoà bình thế giới (La religion sera une, le monde sera un, l'humanité sera une, une en nation, en race et en religion).
"Qui Thiện lương quyết sách vận trù"
Phật Mẫu vẫn lo lắng liệu định kế hoạch đặng đem cái bản tánh tốt đẹp của con người về. Con người ở trần thế vì vật dục mà tán tận thiện lương.
"Xuân thu, Phất chủ, Bát vu"
"Hiệp qui Tam Giáo hữu cầu Chí Chơn"

Lấy biểu hiện của Tôn giáo, như sách Xuân thu của Đạo Thánh, Phất chủ của Đạo Tiên và Bát vu của Đạo Phật, gom góp cả ba giáo lại làm một, để tìm cho ra chơn pháp.
"Phục nguyên nhơn hườn tồn Phật tánh"
"Giáo hoá hồn hữu hạnh hữu duyên"

Đem Phật tánh lại cho các bậc nguyên nhân, nguyên nhơn là các chơn hồn Chí Tôn sai xuống trần gian đặng độ chúng sanh, nhưng họ mê luyến hồng trần nên Chí Tôn đem Phật tánh phổ hoá cho họ nhớ mà trở lại quê xưa, Phỏng định (100) một trăm ức nguyên nhơn, Phật Tổ độ đặng 6 ức, Lão Tử 2 ức, còn lại 92 ức vẫn còn đoạ lạc, Phật Mẫu đến giáo hoá cho họ được hạnh phúc nhân duyên mà qui hồi cựu vị.
"Trụ căn quỉ khí cửu tuyền"
"Quảng khai Thiên thượng tạo quyền chí công"

Cả quỉ hồn Phật Mẫu trụ nó lại ở nơi cửu tuyền đài, rồi mở rộng cửa Trời, đặng thật hành quyền chí công bình của Trời.
"Lịnh Mẫu Hậu khai tông định đạo"
Mẫu Hậu là Diêu Trì Kim Mẫu hay là Thiên Hậu Thánh Mẫu, Đức Chí Tôn hạ lịnh cho Ngài đến mở Tôn giáo định Đạo cứu chúng ta.
"Ân dưỡng sanh đảm bảo hồn hài"
"Càn khôn Tạo hoá sánh tài"

Đã sanh lại dưỡng đặng đảm bảo hình hài thì ơn ấy quá trọng, sánh bằng cái công tạo hoá ra càn khôn thế giới.
"Nhứt triêu nhứt tịch kính bài mộ khang"
Mỗi buổi mơi buổi chiều chúng ta đến thăm viếng Đức Mẹ như Từ thân chúng ta vậy. Mộ khang là đến thăm viếng buổi chiều để vấn an Đức Mẹ đó vậy.
"Nam mô Diêu Trì Kim Mẫu Tạo Hoá Huyền Thiên cảm bái"
"Nam mô Đại Từ Bi năng hỉ xả, Thiên Hậu Chí Tôn Đại Bi Đại Aùi".

Chúng con vái lạy người cầm quyền năng tạo cả Càn Khôn Thế Giái gọi là Thiên Hữu Chí Tôn là Đức Diêu Trì Kim Mẫu xin Ngài từ bi bác ái vui lòng xá tội cho chúng ta.
Theo bí pháp chơn truyền của cơ sanh hoá phải có đủ âm dương trong sanh quang chúng ta có điện quang Positif và négatif cũng như vạn vật có trống mái, nền Tôn giáo nào cũng có đủ Âm dương thì mới vĩnh cửu trường tồn.
Như Đức Chúa Jésus ngày trước bị đóng đinh trên cây Thánh giá, đầu trở lên trên gọi Dương, còn ông Thánh Pierre là đệ nhứt tông đồ bị đóng đinh trở đầu ngược xuống dưới gọi là phần Âm. Âm Dương tương hiệp đúng theo bí pháp nền Đạo Thánh lưu truyền (2000) hai ngàn năm không ai dùng quyền gì tiêu diệt đặng.
Chí Tôn có sai con của Người đến lập Đạo như Thích Ca, Jésus, Khổng Tử v..v… Thời kỳ nầy Người đã xuất nguyên linh của Người đến dạy dỗ chúng ta, thì tưởng điều ấy trọng yếu hơn hết.
Khi mở đạo Cao Đài Chí Tôn định cho Phật Mẫu đến giáo đạo cho chúng ta, bảo trọng nuôi nấng, dạy dỗ chúng ta thì không ơn đức nào bằng, vì không ai biết thương con muốn cho con nên người, bảo trọng binh vực con hơn Mẹ.
Phật Mẫu đến cầm quyền lập Đạo xong rồi giao lại cho Chí Tôn, Phật Mẫu là chủ Âm Quang, Chí Tôn là chủ Dương Quang, Âm Dương tương hiệp. Đạo Cao Đài nương theo năng lực của hai khối Âm Dương đó, hễ đối với năng lực tạo ra Càn Khôn Thế Giái thế nào, thì Đạo Cao Đài ngày kia sẽ có năng lực như thế đó.



CỬU VỊ TIÊN NƯƠNG GIÁNG THI

1.Nhẫng ngồi giữ Huỳnh hoa Ngạn Uyển
Mà quên nghe vẳng tiếng vãng sanh
Dọn đường lều cỏ chòi tranh
Tay nương chiếc gậy một mình trông vơi.
2.Trông động cũ màu trời biến sắc
Trông cung Nga thiếu mặt từ quân
Trông xa đảnh Thánh non Thần
Trông đền Ngọc khuyết vạn phần Thiên lương.
3.Nay đầm ấm con đường hạnh phúc
Cõi phong trần gội chút hồng ân
Tiêu diêu phai lợït mùi trần
Tỉnh say giọt nước trắng ngần tẩy mê.
4.Tưởng tròn phận tô xuê đảnh Việt
Nương thuyền từ cứu tuyệt bi ai
Đường quê vào thấy Thiên thai
Công trình lập dựng văn đài chí công
5.Mở rộng cửa đại đồng vạn chủng
Khai nẻo sanh cứu sống nhơn gian
Trị tâm mở cửa song quang
Khai đường Cực Lạc, mở đường Lôi Âm
6.Đưa gương rạng Quan Âm dẫn thế
Diệt mê hồn tồi tệ nghiệt căn
Cam lồ rửa sạch phong trần
Gương xưa để bước lên lần cảnh thăng
7.Nào dè phép qủi toan cải chánh
Mượn quyền yêu so sánh Chí Linh
Đem thân lữ thứ làm binh
Cầm gươm huệ chặt tan tành cung thương.
8.Hỡi nào kẻ đảm đương việc Đạo
Hỡi những trang nóng máu anh phong
Ngôi Thiên để dựa bóng hồng
Phục hưng cơ nghiệp con Rồng cháu Tiên.
9.Gầy đại nghiệp tổ tiên ngày trước
Dựng miếu đường hưởng phước tự do
Mãng trông bến cũ đưa đò
Chơn quân Lương tể dựng cờ vinh phong.